Giao lưu trực tuyến: Nâng cao kiến thức pháp luật Lao động và pháp luật Bầu cử
Buổi Giao lưu trực tuyến nhằm thiết thực chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; tuyên truyền về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân, đặc biệt là công nhân, viên chức, lao động trong việc tham gia bầu cử. Cuộc Giao lưu trực tuyến cũng nhằm trang bị, nâng cao kiến thức pháp luật về lao động cho đoàn viên, người lao động và người sử dụng lao động, qua đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
Đại biểu tham dự buổi giao lưu. |
Đến dự buổi Giao lưu trực tuyến có các đại biểu: Ông Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Bá Châu - Uỷ viên Ban Thường vụ, Chánh văn phòng Liên đoàn Lao động Thành phố; ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; bà Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; bà Nguyễn Thị Lan Anh - Huyện uỷ viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ.
Đặc biệt, tham gia buổi Giao lưu trực tuyến có gần 300 đại biểu là cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động huyện Phúc Thọ.
Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động có các chuyên gia: Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Văn Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội và ông Trần Triệu Bằng - Báo cáo viên pháp luật Sở Tư pháp thành phố Hà Nội.
Công nhân, viên chức, lao động sát khuẩn tay trước khi vào hội trường buổi giao lưu. |
8h55: Đại diện lãnh đạo đơn vị tổ chức phát biểu khai mạc buổi Giao lưu
Phát biểu tại buổi Giao lưu trực tuyến, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết, thực hiện chỉ đạo của Liên đoàn Lao động Thành phố về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hôm nay, báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nâng cao kiến thức pháp luật lao động, pháp luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân”.
Đây cũng là hoạt động thiết thực của Báo Lao động Thủ đô, Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ nhằm chào mừng kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), ngày Quốc tế Lao động (1/5), hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2021 và hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc buổi Giao lưu trực tuyến. |
Ông Bình cũng cho biết, mục đích của buổi Giao lưu trực tuyến nhằm trang bị, cập nhật tới đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và cả người sử dụng lao động những kiến thức pháp luật trong lĩnh vực lao động, nhất là những chế độ, chính sách liên quan tới người lao động được điều chỉnh tại Bộ luật Lao động năm 2019 vừa có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021 này. Qua đó, góp phần sớm đưa chính sách pháp luật đi vào thực tiễn cuộc sống.
“Chúng tôi cũng mong muốn được giải đáp, tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật về lao động, các chế độ, chính sách đối với người lao động như: tuổi nghỉ hưu, chế độ thai sản, bảo hiểm xã hội, tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi… để mỗi bên: người lao động - người sử dụng lao động hiểu rõ hơn, tự đánh giá, nhìn nhận những mặt được hoặc còn tồn tại từ đó có những điều chỉnh phù hợp để xây dựng quan hệ lao động hài hòa.
Đặc biệt, ở thời điểm này, khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, với vai trò và trách nhiệm của mình, báo Lao động Thủ đô, Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ mong muốn thông qua buổi giao lưu trực tuyến này để tuyên truyền sâu rộng đến công nhân, viên chức, lao động về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử, về những nội dung chủ yếu của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, góp phần làm cho ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội của toàn dân”, ông Bình nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ phát biểu tại buổi Giao lưu trực tuyến. |
Phát biểu tại buổi Giao lưu trực tuyến, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ cho biết, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Liên đoàn Lao động Thành phố, sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Phúc Thọ, phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động của các cấp công đoàn huyện Phúc Thọ đã đạt nhiều thành tích xuất sắc, khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị của huyện.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ cũng nhận định, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động, đoàn viên công đoàn và người sử dụng lao động là rất cần thiết, qua đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền bầu cử trong các cấp công đoàn huyện cũng góp phần tích cực vào việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
“Để công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động, Luật Công đoàn, pháp luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp có hiệu quả thiết thực, đúng như mục tiêu đặt ra, tôi đề nghị các đồng chí cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động có mặt tại hội nghị hôm nay hãy thẳng thắn, mạnh dạn nêu nhiều câu hỏi. Đó có thể là những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc để hiểu rõ, hiểu kỹ và thực thi tốt chính sách pháp luật. Đồng thời, mong muốn các chuyên gia sẽ trang bị thông tin đầy đủ, thiết thực nhất về những chính sách liên quan đến công chức, viên chức, lao động, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026”, bà Nguyễn Thị Lan Anh bày tỏ.
9h10: Các chuyên gia giải đáp câu hỏi của người lao động
Lãnh đạo thành phố Hà Nội, báo Lao động Thủ đô, huyện Phúc Thọ tặng hoa các chuyên gia. |
Chị Nguyễn Thị Thu Hương (Chủ tịch Công đoàn Trường Trung học cơ sở Tích Giang): Xin chuyên gia cho biết cách tính lương cho giáo viên đã được xét thăng hạng giáo viên mầm non từ hạng 3 lên 2; từ hạng 4 lên 3? Nếu chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ tính lương như thế nào? Nếu đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ tính lương như thế nào? Nếu tổng hệ số lương và phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ngạch cũ lớn hơn bậc cuối trong ngạch mới sẽ được tính lương như thế nào?
Chuyên gia Luật sư Nguyễn Văn Hà: Đầu tháng 2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 4 thông tư số: 01, 02, 03, 04 có hiệu lực từ 20/3/2021. Nội dung điều chỉnh của thông tư là về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập ở các cấp.
Bên cạnh việc điều chỉnh lại bằng cấp và chứng chỉ với giáo viên, các thông tư này cũng đề cập đến vấn đề rất mới và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của giáo viên là tăng lương. Các mức tăng cụ thể: Với giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông mức tăng dao động trong khoảng là 2,34 đến 6,78 (trước đây là 2,1 đến 6,36); với giáo viên tiểu học mức tăng mức tăng dao động trong khoảng 2,34 đến 6,78 và giáo viên mầm non mức tăng dao động trong khoảng 2,1 đến 6,38. Tính trung bình, mức lương của giáo viên từ cấp mầm non đến trung học phổ thông đều tăng, trong khoảng 5-7% so với trước đây.
Bên cạnh đó, đối với bậc mầm non và giáo viên tiểu học theo quy định mới hiện nay sẽ không còn phân hạng giáo viên hạng 4 nữa. Điều này cũng sẽ có liên quan trực tiếp đến chế độ lương của giáo viên.
Chị Nguyễn Thị Nga (Trường Trung học cơ sở Phụng Thượng): Việc bỏ phiếu bầu cử được tiến hành theo nguyên tắc nào? Cử tri có được nhờ người bỏ phiếu hộ hay không?
Chuyên gia Trần Triệu Bằng: Tại Điều 7 của Hiến pháp năm 2013 và Điều 1 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo các nguyên tắc sau: Nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. 4 nguyên tắc bầu cử này sẽ đảm bảo hoạt động bầu cử được diễn ra an toàn, công bằng, bình đẳng và minh bạch.
Về tính phổ thông: Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên tính đến ngày bầu cử đều có quyền đi bầu cử (trừ những trường hợp đang thụ án, bị tước quyền công dân). Về tính bình đẳng: Nguyên tắc bầu cử bình đẳng theo pháp luật Việt Nam có hai nội dung là sự bình đẳng giữa các cử tri và sự bình đẳng giữa các ứng cử viên. Khi đi bầu cử, mỗi cử tri có một lá phiếu và giá trị của mỗi lá phiếu là như nhau đối với việc xác định kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử. Tính trực tiếp: Công dân phải tự mình bỏ phiếu, không được phép đi bầu cử thay, bầu cử hộ. Cuối cùng, bỏ phiếu kín: Tức là khi viết phiếu không được phép nhìn, quay, ghi hình…
Về câu hỏi, cử tri có được cử người đi bầu cử thay hay không, theo nguyên tắc, việc bầu cử được tiến hành theo nguyên tắc trực tiếp. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở của cử tri để cử tri nhận phiếu và bầu; nếu không tự mình viết được phiếu bầu thì được phép nhờ người khác viết hộ, nhưng cử tri phải tự bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Theo nguyên tắc bầu cử trực tiếp thì cử tri phải tự mình viết phiếu và tự bỏ lá phiếu của mình vào hòm phiếu để lựa chọn người đủ tín nhiệm làm đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội có quy định tạo điều kiện cho những cử tri do ốm đau, tàn tật, già yếu mà không thể tự viết phiếu bầu thì có thể nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu. Người viết phiếu hộ phải bảo đảm tuyệt đối giữ bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì tàn tật không thể tự bỏ phiếu thì được phép nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Chị Nguyễn Thị Nga (Trường Trung học cơ sở Phụng Thượng) đặt câu hỏi. |
Chị Khuất Thị Lợi (Chủ tịch Công đoàn Công ty Xây dựng Năm Thức): Được biết Ủy ban mặt trận Tổ quốc có vai trò kiểm tra giám sát việc bầu cử, vậy việc kiểm tra giám sát có những nội dung gì?
Chuyên gia Trần Triệu Bằng: Một là, giám sát việc thành lập và hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử (nhất là ở địa phương) phải bảo đảm đúng pháp luật.
Hai là, giám sát việc giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân và thủ tục làm hồ sơ ứng cử; giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử.
Ba là, giám sát việc lập danh sách cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về danh sách cử tri và việc niêm yết danh sách những người ứng cử; việc xóa tên người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Bốn là, giám sát việc vận động bầu cử, giám sát việc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử vận động bầu cử.
Năm là, giám sát trình tự bầu cử, thể thức bỏ phiếu trong ngày bầu cử như: Giám sát việc lập thẻ cử tri có đúng mẫu quy định không, việc bố trí khu vực bỏ phiếu ra sao; giám sát việc kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử.
Chị Khuất Thị Lợi (Công ty Xây dựng Năm Thức) đặt câu hỏi. |
Chị Nguyễn Thị Thanh Hiền (Trường Mầm non Liên Hiệp): Xin chuyên gia cho biết, tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội được quy định như thế nào? Đại biểu Quốc hội bị bãi miễn khi nào?
Chuyên gia Trần Triệu Bằng: Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội thì cần phải có 6 tiêu chuẩn sau đây: Thứ nhất, phải trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thứ hai, là đại biểu Quốc hội thì chỉ được phép có một quốc tịch Việt Nam không được phép có quốc tịch khác. Thứ ba, đại biểu phải có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Thứ tư, đại biểu phải có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Thứ năm, đại biểu phải có liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
Tiêu chuẩn cuối cùng là người ứng cử đại biểu phải có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Tham gia buổi giao lưu có gần 300 đại biểu là cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động huyện Phúc Thọ. |
Anh Nghiêm Xuân Hữu (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Hữu Hùng): 1, Trong việc cắt giảm và thu hẹp sản xuất, đối với những người ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì chế độ được hưởng như thế nào?
2, Theo Điều 42 của Bộ luật Lao động, khi thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này. Vậy xin hỏi: “Nhiều người lao động” ở đây trong Bộ luật Lao động xác định là bao nhiêu?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Đối với câu hỏi thứ nhất, tôi xin trả lời như sau: Trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa thì doanh nghiệp được phép cắt giảm lao động. Tuy nhiên, khi cắt giảm lao động, doanh nghiệp cần phải xây dựng phương án sử dụng lao động, tham vấn ý kiến của công đoàn rồi mới công bố cho người lao động biết và gửi lên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Sau 30 ngày doanh nghiệp có thể thực hiện phương án cắt giảm.
Về chế độ của người lao động: Có 2 chế độ chính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc và các chế độ quyền lợi quy định trong Thỏa ước lao động tập thể (nếu có).
Đối với câu hỏi thứ hai, tại doanh nghiệp có 2 người lao động bị ảnh hưởng tới việc làm trở lên sẽ phải xây dựng phương án sử dụng lao động. Khi xây dựng phương án thì phải có sự tham gia của công đoàn cơ sở và phải báo cáo lên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Ông Lương Đình Luyện (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng): 1. Công ty có người lao động đến làm việc quá 6 tháng mà chưa ký hợp đồng lao động thì có vi phạm không?
2. Công ty tôi có nhiều người lao động cư trú tại nhiều địa phương khác nhau nhưng đến ngày bầu cử không về được thì phải giải quyết như thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: câu hỏi thứ nhất anh hỏi, Bộ luật Lao động năm 2019 có điểm mới là chỉ có 2 loại hợp đồng lao động là hợp đồng xác định thời hạn và không có thời hạn. Theo nguyên tắc, là người lao động đến làm việc phải được xác nhận bằng hợp đồng lao động. Nếu làm việc từ 3 tháng trở lên mà người sử dụng lao động và người lao động vẫn không ký hợp đồng lao động thì doanh nghiệp phải chịu xử phạt. Do vậy, trong trường hợp anh hỏi đã quá 6 tháng thì phải chịu xử phạt hành chính.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hiền (Trường Mầm non Liên Hiệp) đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Trần Triệu Bằng: Với câu hỏi thứ 2, trong Luật Bầu cử đã quy định, danh sách cử tri không được ghi tên, xóa tên, bổ sung tên vào danh sách cử tri...
Cử tri là người đăng ký tạm trú dưới 12 tháng thì sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi tạm trú (trong trường hợp đã đăng ký với Tổ bầu cử).
Trong thời điểm trước 24h mà cử tri không về được nơi cư trú thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu.
Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác".
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Kiều Thanh Hùng tặng quà cho công nhân, viên chức, lao động. |
Chị Trần Thị Hợp (Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Tam Hiệp): 1. Trường hợp nào thì người lao động không cần tự mình đi mà được nhờ người đi bầu cử hộ?
2. Nếu ngày bầu cử trùng vào ngày người lao động phải đi làm thì ngày hôm đó người lao động có bị trừ lương hay không?
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Người lao động không được phép nhờ người đi bầu cử hộ trừ khi rơi vào 2 trường hợp là người khuyết tật hoặc người không có chân tay, không thể tự viết phiếu.
Về việc ngày bầu cử trùng với ngày làm việc của người lao động: Theo quy định, ngày bầu cử sẽ được bố trí vào ngày chủ nhật để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi bỏ phiếu.
Trong trường hợp cử tri là người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thì doanh nghiệp có trách nhiệm phải bố trí thời gian làm việc hợp lý để họ được đi bầu cử theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Lương Đình Luyện (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng) đặt câu hỏi. |
Chị Đinh Thị Hải (Chủ tịch Công đoàn xã Hát Môn): Trong thời gian diễn ra bầu cử, nhất là thời điểm hiện tại thì Mặt trận Tổ quốc có vai trò, trách nhiệm như thế nào?
Chuyên gia Trần Triệu Bằng: Vai trò, vị trí Mặt trận Tổ quốc các cấp trong công tác bầu cử là rất lớn. Trong cuộc giao lưu hôm nay, chúng tôi cũng đã nhắc đến nhiều về vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong vấn đề bầu cử. Tuy nhiên, tôi cũng thông tin thêm, trong ngày bầu cử, Mặt trận Tổ quốc các cấp phải cử người tham gia giám sát hoạt động bầu cử cả ngày. Thậm chí sau đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp còn có trách nhiệm tiếp nhận kết quả bầu cử để về báo cáo.
Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Bá Châu tặng quà cho công nhân, viên chức, lao động tham gia giao lưu. |
Anh Nguyễn Hoàng Long (Công ty Nguyên Hưng): Chế độ bồi dưỡng đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại được quy định như thế nào?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Hiện nay, Bộ Lao động, Thương và Xã hội đã ban hành danh mục các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Về thông tin này người lao động có thể chủ động tìm kiếm và đối chiếu theo công việc mình đang làm. Theo quy định, các doanh nghiệp phải phân loại công việc theo danh mục này, nếu không lập danh sách khi kiểm tra phát hiện sai phạm sẽ bị xử phạt.
Nếu người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại sẽ có quyền lợi cao hơn so với những lao động bình thường: Được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần thay vì 1 năm/1 lần như lao động khác; sẽ được bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật; nếu làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại từ 15 năm trở lên người lao động sẽ được giảm tuổi về hưu 5 năm; thời gian nghỉ phép năm cũng sẽ được nhiều hơn.
Chị Trần Thị Hợp (Trường Mầm non Tam Hiệp) đặt câu hỏi. |
Chị Nguyễn Thị Hồng (Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Phù Lỗ): Khi đi bỏ phiếu có cần mang theo căn cước công dân hay không? Hiện tại, chứng minh thư nhân dân của tôi đã hết hạn, đang làm thủ tục cấp mới vậy tôi có được đi bỏ phiếu không?
Chuyên gia Trần Triệu Bằng: Theo quy định, khi chị đi bỏ phiếu, chị không cần mang theo chứng minh thư nhân dân mà chỉ cần xuất trình thẻ cử tri cho tổ bầu cử.
Việc chứng minh thư của chị hết hạn không ảnh hưởng tới quyền bầu cử của chị, ủy ban nhân dân cấp xã vẫn phải có trách nhiệm cấp thẻ cử tri cho chị để chị đi bầu cử.
Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc tặng quà cho công nhân, viên chức, lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu. |
Chị Đặng Thị Bích Liên (Trường Mầm non Long Xuyên): Trong Bộ luật Lao động năm 2019 có đề cập đến các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bởi hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm. Làm thế nào để xác định được hành vi ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm? Xin chuyên gia đưa ra ví dụ cụ thể?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong tình huống ví dụ như bị xúc phạm nhân phẩm, đánh đập, quấy rối tình dục... Tuy nhiên, hành vi quấy rối tình dục thì trong Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động đã nêu rất chi tiết thế nào là quấy rối tình dục. Còn hành vi như thế nào là xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng đến nhân phẩm của người lao động thì trong luật chưa quy định cụ thể như thế nào là xúc phạm nhân phẩm mà phải áp dụng tùy theo nội quy lao động trong doanh nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương (Trường Mầm non Sen chiểu): Trường hợp phiếu bầu bị hỏng có được đổi lại phiếu khác hay không?
Chuyên gia Trần Triệu Bằng: Trong quá trình viết phiếu bầu, nếu chị cảm thấy không vừa ý hoặc viết sai, muốn viết lại thì đều có quyền đổi phiếu bầu. Tuy nhiên, theo quy định, lá phiếu hợp lệ là phiếu do chính tổ bầu cử phát ra, nên với những lá phiếu hỏng, chị cần phải trả lại cho tổ bầu cử để lấy phiếu mới.
Chị Nguyễn Thị Hồng (Trường Mầm non Phương Độ) đặt câu hỏi. |
Chị Vũ Thị Anh Đào (Trường Tiểu học Vân Nam):Một người có biểu hiện tâm thần nhưng chưa có điều kiện khám và xét nghiệm của cơ quan y tế thì có được ghi tên vào danh sách cử tri không?
Chuyên gia Trần Triệu Bằng: Cần phải làm rõ thế nào là biểu hiện tâm thần. Nhưng những người có biểu hiện tâm thần nếu chưa có ý kiến cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri.
Chị Nguyễn Thị Hiệp (Trường Mầm non Văn Phúc): Những năm gần đây, một số công ty xảy ra tình trạng ít việc. Người nhà tôi hiện làm việc tại một công ty, phần lớn công nhân bị cho nghỉ luân phiên, đi làm 1 tuần, nghỉ 1 tuần. Một số công nhân bị cho nghỉ không lương dài hạn không biết khi nào gọi đi làm lại, như thế có đúng luật lao động không?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Thông thường, không doanh nghiệp nào mong muốn khi tuyển người lao động làm việc lại cho nghỉ quá nhiều. Nếu công ty cho nghỉ 1 tuần, đi làm 1 tuần thì phải xem xét đây là thời gian nghỉ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương hay nghỉ có hưởng lương. Việc đi làm có lương hay không lương phụ thuộc vào sự thỏa thuận của người lao động với người sử dụng lao động và hai bên phải thông báo cho nhau để tạo được công việc tốt nhất cho người lao động. Trong trường hợp này rất khó để xác định công ty vi phạm mà phải dựa trên cơ sở công ty có thực hiện thương lượng, thỏa thuận hay không?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng bổ sung: Đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về kinh doanh, suy thoái, dịch bệnh… người lao động và người sử dụng lao động có thể lựa chọn thỏa thuận 3 hình thức để giải quyết, đó là: Thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động (nghỉ không lương) đợi qua thời gian khó khăn; nếu người lao động không chấp nhận tạm hoãn hợp đồng lao động thì doanh nghiệp phải trả lương ngừng việc cho người lao động, không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; doanh nghiệp chủ động xây dựng cắt giảm lao động.
Chị Nguyễn Thị Loan (Công ty Cổ phần Thảo Nguyên): Nhiệm kỳ của hội đồng nhân dân các cấp được quy định như thế nào? Xin cho biết quy cách gạch phiếu bầu khi đi bầu cử?
Chuyên gia Trần Triệu Bằng: Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân các cấp là nhiệm kỳ 5 năm, hiện nay là nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Quy cách gạch phiếu bầu là: Nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng chữ họ và tên người ứng cử), không khoanh tròn, không được đánh dấu trên phiếu bầu, không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu, không để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu.
Lấy ví dụ về bầu cử đại biểu Quốc hội, nếu đơn vị bầu cử được bầu 3 đại biểu mà có 5 ứng cử viên thì cử tri đi bầu có thể gạch tên 2, 3, 4 người thì phiếu bầu hợp lệ. Còn nếu gạch tất cả hoặc gạch 1 người hoặc viết thêm tên người khác vào danh sách phiếu bầu thì không hợp lệ.
Chị Vũ Thị Anh Đào (Trường Tiểu học Vân Nam) đặt câu hỏi. |
Chị Hà Thị Thu Hương (Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Long Xuyên): Trong những kỳ bầu cử trước, vẫn có những trường hợp lợi dụng mối quan hệ để tuyên truyền, mua chuộc cử tri. Vậy có những quy định nào để hạn chế tình trạng này trong kỳ bầu cử tới? Chúng tôi phải thu thập những bằng chứng nào để phản ánh với cấp trên?
Chuyên gia Trần Triệu Bằng: Như tôi đã chia sẻ, vị trí vai trò của các tổ phụ trách bầu cử, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong vấn đề đảm bảo bầu cử, trong đó có việc giám sát bầu cử, giám sát các hành động như mua buộc, đe dọa trong bầu cử... Nếu gặp trường hợp này, các đồng chí có thể quay phim, chụp ảnh, hoặc bằng cách nào đó thu thập chứng cứ để phản ánh với các tổ phụ trách bầu cử, Mặt trận Tổ quốc...
Trong những kỳ bầu cử gần đây, cũng có một vài trường hợp đưa tài trợ kêu gọi bầu cử, những trường hợp này là chưa đúng. Chúng ta có thể thu thập chứng cứ để phản ánh lại.
Bên cạnh đó, tôi cũng lưu ý, những kỳ bầu cử gần đây, các thế lực thù địch có nhiều hành động chống phá, phá hoại cuộc bầu cử. Do vậy, các đồng chí, người lao động nên cảnh giác, nghe những thông tin chính thống về bầu cử để hiểu cho đúng, chính xác.
Chị Hà Thị Thu Hương (Trường Mầm non Long Xuyên) đặt câu hỏi. |
Anh Đặng Huy Bảo (Công đoàn xã Hưng Phúc): Tại một số địa phương xảy ra trường hợp có hai con số thống kê về dân số, dẫn đến số lượng đại biểu được bầu khác nhau. Vậy nên theo con số thống kê nào?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Thời điểm này đã kết thúc 3 lần hiệp thương, số lượng đại biểu đã được niêm yết, vì vậy, mặc dù số liệu có sự chênh lệch nhưng chúng ta nên chấp nhận con số ban đầu, để không ảnh hưởng đến tiến trình bầu cử đại biểu.
Chị Đào Thị Thành (Trường Mầm non Xuân Phú): 1, Cơ quan hành chính sự nghiệp không có biên chế bảo vệ và phải ký hợp đồng thuê người làm bảo vệ cơ quan. Trường hợp người lao động đã quá tuổi lao động (nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi), không có lương hưu thì cơ quan sử dụng lao động có cần đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động không? Thù lao (lương) với người lao động trong trường hợp này quy định như thế nào?
2, Theo Bộ luật Lao động ít nhất một lần trong năm người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động và khám sức khỏe ít nhất 6 tháng 1 lần đối với người lao động làm các nghề nặng nhọc. Vậy, theo quy định, người sử dụng lao động có phải chi tiền hỗ trợ cho người lao động không?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: 1, Theo quy định, từ năm 2019, toàn bộ lao động hợp đồng trong các cơ quan hành chính sự nghiệp phải được trả lương đảm bảo theo quy định của Bộ luật Lao động (tức là không thấp hơn lương tối thiểu vùng).
Về việc đóng bảo hiểm xã hội: Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, cứ ký hợp đồng lao động đủ 1 tháng trở lên thì bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội kể cả lao động trên 60 tuổi.
2, Về chế độ khám sức khoẻ cho người lao động lớn tuổi, theo quy định, cơ quan sử dụng lao động bắt buộc phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động ít nhất 6 tháng 1 lần. Mọi chi phí khám đều do cơ quan sử dụng lao động chi trả.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Bắt giữ đối tượng "ngáo đá" cướp ô tô, dùng xẻng đánh người
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Tin khác
Tổ chức thành công hoạt động đối thoại điểm bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ
Liên đoàn Lao động TP 16/09/2024 18:23
Công đoàn hai Thủ đô Hà Nội và Viêng Chăn (Lào): Thặt chặt quan hệ hữu nghị - hợp tác
Liên đoàn Lao động TP 12/09/2024 12:35
Công đoàn Thủ đô làm theo lời Bác
Liên đoàn Lao động TP 02/09/2024 07:51
Công đoàn Thủ đô luôn quan tâm công tác gia đình và trẻ em
Liên đoàn Lao động TP 21/08/2024 06:01
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ
Liên đoàn Lao động TP 15/08/2024 09:39
Xây dựng Tổ chức mạnh bắt đầu từ cơ sở
Liên đoàn Lao động TP 29/07/2024 08:53
Tổ chức Công đoàn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ
Liên đoàn Lao động TP 28/07/2024 06:00
Công đoàn Thủ đô viết tiếp trang sử vàng
Liên đoàn Lao động TP 28/07/2024 05:50
Công đoàn Thủ đô: Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền
Liên đoàn Lao động TP 24/07/2024 12:53
Công đoàn Cơ quan LĐLĐ Thành phố kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam
Liên đoàn Lao động TP 19/07/2024 08:26