Công đoàn Thủ đô làm theo lời Bác
Danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” - niềm tự hào của người lao động
Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: “Thi đua là cách tốt nhất và thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ, thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm để thi đua mãi”; “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất” và với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, cải thiện đời sống người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chú trọng triển khai nhiều phong trào thi đua mang dấu ấn của tổ chức Công đoàn như phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô”, “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”… Các phong trào thi đua đã thu hút sự tham gia của đông đảo CNVCLĐ và sự đồng tình, ủng hộ từ phía doanh nghiệp, chính quyền đồng cấp.
Lễ tuyên dương “Công nhân giỏi” và “Sáng kiến sáng tạo” ngành Xây dựng Hà Nội năm 2023. |
Trong đó, phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” đã được các cấp Công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô tích cực triển khai, hưởng ứng, duy trì và phát triển. Phong trào đã thực sự đi vào chiều sâu và có ý nghĩa lan tỏa sâu sắc, danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” là niềm tự hào và mục tiêu phấn đấu của đông đảo công nhân lao động. Tính đến nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã tổ chức 15 lần tuyên dương “Công nhân giỏi Thủ đô” và đã công nhận cho 1.889 công nhân đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”. Từ những năm đầu phát động, số doanh nghiệp hưởng ứng và công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” chủ yếu tập trung tại doanh nghiệp Nhà nước và Công ty Cổ phần có vốn Nhà nước chi phối. Đến nay, số công nhân lao động đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: “Thi đua là cách tốt nhất và thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ, thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm để thi đua mãi”; “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất” và với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, cải thiện đời sống người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chú trọng triển khai nhiều phong trào thi đua mang dấu ấn của tổ chức Công đoàn như phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô”, “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”… Các phong trào thi đua đã thu hút sự tham gia của đông đảo CNVCLĐ và sự đồng tình, ủng hộ từ phía doanh nghiệp, chính quyền đồng cấp. Trong đó, phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” đã được các cấp Công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô tích cực triển khai, hưởng ứng, duy trì và phát triển. |
Năm 2024, toàn thành phố Hà Nội có 62.520 công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở; 2.230 công nhân lao động được công nhận “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở. Trong đó, riêng khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ 35% số công nhân được tuyên dương; số công nhân bậc 3, 4, 5 đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” chiếm trên 60%; công nhân có trình độ tay nghề bậc 6, 7 đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” chiếm tỷ lệ trên 35%; một số công nhân lao động đạt các giải cao tại Hội thi tay nghề toàn quốc, ngành và địa phương. Từ những tấm gương điển hình tiên tiến cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội đã lựa chọn và quyết định tặng Bằng công nhận cho 100 công nhân lao động đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2024.
“Công nhân giỏi Thủ đô” được tuyên dương hiện hữu trên mọi lĩnh vực, ở tất cả các lứa tuổi. Hầu hết các cá nhân đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” đều là những người miệt mài trong lao động, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt để tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị cao; quan tâm chăm lo bồi dưỡng, kèm cặp, truyền thụ kinh nghiệm quý báu được tích lũy của cuộc đời làm thợ cho những thế hệ công nhân kế tiếp. Các cá nhân đạt giải thưởng luôn sống, lao động, cống hiến với những suy nghĩ giản đơn là làm tốt công việc, làm những gì hữu ích cho doanh nghiệp, cho Thủ đô là trách nhiệm tự nhiên của người lao động. Từ những cống hiến vì sự phát triển tại đơn vị, đã có nhiều công nhân được đề bạt giữ những chức vụ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp.
Khích lệ tinh thần sáng tạo của CNVCLĐ
Cùng với phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, phong trào “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô” do tổ chức Công đoàn Thủ đô phát động đã và đang thu hút đông đảo CNVCLĐ ở mọi lĩnh vực, ngành nghề tham gia hưởng ứng bằng những sáng kiến có giá trị làm lợi lớn. Phong trào này ngày càng có bước chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng, số lượng và lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường và quản lý Nhà nước; góp phần quan trọng trong giải quyết khó khăn ách tắc trong sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Công nhân đang “sát hạch” để tìm ra những người thợ giỏi nhất. |
Ghi nhận thực tế cho thấy, từ nguồn động lực là phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô” do các cấp Công đoàn phát động, nhiều công nhân lao động đã có những sáng kiến, sáng tạo đem lại giá trị làm lợi lớn cho doanh nghiệp.
Điểm nhấn của phong trào “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô” là chuyển trọng tâm thi đua khen thưởng về cơ sở, động viên khen thưởng những nhà quản lý, nhà khoa học và công nhân lao động trực tiếp có sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2023, đã có 69.686 lượt CNVCLĐ đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo” cấp cơ sở; có 7.420 lượt CNVCLĐ đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo” cấp trên cơ sở; 479 lượt CNVCLĐ được Ủy ban nhân dân (UBND), LĐLĐ Thành phố biểu dương và tặng Bằng công nhận “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô”.
Thông qua việc tôn vinh, khen thưởng kịp thời các cá nhân đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo” đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo không khí thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất, khơi dậy ý chí, lòng nhiệt tình say mê và tinh thần trách nhiệm của người lao động. Sức sáng tạo của công nhân ngày càng phát huy và được cộng đồng các doanh nghiệp biểu dương, ghi nhận.
Tạo sân chơi bổ ích cho công nhân lao động
Phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” với điểm nhấn là tổ chức Hội thi thợ giỏi của các cấp Công đoàn đã tạo cơ hội để đông đảo công nhân lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của Thủ đô và quốc gia trong quá trình hội nhập. Từ phong trào và Hội thi do LĐLĐ Thành phố khởi xướng tổ chức, ngày 26/10/2019, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 5816/QĐ-UBND về việc Ban hành Quy chế Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội. Theo đó Hội thi sẽ được UBND và LĐLĐ thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức định kỳ 2 năm/lần, vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10.
Hội thi thợ giỏi là dịp để công nhân lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong lao động, sản xuất góp phần xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, có phẩm chất đạo đức và tác phong công nghiệp, có khả năng đáp ứng công nghệ, thiết bị sản xuất ngày càng tiên tiến hiện đại, lập các kỷ lục mới về năng suất lao động, tiến độ, chất lượng sản phẩm, góp phần tích cực hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tăng năng suất lao động của đơn vị, doanh nghiệp. Theo ghi nhận tại các Hội thi, ở phần thi lý thuyết, mặc dù gặp không ít khó khăn trong việc ôn lý thuyết, bởi các thí sinh hàng ngày đều phải trực tiếp sản xuất, ít có điều kiện cập nhật lý thuyết một cách thường xuyên, liên tục. Song với tinh thần, ý thức, trách nhiệm cao các thí sinh đã tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc để ôn luyện, trau dồi kiến thức chuyên môn, do đó kết quả làm bài khá tốt. Ở phần thi thực hành, mặc dù thời gian tiếp cận, làm quen với máy tại khu vực thi chưa được nhiều, áp lực tâm lý, song các thí sinh dự thi đã bình tĩnh, tự tin thể hiện bản lĩnh, trình độ tay nghề thực hiện tốt nhất phần thi thực hành của mình, chính vì vậy nhiều thí sinh đạt kết quả rất cao ở phần thi này.
Cách mạng 4.0 không thể thiếu công nhân 4.0, họ góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho kinh tế Thủ đô. |
Ngoài các phong trào nêu trên, các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đã triển khai sâu rộng các phong trào thi đua chuyên đề như: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”... thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia. Phải khẳng định rằng, với việc triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã thể hiện rõ vai trò đồng hành cùng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, duy trì sự tăng trưởng, phát triển bền vững, đảm bảo đời sống việc làm cho người lao động; góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò kỹ năng nghề nghiệp của người lao động trong việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật mới vào sản xuất và phục vụ đời sống; động viên, khích lệ, tạo điều kiện để người lao động nâng cao kỹ năng tay nghề, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp để đáp ứng đòi hỏi yêu cầu thực tế trong giai đoạn hiện nay; góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, đất nước thịnh cường.
Theo ông Phạm Quang Thanh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục phát động sâu rộng phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ; tổ chức các Hội thi thợ giỏi nhằm nâng cao tay nghề, năng suất lao động; gắn phong trào thi đua yêu nước với việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, CNVCLĐ; tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả; xây dựng tiêu chí, nội dung, cách thức thi đua khen thưởng phù hợp với các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thi đua khen thưởng; khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, chính xác; coi trọng công tác khen thưởng đột xuất, tập trung vào những sáng kiến giải quyết khó khăn trong sản xuất kinh doanh, trong chăm lo, giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
Mai Quý
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Đến 19h ngày 7/9, Hà Nội có thêm 1 người tử vong, 3 người bị thương do bão Yagi
Bão số 3 quần thảo Hà Nội, nhiều căn hộ chung cư trần hỏng, nước tràn vào nhà
Bộ Công Thương chỉ đạo sớm cấp điện trở lại khu vực bị ảnh hưởng của bão số 3
Ảnh hưởng bão số 3, Bắc Giang và Bắc Ninh mất điện trên diện rộng
Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề, đã có 4 người thiệt mạng, 78 người bị thương
Lãnh đạo huyện Gia Lâm kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 3
Quận Nam Từ Liêm: 140 cây đổ, gãy cành và 4 nhà tốc mái
Tin khác
Xây dựng Tổ chức mạnh bắt đầu từ cơ sở
Liên đoàn Lao động TP 29/07/2024 08:53
Tổ chức Công đoàn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ
Liên đoàn Lao động TP 28/07/2024 06:00
Công đoàn Thủ đô viết tiếp trang sử vàng
Liên đoàn Lao động TP 28/07/2024 05:50
Công đoàn Thủ đô: Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền
Liên đoàn Lao động TP 24/07/2024 12:53
Công đoàn Cơ quan LĐLĐ Thành phố kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam
Liên đoàn Lao động TP 19/07/2024 08:26
TRỰC TUYẾN: Trang trọng Chương trình kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam
Liên đoàn Lao động TP 18/07/2024 08:04
Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn
Liên đoàn Lao động TP 11/07/2024 10:54
Hoạt động Công đoàn các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh được triển khai hiệu quả
Liên đoàn Lao động TP 27/06/2024 18:50
Công đoàn Thủ đô: Hướng về cơ sở, vì lợi ích đoàn viên
Longform 19/06/2024 06:56
Chủ động đổi mới hoạt động Công đoàn
Liên đoàn Lao động TP 13/06/2024 08:30