Giao lưu trực tuyến: "Linh hoạt thích ứng an toàn với dịch để phục hồi, phát triển kinh tế"
Tham gia giao lưu, giải đáp các câu hỏi cùng bạn đọc có các chuyên gia: Ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế; ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội.
Ban tổ chức tặng hoa các chuyên gia tham gia cuộc Giao lưu trực tuyến |
Buổi giao lưu trực tuyến hướng tới mục đích tư vấn, giải đáp các chính sách tổng thể để góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế của Thành phố trong điều kiện bình thường mới; đảm bảo sự vững vàng của cả 3 trụ cột: Y tế, kinh tế, xã hội trước đại dịch.
Toàn cảnh buổi Giao lưu trực tuyến. |
Buổi giao lưu trực tuyến cũng nhằm trang bị, cập nhật tới đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và người sử dụng lao động kiến thức pháp luật, chính sách của Nhà nước, nhất là những giải pháp cụ thể để góp phần tạo động lực phục hồi, phát triển kinh tế trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
8h30:
Phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt của đời sống xã hội. Trước tình hình đó, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương đã tập trung, dồn toàn lực chống dịch bằng những giải pháp quyết liệt, linh hoạt…
Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến. |
Tại Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 14/10 về chỉ đạo thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có Công điện số 22/CĐ-UBND ngày 20/10 về triển khai các biện pháp tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn Thành phố. Thực hiện chủ trương của Chính phủ và thành phố Hà Nội, LĐLĐ thành phố Hà Nội cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn quan tâm chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng Thành phố thực hiện “mục tiêu kép” khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
“Trong nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị Thành phố, của tổ chức Công đoàn vì mục tiêu nói trên, báo Lao động Thủ đô tiếp tục xác định làm tốt vai trò thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác, tích cực của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và các tầng lớp nhân dân cũng như các doanh nghiệp trong thực hiện hiệu quả việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế. Đây chính là lý do, mục đích mà chúng tôi tổ chức buổi giao lưu trực tuyến hôm nay”, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
8h45:
Bạn đọc Nguyễn Mạnh Hùng (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh) hỏi: Xin đồng chí Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố cho biết, trong giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, LĐLĐ Thành phố đã có giải pháp gì, chỉ đạo các cấp Công đoàn cùng vào cuộc, phối hợp với doanh nghiệp đảm bảo an toàn cho sản xuất và người lao động?
- Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng: Có thể khẳng định, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt là trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã dự báo, đánh giá đúng tình hình và chủ động triển khai các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch; chăm lo, hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng. |
Trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đặc biệt là ngay sau khi thành phố Hà Nội kết thúc đợt giãn cách xã hội, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố đã ban hành Kế hoạch “Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống, việc làm của NLĐ”. Trong đó, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn tích cực, chủ động tham gia ổn định quan hệ lao động, thị trường lao động, phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống, việc làm của NLĐ; tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ; vận động đoàn viên, NLĐ vượt khó sáng tạo, thi đua lao động sản xuất giỏi với năng xuất, chất lượng, hiệu quả; tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19...
Việc triển khai hiệu quả Kế hoạch này, sẽ tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép”; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. LĐLĐ thành phố Hà Nội cũng đề nghị các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ, trong đó, tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả “Gói hỗ trợ 20.000 đoàn viên, NLĐ” có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ổn định cuộc sống, trở lại sản xuất kinh doanh.
Đồng chí Lê Đình Hùng trả lời câu hỏi của bạn đọc. |
Nhận định sau giãn cách, doanh nghiệp và NLĐ còn gặp nhiều khó khăn, LĐLĐ Thành phố đã đề nghị các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao hoạt động của Công đoàn cơ sở; các Công đoàn cơ sở tăng cường quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của NLĐ để kịp thời giải đáp, đảm bảo các chế độ chính sách cho NLĐ. Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn cần tăng cường nắm bắt tình hình quan hệ lao động, không để xảy ra các vụ tranh chấp lao động, đình công trái quy định pháp luật. Liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho NLĐ và an toàn phòng dịch tại các nhà máy, xí nghiệp, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các "Tổ An toàn Covid-19" tại doanh nghiệp tiếp tục phát huy vai trò, linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ để đồng hành cùng doanh nghiệp phòng, chống dịch hiệu quả.
8h55:
Bà Trần Thị Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) hỏi: Gia đình tôi có truyền thống làm nghề tương ớt ở Hà Nội. Thời gian vừa qua, các hàng quán đóng cửa khiến cho hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Đến nay, khi hết giãn cách, nhiều khách hàng ngừng kinh doanh khiến lượng khách bị sụt giảm. Gia đình chúng tôi không có kỹ năng bán hàng qua mạng nên rất khó khăn. Chúng tôi phải làm thế nào để thích ứng với xu hướng kinh doanh hiện nay? Nhà nước có hỗ trợ gì về việc đào tạo kỹ năng kinh doanh cho các hộ kinh doanh không?
- Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Để thích ứng khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các hộ kinh doanh. Đặc biệt, để ứng phó với việc đứt gãy chuỗi cung ứng đầu ra như bạn đọc hỏi.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong. |
Để cải thiện những khó khăn này rất cần sự nỗ lực của cả cơ quan năng, cũng như của các hộ kinh doanh. Đối với các hộ kinh doanh, như gia đình bà Trần Thị Phương cần phải tiếp tục chủ động móc nối, duy trì trở lại ở mức tối đa những khách hàng quen đã có khi họ quay trở lại hoạt động theo xu hướng chung hiện nay. Đồng thời chủ động tìm kiếm các khách hàng mới trong và ngoài địa bàn sinh sống. Bà cũng có thể tìm kiếm các đại lý bán buôn ở các chợ đầu mối, hoặc các doanh nghiệp phân phối bán lẻ cũng như các cơ sở sản xuất tương ớt cùng ngành với mình; đồng thời cần tăng cường khuyến mại về giá cả, điều kiện thanh toán, đảm bảo chất lượng sản phẩm và mềm hóa trong các quan hệ ứng xử, gia tăng các chiết khấu cho những khâu trung gian hỗ trợ tiêu thụ cho mình.
Chuyên gia Nguyễn Minh Phong trả lời câu hỏi bạn đọc. |
Thời gian tới, gia đình bà cũng nên đặt vấn đề từng bước tham gia việc phân phối sản phẩm trên mạng xã hội, thông qua các trang mạng như zalo, facebook và tham gia các sàn thương mại điện tử có tổ chức. Trong quá trình này, gia đình nên cử những người có khả năng tiếp tthu công nghệ để tham gia các lớp bồi dưỡng và đào tạo về sử dụng các trang thương mại điện tử về bán hàng. Trước mắt, có thể huy động con, cháu, người thân hỗ trợ. Thậm chí, bà có thể thuê 1 sinh viên có năng lực công nghệ thông tin để hỗ trợ lập và quản lý trang web hoặc mạng xã hội của mình để kết nối, quảng bá và thu thập các đơn hàng cho gia đình thực hiện phân phối thông qua các shipper.
9h10:
Anh Nguyễn Hải Đăng (Khu công nghiệp Đông Anh, Hà Nội) hỏi: Công ty chúng tôi hay có các chuyên gia nước ngoài tới làm việc, vậy khi các chuyên gia, lao động nước ngoài nhập cảnh vào làm việc thì có cần thực hiện cách ly không? Các chuyên gia khi nhập cảnh có được ưu tiên gì không?
- Chuyên gia Nguyễn Văn Thuận - Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội: Tại văn bản số 6288/BYT-MT của Bộ Y tế đã quy định: Thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày và tiếp tục theo dõi y tế trong 7 ngày tiếp theo (trừ trường hợp người nhập cảnh và làm việc dưới 14 ngày và các trường hợp nhập cảnh cách ly theo quy định khác của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 và của Bộ Y tế) đối với người nhập cảnh đáp ứng đủ các điều kiện như:
Chuyên gia Nguyễn Văn Thuận - Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội. |
- Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCT/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.
- Đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh) và có giấy chứng nhận tiêm chủng.
Chuyên gia Nguyễn Văn Thuận trả lời câu hỏi bạn đọc. |
- Hoặc đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 (có giấy chứng nhận xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR mẫu đơn không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh) và có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp.
Sau đó, việc bàn giao, vận chuyển, tiếp nhận người nhập cảnh đã hoàn thành cách ly y tế tập trung về tiếp tục giám sát, theo dõi y tế thực hiện theo quy định tại Công văn 425/CV-BCĐ ngày 19/01/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc hướng dẫn bàn giao, quản lý sau khi hoàn thành cách ly tập trung...
9h20:
Anh Trần Minh Vương (Thanh Trì, Hà Nội) hỏi: Xin các chuyên gia cho biết, đối tượng nào sẽ được nhận gói hỗ trợ 20.000 đoàn viên, NLĐ khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà LĐLĐ Thành phố mới triển khai?
- Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng: Để động viên trực tiếp doanh nghiệp, đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó, sáng tạo, thi đua lao động sản xuất với năng suất, chất lượng hiệu quả, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố đã có Thông báo về việc thực hiện “Gói hỗ trợ 20.000 đoàn viên, NLĐ” có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng dịch Covid-19, ổn định cuộc sống, trở lại sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, LĐLĐ Thành phố trực tiếp hỗ trợ 10.000 đoàn viên, NLĐ. LĐLĐ Thành phố giao Công đoàn các KCN&CX Hà Nội hỗ trợ 10.000 đoàn viên, NLĐ, mức hỗ trợ: 500 ngàn đồng/người. Đối tượng hỗ trợ là đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng Covid-19, trở lại sản xuất, kinh doanh tại Công đoàn cơ sở doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập hoặc doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập chưa thành lập tổ chức Công đoàn nhưng đã đóng kinh phí Công đoàn.
9h30:
Chị Cao Thanh Hương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) hỏi: Xin chuyên gia cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để đảm bảo sức khỏe cho công nhân lao động (CNLĐ) trong các KCN&CX, Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đã có những chỉ đạo gì?
- Chuyên gia Nguyễn Văn Thuận - Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội: Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đã lây lan nhanh các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng vào doanh nghiệp, KCN tập trung đông CNLĐ, làm đứt gãy chuỗi sản xuất kinh doanh. Đời sống của đoàn viên, CNLĐ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tại 9 KCN đang hoạt động có 7 KCN xuất hiện 320 ca mắc Covid-19 (F0). Trong đó, KCN Thăng Long: 120 F0; KCN Thạch Thất - Quốc Oai: 19 F0; KCN Phú Nghĩa: 29 F0; KCN Quang Minh: 67 F0; KCN Hà Nội - Đài Tư: 81 F0; KCN Nội Bài: 3 F0; KCN Sài Đồng B: 1 F0.
Xác định rõ công tác đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho đoàn viên, CNLĐ trước dịch Covid-19 là nhiệm vụ hết sức quan trọng, được ưu tiên hàng đầu, trên hết, trước hết. Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đã tuyên truyền thực hiện tốt khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế; đồng thời áp dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của tổ chức Công đoàn. Đặc biệt, để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới, Công đoàn các KCN-CX Hà Nội đã yêu cầu các Công đoàn cơ sở dán mã QR khai báo y tế tại đơn vị. Cùng với đó, yêu cầu NLĐ khai báo y tế thống nhất qua phần mềm PC-Covid.
Không chỉ vậy, Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đã xây dựng hơn 60 văn bản chỉ đạo Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tăng cường, nâng cao, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Chỉ đạo thành lập 2.116 “Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp với 8.705 người tham gia. Các “Tổ An toàn Covid-19” đã kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Công đoàn các KCN&CX Hà Nội cũng đề nghị Thành phố ưu tiên nguồn vắc xin để tiêm cho CNLĐ trong các KCN, đến nay, tổng số lao động của các doanh nghiệp đã được tiêm vắc xin: Mũi 1 được 163.330 người (đạt 99%); đã tiêm mũi 2 được 143.990 người (chiếm 88,1% số đã tiêm mũi 1).
9h40:
Bạn đọc có email: vithinanghoabinh@gmail.com hỏi: Tôi được biết, tổ chức Công đoàn có triển khai chương trình hỗ trợ bữa ăn ca cho NLĐ. Trong thời gian thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách tôi có tham gia làm việc “3 tại chỗ” tại doanh nghiệp, xin hỏi tôi có được hỗ trợ tiền ăn ca trong thời gian đó không?
- Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng: Thực hiện Quyết định số 3089/QĐ-TLĐ ngày 24/8/2021 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, NLĐ đang thực hiện “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 30/8/2021, LĐLĐ Thành phố đã có Hướng dẫn số 15/HD-LĐLĐ về việc hỗ trợ theo Quyết định số 3089 của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Cụ thể: Đối tượng thụ hưởng là đoàn viên, NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp có thực hiện “3 tại chỗ” để sản xuất. Điều kiện hưởng hỗ trợ gồm: Thời gian làm việc “3 tại chỗ” ít nhất 10 ngày trở lên, kể từ ngày 24/8/2021. Doanh nghiệp đã đóng đủ kinh phí công đoàn và nộp báo cáo quyết toán thu chi tài chính Công đoàn cơ sở theo quy định từ năm 2018 đến 30/6/2021. Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người, hỗ trợ 1 lần.
Thủ tục đề nghị hỗ trợ như sau: Doanh nghiệp và Công đoàn cơ sở thực hiện phương án “3 tại chỗ” thuộc đối tượng, đủ điều kiện hỗ trợ làm hồ sơ đề nghị gửi về Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xem xét hỗ trợ. Thời gian nộp hồ sơ chậm nhất sau 5 ngày kể từ khi hết thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
9h50:
Ông Nguyễn Quang Toản (quận Hà Đông, Hà Nội) hỏi: Tôi thấy có rất nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch Covid-19, nhưng vẫn chưa hiệu quả như mong đợi?
- Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Hiệu quả của những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nhiều nhân tố, như khả năng chống chịu và tình trạng bị ảnh hưởng bởi các doanh nghiệp và người dân trong thời gian dịch; quy mô, đối tượng, điều kiện và các quy trình thủ tục triển khai các gói hỗ trợ; năng lực triển khai và khả năng kiểm soát các cản trở hoặc sự lạm dụng trong quá trình người dân và doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ…
Hơn nữa, dịch Covid-19 là chưa có tiền lệ hàng trăm năm qua. Do đó, những gói hỗ trợ của Việt Nam được Chính phủ đưa ra cũng vừa mang tính truyền thống, vừa chưa có tiền lệ nên không thể tránh khỏi những lúng túng và những bất cập trong quyết định, nhất là các đối tượng thụ hưởng các chính sách. Ngoài ra, trên thực tế, quy mô gói hỗ trợ của Chính phủ cũng còn khá khiêm tốn so với các mức chi phí “khủng” của thế giới. Ví dụ như Mỹ trên dưới 5.000 tỷ đô la, tức 25% GDP của nước Mỹ, còn của Việt Nam, tổng quy mô các gói hỗ trợ hiện nay chỉ khoảng trên dưới 3% GDP. Do vậy, nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chưa thật đủ mức.
Bên cạnh đó, những quy định, quy trình triển khai, năng lực triển khai và sự chủ động của người dân trong việc tiếp cận các nguồn lực này còn hạn chế. Các thông tin, sự minh bạch, sự giải trình, giải thích xung quang gói hỗ trợ một cách chi tiết vẫn còn nhiều khiếm khuyết.
Chúng tôi tin rằng, trong thời gian tới, những gói hỗ trợ tiếp theo đang được chuẩn bị sẽ khắc phục được hạn chế trên để tiếp tục nâng cao hiệu quả và tác động hỗ trợ tích cực người dân.
10h00:
Anh Nguyễn Văn Nam (xã Võng La, huyện Đông Anh) hỏi: Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đã có những hỗ trợ như thế nào cho NLĐ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp?
Chuyên gia Nguyễn Văn Thuận - Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Công đoàn các KCN&CX đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ qua đó hỗ trợ, giúp đỡ nhiều đoàn viên, NLĐ vượt qua khó khăn: Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đã tổ chức chương trình “Siêu thị 0 đồng”; “Ô tô siêu thị 0 đồng” nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn bị cách ly, phong tỏa do dịch bệnh Covid-19.
Thực hiện Quyết định số 1921/QĐ- TLĐ ngày 12/1/2021; Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ; Quyết định 3089/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội về hỗ trợ cho đoàn viên, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bị cách ly, phong tỏa, ổn định cuộc sống, trở lại sản xuất, kinh doanh, Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đã triển khai nhiều đợt hỗ trợ đến CNLĐ.
Lũy kế đến thời điểm báo cáo, Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đã trợ cấp, hỗ trợ cho 29.314 đoàn viên, CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và “Tổ An toàn Covid-19” với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng. Tổ chức trao 2.000 kính chắn giọt bắn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Đảng ủy các KCN&CX cho các doanh nghiệp. Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị ký kết chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn.
10h10:
Anh Bùi Hữu Nam (Nghệ An) hỏi: Tôi là một chủ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải. Thời gian qua, tôi nhận thấy doanh nghiệp liên tục bị bào mòn bởi 4 đợt bùng phát của đại dịch Covid-19. Xin chuyên gia cho biết, hiện Nhà nước có những chính sách hỗ trợ mới nào đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải không?
- Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Tôi rất chia sẻ với những khó khăn mà bạn nêu ra cho ngành vận tải. Về những chính sách của Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải trong thời kỳ Covid-19 này có thể chia ra làm 3 nhóm chính sách.
Một là, các chính sách chung nằm trong các văn bản, Nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị… của Quốc hội và Chính phủ cũng như các Bộ, ngành Trung ương và của địa phương dành cho tất cả các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 như Nghị quyết 68, Nghị định 52, Nghị quyết 128 của Chính phủ…
Cơ sở kinh doanh thích ứng an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch. |
Hai là, một số các ưu đãi riêng dành cho ngành vận tải và một số ngành hẹp liên quan. Những ưu đãi này được quy định rõ trong số các chính sách ưu đãi, được ghi trong các văn bản nêu trên cũng như các văn bản có liên quan khác.
Ba là, những chính sách đặc thù dành cho 1 số loại hình vận tải đặc biệt, như vận tải hàng không.
Nhìn chung, cả 3 loại nhóm chính sách hỗ trợ trên đều tập trung vào việc giảm bớt các nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp vận tải đối với Nhà nước, NLĐ, đối với chi phí sản xuất kinh doanh, tạo các điều kiện vận chuyển thông thoáng hơn, an toàn hơn và kết nối liên tục. Ví dụ như giảm thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất cho ngành vận tải, kho bãi theo Nghị định 52; giảm đóng bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp theo Nghị quyết 68 cũng như tạm ngừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất, tạm dừng thu phí đường bộ tại cái trạm BOT trên các địa phương trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Đặc biệt, chúng tôi được biết hiện nay Chính phủ và các cơ quan chức năng đang khẩn chương rà soát điều chỉnh bổ sung một số chính sách ưu đãi nữa dành cho ngành vận tải. Ví dụ, mới đây, Bộ Tài chính đang dự thảo 1 thông tư hướng dẫn về chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải hành khách theo hướng sẽ giảm 30% phí sử dụng đường bộ cho xe kinh doanh vận tải hành khách trong 6 tháng đầu năm 2022. Bên cạnh đó, cũng đang có sự điều chỉnh Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, mặc dù Nghị định này mới thực hiện 1 năm qua.
Hướng chủ đạo của việc điều chỉnh Nghị định số 10/2020/NĐ-CP này sẽ theo hướng loại bỏ những quy định gây phiền phức tốn kém không cần thiết cho doanh nghiệo vận tải. Ví dụ, đơn vị vận tải sẽ không cần phải chứng minh việc khắc phục vi phạm hành chính sau khi bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu, biển hiệu; Nghị định sửa đổi cũng sẽ không còn quy định rõ khi thu hồi giấy phép kinh doanh thì trong bao lâu đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại Giấy phép này.
Một điều chỉnh thứ ba đó là sẽ không buộc các Sở Giao thông vận tải phải trực tiếp dán phù hiệu, biển hiệu lên ô tô vận tải, vốn đang gây khó cho cả các Sở Giao thông vận tải cũng như đơn vị vận tải….
Hơn nữa, sắp tới, các quy định về giảm công suất và khai thác các phương tiện vận tải cũng có thể được gỡ bỏ, điều này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình.
Tất cả nhằm tiếp tục tháo gỡ những điểm nút cản trở và tạo sự phù hợp, đồng bộ đầy đủ trong các quy định của pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh dịch.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng, 1 quy định rất quan trọng trong Nghị quyết 128 của Chính phủ đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải rất tốt, đó là khẳng định các cấp ngành quản lý và các địa phương không được phép làm đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa; không được tự ý đóng cửa các trung tâm thương mại, chợ truyền thống, cũng như đưa ra các quy định như kiểu ngăn sông cấm chợ, “rào làng”, gây thêm chi phí, thời gian và tài chính cho doanh nghiệp vận tải trong quá trình tổ chức lưu thông hàng hóa trong và ngoài địa bàn có dịch.
10h20
Chị Nguyễn Thị Mai Lan (huyện Đông Anh, Hà Nội) hỏi: Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tổ chức Công đoàn có chương trình, kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ như thế nào?
- Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng: Với phương châm “Tất cả đoàn viên, NLĐ đều có Tết”, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ huy động mọi nguồn lực tập trung chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ để mọi người cùng được đón “Tết Sum vầy - Xuân Bình an”.
Theo đó, đối với các hoạt động chăm lo Tết ở cấp Thành phố, LĐLĐ Thành phố dự kiến triển khai chương trình “Tết Sum vầy” năm 2022 vào ngày 22/1/2022 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô với sự tham gia của 1.000 đoàn viên, NLĐ. LĐLĐ Thành phố cũng dự kiến triển khai chương trình “Hỗ trợ phương tiện đưa đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết” vào ngày 28/1/2022 tại Nhà điều hành KCN Thăng Long. Đồng thời, LĐLĐ Thành phố hỗ trợ 50% kinh phí thuê xe, hỗ trợ phương tiện cho các Công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức chương trình “Hỗ trợ phương tiện đưa đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết”.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng trao túi "An sinh Công đoàn" cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. |
Ngoài ra, LĐLĐ Thành phố sẽ tổ chức trao biển hỗ trợ 50 nhà “Mái ấm Công đoàn” năm 2022; thăm hỏi, trao 10.000 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ với mức 300.000 đồng/người cho NLĐ có đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí Công đoàn và cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn…
Đối với các cấp Công đoàn Thủ đô, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo tập trung nguồn lực để chăm lo cho đoàn viên, NLĐ; báo cáo với cấp ủy Đảng và phối hợp với chính quyền đồng cấp dành nguồn kinh phí, gói hỗ trợ để hỗ trợ, chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ; tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản phúc lợi khác trong dịp Tết; sớm công khai để NLĐ biết và giám sát thực hiện.
Đối với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Công đoàn đề xuất, kiến nghị hợp lý để NLĐ được thanh toán tiền lương trong dịp Tết. Về công tác tổ chức thăm hỏi, tặng quà, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khảo sát, nắm chắc số lượng đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn là lao động của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh... kiến nghị với chính quyền đồng cấp và LĐLÐ Thành phố xem xét hỗ trợ; tổ chức, đề xuất lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành thăm hỏi, động viên, tặng quà cho gia đình đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn.
LĐLĐ Thành phố cũng chỉ đạo các cấp Công đoàn tập trung triển khai Chương trình “Tết Sum vầy”, hướng mạnh về cơ sở; tổ chức hoạt động “Hỗ trợ phương tiện đưa đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết” an toàn, phù hợp với nhu cầu của NLĐ và điều kiện của địa phương, đơn vị.
10h25:
Anh Phạm Tiến Nhiệm (Đông Anh, Hà Nội) hỏi: Việc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã tác động như thế nào đến tình hình sản xuất đến các doanh nghiệp tại các KCN&CX Hà Nội?
- Chuyên gia Nguyễn Văn Thuận - Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội: Trước thời điểm thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, trong giai đoạn doanh nghiệp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của UBND thành phố Hà Nội thì tại các KCN&CX có khoảng 535/661 doanh nghiệp đáp ứng an toàn phòng, chống dịch được hoạt động. Các doanh nghiệp còn lại phải tạm dừng hoạt động do không bố trí được “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí phòng, chống dịch, vận tải hàng hóa, công suất hoạt động chỉ đạt 30-50%.
Sau khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, UBND thành phố Hà Nội đã từng bước nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, cũng như có kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 1/11/2021 về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong quý IV/2021 và các năm 2022, 2023 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Trên cơ sở đó, đến nay, 100% các doanh nghiệp tại các KCN&CX đã quay trở lại hoạt động sản xuất bình thường, một số doanh nghiệp đã tiến hành tuyển dụng thêm lao động để tăng công suất hoạt động đáp ứng các đơn hàng đã ký kết (tổng số lao động tăng thêm 4.000 người so với trước khi thực hiện Nghị quyết 128 về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Theo đó, trước khi thực hiện Nghị quyết 128 có tổng số 161.000 lao động).
Hết năm 2021, sản xuất kinh doanh trong các KCN&CX dự kiến sẽ cao hơn năm 2020.
10h30:
Bà Trần Thanh Hoài (huyện Thanh Trì, Hà Nội) hỏi: Gia đình tôi làm nông nghiệp, ngoài cung cấp rau hữu cơ, chúng tôi còn cho khách thăm quan vườn rau, trải nghiệm trồng rau và thu phí từ 20-30 nghìn đồng/người. Tôi muốn hỏi 2 vấn đề: Một là, tôi thu phí tham quan và trải nghiệm như vậy có vi phạm gì không? Hai là, thời điểm hiện nay, tôi đã được cho khách vào tham quan chưa?
- Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Rất thú vị về câu hỏi của bà, đặc biệt là mô hình nông nghiệp sạch kết hợp tham quan - du lịch trải nghiệm trong nông nghiệp ở Hà Nội mà Thành phố đang khuyến khích và chúng tôi đã nhiều lần khuyến nghị rất nhiều lần khi còn làm ở Viện Kinh tế. Chúc cho mô hình này sẽ có nhiều triển vọng và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
"Xe buýt siêu thị 0 đồng" đồng hành cùng người lao động. |
Về 2 câu hỏi của bà, xin được phép trả lời như sau:
Thứ nhất, việc thu phí tham quan là hoàn toàn hợp pháp, vì cần có các chi phí tối thiểu để đầu tư mua giống, vật tư, dụng cụ lao động cho khách trải nghiệm… Tuy nhiên, mức thu nên có sự điều tiết hài hòa, đắt quá sẽ mất khách, gia đình nên lấy lợi ích của việc bán rau cũng như quảng cáo thương hiệu là mục tiêu chính thay vì thu phí. Thậm chí, nếu nhà có điều kiện về đất đai, có thể kết hợp giữa trải nghiệm trồng trọt nông nghiệp với nghỉ ngơi cuối tuần thì sẽ thu hút được nhiều khách hơn, tăng thêm được phí tham quan.
Thứ hai, việc cho khách vào thăm vườn vào thời điểm nào là do thực tế mức độ dịch và các quy định của địa phương chi phối. Nếu gia đình đang ở vùng xanh theo quy định hiện hành của Trung ương và của Hà Nội thì việc cho khách vào là việc bình thường. Còn nếu là vùng cam và vùng đỏ thì bà cần nghiên cứu kỹ các quy định của chính quyền địa phương trong thời điểm cụ thể xem có vi phạm hay không để quyết định việc có cho khách vào hay không. Dù trong mọi trường hợp thì việc thực hiện các quy định 5K là rất cần thiết mà gia đình cần tuân thủ cho khách và gia đình, cùng như tuân thủ các quy định chung về phòng, chống dịch của Nhà nước và Chính phủ.
10h35:
Anh Nguyễn Văn Dương (30 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) hỏi: Được biết, tổ chức Công đoàn có ý nghĩa, vai trò rất to lớn dối với việc đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Tôi vừa được ký hợp đồng lao động, rất muốn tham gia tổ chức Công đoàn. Không biết tôi đã có thể tham gia chưa và hỏi ai để biết việc này?
- Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng: Chúng tôi rất vui vì bạn đã quan tâm và muốn tham gia tổ chức Công đoàn. Nếu Công ty của bạn đã thành lập tổ chức Công đoàn thì bạn có thể làm đơn gửi Ban chấp hành Công đoàn Công ty xin tham gia tổ chức Công đoàn. Nếu Công ty bạn chưa có tổ chức Công đoàn thì bạn có thể gửi đơn đến Ban Giám đốc Công ty và LĐLĐ quận Hoàng Mai để được hướng dẫn cụ thể. Tôi rất mong bạn sớm trở thành đoàn viên Công đoàn.
10h40:
Anh Chương Văn Vinh (huyện Thanh Oai, Hà Nội) hỏi: Tâm lý NLĐ hiện còn e ngại quay trở lại làm việc vì tình hình dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn. Tình trạng này liệu có dẫn đến sự thiếu hụt lao động thời gian tới?
- Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động đã và đang hiện diện trên thực tế và được thừa nhận ngay cả ở diễn đàn Quốc hội. Trong thời gian tới, có thể tiếp tục tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt cho các doanh nghiệp đang sử dụng nhiều nhân công như ngành Da giày, May mặc, do lao động về quê tránh dịch trước nguy cơ dịch còn cao cũng như do các địa phương đang tăng cường tạo điều kiện tiếp nhận cũng như tạo việc làm cho NLĐ (như tỉnh Ninh Nình).
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, các doanh nghiệp cần có sự rà soát, đánh giá lại sự thiếu hụt lao động để lên kịch bản cho các tình huống có thể xảy ra, tăng cường các hoạt động đào tạo mới cho lao động tuyển dụng. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần coi trọng làm tốt cả 2 nhiệm vụ, 1 là thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát tốt dịch bệnh theo các quy định thống nhất của các cơ quan Trung ương và địa phương, đồng thời cần gia tăng các chính sách bảo vệ quyền lợi NLĐ như có nhà ở xã hội, tăng lương, tăng các chi phí khám chữa bệnh… Tất cả tạo sự an tâm và một nền tảng tài chính vững chắc hơn cho NLĐ. Cuối cùng, các doanh nghiệp cũng nên coi trọng cải thiện các quy trình sản xuất, gia tăng mức độ tự động hóa để giảm bớt sự phụ thuộc vào nhân công truyền thống trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.
10h45:
Chị Đàm Thị Minh Nguyệt (41 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) và một số bạn đọc tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) hỏi: Tôi được biết, các trường hợp là F0, F1 là đoàn viên Công đoàn đã được tổ chức Công đoàn hỗ trợ. Vậy xin hỏi, trường hợp đoàn viên không may bị tử vong do Covid-19 có được hỗ trợ không? Nếu có, người thân của họ phải làm những thủ tục gì để được hỗ trợ?
- Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng: Căn cứ Quyết định số 3022/QĐ-TLĐ ngày 9/8/2021 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021, LĐLĐ Thành phố đã có văn bản số 462/LĐLĐ ngày 13/8/2021 về việc sửa đổi bổ sung Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Hướng dẫn số 10 của LĐLĐ Thành phố, đối với cán bộ, đoàn viên công đoàn, NLĐ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (có đóng kinh phí Công đoàn), bị tử vong do nhiễm Covid-19 kể từ ngày 27/4/2021 sẽ được hỗ trợ mức 5 triệu đồng (chi từ nguồn ngân sách Công đoàn Thành phố) và 3 triệu đồng (chi từ nguồn Quỹ Xã hội LĐLĐ Thành phố), tổng cộng mỗi trường hợp bị tử vong do Covid-19 được hỗ trợ là 8 triệu đồng.
Hồ sơ gồm để nhận hỗ trợ gồm: Công văn đề nghị theo mẫu của LĐLĐ Thành phố ban hành; Văn bản (bản photo) của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận tử vong do Covid-19. Người thân của trường hợp bị tử vong do Covid-19 có thể liên hệ trực tiếp với Công đoàn công ty nơi trường hợp này là việc để được hỗ trợ làm hồ sơ đề nghị và hưởng hỗ trợ.
10h50:
Bạn đọc linlinh3412@gmail.com hỏi: Tại các KCN, Tổ An toàn Covid-19 sẽ được kích hoạt, hoạt động như thế nào khi có ca mắc Covid-19 trong phân xưởng?
- Chuyên gia Nguyễn Văn Thuận - Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội: Tổ An toàn Covid-19 có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch của của NLĐ và doanh nghiệp. Mỗi tổ thường sẽ phụ trách tối đa 50-80 NLĐ. Khi phát hiện ca nhiễm Covid-19, Tổ An toàn Covid-19 sẽ báo cáo với lãnh đạo doanh nghiệp và phối hợp điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc để gửi cơ quan y tế địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tiếp theo.
10h55:
Anh Nguyễn Khánh Toàn (Công ty CP NewWave) hỏi: Hiện nay, sau giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiến hành sản xuất kinh doanh mà chỉ hoạt động cầm chừng, chờ hết Tết (theo tâm lý người Việt). Xin chuyên gia cho biết, cần phải làm gì để thúc đẩy doanh nghiệp ngay lúc này cần tiến hành phục hồi sản xuất kinh doanh?
- Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Việc các doanh nghiệp có tiếp tục hoặc gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh hay không là do doanh nghiệp tự quyết định trên cơ sở xem xét thực trạng năng lực, sức chống chịu của bản thân doanh nghiệp cũng như nhu cầu và triển vọng thị trường, các áp lực sinh kế khác mà doanh nghiệp đang và sẽ phải đối diện.
Về phần mình, để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục và phục hồi, phát triển trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện tốt chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi phát triển kinh tế theo chỉ đạo hiện hành của Trung ương và địa phương.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động đề xuất và giám sát quá trình xử lý các kiến nghị của mình với các cơ quan chính quyền địa phương để giúp các cơ quan này nhận diện và xử lý kịp thời, hiệu quả các kiến nghị của mình nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển hoặc cơ cấu lại các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
11h00
Anh Đinh Văn Luyện (huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội) hỏi: Để tạo thuận lợi trong việc kết nối thông tin thị trường lao động trong tình hình mới, nhất là trong các KCN&CX của Hà Nội thì Ban Quản lý KCN&CX Hà Nội đã có những giải pháp gì?
- Chuyên gia Nguyễn Văn Thuận - Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội: Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sau khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, các doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động sản xuất bình thường, một số doanh nghiệp lớn có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động để tăng công suất hoạt động của nhà máy. Nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp, Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thực hiện điều tra cung cầu lao động để có được thông tin cơ bản về nhu cầu trình độ của người lao động để thông tin kịp thời trên hệ thống của Trung tâm Dịch vụ việc làm của Thành phố. Thông qua đó, kết nối người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu.
Ban Quản lý tiếp tục phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố sớm tổ chức kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận tạo điều kiện về việc tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố cũng như trong các KCN&CX.
11h05
Chị Lê Thị Thắm (huyện Hoài Đức, Hà Nội) hỏi: Để giải quyết vấn đề đầu ra nông sản cho nông dân trong vùng dịch thì người dân cũng như chính quyền địa phương nên có giải pháp như thế nào để không rơi vào thế bị động khi có ca mắc phải phong tỏa, cách ly?
- Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Việc tiêu thụ nông sản đã, đang và sẽ tiếp tục là một trong những nút thắt của nông nghiệp Việt Nam cũng như của nhiều địa phương. Để giúp cải thiện tình hình này, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt Nghị quyết 128 của Chính phủ, theo đó không được phép làm đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng thiết yếu, không được đóng cửa siêu thị, trung tâm thương mại, thống nhất mã QR về các quy định hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh trong thời kỳ có dịch.
Đặc biệt, các địa phương cần có các kịch bản ứng phó các cấp độ dịch để đảm bảo lưu trữ, lưu thông, cân đối các nguồn nông sản cho các địa bàn khác; gia tăng các điểm và các hình thức bán hàng lưu động; tăng cường thông tin và các dịch vụ bán hàng qua mạng. Kêu gọi mọi sự hỗ trợ có thể của xã hội về tiêu thụ nông sản. Cuối cùng, các cơ quan, doanh nghiệp, cả doanh nghiệp nông nghiệp cần coi trọng hơn về công nghệ chế biến, bảo quản, phát triển các logistics trong nông nghiệp để duy trình hiệu quả các chuỗi cung ứng nông nghiệp.
Cuối cùng, các cơ quan Trung ương và doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh việc tiếp thị và xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, bạn hàng trong tiêu thụ nông sản ra ngoài biên giới. Cần hết sức lưu ý việc cải thiện cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, chất lượng, giá cả, các điều kiện cung ứng và vệ sinh an toàn thực phẩm để việc tiêu thụ nông sản được thuận lợi.
11h10
Bạn đọc tại quận Hà Đông hỏi: Tôi là giáo viên mầm non tại một trường tư thục. Do ảnh hưởng của dịch, chúng tôi phải nghỉ dạy không lương suốt nhiều tháng qua. Nhà trường cũng đã tạm dừng hoạt động và giải thể. Xin hỏi, chúng tôi phải làm gì để được nhận hỗ trợ từ tổ chức Công đoàn và Nhà nước?
- Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng: Vì không rõ thông tin cụ thể của bạn nên chúng tôi xin trả lời như sau: Trong thời gian làm việc, bạn có tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không? Nếu có, bạn hãy đến Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội quận Hà Đông để được hướng dẫn làm thủ tục nhận hỗ trợ; đồng thời, liên hệ trực tiếp với Liên đoàn Lao động quận Hà Đông để được hướng dẫn cụ thể.
11h15
Anh Nguyễn Văn Tú (Công nhân KCN Thăng Long): Tôi là công nhân làm việc tại KCN&CX, hiện nay, tình hình dịch trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Trước đây, chỉ cần 1 công nhân nhiễm Covid-19, cả dây chuyền, cả phân xưởng, thậm chí cả KCN phải ngừng sản xuất để cách ly chống dịch. Vậy, ở thời điểm hiện tại, để thích ứng với tình hình mới, thì cách xử lý ca F0 như thế nào để dây chuyền, phân xưởng vẫn tiếp tục sản xuất?
- Chuyên gia Nguyễn Văn Thuận - Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội: Hiện nay thực hiện việc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nếu xuất hiện ca F0, doanh nghiệp sẽ khoanh vùng truy vết trong thời gian từ 1-2 ngày tùy từng địa phương. Các trường hợp F0 sẽ được đưa đi chữa trị theo quy định. Còn đối với các trường hợp F1, F2 sẽ được thông báo và yêu cầu trở về nơi lưu trú khai báo với cơ quan y tế của địa phương và thực hiện các quy định về xét nghiệm cách ly theo quy định.
Đối với nhà máy, phân xưởng sẽ tiến hành phong tỏa hẹp. Trong thời gian phong tỏa sẽ thực hiện khử khuẩn, làm sạch các bề mặt máy móc, thiết bị, khi đảm bảo an toàn doanh nghiệp và phân xưởng sẽ quay trở lại hoạt động bình thường.
11h20
Một bạn đọc có địa chỉ email: tiendatdo64837545940@gmail.com đặt câu hỏi: Hiện nay, tôi thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài nói nhiều về chuyển đổi số nông nghiệp. Các chuyên gia có thể giải đáp ngắn gọn về vai trò cũng như tác động của chuyển đổi số đối với nông nghiệp như thế nào hay không? Với thời điểm dịch bệnh như hiện tại thì chuyển đổi số nông nghiệp có vai trò như thế nào?
- Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Chuyển đổi số là hoạt động ứng dụng các thành tựu công nghệ số và dữ liệu kinh tế để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ mới hoặc cũ nhưng theo phương thức mới đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thế giới và Việt Nam đang gia tăng xu hướng phát triểm kinh tế số, xã hội số, doanh nghiệp số…
Trong nông nghiệp, việc chuyển đổi số và việc áp dụng nhiều hơn các hoạt động sản xuất kinh doanh tự động dựa trên ứng dụng công nghệ số như máy tưới nước tự động, tiếp thức ăn, nước uống tự động và thực hiện những biện pháp về chế biến sản phẩm nông sản từ cây trồng đến vật nuôi cũng theo hướng tự động, dây chuyền. Đặc biệt, các công đoạn quản lý và trực tiếp sản xuất có thể tách rời nhau, một chuồng trại chăn nuôi, 1 cơ sở chế biến có thể rất ít người trực tiếp tham gia và bộ phận quản lý sẽ ngồi ở văn phòng.
Chuyển đổi số nông nghiệp còn là việc gia tăng các hoạt động phát triển kinh tế xanh theo hướng sạch hơn, giảm phát thải và ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn, gia tăng các chuỗi cung ứng khép kín từ cánh đồng đến bàn ăn. Thống nhất quy trình công nghệ từ giống, vật tư, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản, phân phối và tiêu thụ.
Với tinh thần đó, chuyển đối số trong nông nghiệp sẽ ngày càng gia tăng với chuyển đổi số trong công nghiệp và dịch vụ, làm mờ dần sự phân biệt rạch ròi giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, đồng thời tạo ra những chuyển đổi mới trong việc cơ cấu lại nông nghiệp và dịch vụ nói chung.
11h25
Một NLĐ tại thôn Phú Vinh (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) hỏi: Thời gian qua, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều đơn hàng bị ùn ứ. Tại làng tôi có nhiều lao động lành nghề đã phải đi nơi khác tìm công việc mưu sinh, cuộc sống vô cùng bấp bênh. Vậy, để tiến tới chung sống an toàn với dịch bệnh, phát triển kinh tế thì những người sống nhờ nghề truyền thống phải làm như thế nào để tìm đầu ra cho sản phẩm, duy trì ổn định sản xuất?
- Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Các ngành nghề thủ công truyền thống của Việt Nam có lịch sử phát triển và những thành quả rất đáng tự hào. Tuy nhiên, trong các thời kỳ suy giảm kinh tế, dịch bệnh thì đây cũng là những ngành rất dễ bị tổn thương, tạo ra những hệ lụy nặng nề cho các hộ sản xuất kinh doanh và áp lực bảo đảm an sinh xã hội trên địa phương…
Để góp phần cải thiện tình hình này, các địa phương cũng như các hộ kinh doanh cần chú ý phân tích nắm bắt thông tin thị trường để chủ động điều chỉnh kế hoạch và phương thức sản xuất kinh doanh, phân phối, tiêu thụ tránh hoạt động theo ý mình bất chấp các sự điều chỉnh thay đổi của thị trường.
Bên cạnh đó, các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp và gia định duy trì các hoạt động thông tin, quảng cáo, xúc tiến thương mại, mở các kênh phân phối mới và ký các hợp đồng, các thỏa thuận tạo thuận lợi cung cấp nguyên liệu đầu vào cũng như đầu ra cho các làng nghề, hộ sản xuất thủ công.
Việc áp dụng các công nghệ mới, máy móc thiết bị hiện đại để giảm tiêu hao năng lượng lao động và nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm cũng như hạ giá thành… là rất cần thiết, đặc biệt trong những ngành nghề như chế biến gỗ, mây tre đan.
Các Hiệp hội làng nghề cần chủ động nghiên cứu để làm tốt vai trò trung gian giữa các cơ quan chức năng, quản lý với các hộ kinh doanh, đồng thời trực tiếp hợp tác các gia đình trong phát triển thương mại điện tử và xúc tiến các hoạt động thương mại cần thiết theo các hình thức cả truyền thống và hiện đại.
Việc đảm bảo vệ sinh môi trường của làng nghề và các hộ kinh doanh rất quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh và trong tiêu thụ hàng hóa, tăng khả năng vượt qua các hàng rào kỹ thuật mà các nước đặt ra ngày càng cao hơn.
11h30
Bạn đọc Trần Văn Thành (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội) hỏi: Tôi được biết Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có quyết định cho phép lùi thời điểm đóng kinh phí Công đoàn đến ngày 31/12/2021. Vậy xin hỏi, những đối tượng nào sẽ được lùi thời hạn đóng kinh phí Công đoàn?
- Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng: Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp và Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định lùi thời điểm đóng kinh phí Công đoàn đến ngày 31/12/2021. Theo đó, đối tượng được lùi đóng kinh phí Công đoàn là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 10% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 1 năm 2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương).
Bài viết cùng chủ đề
Tọa đàm, Giao lưu trực tuyếnCó thể bạn quan tâm
Nên xem
Dấu ấn khác biệt của Vinamilk với hành trình 16 năm liền là thương hiệu Quốc gia
Hà Nội sẵn sàng cho Liên hoan phim quốc tế Hà Nội HANIFF VII
Sắc màu hầu đồng trong nghệ thuật trang điểm
Sơn Tây: Thông tin về vụ sập nhà ở phường Quang Trung
Quận Bắc Từ Liêm trao Huy hiệu Đảng tặng 220 đảng viên lão thành cách mạng
Huyện Thường Tín nỗ lực chuyển đổi số để phát triển toàn diện
TP.HCM: Nhiều vướng mắc về thanh toán không dùng tiền mặt để chi trả BHXH
Tin khác
Đại biểu đề nghị giám sát các quỹ để quản lý, sử dụng hiệu quả
Sự kiện 05/11/2024 11:44
Năm 2024 cả nước tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên
Sự kiện 05/11/2024 11:30
Đại biểu Quốc hội: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng “tắc” do nguyên vật liệu
Sự kiện 05/11/2024 11:29
Đại biểu đề nghị tăng chi đầu tư phát triển cho y tế và giáo dục
Sự kiện 05/11/2024 10:42
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Sự kiện 04/11/2024 22:07
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Sự kiện 04/11/2024 21:44
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Sự kiện 04/11/2024 21:37
Đại biểu Quốc hội: Cần nghiêm trị hành vi phá hoại môi trường dù là nhỏ nhất
Sự kiện 04/11/2024 16:33
Đại biểu đề xuất quan tâm đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động
Sự kiện 04/11/2024 16:19
Đại biểu Quốc hội: Không tăng lương khu vực công, nhưng phải tăng lương hưu và trợ cấp cho người có công
Sự kiện 04/11/2024 15:06