Để không bị xuống cấp và lấn chiếm!
Hãy tạm dừng tập thể dục nơi công cộng Người dân vẫn tập thể dục nơi công cộng Vẫn còn tình trạng chó thả rông nơi công cộng |
Để tạo điều kiện cho người dân có nơi vui chơi, rèn luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, những năm qua thành phố Hà Nội và các quận, huyện trên địa bàn Thành phố đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để chỉnh trang các khu công cộng và lắp thiết bị vui chơi, tập luyện thể thao, đưa Thủ đô dẫn đầu cả nước về lắp đặt hệ thống tập luyện thể dục, thể thao nơi công cộng. Tuy nhiên, theo thời gian, do không được giữ gìn và sử dụng hiệu quả, nhiều thiết bị đã bị xuống cấp, hỏng hóc. Không những thế, một số sân chơi dù đã được nâng cấp, cải tạo nhưng lại bị lấn chiếm để kinh doanh… khiến người dân không có không gian để tập luyện.
Từ nhiều máy tập hỏng hóc, sân chơi bị lấn chiếm…
Điển hình, năm 2017, Hà Nội đã tiến hành lắp đặt các máy tập thể dục kết hợp lọc nước tại một số hồ, địa điểm công cộng trên địa bàn Thành phố, trong đó có hồ Hoàng Cầu và Xã Đàn. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, sau một thời gian đưa vào sử dụng, đến nay một số thiết bị đã xuống cấp. Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực hồ Xã Đàn phố Hồ Đắc Di (phường Nam Đồng) dễ dàng nhận thấy các máy tập thể dục kết hợp lọc nước giờ đây đã trở nên hoen rỉ, cái gãy bàn đạp, cái long ốc, nằm chỏng chơ một góc hồ.
Bên cạnh đó, những bể chứa vốn dùng để lọc nước đã được người dân “tận dụng” triệt để bằng cách dùng làm nơi… đốt vàng mã. Cùng với sự xuống cấp của máy tập và bể lọc, những ống nhựa dẫn nước cũng sứt mẻ và gần như biến mất hoàn toàn. Thực trạng nhếc nhác này không chỉ gây ảnh hưởng tới cảnh quan xung quanh mà còn lãng phí, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Người dân hào hứng tập thể dục tại các máy tập công cộng. (Ảnh: Lê Thắm) |
Ông Đậu Phi Hinh (khu tập thể Nam Đồng) cho biết, những máy tập thể dục kết hợp lọc nước này được lắp đặt ở đây khá lâu. Mục đích ban đầu của Thành phố là vừa để người dân có nơi rèn luyện, nâng cao sức khỏe vừa kết hợp thanh lọc, làm sạch nước hồ. Thế nhưng, sau gần 1 năm đưa vào sử dụng, các máy này đã bắt đầu hỏng hóc, không phát huy được hiệu quả như ban đầu. Với mong muốn được tập luyện, nâng cao sức khỏe, người dân trong khu vực đã nhiều lần có ý kiến đề nghị các bên liên quan sửa chữa, bảo dưỡng lại máy nhưng chờ đợi rất lâu vẫn không có phản hồi.
“Tại đây có 4 xe đạp vận hành bơm lọc nước, lúc mới lắp đặt các máy hoạt động nhẹ nhàng, trơn tru nên người dân tập luyện hào hứng lắm, có khi còn phải xếp hàng chờ tới lượt, nhưng theo thời gian máy hoen rỉ, hỏng hóc dần. Đến nay, 4 máy chỉ còn duy nhất 1 máy còn sử dụng được, nhưng thực tế cũng chỉ có thanh niên khỏe mạnh dùng để luyện tập cơ bắp còn người già không dùng được vì quá nặng”- ông Hinh chia sẻ.
Còn tại hồ Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa), vào giữa giữa tháng 12/2017, Thành phố đã cho lắp đặt 3 bộ máy gồm 6 xe đạp và 3 thùng lọc nước tại đây. Thế nhưng, đến thời điểm này các thiết bị này đã có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Minh chứng dễ thấy, hệ thống xe đạp được trang bị rất đẹp mắt nhưng hiện cái mất yên, cái mất bàn đạp. Và, hình ảnh người dân háo hức tập luyện trên những chiếc xe đạp lọc nước cũng dần biến mất. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại hồ Hai Bà Trưng, hồ Ngọc Khánh.
Bên cạnh những thiết bị tập thể dục không được quan tâm, tu sửa thì tình trạng các sân chơi công cộng vừa được nâng cấp khang trang, sạch sẽ, máy móc hiện đại bị lấn chiếm bởi các hàng quán cũng đang là vấn đề gây bức xúc cho người dân. Sân chơi chung B4, B5 thuộc Khu tập thể Thành công là một ví dụ.
Sân chơi B4, B5 khu tập thể Thành Công bị chiếm dụng bởi hàng quán, xe cộ. (Ảnh: Lê Thắm) |
Vốn nằm cạnh chợ Thành Công lại là địa điểm có nhiều món ăn ngon nổi tiếng ở Hà Nội nên cứ vào khoảng từ 6h – 10h và 16h đến tối muộn sân chơi B4, B5 lại trở thành địa điểm tập trung ăn uống của nhiều người dân trong và ngoài khu vực. Cùng với việc thực khách tới ăn uống đông, khoảng không gian của sân chơi này cũng bị biến thành nơi buôn bán với la liệt bàn ghế, xe cộ.
Phải cố gắng quan sát thật kỹ phóng viên mới có thể nhìn thấy những chiếc máy tập thể dục còn mới nằm xen lẫn giữa nơi đông đúc đầy người và xe. Thi thoảng, một lại có một vài cháu bé chạy qua chạy lại, len lỏi qua những chiếc máy, cố tìm cho mình một chỗ trống để chơi đùa, tập thể dục. Theo lời của một người dân sinh sống tại khu tập thể B5 Thành Công thì sân chơi này vừa được chính quyền cải tạo nâng cấp cách đây nửa năm, toàn bộ máy móc thiết bị đều được trang bị mới, thế nhưng không thấy ai ra tập luyện vì thực tế cũng không có chỗ cho người dân tập.
…Đến sự vào cuộc của người dân là chưa đủ
Để tự bảo vệ không gian sinh hoạt cộng đồng và hệ thống các máy tập, một số tổ dân phố, người dân phải tự đứng ra bảo vệ. Ví dụ như phường Trung Tự (quận Đống Đa). Theo quan sát của phóng viên tại khu vực sân chơi B4, B5 Khu tập thể Trung Tự trước đây vốn là địa điểm thường xuyên bị lấn chiếm bởi các hàng quán thì đến nay tình trạng này gần như đã chấm dứt hoàn toàn. Vào mỗi 16h hằng ngày, sân tập trung rất đông người đến tập luyện.
Trẻ nhỏ vui vẻ nô đùa trên những cây cầu trượt, bập bênh, thú nhún, còn người già thì cùng nhau trò chuyện rôm rả trên những chiếc máy xoay tay, máy đi bộ trên không. Được biết, từ khi các sân chơi được quận Đống Đa nâng cấp,đầu tư thêm nhiều trang thiết bị, lực lượng chức năng của phường cũng đã tiến hành ra quân xử lý quyết liệt tình trạng lấn chiếm sân chơi, gây hư hỏng các thiết bị tập luyện.
Bà Nguyễn Thị Lan, Tổ trưởng Tổ dân phố số 2, Khu tập thể Trung Tự cho biết: Từ sau khi sân chơi được nâng cấp, đầu tư thiết bị tập luyện phường đã giao cho người dân cũng như tổ dân phố và các đoàn thể cùng nhau giữ gìn, bảo vệ. Hằng ngày Tổ dân phố sẽ đi kiểm tra, nhắc nhở người dân tập luyện có ý thức, giữ gìn máy móc cẩn thận. “Với tình trạng hàng quán cố tình lấn chiếm, bày bán thì Tổ dân phố và các đoàn thể sẽ lập tức nhắc nhở. Nếu ai cố tình chây ỳ, chống đối, sẽ lập tức báo lại với chính quyền phường để phường có biện pháp xử lý triệt để” – bà Lan chia sẻ.
Trẻ em len lỏi qua bạt ngàn xe cộ để tìm chỗ chơi đùa, tập thể dục. (Ảnh: Lê Thắm) |
Tương tự, phường Kim Liên (Đống Đa) cũng là một phường có chuyển biến tích cực trong công tác nâng cấp, cải tạo sân chơi công cộng cho người dân. Theo ông Nguyễn Quang Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Kim Liên, nhận được sự hỗ trợ của quận Đống Đa, đến nay trên địa bàn phường đã có 14/15 sân chơi được đầu tư, nâng cấp, trong đó có một sân là do người dân tự đóng góp tiền của để cải tạo, còn trang thiết bị tập luyện là do quận trang bị.
Cùng với việc nâng cấp sân chơi, phường cũng tiến hành xử lý quyết liệt những hành người cố tình vi phạm, lấn chiếm không gian chung của người dân. Cụ thể, ông Sơn cho biết, trong những năm qua, chính quyền phường Kim Liên rất quan tâm đến công tác tuyên truyền đến quần chúng nhân dân, đồng thời thường xuyên ra quân xử lý các vi phạm lấn chiếm sân chơi tập thể. Phường tích cực thực hiện việc giao sân chơi về các khu dân cư quản lý, ban hành những quy tắc trong việc quản lý, giám sát sân chơi.
Ngay trong quá trình cải tạo nâng cấp sân chơi, phường đã mời một số người dân có trình độ, tổ trưởng tổ dân phố và các đoàn thể xã hội trong khu dân cư tham gia vào việc giám sát, thi công, lắp đặt thiết bị thể dục. Sau khi các sân chơi được nâng cấp hoàn chỉnh phường bàn giao lại cho khu dân cư và yêu cầu người dân có trách nhiệm trọng việc bảo quản, giữ gìn các thiết bị tập luyện cũng như không gian chung của sân. Nếu xảy ra tình trạng máy móc hư hỏng cần báo ngay lại với phường để phường liên hệ với bên thi công sửa chữa.
“Qua quan sát thì thấy hầu như sân chơi được sử dụng đúng mục đích. Tuy nhiên, vẫn có một vài nơi, một vài cá nhân còn lấn chiếm, vi phạm. Trước tình hình đó, phường đã tổ chức tuyên truyền nhắc nhở. Ủy ban nhân dân phường giao cho các tổ dân phố, quản lý khu vực để thường xuyên tuần tra, phối hợp với các bên.
Ban chỉ đạo 197 thường xuyên ra quân. Khu vực nào phát sinh điểm nóng, vi phạm thì ban chỉ đạo phường sẽ xuống lập biên bản ngay, không để tồn tại. Cụ thể như trường hợp hàng quán lấn chiếm tại sân chơi B1, sau khi tuần tra phát hiện phường đã lập tức xử phạt, yêu cầu kí biên bản cam kết không tái phạm nếu không sẽ có các biện pháp tịch thu, cưỡng chế ” - ông Sơn cho biết.
Chia sẻ thêm về kinh phí bảo dưỡng sân chơi, đại diện phường Kim Liên cho biết, kinh phí cho công tác này rất hạn chế, thậm chí không có. Do vậy, phường đã linh hoạt bằng cách yêu cầu cán bộ cấp cơ sở, Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố…phải thường xuyên nhắc nhở quản lý tại chỗ. “Các sân chơi đều là sân chơi mở, phường đã tuyên truyền mọi người phải có trách nhiệm. Trên địa bàn phường sân chơi không bị phá hoại. Sân chơi phục vụ cộng đồng, nên các bác lớn tuổi cũng nhắc nhở các cháu nhỏ. Đồng thời các tổ, chi hội phụ nữ cũng thường xuyên dọn vệ sinh, bảo vệ các trang thiết bị”, ông Sơn cho hay.
Một lần nữa khẳng định, chủ trương “dụng cụ hóa” các trang thiết bị để người dân luyện tập thể dục, thể thao các khu vực công cộng trên địa bàn là chủ trương đúng đắn của Thành phố. Điều này không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân mà còn tạo cảnh quan môi trường. Tuy nhiên, để các thiết bị không bị xuống cấp cũng như không gian sinh hoạt không bị lấn chiếm rất cần ý thức của mỗi người dân cũng như sự sát sao của chính quyền sở tại và chủ đầu tư./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Tổ chức Hội nghị cán bộ năm 2025 đảm bảo dân chủ, thiết thực
LĐLĐ quận Đống Đa: Nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Thành đoàn Hà Nội tuyên dương cán bộ công chức, viên chức trẻ xuất sắc
Gen Z mùa deadline cuối năm: Đa nhiệm, stress nhưng vẫn luôn tận hưởng cuộc sống
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
Luật Công nghiệp công nghệ số: Luật hóa trí tuệ nhân tạo, tài sản số
Tin khác
Thành phố Hồ Chí Minh: Công bố 31 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm
Trật tự đô thị 23/11/2024 14:49
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Trật tự đô thị 23/11/2024 07:28
Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 thành phố Biên Hòa, Đồng Nai
Trật tự đô thị 20/11/2024 11:18
Quyết liệt dẹp “điểm đen” về trật tự an toàn giao thông tại phố cổ
Trật tự đô thị 19/11/2024 10:33
Rà soát cây xanh bị nghiêng, gãy đổ chưa được khắc phục
Trật tự đô thị 18/11/2024 16:35
Quyết liệt xử lý tình trạng họp chợ, lấn chiếm lòng đường
Trật tự đô thị 18/11/2024 14:32
Cần làm rõ “trường hợp cần thiết” áp dụng ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước
Trật tự đô thị 17/11/2024 20:36
Hà Nội: Xử lý 2.397 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông qua phản ánh từ Zalo
Trật tự đô thị 09/11/2024 17:36
Hà Nội có thêm 14 dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh
Trật tự đô thị 04/11/2024 15:34
Hà Nội quyết liệt xử lý tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo”
Trật tự đô thị 01/11/2024 17:22