Đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường
Tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường | |
Vấn nạn bạo lực học đường: Giải pháp nào để chấm dứt? | |
Bài học không chỉ của ngành giáo dục Hưng Yên mà còn cho cả nước |
Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị trực tuyến đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ) được tổ chức ngày 17/4 với sự tham dự của gần 20.000 người tại 63 điểm cầu Sở GD&ĐT và 603 điểm cầu Phòng GD&ĐT.
Lấy “phòng” là chính
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua, đã có nhiều văn bản quy định của pháp luật về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống BLHĐ. Riêng Bộ GD&ĐT cũng có nhiều Thông tư liên quan cũng như những văn bản cá biệt, chỉ thị về nội dung này, tuy nhiên, BLHĐ có xu hướng lan rộng, phức tạp hơn. Nguyên nhân là do đặc điểm lứa tuổi học sinh THCS, THPT, sự tác động tiêu cực của mạng xã hội và các tác động khác từ môi trường gia đình, xã hội.
Trước thực tế này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, ngành Giáo dục cần chủ động, tiên phong, tích cực, tập trung vào các giải pháp để “phòng hơn là chống”. Trong đó, đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các nhà trường, bao gồm cả hiệu trưởng, hiệu phó, tổng phụ trách và trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm… trong việc tìm ra các giải pháp để phòng chống bạo lực.
Đồng thời, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh tới sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong phòng, chống BLHĐ. “Phòng, chống BLHĐ là trách nhiệm của không chỉ các bộ ngành, địa phương, các sở, ban, ngành, ban giám hiệu nhà trường… mà là trách nhiệm của từng thầy cô giáo, từng cán bộ, viên chức, người lao động và học sinh trong nhà trường. Các bên liên quan như phụ huynh cũng cần chung tay thực hiện. Chúng ta mà xem nhẹ khâu nào trong nguyên lý nhà trường - gia đình - xã hội thì công tác phòng, chống BLHĐ sẽ đạt kết quả không cao” - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu rõ.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Bộ GD&ĐT) |
Đề cập tới vai trò của các trường sư phạm, tổ chức công đoàn trong phòng chống BLHĐ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các trường cần chú trọng ngay từ khâu tuyển sinh, đào tạo, thầy cô phải có năng khiếu sư phạm, yêu nghề mến trẻ, chương trình đào tạo cho giáo viên cũng phải thay đổi để từng thầy cô phải coi đây là nhiệm vụ của mình trong công tác giáo dục. Trường sư phạm cũng phải có trách nhiệm với các cựu sinh viên của mình; có chương trình bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kĩ năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
“Các thầy cô phải trở thành nhà giáo dục, không phải “thợ dạy”. Tổ chức công đoàn cũng cần phải vào cuộc sâu. Vai trò của đội ngũ nhà giáo với khoảng 1,5 triệu người là rất quan trọng, có thể nói là quyết định thành công trong phòng chống bạo lực học đường” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Chậm nắm bắt các vụ việc
Báo cáo tại Hội nghị, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) đánh giá, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói chung và các văn bản chỉ đạo phòng, chống BLHĐ của ngành giáo dục đã chặt chẽ và kịp thời, tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục trong toàn quốc đảm bảo an ninh trường học. Tuy nhiên, ông Bùi Văn Linh cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng thời gian qua, có một số hiện tượng cá biệt bạo lực xảy ra trong và ngoài trường học, gây tâm lý bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo ông Bùi Văn Linh, tình trạng này có nguyên nhân khách quan là tác động của mặt trái kinh tế thị trường, ảnh hưởng ngoại lai văn hóa nước ngoài; sự bùng nổ internet, mạng xã hội, thông tin xấu độc, kích động tràn lan trên mạng xã hội tiêm nhiễm từ từ đến quá trình hình thành đạo đức nhân cách.
Vấn đề giáo dục nhân cách của con em trong gia đình cũng có nhiều tồn tại. Bên cạnh đó, bản thân học sinh trong các lứa tuổi từ tiểu học đến THPT có quá trình diễn biến thay đổi tâm sinh lý và hành vi nhanh chóng…, đặt ra thách thức đối với thầy cô trong việc nắm bắt tâm lý của các em.
Về nguyên nhân chủ quan, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên cho rằng có tình trạng chỉ đạo ở các địa phương chưa được thường xuyên, các quyết định chính sách của cấp trên, của Bộ GD&ĐT chưa được cập nhật, quán triệt hiệu quả ở các địa phương.
“Công tác chỉ đạo cũng chưa theo kịp cuộc sống, thời gian qua một số vụ việc khi báo chí đưa tin thì các cơ quan mới vào cuộc để tiến hành xử lý. Các hiện tượng cá biệt về vi phạm đạo đức nhà giáo cũng như bạo lực học đường xảy ra trong một số tình huống mà cách xử lý về nghiệp vụ sư phạm, kiểm soát cảm xúc cá nhân còn yếu ở một số giáo viên” - ông Bùi Văn Linh nói.
Đâu là giải pháp?
Chia sẻ về sự việc một học sinh bị bạn đánh hội đồng gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên cho biết, đây là sự việc đáng tiếc, cá biệt và tỉnh đã chỉ đạo xử lý kịp thời, quyết liệt để làm gương. Mới đây, ngành Giáo dục Hưng Yên đã tổ chức Hội nghị trực tuyến quá triệt công tác phòng chống BLHĐ tới hơn 16.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành.
Đưa ra giải pháp về giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống vào trong nhà trường, giúp thầy cô xử lý vấn đề của mình tốt hơn, trường học trở nên thân thiện hơn, học sinh hạnh phúc hơn, ông Nguyễn Văn Hoà - Chủ tịch HĐQT trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết, khi cô giáo, nhà trường quan tâm đến hạnh phúc của học trò thì bạo lực sẽ giảm dần, sẽ không hết được nhưng từ chuyện to sẽ thành nhỏ, từ nhỏ sẽ thành không có gì.
Ông Nguyễn Văn Hoà - Chủ tịch HĐQT trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) chia sẻ tại Hội nghị. (Ảnh: Bộ GD&ĐT) |
“Trong 8 năm đưa giá trị sống và kỹ năng sống vào trường, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thay đổi hoàn toàn về cách tiếp cận và xử lý những vấn đề thuộc về an toàn nhà trường và BLHĐ. Các thầy cô giáo của chúng tôi đã được học những khóa giá trị sống và đã xử lý vấn đề của mình tốt hơn, trường học trở nên thân thiện hơn, học sinh hạnh phúc hơn” - ông Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.
Nhìn nhận BLHĐ không phải và không thể chỉ là công việc của ngành giáo dục mà là của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội, ông Lê Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nêu ra một số giải pháp như cần tăng cường việc quản lý học sinh ở cả gia đình, nhà trường và xã hội; tập huấn cho phụ huynh về cách xử lý khi có có vấn đề xảy ra; tăng cường lồng ghép, tích hợp giáo dục phòng chống BLHĐ trong nội dung chính khóa và hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Đại diện cho một cơ sở đào tạo giáo viên, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu quan điểm, thầy cô, ngoài phương pháp dạy học cần làm chủ cảm xúc và hành vi, thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức để có giải pháp trong các tình huống sư phạm.
“Nhiệm vụ quan trọng của các trường sư phạm là thực hiện hai nền tảng, tâm lý giáo dục và phương pháp giảng dạy. Nếu không làm tốt được điều này, khó phân biệt được trường sư phạm và trường khác. Trong quá trình đào tạo, các trường cũng cần thường xuyên cập nhật tình huống sư phạm, dự báo tình huống để học viên có những giải pháp kịp thời” - GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ.
Để phòng chống BLHĐ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, trước hết phải đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nhận diện BLHĐ. Đồng thời xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, an toàn, lành mạnh.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống BLHĐ vào chương trình và các hoạt động giáo dục; bồi dưỡng nâng cao năng lực phẩm chất nhà giáo, đặc biệt là giáo chủ nhiệm. “Đặc biệt chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác phối hợp giữa các Bộ ngành, tổ chức liên quan, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong đảm bảo an ninh, an toàn trường học và phòng chống BLHĐ” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho hay.
Không để “nhờn” các quy định
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị ngành Giáo dục các cấp tăng cường phổ biến các quy định pháp luật về đảm bảo an ninh, an toàn trường học và phòng, chống BLHĐ, đặc biệt là các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Thông tư của Bộ liên quan đến vấn đề này.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục phải cụ thể hóa văn bản chỉ đạo thành các kế hoạch hành động của nhà trường, trong đó phân công rõ trách nhiệm của lãnh đạo, ban giám hiệu, cấp ủy, người đứng đầu, các vị trí giáo viên chủ nhiệm, giáo viên, người lao động…, tích cực trao đổi với phụ huynh để gắn kết nhà trường và gia đình.
Đồng thời tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát. Vì nếu không tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ ra những bất cập, hạn chế thì việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kế hoạch đôi khi trên giấy, việc thực hiện kế hoạch sẽ không thiết thực. “Việc kiểm tra, giám sát ngoài đôn đốc, nhắc nhở, xử lý kịp thời, nghiêm khắc, còn để phát hiện những tấm gương người tốt, việc tốt, tập thể tốt để nhân rộng theo tinh thần lấy cái tốt, cái đẹp để dẹp cái xấu” - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Trước tình trạng vẫn còn một số nơi chưa xử lý nghiêm khắc giáo viên vi phạm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị lãnh đạo 63 Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm túc chủ trương của ngành là nếu giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo thì trước hết không cho đứng lớp, chứ không thể đẩy từ lớp nọ sang lớp kia. Sau đó, căn cứ vào mức độ vi phạm đến đâu thì xử lý nghiêm đến đó theo quy định của pháp luật.
“Chúng ta phải làm gương chứ tôi thấy một số địa phương khi giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo mà chỉ đình chỉ có 3 hôm hay 1 tuần, sau đó lại chuyển sang dạy lớp khác, như vậy là không nghiêm túc, không răn đe được những trường hợp vi phạm khác. Chúng ta không làm nghiêm thì sẽ bị nhờn các quy định” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/11: Trời nhiều mây, trưa chiều giảm mây trời nắng
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Tin khác
Đánh giá kỹ tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Sự kiện 22/11/2024 21:31
Quốc hội xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá
Sự kiện 22/11/2024 15:25
Phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ I
Sự kiện 22/11/2024 14:19
Đề xuất các quan điểm, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
Sự kiện 22/11/2024 09:49
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
Sự kiện 21/11/2024 16:55
Đại biểu Quốc hội: Không thể để một công chức nếu không chi tiêu gì mất cả hơn trăm năm mới mua được nhà
Sự kiện 21/11/2024 14:14
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói về thời điểm thích hợp xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Sự kiện 20/11/2024 21:08
Nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Sự kiện 20/11/2024 17:39
Hội Luật gia thành phố Hà Nội tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029
Sự kiện 20/11/2024 17:28
Lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp
Sự kiện 20/11/2024 13:17