“Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” cần những hành động cụ thể, thiết thực
Chương trình là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động và phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022 (17/10/2022 - 18/11/2022).
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham dự Chương trình. |
Tham dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ, Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bùi Thị Minh Hoài - Trưởng Ban Dân vận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Võ Thị Ánh Xuân - Phó Chủ tịch Nước, Lê Tiến Châu - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Chương trình…
Phát biểu tại chương trình, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, dành nguồn lực lớn, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng còn nhiều khó khăn; thực hiện đồng bộ các giải pháp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Cùng với nguồn lực của Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam đã ủng hộ của cải vật chất và ngày công, thiết thực giúp đỡ cho người nghèo, người yếu thế, người bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh… vượt qua những lúc khó khăn, hoạn nạn. Nguồn lực từ xã hội đã xây dựng hàng chục vạn ngôi nhà, hàng ngàn cây số đường nông thôn, hàng trăm cây cầu dân sinh, hàng ngàn lớp học và công trình nước sạch;… hỗ trợ tạo sinh kế cho hàng triệu hộ nghèo, giúp đỡ để giành giật lại cuộc sống cho hàng trăm người mắc bệnh hiểm nghèo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Chương trình. |
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, đời sống của nhân dân đã được cải thiện, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa, những người bị thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh, những người mắc bệnh hiểm nghèo, người yếu thế… còn rất nhiều khó khăn, rất mong muốn nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng và xã hội.
Được sự đồng ý của Thường trực Ban Bí thư và hưởng ứng Phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tha thiết kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam, các nhà hảo tâm trong cả nước, phát huy truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, người có của giúp của, người có công giúp công; có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít, đồng tâm, hiệp lực giúp đỡ người nghèo, người yếu thế và những địa bàn đặc biệt khó khăn.
“MTTQ Việt Nam các cấp vinh dự được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị vận động, tiếp nhận các nguồn lực giúp đỡ của toàn xã hội. Chúng tôi cam kết quản lý, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, công khai, minh bạch để nhân dân và các tổ chức, cá nhân giám sát”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Chương trình. |
Phát biểu tại Chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ đói nghèo là một trong ba thứ giặc (giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm). Tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc ngày 10/01/1946, Người nói: "Chúng ta đã tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ".
Thấm nhuần tư tưởng đó, xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là yêu cầu cấp bách, là một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của quá trình phát triển nhanh, bền vững đất nước. Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hằng năm chúng ta vẫn dành một nguồn lực lớn để đầu tư, hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai hiệu quả.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước đã kịp thời có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả đối với người dân bị ảnh hưởng, nhất là người nghèo. Trong hơn một năm qua, Trung ương và các địa phương đã dành hơn 86 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho khoảng trên 56 triệu lượt người dân, người lao động gặp khó khăn do đại dịch và trên 730 nghìn người sử dụng lao động.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng được biết trong những năm qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động được hàng chục ngàn tỷ đồng; giúp xây mới và sửa chữa hàng trăm ngàn căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hàng triệu lượt người nghèo khám chữa bệnh…
"Vui mừng về những thành tựu quan trọng đạt được thời gian qua, nhưng phía trước vẫn còn nhiều nỗi lo toan, trăn trở khi vẫn còn gần 2,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều, chiếm hơn 9% số hộ trong cả nước. Vẫn còn nhiều người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo… còn nhiều khó khăn, thiếu thốn", Thủ tướng trăn trở.
Thay mặt lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh trao bảng biểu trưng ủng hộ 10 tỷ đồng tới Chương trình. |
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, "Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" không chỉ là khẩu hiệu mà cần những hành động cụ thể, thiết thực. Chúng ta hãy ở bên cạnh, đặt mình vào hoàn cảnh của những người nghèo, của những số phận kém may mắn để giúp đỡ bằng tấm lòng, bằng cảm xúc của trái tim, bằng sự thấu hiểu, bằng sự trân trọng, nâng niu và cảm thông sâu sắc.
Xóa đói giảm nghèo là vấn đề toàn dân và cả nước, cần phải có cách tiếp cận toàn dân và trên bình diện quốc gia. Đó là sự tham gia tích cực của cộng đồng và sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành và bạn bè, đối tác quốc tế.
Tại Chương trình, Thủ tướng tha thiết đề nghị và kêu gọi: Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, nhất là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh. Tăng cường kiến thức, kỹ năng sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người nghèo.
Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục đồng hành, chung tay, có các hoạt động thiết thực, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước ta.
Tại Chương trình, ông Nguyễn Tài Phương (kiều bào tại Mỹ) đã trao số tiền 150 triệu đồng giúp đỡ em Nguyễn Văn Tuấn (xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) mồ côi cả cha lẫn mẹ, hiện đang ở với bà. |
Những người nghèo, cận nghèo cần phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên thoát nghèo bền vững. Cuộc chiến chống đói nghèo không thể thành công nếu chính người nghèo không nỗ lực vươn lên vì một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của họ.
"Nhân dịp này, tôi xin trân trọng cám ơn và mong muốn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế - với trái tim nhân ái, tinh thần trách nhiệm cao cả - tiếp tục có những đóng góp hiệu quả hơn nữa trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới", Thủ tướng bày tỏ.
Tại Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022, 167 cơ quan, đơn vị, Tập đoàn, Tổng Công ty, các doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức tôn giáo, người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, các nhà hảo tâm đã đăng ký ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội với số tiền trên 1.177 tỷ đồng, trong đó qua Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương gần 134 tỷ đồng, chương trình an sinh xã hội trên 1.043 tỷ đồng. Cũng theo Ban Tổ chức Chương trình, Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong Tháng cao điểm “Vì người nghèo”. Theo thống kê, đến nay, MTTQ các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận đăng ký ủng hộ số tiền trên 1.639 tỷ đồng, trong đó ủng hộ Quỹ Vì người nghèo địa phương trên 908 tỷ đồng và thực hiện chương trình an sinh xã hội gần 731 tỷ đồng. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Tin khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành khu tái thiết Làng Nủ
Tin mới 22/12/2024 16:11
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Tin mới 22/12/2024 11:48
Bảo đảm an toàn giao thông cho chuỗi sự kiện kỷ niệm lớn
Sự kiện 22/12/2024 10:22
Phải xây dựng được mô hình bộ máy tinh gọn, khoa học hiệu quả
Sự kiện 21/12/2024 18:22
Tết Dương lịch 2025: Hà Nội bắn pháo hoa tại những điểm nào?
Tin mới 21/12/2024 09:54
TP.HCM: Cháy nhà trọ cho thuê, 16 người thương vong
Tin mới 20/12/2024 15:12
Công ty Điện lực Thường Tín tổ chức hội nghị tri ân khách hàng năm 2024
Sự kiện 20/12/2024 12:18
Chủ tịch HĐND Thành phố chỉ đạo khắc phục vụ cháy tại quán cà phê đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 18:16
Trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp dịp Tết Nguyên đán
Tin mới 19/12/2024 17:16
Hưng Yên cơ bản hoàn thành GPMB dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô
Tin mới 19/12/2024 17:15