Mô hình CHK Quảng Ninh. |
Vấn đề đặt ra là phân kỳ đầu tư dự án như thế nào để tránh lãng phí nếu xây dựng với quy mô quá lớn ngay từ đầu, nhưng cũng không để quy mô quá nhỏ dễ dẫn đến quá tải sau một thời gian ngắn khai thác.
Có thể đạt 2 triệu vào năm 2020
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Lê Văn Thành khẳng định điều này sau khi đưa ra phân tích về dự báo cũng như tính khả thi của dự báo. Cụ thể, theo ông Thành, dự báo đến năm 2020, lưu lượng hành khách qua Cảng hàng không (CHK) Quảng Ninh hoàn toàn có thể đạt 2 triệu khách/năm. Con số này sẽ đạt 5 triệu khách vào năm 2030.
Ngay trong tuần này, Bộ GTVT sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Dự án đầu tư xây dựng CHK Quảng Ninh theo hình thức hợp đồng BOT. Văn bản sẽ làm rõ tính cần thiết và vai trò của CHK Quảng Ninh đối với Đặc khu kinh tế Vân Đồn, dự báo lượng hành khách, hàng hóa trong mối quan hệ với các CHK khu vực cũng như phân kỳ đầu tư dự án. |
“Trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam hàng năm, lượng khách đi bằng đường hàng không và theo mục đích du lịch luôn chiếm tỷ lệ rất cao (79%). Trong khi đó, lượng khách đến Quảng Ninh cũng chủ yếu là để du lịch, công tác và thăm thân nhân. Nếu tính tỷ lệ khách quốc tế và nội địa đến Quảng Ninh bằng đường hàng không chỉ chiếm khiêm tốn khoảng 10% so với tổng lượng khách ước tính năm 2014, đã có tới 870 nghìn lượt khách đến Quảng Ninh bằng đường hàng không nếu có sân bay. Với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 15% như tốc độ chung của hàng không cả nước, đến năm 2020, lượng khách thông qua CHK Quảng Ninh sẽ đạt con số 2 triệu khách/năm là hoàn toàn khả thi”, ông Thành phân tích.
Cũng theo ông Thành, CHK Quảng Ninh ngoài chức năng chính là CHK lưỡng dụng (phục vụ dân sự và quân sự) còn đóng vai trò là sân bay dự bị cho CHK quốc tế Nội Bài (khi xảy ra các tình huống không thể tiếp nhận máy bay như thời tiết xấu, khẩn nguy, khủng bố…) và CHK Cát Bi (trong trường hợp phải đóng cửa). “Các CHK khu vực phía Bắc và Đông Bắc như Vinh, Thọ Xuân, Đồng Hới vừa có khoảng cách khá xa đến Nội Bài và Cát Bi, vừa không đủ năng lực tiếp nhận các loại máy bay thương mại thân lớn. Vì vậy, CHK Quảng Ninh với quy mô cấp 4E sẽ là giải pháp bổ trợ gần nhất, kịp thời nhất với Nội Bài và Cát Bi”, ông Thành bổ sung.
Ủng hộ phương án xây dựng CHK Quảng Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư - Bộ GTVT Trần Minh Phương nhấn mạnh thêm: “Với sự phát triển nhanh chóng của hàng không giá rẻ, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sau này sẽ tăng trưởng rất nhanh và đi lại bằng đường hàng không sẽ trở nên phổ thông hơn với người dân”.
Phân kỳ đầu tư thế nào?
Đồng quan điểm, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CHK VN (ACV) Đỗ Tất Bình cho biết, tốc độ phát triển hàng không của nước ta đang vượt xa mọi dự báo. Điển hình nhất là CHK Thọ Xuân. Lượng hành khách qua cảng này năm 2013 là 90 nghìn, năm 2014 là 160 nghìn (tăng gần 78%) và chỉ trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt con số 280 nghìn lượt, tăng hơn 156% kế hoạch năm.
Từ số liệu dự báo lưu lượng hành khách, hàng hóa, việc đầu tư xây dựng CHK Quảng Ninh được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (từ 2015 - 2020) sẽ đầu tư xây dựng nhà ga hành khách đạt công suất thiết kế 2 triệu khách/năm với thiết kế dạng sao cho dễ dàng vừa mở rộng, vừa khai thác trong giai đoạn tiếp theo.
“Kinh nghiệm thực tiễn, một công trình nhà ga hành khách muốn đạt hiệu quả sử dụng cao nhất cần được xây dựng đạt công suất tính toán để đảm bảo khai thác trong khoảng từ 3 - 7 năm, sau đó tiếp tục xem xét mở rộng. Nếu xây dựng với quy mô quá lớn ngay từ đầu sẽ gây dư thừa lãng phí, nhưng nếu xây dựng với quy mô quá nhỏ so với dự báo thì chỉ khai thác được một thời gian ngắn đã quá tải, chưa khai thác hết công năng đã phải mở rộng hoặc xây nhà ga mới, điển hình như trường hợp nhà ga hành khách CHK quốc tế Đà Nẵng”, ông Thành phân tích.
Được biết, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (không bao gồm chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng) là 7.458 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (từ 2020 - 2030) sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, tỉnh Quảng Ninh và nhà đầu tư đàm phán, quyết định đầu tư mở rộng nhà ga hành khách đáp ứng công suất tiếp nhận 5 triệu hành khách/năm, xây dựng nhà ga hàng hóa đáp ứng lưu lượng 30 nghìn tấn/năm theo quy hoạch.
Ngoài ra, để dự kiến phát triển cho giai đoạn tiếp theo, tỉnh Quảng Ninh sẽ dành quỹ đất để mở rộng CHK Quảng Ninh khi có nhu cầu.Việc phân kỳ đầu tư này cũng nhận được sự đồng tình của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường. “Do nguồn vốn đầu tư ban đầu khá lớn nên sẽ đầu tư nhà ga trước. Đến khi nhu cầu tăng lên việc mở rộng nhà gà là tất yếu. Do vậy, giai đoạn 1 thực hiện như đề xuất của tỉnh Quảng Ninh là phù hợp”, Thứ trưởng Trường nói.
Theo Ngân Anh/ báo Giao thông