Chia sẻ của bác sĩ đầu ngành về cách phòng, tránh ung thư vú và ung thư cổ tử cung
Thận trọng dùng thuốc khi trẻ mắc Covid-19 Dùng thuốc hạ sốt đúng cách khi trẻ nhiễm Covid-19 Hội thảo “Phát hiện sớm và tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tử cung” |
Ung thư vú và cách chữa trị
Theo cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (Globocan) năm 2020, tỉ lệ tử vong và mắc mới của bệnh ung thư vú hiện nay đứng hàng đầu trên toàn thế giới, vượt qua cả ung thư phổi ở cả hai giới.
Cùng với đó, tỷ lệ bị ung thư vú nhiều nhất là ở nữ giới, mỗi năm có khoảng 2.261.419 ca mắc trên thế giới, chiếm 24,5% trong tất cả các trường hợp ung thư mới.
Mới đây, trong Hội thảo “Phát hiện sớm và tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tử cung”, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hải - Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, Nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện K, với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Ngoại Ung bướu - Tiêu hóa đã có chia sẻ chi tiết về bệnh ung thư vú và cách chữa trị bệnh này.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hải, Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, Nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện K, có gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Ngoại Ung bướu - Tiêu hóa. |
Theo bác sĩ Vũ Hải, ung thư vú là sự phát triển của các tế bào vùng vú nằm trong bầu vú của chị em. Trong những tế bào đó có tế bào tiết sữa và cả tế bào là ống dẫn sữa. Khi có sự đột biến, các tế bào này phát triển và trở thành những khối u.
Đây là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng phân chia mạnh, xâm lấn xung quanh. Tuy nhiên ung thư vú sẽ không chỉ dừng lại ở một chỗ mà nó còn phát triển và di căn sang các bộ phận khác.
Ban đầu, khối u có thể là rất nhỏ, chỉ khoảng 1-2 cm, khó phát hiện. Trong 1cm đã có hàng tỷ tế bào ung thư, sau đó tế bào này sẽ lớn dần lên và xâm chiếm toàn bộ bầu ngực của chị em.
“Ung thư vú thường hay gặp ở các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 30-40 tuổi. Đặc biệt là từ 40 tuổi trở lên hay mắc phải căn bệnh này nhất. Bên cạnh đó sẽ có những trường hợp mang tính chất di truyền từ người trong gia đình đã từng mắc bệnh, hoặc những người có tiền sử bệnh liên quan đến vú như xơ nang tuyến vú.
Ung thư vú cũng có liên quan đến đột biến gen, cụ thể là những gen sinh ung thư, các đột biến đó sẽ tạo điều kiện cho khối u phát triển.
Ngoài ra nhiều trường hợp là người phụ nữ bị béo phì, ít vận động, ăn thức ăn nghèo vitamin, không cho con bú, mãn kinh sớm, sử dụng rượu bia, hút thuốc đều có nguy cơ gây mắc bệnh ung thư vú.
Ngoài ra, người sống trong môi trường độc hại, ô nhiễm cũng là yếu tố thuận lợi để để tạo điều kiện phát sinh ra bệnh ung thư vú. Tuy nhiên cũng có không ít những ca bệnh trái ngược, dù không mắc phải bất kỳ trường hợp nào kể trên nhưng vẫn có thể mắc ung thư vú.
Do đó chị em phụ nữ cần phải được trang bị sẵn kiến thức về các dấu hiệu nhận biết của bệnh này”, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Hải, bệnh ung thư vú phổ biến nhưng nhiều chị em đi khám vẫn rơi vào trường hợp phát hiện muộn. Ung thư vú có thể bao gồm các triệu chứng sau: có u vú; thay đổi kích thước, hình dạng vú; thay đổi màu da; co rút núm vú; đỏ, sần, chảy dịch bất thường ở núm vú…
Bệnh ung thư vú chỉ cần khám sàng lọc tại bệnh viện hoặc các trung tâm y tế bằng phương pháp chụp vú, siêu âm vú đã có thể phát hiện ra khối u.
Kết quả điều trị ở bệnh ung thư vú, nếu được phát hiện càng sớm, tiên lượng sống càng cao. |
Để có thể biết chính xác khối u trong cơ thể của người bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp xét nghiệm tế bào; dùng một chiếc kim nhọn để chọc vào khối u đó, soi dưới màn hình siêu âm và tiến hành xét nghiệm để xác định tế bào lành tính hay ác tính.
Các phương pháp điều trị ung thư vú như phẫu thuật bảo tồn tuyến vú, hay phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú sẽ được thực hiện theo chỉ định của các bác sĩ.
Với trường hợp phát hiện muộn, phương pháp xạ trị (sử dụng các tia năng lượng cao để nhắm đích và tiêu diệt tế bào ung thư) hoặc hoá trị (sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư) sẽ được đưa vào để làm giảm kích thước khối u trước khi thực hiện mổ.
Bên cạnh đó, xạ trị có thể được sử dụng cùng với các thủ thuật điều trị khác để tiêu diệt mọi tế bào ung thư còn sót lại trong hoặc xung quanh vú, từ đó làm giảm nguy cơ tái phát ung thư vú.
Hoá trị dành cho các đối tượng có nguy cơ tái phát ung thư cao, hoặc khối u đang lan rộng sang các bộ phận khác của cơ thể. Đôi khi hóa trị cũng được chỉ định trước tiên nhằm làm thu gọn khối u lớn, hỗ trợ việc loại bỏ nó dễ dàng trong quá trình phẫu thuật.
Nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện K cho biết: “Việc điều trị ung thư vú ngày nay rất tiến bộ; nếu như phát hiện sớm thì phương pháp điều trị sẽ đem lại hiệu quả rất tốt, tỷ lệ khỏi bệnh lên đến 80-90%. Nhiều bệnh nhân chữa trị qua 10 năm, 15 năm, 20 năm vẫn sống khỏe mạnh bình thường.
Nếu phát hiện muộn, bệnh nhân sẽ phải điều trị kết hợp hóa chất tia xạ, sau đó mới được thực hiện mổ loại bỏ khối u. Đối với giai đoạn mắc bệnh khác nhau, kích thước khối u khác nhau thì sẽ phải sử dụng cách thức mổ khác nhau.
Tuy nhiên, nhiều chị em hoảng sợ vì phẫu thuật sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Do vậy, những ca phẫu thuật ngày nay sẽ được chú trọng cả việc tạo hình sau khi mổ. Bác sĩ sẽ chỉ định lấy một phần cơ trên cơ thể đắp lên ngực hoặc sử dụng các túi nâng ngực để cho hai bên cân đối nhau”.
Chính vì thế, việc phòng ngừa và tầm soát ung thư vú rất cần thiết nhằm phát hiện sớm căn bệnh này để điều trị và đem lại hiệu quả cao cho bệnh nhân.
Cần có hiểu biết về ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư thường gặp ở phụ nữ Việt Nam với số lượng mắc là 5.174 ca/năm. Số người tử vong do ung thư này lên đến 2.472 ca/năm.
Phổ biến cho phụ nữ về căn bệnh này, bác sĩ Vũ Hải cho hay: “Ung thư cổ tử cung là do các tế bào ở cổ tử cung (phần dưới của tử cung) bắt đầu phát triển vượt quá mức kiểm soát của cơ thể. Các tế bào mới này phát triển nhanh chóng và tạo ra khối u trong cổ tử cung”.
Dấu hiệu của ung thư cổ tử cung thường rất rõ ràng, bệnh nhân có thể sẽ bị chảy máu bất thường vùng âm đạo, rối loạn kinh nguyệt, đau vùng xương chậu, chuột rút, tiết dịch âm đạo nhiều, đau khi giao hợp…
Cũng giống như bản chất các bệnh khối u khác, ung thư cổ tử cung là một loại ung thư có độ ác tính cao và nó phát triển tại chỗ, lan tràn di căn sang các bộ phận khác. Sau đó phát triển vô hàng độ sang vùng xương chậu, phát triển lên vùng tử cung và di căn sang những bộ phận như buồng trứng, di căn sang phổi, gan, xương,...
Ung thư cổ tử cung thường gặp ở những phụ nữ ở độ tuổi sinh nở, đã có quan hệ tình dục và thường hay gặp ở những phụ nữ có sinh hoạt tình dục không được bảo vệ. Từ đó bị lây nhiễm virus HPV. Ngoài ra còn có các yếu tố như bạn tình quan hệ tình dục với nhiều người khác, quan hệ tình dục sớm, hút thuốc, ít vận động, béo phì...
Phát hiện ung thư cổ tử cung đơn giản bằng xét nghiệm Pap (phát hiện các tế bào bất thường), xét nghiệm HPV COBAS (phát hiện sự hiện diện của virus HPV), soi cổ tử cung, sinh thiết khoét chóp (lấy mẫu mô ở cổ tử cung và quan sát dưới kính hiển vi), kiểm tra tử cung, âm đạo, trực tràng, bàng quang, xét nghiệm máu (kiểm tra xương, máu và thận), CT scan (xác định khối u và mức độ lan rộng của các tế bào ung thư).
Bác sĩ Hải cũng cho rằng: “Ung thư cổ tử cung rất âm thầm và nhiều khi cũng thường hay được phát hiện ở giai đoạn hơi muộn, hoặc muộn. Nhiều chị em đi khám vì cảm thấy đau tức phần bụng dưới, có thể đau khi quan hệ hoặc là ra máu bất thường…
Ung thư cổ tử cung diễn tiến chậm, tại chỗ và tại vùng trong một thời gian tương đối lâu nên nếu được điều trị sớm, đúng cách sẽ cho kết quả tốt”.
Các cách điều trị ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào giai đoạn mà bệnh nhân đang mắc phải. Ở giai đoạn tiền ung thư, bệnh nhân sẽ được điều trị tại chỗ như khoét chóp theo hình nón, phẫu thuật bằng vòng cắt đốt, laser, đông lạnh tế bào ung thư bằng nitơ lỏng.
Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung. |
Với giai đoạn I, đa số bệnh nhân sẽ được chỉ định cắt 1 phần hoặc toàn bộ tử cung, xạ trị. Phương pháp này có thể để lại mô sẹo sau phẫu thuật, gây hẹp cổ tử cung, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Ở giai đoạn II - III, chủ yếu là phương pháp xạ trị phối hợp hóa trị, cắt bỏ tử cung và buồng trứng (nếu được chỉ định) do đó không bảo tồn được chức năng sinh sản của phụ nữ. Trường hợp người bệnh trong giai đoạn IV, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn, tốn kém, chủ yếu tập chung làm giảm triệu chứng bệnh và kéo dài thời gian sống.
Để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hải cho rằng, ung thư cổ tử cung là một trong những loại bệnh phụ nữ hay gặp, do đó cần phải phải tầm soát định kỳ 6 tháng hoặc mỗi năm một lần nhằm phát hiện sớm căn bệnh.
Cần tiêm ngừa vắc xin HPV theo hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam, vệ sinh sinh dục đúng cách, tránh tiếp xúc với HPV hoặc các virus lây qua đường tình dục. Đặc biệt cần có lối sống khoa học, tăng cường sức đề kháng, bỏ thuốc lá, rượu bia. Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên sẽ giúp chị em một cơ thể khỏe mạnh và ít bị bệnh tật hơn.
“Ung thư cổ tử cung cũng có tiên lượng sống cao sau khi điều trị khỏi bệnh”, bác sĩ Hải nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Nhiều trải nghiệm thực tế thú vị tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024
Phải xây dựng được mô hình bộ máy tinh gọn, khoa học hiệu quả
Quận Thanh Xuân diễn tập chữa cháy tại Khu đô thị Royal City
Tặng quà của Chủ tịch nước cho người có công dịp Tết Ất Tỵ 2025 kịp thời, đầy đủ
Hầu hết các ngành nghề có triển vọng lương tích cực
Prudential và HSBC hợp tác lấy trải nghiệm của khách hàng làm trọng tâm
Hà Nội điều chỉnh bảng giá đất, nơi cao nhất gần 700 triệu đồng/m2
Tin khác
Hoàn thiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 trong năm 2025
Y tế 20/12/2024 20:37
Trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên
Xã hội 20/12/2024 09:58
Hạnh phúc của những cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn
Y tế 19/12/2024 17:38
Tình trạng các nạn nhân vụ cháy trên đường Phạm Văn Đồng đang điều trị tại Bệnh viện E
Y tế 19/12/2024 16:43
Sôi nổi Hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên
Y tế 17/12/2024 20:52
Thời tiết chuyển lạnh, nhiều người nhập viện vì mắc sởi
Y tế 17/12/2024 08:06
Nhiều người cần tham vấn tâm lý trong điều trị bệnh “khó nói”
Y tế 17/12/2024 06:39
Hà Nội ghi nhận thêm 44 trường hợp mắc sởi
Y tế 17/12/2024 06:38
Duy trì mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số
Xã hội 13/12/2024 11:46
Chủ quan không tiêm chủng, nhiều trẻ nhập viện vì mắc sởi
Y tế 12/12/2024 17:09