Cải tạo chung cư cũ hướng đến yếu tố bảo tồn: Tính nhân văn của một đô thị lịch sử
Xây mới chung cư cũ: “Nút thắt” đã được tháo gỡ Phát huy trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân trong cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ |
Khu chung cư Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải |
Ưu điểm về quy hoạch, không gian
Với nhiều thế hệ người Hà Nội, khu tập thể cũ luôn là một trong những không gian đặc biệt, đánh dấu “vàng son” hình ảnh đô thị xã hội chủ nghĩa thời kỳ đầu. Đây là không gian xây dựng, quy hoạch theo mô hình tiểu khu nhà ở nước Nga Xô Viết mà Hà Nội đã tiếp dẫn thành công nhằm giải quyết vấn đề nhà ở trên quy mô lớn trong thời kỳ khó khăn.
Từ những thử nghiệm ban đầu tại khu Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, các khu chung cư theo mô hình quy hoạch hoàn chỉnh của một đơn vị ở tại Hà Nội được phát triển mạnh mẽ với sự tiến bộ từng bước về công nghệ xây dựng và tiêu chuẩn như khu Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ, Văn Chương.... Những khu nhà tập thể cao 2 – 5 tầng, có hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, cửa hàng bách hóa, không chỉ giải quyết được một phần đáng kể vấn đề nhà ở cho người dân Hà Nội trong một thời điểm nhất định, mà còn là “chìa khóa” thúc đẩy làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ sau này.
Cho dù có nhiều hạn chế nhưng không thể phủ nhận những thành công của mô hình nhà ở này. Cơ cấu quy hoạch tiểu khu với hệ thống trường học từ mẫu giáo đến THCS và các công trình công cộng, cây xanh, sân chơi tập trung tại lõi đô thị, tạo nên một cấu trúc hoàn chỉnh, có bán kính phục vụ hợp lý.
Lý thuyết này vẫn đang được kế thừa trong phát triển các khu đô thị mới ở Hà Nội đương đại, với tên gọi “đơn vị ở”. Điều này thể hiện đặc điểm giá trị của lý thuyết làm nên các khu tập thể cũ. Bên cạnh hạn chế về tiêu chuẩn ở, nhiều chỉ tiêu thiết kế xây dựng khu tập thể cũ đến nay vẫn còn nguyên giá trị, phù hợp với tiêu chí xây dựng khu ở sinh thái hiện đại như khoảng cách giữa hai dãy nhà luôn đảm bảo là 1,5 - 2 chiều cao công trình. Đặc biệt, nổi bật là bố cục không gian thể hiện tính chiều hướng, hướng chính ngôi nhà chủ yếu sắp xếp thích ứng điều kiện khí hậu với hướng gió chủ đạo Đông Nam và Nam ở Hà Nội. Các công trình và căn hộ bố cục chạy dài và song song, số căn sai hướng chỉ được phép tối đa 15%, phụ thuộc vào yêu cầu tổ chức không gian của khu tập thể. Đặc điểm chiều hướng của khu tập thể đã tạo nên sự trật tự đô thị, tuy tổ chức còn ở dạng sơ khai, đơn điệu.
Lối kiến trúc của những dãy nhà tập thể cũ với cầu thang bộ nhỏ hẹp, dãy hành lang chung chạy dài qua ô cửa sổ mỗi căn hộ, hay diện tích đất giữa các dãy nhà được thiết kế trồng cây xanh, là nơi sinh hoạt chung, sân chơi cho người già, trẻ nhỏ… đã hình thành nếp sống chan hòa, gắn kết, tối lửa tắt đèn có nhau mang đặc trưng riêng của Hà Nội thời bao cấp. Hình thái không gian kiến trúc ấy như những xóm, làng “đứng” – một sự tiếp nối của làng xã truyền thống - những tế bào vô cùng bền vững trong lịch sử. Vậy nên, không gian ấm cúng của các khu tập thể cũ sẽ còn nhắc nhớ cho nhiều thế hệ sau về lối sống của người Hà Nội ở một thời gian khó.
Chọn lọc để bảo tồn
Trong vòng 3 thập niên (thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ XX) Hà Nội đã xây dựng tổng cộng 1.579 nhà tập thể. Một con số không hề nhỏ trong bối cảnh chiến tranh, cấm vận, nguồn vốn và tiềm lực rất hạn chế. Sau hơn nửa thế kỷ, có thể khẳng định các khu nhà ở tập thể cũ của Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, đáp ứng yêu cầu về chỗ ở cho nhiều hộ gia đình, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng hình ảnh đô thị xã hội chủ nghĩa thời kỳ đầu.
Khi Hà Nội bước vào thời kỳ phát triển hiện đại, nhu cầu đòi hỏi chất lượng cuộc sống ở ngày một cao hơn tất nhiên chung cư cũ nếu xuống cấp, lún nứt, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân nhất thiết phải được phá bỏ, xây mới. Song, theo kết quả khảo sát sơ bộ của Sở Xây dựng, có đến 386/401 nhà chung cư cũ (tỷ lệ 96%) chưa đến mức độ nguy hiểm nghiêm trọng. Vì vậy, đối với những tòa nhà kết cấu còn bền chắc, còn niên hạn sử dụng sau khi đã được kiểm định, đánh giá cẩn thận, việc cải tạo theo hướng bảo tồn có thể là một gợi ý hay, cần được nghiên cứu một cách thấu đáo.
Giải pháp bảo tồn một nhóm nhà chung cư cũ thông qua việc loại bỏ những phần cơi nới nhằm trả lại hình dáng kiến trúc nguyên gốc cho tòa nhà cũng như cảnh quan khu vực, kết hợp với các giải pháp kỹ thuật (cải tạo, gia cố, chỉnh trang...) phù hợp, có thể đảm bảo sự bền vững cũng như sự an toàn tuyệt đối của người dân sinh sống ở đó, là hoàn toàn khả thi. Cần phân loại theo vị trí, đặc tính cấu trúc của các khu tập thể cũ để nghiên cứu bảo tồn kết hợp với xây dựng lại những công trình xuống cấp nguy hiểm.
Các công trình chung cư cũ trong khu phố hình thành từ thời Pháp thuộc ở khu vực trung tâm lịch sử hoàn toàn có thể cải tạo thành các homestay phục vụ du lịch – văn hóa nhằm trải nghiệm những không gian xưa cũ. Một số chung cư quần tụ trong cơ cấu tiểu khu hoàn chỉnh trong Vành đai 2 có thể bảo tồn bên cạnh các kiến trúc hiện đại gần nhà ga các tuyến đường sắt đô thị tạo nên khu vực hỗn hợp cả về kiến trúc, cũng như chức năng. Không gian nội thất các chung cư bảo tồn có thể cải tạo theo hướng phù hợp với cuộc sống hiện đại, có thể kết hợp 2 - 3 căn hộ cũ thành 1 căn hộ mới nhằm giảm số căn hộ trên một diện tích mặt bằng, đồng thời góp phần hướng đến mục tiêu giảm tải dân số cho khu vực nội đô vốn đang vượt mức dự báo.
Vẫn biết thay cũ, đổi mới là để phù hợp hơn với xu thế phát triển chung của xã hội, tuy nhiên luôn phải cân nhắc kỹ lưỡng các giải pháp để quy hoạch phát triển Hà Nội một cách hài hòa, bền vững. Những vẻ đẹp xưa cũ, nét văn hóa truyền thống vẫn được song hành bên cạnh một Hà Nội hiện đại sẽ thể hiện tính nhân văn của một đô thị lịch sử, tôn trọng các giá trị đánh dấu của một thời kỳ đáng nhớ. Những cụm nhà tập thể cũ được trả lại nguyên trạng hình dáng kiến trúc ban đầu sẽ là giải pháp tạo sự hài hòa giữa bảo tồn với phát triển tại khu vực lõi trung tâm Thủ đô.
Ở nước Nga ngày nay, nhiều giá trị của chế độ xã hội chủ nghĩa đã và đang được nhìn nhận lại như những di sản quý cần được bảo tồn. Trong đó, những chung cư lắp ghép đầu tiên của Liên Xô (cũ) - tại Belyayevo thuộc ngoại ô Moskva, được xây dựng vào những năm 1950 hiện đang được xem xét như những đối tượng cần được bảo tồn. Thậm chí, giới nghiên cứu Nga cho rằng, những công trình ở đây hiện thân cho sự độc đáo của mô hình Microrayon (tiểu khu) của Liên Xô, cần được đưa vào danh sách di sản cần được bảo vệ của UNESCO. |
Theo TS.KTS Vũ Hoài Đức/kinhtedothi.vn
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Giá xăng dầu hôm nay (5/11): Giá dầu thế giới tiếp đà tăng mạnh
Tỷ giá USD hôm nay (5/11): Đồng USD thị trường tự do quay đầu giảm
Giá vàng hôm nay (5/11): Vàng trong nước đồng loạt giảm mạnh
Tuyên truyền Luật Thủ đô năm 2024 đến người lao động ngành Xây dựng Hà Nội
Ngắm nhìn vẻ đẹp của Hà Nội với loạt tranh vẽ bằng bút bi
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 5/11: Sáng sớm có mưa rào, trời chuyển rét
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Tin khác
Hà Nội tăng diện tích tách thửa tối thiểu lên 50 m2 từ ngày 7/10
Bất động sản 28/09/2024 06:58
Cận cảnh chung cư ở Thủ đô Hà Nội trong cơn bão số 3
Không gian sống 08/09/2024 15:18
Đơn vị thực hiện quản lý vận hành nhà chung cư
Bất động sản 05/08/2024 13:46
Quy định về bảo trì nhà chung cư từ ngày 1/8/2024
Không gian sống 05/08/2024 13:43
Những giấy tờ bắt buộc để chứng minh quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam từ 1/8/2024
Bất động sản 31/07/2024 15:32
Bitexco Group chính thức ra mắt tổ hợp dịch vụ cao cấp mang thương hiệu AURA
Không gian sống 13/07/2024 08:48
Ra mắt Vinhomes Elite Club chi hội Hà Nội, mở ngàn cơ hội hấp dẫn cho các hội viên
Không gian sống 18/06/2024 20:55
Lộ diện Trung tâm Hàn Quốc mới tại Việt Nam
Không gian sống 29/05/2024 07:30
Vì sao người thành công luôn chọn lối sống “Fit & Fabulous”?
Không gian sống 07/05/2024 15:51
“Du lịch tại chỗ” siêu hấp dẫn, cư dân Ocean City chọn ở nhà suốt mùa hè
Không gian sống 27/04/2024 10:26