Bộ trưởng Bộ Công an: Xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ, lọt, rao bán dữ liệu cá nhân
Dữ liệu cá nhân của 2/3 dân số nước ta đang bị chia sẻ trên mạng Sáng nay (10/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an |
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 14, sáng 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Công an. Trong đó, vấn đề lộ, lọt thông tin cá nhân, đặc biệt là lộ thông tin cá nhân trên mạng xã hội nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn. (Ảnh: Quốc hội) |
Giải pháp căn cơ gì?
Đại biểu Siu Hương (Đoàn Gia Lai) cho biết việc bảo vệ thông tin cá nhân đã được Hiến pháp, pháp luật quy định, bảo vệ, nhưng hiện nay tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này rất phổ biến. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp đối với tình trạng này?
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cũng cho biết: Hiện nay, tình trạng thông tin cá nhân đang được rao bán trên các hội, nhóm trên nền tảng mạng xã hội đang diễn biến phức tạp. Mặc dù, thời gian qua công an các địa phương đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội nhưng vẫn còn rất nhiều đối tượng đang hoạt động và chưa bị phát hiện, xử lý.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết những giải pháp mà Bộ sẽ triển khai trong thời gian tới để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả vấn đề này, để cho người dân an tâm về thông tin cá nhân của mình sẽ không bị trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội?
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) đặt câu hỏi chất vấn (Ảnh: Quốc hội) |
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) nêu thực trạng, hiện nay với số lượng hơn 68,72 triệu người, tương đương với 70,3% tổng dân số Việt Nam sử dụng Internet, đặt ra vấn đề bảo mật thông tin cá nhân trên không gian mạng là rất lớn. Người sử dụng chưa đủ khả năng để bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình trong thực hiện các hoạt động giao dịch, mua bán.
“Với trách nhiệm quản lý nhà nước về an ninh mạng, ngoài các giải pháp đã nêu trong Báo cáo số 1283 ngày 07/8/2022 của Bộ Công an, Bộ trưởng có thể cho biết Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành chức năng có giải pháp căn cơ gì để khắc phục tình trạng kẻ xấu lợi dụng sơ hở của người sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, an toàn trên không gian mạng?”, đại biểu hỏi.
Cùng quan tâm đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cho rằng, bảo vệ dữ liệu cá nhân liên quan trực tiếp đến quyền thông tin bảo vệ bí mật cá nhân đã được Hiến pháp quy định. Đến nay, chúng ta đã thực hiện, thi hành quy định Hiến pháp gần 10 năm và một số các quy định liên quan đến bảo vệ bí mật cá nhân được rải rác trong các đạo luật.
“Trong điều kiện hiện nay, tại sao chúng ta chưa xem xét, trình ngay Luật Bảo vệ bí mật cá nhân, thay vào đó chỉ ban hành Nghị định “không đầu”? Bộ trưởng có nói là dự kiến năm 2024 mới trình Luật Bảo vệ bí mật cá nhân, vậy việc ban hành Nghị định “không đầu” có đáp ứng nhu cầu thực tiễn hay không?”, đại biểu chất vấn.
Tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân hiện nay "đáng báo động"
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân Bộ Công an đang tích cực thực hiện. Tuy nhiên, tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân hiện nay "đáng báo động", trong điều kiện hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh, ý thức người dân chưa cao.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba chất vấn tại sao chưa xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. (Ảnh: Quốc hội) |
Cụ thể, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, sự phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan trong an ninh mạng chưa thực chất; thanh tra kiểm tra về an ninh mạng chưa hiệu quả, kịp thời; phần lớn nền tảng, dịch vụ OTT, ứng dụng mạng xã hội của các pháp nhân nước ngoài không có văn phòng đại diện tại Việt Nam; và còn nhiều sơ hở trong quản lý loại hình dịch vụ có nguy cơ mất an toàn về an ninh mạng như tiền ảo, kinh doanh sim rác, mở thẻ ngân hàng ảo...
Về giải pháp, thời gian tới, Bộ Công an sẽ đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia; hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành để xử lý các vụ việc đồng bộ.
Bộ đang xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng gặp nhiều khó khăn. Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về bảo vệ dữ liệu cá nhân, sắp tới sẽ được ban hành. Việc ban hành Nghị định này sẽ có căn cứ pháp lý để tiến hành các biện pháp để bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tiếp theo lộ trình, Bộ dự kiến năm 2024 sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ để trình ra Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo Bộ trưởng, trên thế giới, nhiều nước đã ban hành luật này còn với nước ta, khuôn khổ pháp lý cao nhất về vấn đề này hiện nay đang được thực hiện theo Luật An ninh mạng và sắp tới là Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân được ban hành. Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề lớn, nên việc xây dựng Luật phải có lộ trình.
Đang điều tra vụ đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, phải tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là khi tham gia vào môi trường mạng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết những giải pháp xử lý tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân. (Ảnh: Quốc hội) |
Bên cạnh đó, tích cực điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ, lọt, rao bán dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật. Điển hình là hiện nay Bộ đã, đang điều tra vụ đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu được cho là lấy từ nguồn gốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo…
Về bảo vệ an ninh mạng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Tô Lâm nói đây là tài nguyên của quốc gia, phải được bảo đảm và quản lý rất nghiêm ngặt. Bộ Công an sẽ thực hiện đúng điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn mức độ 4 quốc gia; thực hiện nghiêm việc thu thập dữ liệu, phân cấp, phân quyền từ trung ương đến địa phương.
Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện những sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý của các bộ, ngành, địa phương và hoạt động của các tập đoàn, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập thông tin cá nhân; thường xuyên giám sát kỹ thuật chuyên biệt 24/24 để phòng, chống tấn công, đánh cắp dữ liệu hàng ngày; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về cung cấp, quản lý hồ sơ cá nhân, dữ liệu cá nhân và người dân.
Ngoài ra, Bộ cũng thường xuyên kiểm tra mức độ an ninh, an toàn của hệ thống các bộ, ngành, địa phương và chỉ thực hiện kết nối khi bảo đảm an toàn. Hiện nay, qua kiểm tra mới có 10 bộ, ngành và 33 địa phương có thể bảo đảm an toàn trong việc kết nối với trung tâm dữ liệu quốc gia dân cư. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định "bảo đảm an toàn dữ liệu thông tin cá nhân là công việc thường xuyên quan trọng và xuyên suốt trong quá trình thực hiện của Bộ".
Nên xem
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Tin khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành khu tái thiết Làng Nủ
Tin mới 22/12/2024 16:11
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Tin mới 22/12/2024 11:48
Bảo đảm an toàn giao thông cho chuỗi sự kiện kỷ niệm lớn
Sự kiện 22/12/2024 10:22
Phải xây dựng được mô hình bộ máy tinh gọn, khoa học hiệu quả
Sự kiện 21/12/2024 18:22
Tết Dương lịch 2025: Hà Nội bắn pháo hoa tại những điểm nào?
Tin mới 21/12/2024 09:54
TP.HCM: Cháy nhà trọ cho thuê, 16 người thương vong
Tin mới 20/12/2024 15:12
Công ty Điện lực Thường Tín tổ chức hội nghị tri ân khách hàng năm 2024
Sự kiện 20/12/2024 12:18
Chủ tịch HĐND Thành phố chỉ đạo khắc phục vụ cháy tại quán cà phê đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 18:16
Trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp dịp Tết Nguyên đán
Tin mới 19/12/2024 17:16
Hưng Yên cơ bản hoàn thành GPMB dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô
Tin mới 19/12/2024 17:15