Vững vàng hậu phương người lính
Gặp mặt, tặng quà Tết động viên vợ, con chiến sĩ công tác tại các vùng biển đảo | |
Gửi Tết đến Trường Sa | |
Vì biển đảo thiêng liêng của đất nước: Mang “con chữ” ra nơi đầu sóng |
Thường xuyên đón Tết xa chồng
Chúng tôi may mắn được tiếp xúc với những người thân của lính đảo trên địa bàn Hà Nội trong một buổi gặp mặt do Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức. Hôm ấy, quanh những câu chuyện đầy xúc động là hình ảnh những người mẹ, người vợ... đang cố gắng khắc phục những khó khăn trong cuộc sống để những người lính nơi đảo xa yên tâm công tác.
“Làm vợ lính nhiều thiệt thòi lắm!” - cô giáo Nguyễn Thị Vy (Trường Trung học cơ sở Phương Trung, huyện Thanh Oai) có chồng là anh Lê Xuân Thanh (từng đóng quân ở đảo Song Tử Tây, nhưng 2 năm trở lại đây chuyển sang công việc lái tàu, bảo vệ các giàn khoan) đã thổ lộ chân tình với tôi như vậy.
3 mẹ con cô giáo Nguyễn Thị Vy luôn là hậu phương vững chắc cho người chồng, người cha là anh Lê Xuân Thanh yên tâm công tác. |
Không thiệt thòi sao được, khi mà lấy chồng đến nay đã được 11 năm nhưng anh Thanh về nhà đúng vào dịp Tết Nguyên đán mới được một lần. Một năm rưỡi được gặp nhau khoảng 30 ngày.
Con thứ hai của chị Vy năm nay 3 tuổi, thời gian được gặp bố mới chỉ khoảng 4 tháng. “Buồn nhưng rồi cũng quen. Dù xa chồng nhưng được sự động viên, quan tâm, giúp đỡ của ông bà, đồng nghiệp ở trường nên tôi cũng cảm thấy bớt đi phần nào khó khăn” - chị Vy tâm sự.
Chị Vy kể, khi tìm hiểu nhau, chị đã biết anh công tác ở đảo. Như một lẽ tất yếu, anh và chị yêu xa. Thấy anh vất vả, ít về thì chị càng yêu anh hơn. Với chị, chỉ đơn giản, yêu nhau nên phải chấp nhận. Từ lúc lấy nhau đến nay đã có 2 người con nhưng thi thoảng anh Thanh mới có mặt ở nhà. Qua 2 lần sinh, chị càng như thấm nỗi nhọc nhằn khi thiếu vắng chồng.
Theo chị Vy, khổ nhất là mỗi khi trái gió trở trời, con ốm đau, chị phải một mình xoay sở, đưa con đi khám. Chị nhớ mãi hình ảnh của chính mình ở Bệnh viện Nhi Trung ương khi bác sĩ gọi vào khám, một tay bế cháu hơn tháng tuổi, tay kia bế cháu 3 tuổi. Có bà nội đi cùng nhưng bà cũng không giúp được gì nhiều. Khi bác sĩ chỉ định cho con đi chụp phổi, mẹ con dắt díu nhau đi được một lúc quay ra lại không thấy bà nội đâu, phải đi tìm.
Cô giáo Đỗ Thị Thơm và con trai. |
"Lúc đó, nghĩ tủi thân nước mắt lại lã chã rơi, Ước như mình có chồng ở bên sẽ đỡ vất vả. Qua phút yếu lòng, mình lại tự nhủ, phải thật mạnh mẽ, nén cảm xúc riêng để chồng yên tâm công tác” - chị Vy bộc bạch. Câu hỏi mà những đứa con trước hay hỏi chị là sao mẹ lại lấy bộ đội, chị giải thích đó là một điều tự hào bởi bố đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc, biển đảo.
Cô giáo Đỗ Thị Thơm (giáo viên Trường Mầm non Đông Sơn, huyện Chương Mỹ) có chồng là Nguyễn Viết Tưởng (hiện đang công tác trên đảo Đá Lớn A, huyện đảo Trường Sa). Là vợ chiến sĩ, chị Thơm đã quen với việc “một nách hai con” không có chồng bên cạnh để san sẻ từ những việc nhỏ nhất.
Chị Thơm cho biết, lấy nhau được 9 năm và có 2 con nhưng cả hai lần chị sinh chồng đều không có ở bên cạnh. Từ lúc chị có bầu cháu đầu đến khi được 8 tháng tuổi anh mới về. Còn cháu nhỏ thì từ lúc có bầu đến khi được 15 tháng tuổi anh mới được về ẵm bồng.
“Là vợ lính đảo nên hai vợ chồng thường xuyên đón Tết xa nhau. Anh cũng vì nhiệm vụ nên mới ở lại đón Tết cùng đồng đội bên cánh sóng. Mặc dù buồn nhưng tôi thấy tự hào về chồng vì đã góp một phần bé nhỏ để bảo vệ biển đảo quê hương” - chị Thơm chia sẻ.
Mãi là hậu phương vững chắc
Gặp gỡ người thân của những người lính đảo, chúng tôi đã được kể cho nghe nhiều câu chuyện vô cùng xúc động. Những cán bộ, chiến sĩ dù mới ra công tác hay đã nhiều năm, dù đi một lần hay đã vài lần thì những gia đình có chồng, có cha làm nhiệm vụ nơi biển đảo đều tự hào, luôn là hậu phương vững chắc để các anh yên tâm “chắc tay súng, vững chí bền”.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai (giáo viên Trường Tiểu học Song Phương, huyện Hoài Đức) có chồng là anh Nguyễn Văn Quang hiện công tác tại đảo Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau. 11 năm cưới nhau, nhưng hiếm khi chị và con được hưởng trọn niềm vui, hạnh phúc khi có chồng, bố đón Tết cùng. Đêm giao thừa phải gói bánh, thịt gà… tất cả mọi thứ chị phải học tự chuẩn bị hết thay chồng. Những ngày thường, ống nước hay điện hỏng, chồng không ở nhà chị cũng phải học cách làm hết.
Nhắc đến người cha Nguyễn Văn Cường - hiện là bác sĩ, đang công tác tại đảo Nam Yết (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), Nguyễn Bích Ngân (học sinh lớp 3A1, Trường Tiểu học Văn Yên, quận Hà Đông) cho biết, em luôn tự hào về cha của mình. Thấy được sự vất vả của mẹ và sự cố gắng của cha, hai anh em Ngân luôn bảo ban nhau cùng nỗ lực học thật giỏi, giúp đỡ cha mẹ những việc nhỏ vừa với sức của mình để cha mẹ yên tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc, nhân dân, đồng đội giao phó. Cuối học kỳ I vừa qua, hai anh em Ngân đã đạt được thành tích xuất sắc trong học tập. |
“Nhiều lúc cảm thấy thực sự mệt mỏi, buồn và chạnh lòng vì nghĩ bạn bè mình những ngày lễ Tết có chồng bên cạnh. Nhưng rồi tất cả những điều đó hoàn toàn bị xua đi bởi mình nghĩ nếu không có những người như anh ấy thì mình, con và cả những chị em khác không thể được cuộc sống bình yên như thế này” - chị Mai tâm sự.
Chia sẻ sâu hơn về những đóng góp, những nỗi niềm nơi hậu phương của những người lính gìn giữ biển đảo, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà cho biết, những tình cảm, sự quan tâm chia sẻ từ phía hậu phương, từ những người thân nơi quê nhà là nguồn động viên lớn, động lực tiếp lửa cho các chiến sĩ biển, đảo.
“Chúng ta trân trọng và cảm ơn những cô giáo đang công tác trong ngành Giáo dục đã và đang thay chồng nơi đảo xa chăm sóc cha mẹ, con thơ; vừa quán xuyến, đảm đang công việc gia đình vừa nỗ lực phấn đấu đạt những thành tích trong công tác của Ngành, xứng đáng với danh hiệu “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, “Cô giáo - Người mẹ hiền”.” - bà Trần Thị Thu Hà khẳng định.
Thế mới biết, phía sau những người lính rắn rỏi nơi đầu sóng ngọn gió luôn có sự đóng góp âm thầm của những người thân ở hậu phương. Họ chính là động lực để những người lính đảo luôn chắc tay súng. Để rồi, càng trong gian khó, phẩm chất người quân nhân cách mạng càng ngời sáng, tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ người chiến sĩ Hải quân trong lòng nhân dân.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội: Lính cứu hỏa nhường mặt nạ dưỡng khí cho thai phụ trong đám cháy
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Trộm xe của bạn "cắm" lấy tiền trả nợ, chơi game
Quốc hội thông qua Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Tin khác
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Xã hội 23/11/2024 18:17
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
Giáo dục 23/11/2024 15:25
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Giáo dục 22/11/2024 19:28
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Giáo dục 22/11/2024 19:01
Chung tay nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô
Giáo dục 21/11/2024 07:42
Nền tảng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Giáo dục 20/11/2024 16:21
Lớp học tiếng Anh miễn phí dành cho các học viên khiếm thị
Xã hội 20/11/2024 14:20
Lời tri ân gửi đến những người “lái đò” thầm lặng
Giáo dục 20/11/2024 06:36
Hà Nội: Biểu dương nhiều nhà giáo lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Giáo dục 19/11/2024 22:02
Ba Đình: Tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu năm 2024
Giáo dục 19/11/2024 18:50