Vẫn chưa giải quyết tận gốc vấn đề
Tuy nhiên, theo phản ánh của các chuyên gia, giáo viên và phụ huynh học sinh, vấn đề cốt lõi là giảm áp lực học tập và đánh giá được đúng năng lực học sinh cũng như điều trị tận gốc bệnh thành tích trong giáo dục thì dường như dự thảo Thông tư 30 (sửa đổi) vẫn chưa thực sự làm được.
Giáo viên thực sự có bớt được việc “sổ sách”?
Điểm mới trong Dự thảo Thông tư 30 (sửa đổi) là thay vì đánh giá học sinh cuối năm là “Đạt” hay “Không đạt” như trước đây, thì giáo viên được lượng hóa theo các mức A, B, C. Giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên về chuẩn kiến thức, kỹ năng của học sinh đối với từng môn học để nhận xét học sinh giữa và cuối kỳ; đồng thời đánh giá kèm điểm số bằng các bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm.
Trong đó, học sinh lớp 4, lớp 5 sẽ có thêm 2 bài kiểm tra giữa kỳ môn Toán, Tiếng Việt. Đồng thời, không yêu cầu hằng tháng giáo viên phải ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Giáo viên được quyền chủ động sử dụng hình thức nhận xét phù hợp cũng như được hướng dẫn chi tiết hơn về cách đánh giá, nhận xét học sinh, hiểu đúng cách thực hiện đánh giá thường xuyên, có hướng dẫn cụ thể, tường minh về lời khen chê đối với học sinh. Bởi theo ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, Bộ GDĐT: “Qua 2 năm thực hiện Thông tư 30, giáo viên kêu nhiều nhất là quy định hằng tháng phải ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục.
Đánh giá chất lượng học sinh tiểu học cần phải dựa trên tổng thể. |
Vì thế, dự thảo sửa đổi cho giáo viên được quyền chủ động khi nào nhận xét bằng lời, khi nào viết nhận xét vào vở hoặc sổ ghi chép cá nhân cho phù hợp”. Do đó, hồ sơ đánh giá cá nhân học sinh nay chỉ gồm học bạ và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Bảng tổng hợp này thay thế hoàn toàn sổ theo dõi chất lượng giáo dục cũ. Giữa và cuối mỗi học kỳ, giáo viên chủ nhiệm ghi kết quả đánh giá của từng học sinh vào bảng tổng hợp kết quả đánh giá. Bảng này sẽ được lưu giữ tại trường suốt thời gian học sinh theo học. Ngoài ra, giáo viên có thêm cuốn sổ cá nhân để ghi chép, theo dõi sự tiến bộ của từng học sinh, trong đó lưu ý khả năng vượt trội hoặc nội dung chưa hoàn thành để cuối kỳ có đánh giá khách quan, công bằng.
Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, dự thảo sửa đổi bỏ yêu cầu giáo viên ghi nhận xét hằng ngày vào Sổ theo dõi chất lượng giáo dục là việc nên làm. Nhưng nếu thay nó bằng ghi nhận xét vào sổ tay giáo viên thì cũng nên quy định cụ thể hơn để tránh việc cấp quản lý thường xuyên kiểm tra hoặc lấy việc ghi sổ làm tiêu chí thi đua, gây áp lực "làm đẹp" sổ. Bên cạnh đó, việc đánh giá phẩm chất của học sinh bằng xếp loại A, B, C là phù hợp vì căn cứ này rất mơ hồ. Ví dụ, mức A là "nhận thức đầy đủ, làm tốt, hứng thú, tự tin" thì không biết nhận thức đầy đủ là cái gì; làm tốt là làm tốt việc gì; và hứng thú là hứng thú với chuyện gì?
Còn đứng ở góc độ cán bộ quản lý trực tiếp, bà Lê Đoan Trang - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thực nghiệm, Hà Nội cho biết, nhiều giáo viên băn khoăn về sự đồng bộ giữa cách đánh giá học sinh và chương trình học hiện nay. Vì dự thảo Thông tư 30 sửa đổi đánh giá năng lực theo kiểu mô hình trường học mới (VNEN) trong khi hiện nay phần lớn tổ chức lớp còn quá đông học sinh và chương trình học vẫn nặng về kiến thức. Do đó, khi áp dụng sẽ không tránh được sự khập khiễng. Cụ thể, theo mô hình VNEN thì sĩ số lớp học là không quá 40 học sinh/lớp, trong khi sĩ số lớp học ở nhiều tỉnh, thành phố hiện phổ biến từ 50 - 60 học sinh/lớp. Chương trình học nặng sẽ khiến học sinh ở những lớp quá đông khó tiếp thu kiến thức mà giáo viên truyền thụ …
Phải giảm được áp lực học tập và xóa được bệnh thành tích
Theo PGS.TS Nguyễn Kế Hào - nguyên Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT, những sửa đổi của dự thảo Thông tư 30 mới chỉ thay đổi hình thức cách gọi. Việc đánh giá học sinh xếp theo mức A, B, C thay cho việc đánh giá là đạt, hoàn thành tốt… vẫn gần giống nhau. Để đánh giá được học sinh một cách toàn diện, cần kết hợp những hình thức như đánh giá định tính, đánh giá định lượng, đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Thông tư 30 có định tính, nhưng thiếu một nửa là định lượng, mà định tính - định lượng phải gắn với nhau.
Còn GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, dự thảo sửa đổi vẫn kiên trì quan điểm "không cho điểm, vì sợ gây áp lực đối với học sinh" (trong khi điểm là cách đánh giá định lượng, đảm bảo chính xác, rõ ràng nhất). Đồng thời, theo GS Thuyết, quy định tổng hợp kết quả đánh giá thường xuyên về học tập bằng 3 mức A, B, C, nhưng mỗi học kỳ chỉ có một lần xếp loại thì quá ít. Vì theo ông, nhiều bậc phụ huynh sẽ "trở tay không kịp" nếu đến tận cuối học kỳ mới biết kết quả học tập của con. Bên cạnh đó, dự thảo cũng không cho biết mối quan hệ giữa xếp loại A, B, C này với kết quả bài kiểm tra được đánh giá theo thang điểm 10 như thế nào?
Đồng quan điểm, GS.TS Vũ Trọng Rỹ - Phó Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, những vướng mắc của giáo viên trong Thông tư 30 như việc viết nhận xét quá nhiều, bỏ sổ theo dõi chất lượng giáo dục, tăng cường đánh giá về điểm số các bài kiểm tra lớp 4, lớp 5 đã được giải quyết. Nhưng trong dự thảo sửa đổi vẫn chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề chính là giảm áp lực học tập cũng như bệnh thành tích trong kiểm tra, đánh giá học sinh. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì người chịu ảnh hưởng trực tiếp và cuối cùng vẫn là học sinh.
Vì thế, theo GS Thuyết, để điểm số không gây áp lực lên trẻ nhỏ, giáo viên có thể áp dụng một số biện pháp như: Không cho điểm những bài chưa đạt mà hướng dẫn các em làm lại để đạt yêu cầu và khi đó mới cho điểm; ghi nhận mỗi sự tiến bộ của học sinh bằng điểm cao hơn lần trước để động viên; chỉ công bố trước lớp những điểm khá, giỏi để động viên học sinh khá, giỏi và khuyến khích em khác vươn lên, còn những em chỉ đạt điểm trung bình trở xuống thì giáo viên thông báo riêng với cha mẹ để không tạo sự so sánh, mặc cảm ở các em…
Còn đối với các giáo viên, cần quán triệt và ý thức sâu sắc việc đánh giá, nhận xét là vì sự tiến bộ của học sinh, để qua đó thu được thông tin cần thiết, điều chỉnh việc dạy học ngày một hiệu quả hơn, chứ không chỉ chạy đua để có thành tích đứng lớp trong cả năm học.
H.Thành
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV
Đại biểu đề nghị giám sát các quỹ để quản lý, sử dụng hiệu quả
Tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm sởi trong bệnh viện
Xem trực tiếp chung kết Miss Universe 2024 ở đâu?
Cơ quan Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội: Phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” luôn thực chất, hiệu quả
Thị xã Cửa Lò nhập vào Thành phố Vinh từ ngày 1/12/2024
Năm 2024 cả nước tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên
Tin khác
Tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm sởi trong bệnh viện
Y tế 05/11/2024 11:40
Cảnh giác cao điểm dịch sốt xuất huyết
Y tế 05/11/2024 10:44
Sắc màu văn hóa Chăm qua nghệ thuật dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp
Cộng đồng 05/11/2024 09:51
Liên thông kết quả khám để phục vụ người bệnh tốt hơn
Y tế 05/11/2024 09:16
Giúp người thu nhập thấp tiếp cận tài chính số
Chuyển đổi số 05/11/2024 09:15
Bông mua tím
Văn hóa 05/11/2024 09:09
Giữ gìn giá trị truyền thống từ phong trào xây dựng gia đình văn hóa
Văn hóa 05/11/2024 09:05
Ngắm nhìn vẻ đẹp của Hà Nội với loạt tranh vẽ bằng bút bi
Xã hội 05/11/2024 06:30
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Văn hóa 04/11/2024 22:00
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Xã hội 04/11/2024 19:26