Những điều cần biết để phòng tránh virus Corona (2019 – nCoV)
Dự buổi giao lưu trực tuyến, về phía Tổng liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam có ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng Ban tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam; về phía LĐLĐ thành phố Hà Nội có ông Ngô Văn Tuyến - Ủy viên Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Bá Châu - Uỷ viên Ban Thường vụ, Chánh văn phòng LĐLĐ thành phố; bà Trịnh Thị Lan - Trưởng Phòng quản lý xuất bản báo chí, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội; bà Kiều Thị Phong Lan - Phòng quản lý báo chí Sở thông tin và truyền thông Hà Nội; ông Phan Anh, Phòng PA03 Công an thành phố Hà Nội. Về phía báo Lao động Thủ đô có bà Lê Thị Bích Ngọc - Tổng biên tập và đội ngũ cán bộ, phóng viên tham gia trực tuyến.
Toàn cảnh buổi trực tuyến. |
Phát biểu tại buổi trực tuyến, bà Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết: Từ Tết Âm lịch thông tin về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) gây ra đã khiến cho cuộc sống của người dân xáo trộn. Với chức năng nhiệm vụ của mình, hiện nay trung bình 1 ngày báo Lao động Thủ đô có từ 20-30 tin bài thông tin về dịch, trong đó chủ yếu thông tin về sự lây lan, biên pháp phòng chống, sự vào cuộc tích cực của các cấp ngành, những tấm gương tiêu biểu về phòng chống dịch bệnh,…
Ông Ngô Văn Tuyến - Ủy viên Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi trực tuyến. |
Bên cạnh đó, báo Lao động Thủ đô cũng thường xuyên nhận được câu hỏi của độc giả gửi về. Trong bối cảnh thông tin không chính thống tràn lan trên các trang mạng xã hội gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hoang mang dư luận, chúng tôi nhận thấy rằng những câu trả lời của các chuyên gia, bác sĩ sẽ có sức thuyết phục, ảnh hưởng rất lớn để người dân không hoang mang, lo sợ, nhưng cũng không được chủ quan, chính vì vậy Báo đã tổ chức buổi trực tuyến hôm nay.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch LĐLĐTP Hà Nội Ngô Văn Tuyến nhấn mạnh: Với tính chất và mức độ nguy hiểm của dich bệnh lần này, các thành viên của Ban Chỉ đạo của thành phố Hà Nội do Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Đức Chung thường xuyên giao ban trực tuyến với các quận, huyện thị xã cũng như các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố để nắm bắt thông tin kịp thời để có thông tin đầy đủ nhằm chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành tiến tới khắc phục lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.
Bà Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu tại buổi trực tuyến. |
LĐLĐ thành phố Hà Nội đã có kế hoạch chỉ đạo các cấp công đoàn nhanh chóng nắm bắt những diễn biến của dịch tại các cơ quan, đơn vị, trọng tâm là công nhân lao động tại các Khu Công nghiệp - Chế xuất kịp thời phát hiện phòng chống lây lan. Với tinh thần chủ động, chúng tôi rất hoan nghênh báo Lao động Thủ đô đã tổ chức tuyên truyền trực tuyến trong công nhân lao động nói riêng và nhân dân lao động nói chung.
Ban Tổ chức tặng hoa các chuyên gia. |
Đối với các cơ quan truyền thông của Hà Nội, báo LĐTĐ là cơ quan báo chí đầu tiên của Hà Nội tổ chức trực tuyến. Các chuyên gia đã trực tiếp dự, trả lời những thắc mắc những nhu cầu của cán bộ công nhân viên chức, lao động thủ đô và người dân để họ kịp thời tự phòng bệnh cho bản thân và gia đình tại khu vực dân cư và doanh nghiệp.
Cuối cùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Ngô Văn Tuyến đề nghị, với thời gian ngắn, lượng câu hỏi lớn mong báo rà soát lựa chọn câu hỏi để các chuyên gia truyền đạt đến công nhân lao động, nhân dân Thủ đô nắm được những cái chung để kịp thời phòng bệnh và báo cáo kịp thời tới các lãnh đạo để xử trí những tình huống xảy ra bất ngờ.
Tham gia giao lưu, trả lời những thắc mắc trực tiếp của độc giả có các chuyên gia, bác sĩ đến từ Trung ương và Hà Nội:
1. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Xuân Phú – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương
2. Tiến sĩ, Bác sĩ Đoàn Thu Trà – Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới- Bệnh viện Bạch Mai
3. Bác sĩ chuyên khoa II Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung Tâm kiểm soát Bệnh tật thành phố Hà Nội.
Các chuyên gia bắt đầu trả lời câu hỏi trực tiếp từ bạn đọc:
Ông Nguyễn Đắc Hùng – 65 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội hỏi: Thưa chuyên gia, tôi sẽ ngừa được virus Corana 100% khi đeo khẩu trang, có đúng không?
Bác sĩ Thu Trà: Không hoàn toàn đúng (kể cả khi đeo khẩu trang đúng cách và đúng chỉ định). Vì phòng ngừa virus Corona thì vấn đề vệ sinh tay hết sức quan trọng. Để bảo vệ bản thân thì phải tránh tiếp xúc với người mắc bệnh, rửa tay thường xuyên, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh và môi trường xung quanh người bệnh, động vật nuôi hoang dã không có phương tiện bảo vệ. Người có triệu chứng nhiễm bệnh phải đảm bảo vệ sinh khi ho (giữ khoảng cách, che miệng, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc vải, rửa tay). Tại các cơ sở y tế phải tăng cường thực hành dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn.
Bạn đọc Diệu Ngọc (quận Long Biên, Thành phố Hà Nội):Tôi có tiền sử bệnh hô hấp viêm phế quản co thắt vào mỗi khi thời tiết thay đổi nhưng đã khỏi bệnh vài năm. Hôm 21/1 (27 Tết Canh Tý), tôi vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thăm người ốm; hôm 30/1 (mùng 6 Tết Canh Tý), tôi vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chăm người nhà sinh con, cả hai lần đều không sử dụng khẩu trang thường hay khẩu trang y tế. Mấy ngày gần đây, tôi bị đau họng, người nhức mỏi và khò khè, khó thở nhưng không sốt, khi dùng thuốc kháng sinh thì có chiều hướng đỡ hơn. Xin chuyên gia cho lời khuyên tôi có cần đi kiểm tra sàng lọc viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona hay không? Nếu cần thì tôi nên đến đâu?
Bác sĩ Vũ Xuân Phú: Bạn đã được chẩn đoán có tiền sử viêm phế quản co thắt. Nhưng triệu chứng gần đây có thể là những triệu chứng lặp lại của bệnh đã được chẩn đoán và điều trị. Để loại trừ, triệu chứng xuất hiện từ 21/1 đến 7/2 đã quá thời gian ủ bệnh tối đa của virus Corona. Do vậy, bạn cần tiếp tục theo dõi và điều trị đối với bệnh lý viêm phế quản. Nếu cần bạn nên đến Bệnh viện Y học lâm sàng nhiệt đới Trung ương hoặc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hà Nội để được tư vấn kỹ hơn.
Anh Hàn Văn Hải ở địa chỉ email: haihanhongkongland@gmail.com hỏi: Tôi có thể đến đâu khám, xét nghiệm nếu nghi ngờ bị nhiễm virus corona?
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn: Hiện nay, ở tuyến Trung ương, có 2 cơ sở của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở ở Bạch Mai và cơ sở ở Kim Chung, Đông Anh) có thể xét nghiệm.
Tại Hà Nội, Sở Y tế đã chỉ đạo 5 bệnh viện tiếp đón, cách ly và theo dõi điều trị. Cụ thể: Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Hà Đông và Bệnh viện Bắc Thăng Long.
Địa chỉ và đường dây nóng của 5 bệnh viện đã được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Anh Nguyễn Đình Đính, email: drdinhbvst@gmail.com hỏi: Tôi được biết, có rất nhiều người Việt Nam sang Trung Quốc lao động, công tác, học tập, du lịch... và trở về Việt Nam ngay trước, trong thời gian có dịch. Bố Y tế đã có mẫu tờ khai y tế để triển khai thực hiện. Vậy ngay tại nơi họ sinh sống (làng, xã...), công tác có cần lập danh sách công dân sang Trung Quốc lao động, học tập, công tác, du lịch... không và trong đó có cần nắm rõ cụ thể từng người đã và chưa về Việt Nam để tổ chức cách ly, theo dõi, quản lý như thế nào?
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn: Hiện nay tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng dịch hoặc đi qua vùng dịch đều được lập danh sách theo dõi và cách ly tại 3 khu vực: Cách ly tại bệnh viện đối với các trường hợp có triệu chứng viêm đường hô hấp; cách ly tại khu tập trung đối với các trường hợp đi từ Vũ Hán về Việt Nam; cách ly tại nơi ở đối với các trường hợp đi từ vùng có dịch trở về (30/31 tỉnh của Trung Quốc), các quốc gia và vùng có bệnh nhân xác định.
Anh Minh (anhminh1984@gmail.com) hỏi: Xin chuyên gia cho biết, Corona virus 2019 là gì, nguồn gốc của virus này từ đâu?
Bác sĩ Vũ Xuân Phú: Đây là một loại virus được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào khoảng giữa tháng 12/2019, khi một nhóm người bị viêm phổi không rõ nguyên nhân tiếp xúc với những người buôn bán, làm việc tại chợ hải sản mua bán động vật tại đây. Người ta nghi ngờ nguồn lây từ những động vật hoang dã. Tổ chức Y tế thế giới ký hiệu là 2019 – nCoV.
Ông Nguyễn Tiến Sơn, email: Sonphuong77@gmai.com hỏi: Hiện nay các bệnh viện tuyến huyện có chữa được bệnh cúm corona không? Nếu nghi ngờ bị bệnh thì nên đi kiểm tra ở đâu?
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn: Trước mắt khi số trường hợp nghi ngờ và bệnh nhân ít sẽ tập trung điều trị tại các bệnh viện tuyến thành phố được phân công. Ở Hà Nội, có 5 bệnh viện là: Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Hà Đông và Bệnh viện Bắc Thăng Long.
Khi số lượng bệnh nhân tăng lên có thể sẽ phải sử dụng tất cả các bệnh viện, kể cả bệnh viện tuyến huyện để cách ly điều trị bệnh nhân.
Bạn đọc Yến Hoa (huyện Hoài Đức, Hà Nội): Tôi được biết virus corona (2019- nCoV) có khả năng lây lan từ người sang người qua tiếp xúc thông thường. Xin chuyên gia cho biết cụ thể hơn về cơ chế lây lan của virus này?
Bác sĩ Vũ Xuân Phú: Cơ chế lây truyền virus Corona: Virus Corona chủ yếu lây truyền qua các giọt nước bọt của người nhiễm bệnh khi ho hoặc hắt hơi văng ra ngoài môi trường, trong khoảng dưới 2m. Hoặc khi những dịch tiết từ nước bọt của người bệnh, hoặc người mang mầm bệnh bắn ra ngoài môi trường, tụ lại ở những vật dụng như tay nắm cửa, bàn ghế, điện thoại… người khỏe mạnh khi tiếp xúc phải trong thời gian virus đang hoạt động thì có nguy cơ nhiễm, mắc bệnh rất cao. Theo các chuyên gia y tế hiện nay còn một đường lây nữa là qua đường tiêu hóa, cụ thể là qua phân thải ra môi trường.
Anh Hoàng Tuấn Dũng (Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) hỏi: Bệnh do virus Corona hiểu sao cho đúng, cách phòng, chống bệnh thế nào?
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn: Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra là 1 bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp có thể lây từ người sang người. Những người khi có 1 trong 4 triệu chứng sau đây: Sốt, ho, khó thở, viêm phổi kèm theo yếu tố dịch tễ là đi từ vùng có dịch (Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày; hoặc nhập cảnh vào Việt Nam từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc có trường hợp đã xác định; có tiền sử đến/ở/về từ vùng dịch đang hoạt động tại Việt Nam trong vòng 14 ngày; tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định hay trường hợp bênh nghi ngờ ở Việt Nam trong vòng 14 ngày là những trường hợp bệnh nghi ngờ cần phải được cách ly theo dõi điều trị tại bệnh viện và lấy mẫu xét nghiệm. Khi các trường hợp này có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV được coi là trường hợp bệnh xác định.
Để phòng chống bệnh có hiệu quả cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây: Không đến vùng có dịch. Hạn chế đến nơi đông người; trong trường hợp cần đến nơi đông người cần sử dụng khẩu trang và rửa tay với xà phòng. Hạn chế tiếp xúc với người đang mắc bệnh đường hô hấp cấp tính; khi cần tiếp xúc cần phải đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách ít nhất 2m khi tiếp xúc. Người có dấu hiệu ho, sốt, khó thở phải đeo khẩu trạng bảo vệ và thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng thực phẩm đã được nấu chín; không mua bán, tiếp xúc với các loài động vật hoang dã. Thường xuyên vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, tăng cường mở cửa, hạn chế sử dụng điều hòa, giữ ấm cơ thể, nâng cao thể trạng.
Chị Nguyễn Thị Minh (minhnguyetinox@gmail.com) hỏi: Xin hỏi thời điểm nào đi xét nghiệm có virus là chính xác nhất?
Bác sĩ Thu Trà: Khi có các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp như sốt, ho, khó thở… Thời điểm lấy mẫu đối với dịch đường hô hấp trên (bao gồm dịch ngoáy họng và ngoáy tị hầu – 2 tăm bông) là từ 0 – 7 ngày; với đường hô hấp dưới (bao gồm dịch phế nang, dịch nội khí quản, dịch màng phổi, các tổ chức phổi phế quản phế nang) là từ 0- 14 ngày. Bệnh phẩm này là do nhân viên y tế thực hiện.
Anh Tuấn Khải (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỏi: Việc phun kháng khuẩn có tác dụng ngăn ngừa virus như thế nào khi các nhà khoa học đã công bố virus Corona có thể sống 10h ngoài môi trường tự nhiên?
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn: Virus Corona hoạt động mạnh trong điều kiện nhiệt độ dưới 20 độ C, từ 20-25 độ C sẽ hoạt động hạn chế. Như vậy virus sẽ tồn tại trong môi trường tùy điều kiện nhiệt độ và độ ẩm không khí. Virus dễ bị tiêu diệt bởi các chất diệt khuẩn thông thường. Vì vậy để phòng chống bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra, chúng ta cần phải thường xuyên lau, rửa nền nhà, các vật dụng nơi ở và nơi làm việc hằng ngày bằng các chất tẩy rửa thông thường. Khi có trường hợp bệnh nghi ngờ hay xác định sẽ phun hóa chất kháng khuẩn (CloraminB) tại nơi ở và làm việc của bệnh nhân. Và việc phun hóa chất phải theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn y tế.
Bạn Phạm Hằng (huyện Gia Lâm, Hà Nội): Tôi không mua được khẩu trang y tế nên dùng khẩu trang thường. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát thế này, dùng khẩu trang thường có thể phòng bệnh được không, thưa chuyên gia?
Bác sĩ Vũ Xuân Phú: Phương tiện nhằm bảo vệ cá nhân phòng tránh lây nhiễm virus Corona hiện nay được người dân tăng cường sử dụng là khẩu trang y tế. Do kích thước của virus này lớn hơn virus trực khuẩn khác (như vi khuẩn lao), nên người khỏe mạnh và người bệnh có thể sử dụng khẩu trang y tế thông thường hoặc khẩu trang vải được vệ sinh và giặt sạch sẽ, đảm bảo khử khuẩn hàng ngày là có thể phòng ngừa bệnh. Bên cạnh đó, người dân cần kết hợp với các biện pháp khác như rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn, xà phòng…
Chị Dương Hoàng Thu (Bát Sứ, Hà Nội) hỏi: Độ tuổi nào thì dễ bị mắc chủng mới của virus Corona?
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn: Hiện nay chưa có báo cáo chính thức về dịch tễ học của bệnh này. Tuy nhiên theo thông báo của Bộ Y tế, 80% bệnh biểu hiện ở thể nhẹ giống như bệnh cúm thông thường, 20% bệnh ở mức độ nặng. Tỷ lệ tử vong thấp (khoảng 2%), chủ yếu ở các đối tượng người cao tuổi có bệnh nền, bệnh mãn tính.
Anh Nguyễn Đình Văn (nguyenvan@gmail.com) hỏi: Người nhà bị cúm chưa biết bị cúm gì, tôi muốn hỏi cách chăm sóc thế nào để tránh bị lây nhiễm?
Bác sĩ Thu Trà trả lời: Việc đầu tiên là bạn phải đến bệnh viện để được khám bệnh và xác định là bị nhiễm cúm A, B… hay là bị bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) gây ra thì chúng ta mới có thể có cách chăm sóc thích hợp. Việc đeo khẩu trang và vệ sinh tay… được khuyến cáo.
Anh Nguyễn Văn Hải (Ứng Hòa - Hà Nội) hỏi: Để phòng chống dịch viêm phổi cấp do Virus Corona gây ra, người dân đang lan truyền một số biện pháp phòng virus Corona như cắm sả trong nhà, đốt bồ kết, dùng dầu tràm, uống nước sả nóng pha vỏ chanh và mật ong… hàng ngày. Vậy xin hỏi chuyên gia các giải pháp này có hữu hiệu hay không?
Bác sĩ Vũ Xuân Phú: Sả, bồ kết, dầu tràm… bản chất là những loại thực vật có chứa tinh dầu. Theo truyền thống là để xông hơi, xông nhà, khử khuẩn, diệt vi trùng trong không gian sống. Bởi vậy, trong những vùng dịch hoặc không khí ẩm mốc như hiện nay thì việc sử dụng các loại tinh dầu như sả, bồ kết, dầu tràm là rất hữu ích.
Bà Kiều Thị Oanh (Kieuoanh061971@gmail.com) hỏi: Nếu bị nhiễm vius Corona triệu chứng như thế nào so với bị cúm bình thường?
Bác sĩ Thu Trà trả lời: Triệu chứng nhiễm virus Corona và cúm trong thời kỳ ủ bệnh thường giống nhau với các biểu hiện như: Ho, sốt, khó thở, đau mỏi người, đau đầu. Vì vậy, trong giai đoạn đầu rất khó xác định. Virus Corona thời kỳ ủ bệnh kẻo dài từ 2 – 14 ngày và trong thời gian này có thể không có các triệu chứng vì vậy vấn đề dịch tễ rất quan trọng để phát hiện sớm, cách ly làm các xét nghiệm sàng lọc và có kết quả chẩn đoán chính xác.
Đây là lý do chúng ta khi có các triệu chứng cúm phải vào bệnh viện để được khám, tư vấn, làm các xét nghiệm loại trừ bị nhiễm cúm thông thường. Đặc biệt, với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chúng ta có thể nhiễm cúm A (H5N1…) cũng rất nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bạn đọc Hoàng Thu Hương (Thị xã Sơn Tây – Hà Nội): Nhiều người cho rằng Vitamin C là "thần dược" chống virus Corona, trong khi khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì cho rằng vitamin C không có tác dụng. Vậy chuyên gia có nhận định và đánh giá như nào về vấn đề này?
Bác sĩ Vũ Xuân Phú: Dịch viêm đường hô hấp do virus Corona hiện chưa có thuốc đặc trị. Do vậy, cách phòng tránh tốt nhất là nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Trong đó, chủ yếu là tăng cường sức đề kháng bằng vitamin C, ăn uống những thực phẩm chứa hàm lượng có vitamin C cao như: Cam, quýt, bông cải, tỏi, gừng, nghệ…
Anh Ngô Trọng Tính (Hàng Cháo, Đống Đa, Hà Nội) hỏi: Đối với những người đã nhiễm virus Corona, sau khi được điều trị khỏi có khả năng bị lại hay không? Khi tiếp xúc với họ cần lưu ý điều gì?
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn: Những trường hợp bệnh xác định nhiễm virus Corona được coi là khỏi bệnh khi hết các triệu chứng và kèm theo kết quả xét nghiệm âm tính với virus Corona. Vì vậy những người đã được xuất viện không còn khả năng lây nhiễm cho người khác.
Tất cả những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm ngay sau khi khỏi bệnh sẽ có miễn dịch với bệnh đó. Tuy nhiên thời gian miễn dịch tùy theo từng loại bệnh. Đối với bệnh viêm phổi do chủng mới của virus Corona gây ra, hiện nay chưa có báo cáo chính thức về khả năng miễn dịch.
Anh Nguyễn Hồng Phúc (Hoàng Mai, Hà Nội) hỏi: Để phòng, chống virus Corona thì mỗi người cần bổ sung những dưỡng chất gì để tăng sức đề kháng cho cơ thể?
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn: Giống như tất cả loại bệnh truyền nhiễm khác để hạn chế mắc bệnh cần nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng bằng các loại dinh dưỡng phù hợp theo mỗi lứa tuổi. Trong đó chú trọng Vitamin C.
Chị Lê Thị Hà (Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) hỏi: Nếu có dấu hiệu sốt có nên đến ngay bệnh viện hoặc gọi điện thoại (theo số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế) không?
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn: Chỉ những trường hợp có dấu hiệu sốt và kèm theo yếu tố dịch tễ bao gồm: Đi từ vùng có dịch (Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày; hoặc nhập cảnh vào Việt Nam từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc có trường hợp đã xác định; có tiền sử đến/ở/về từ vùng dịch đang hoạt động tại Việt Nam trong vòng 14 ngày; tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định hay trường hợp bênh nghi ngờ ở Việt Nam trong vòng 14 ngày mới cần phải theo dõi cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.
Tuy nhiên nếu bạn chưa chắc chắn có thể gọi điện để được tư vấn qua số hotline của Bộ Y tế: 19009095 và 19003228; hoặc Sở Y tế Hà Nội: 0969082115 và 0949396115 (cước gọi hoàn toàn miễn phí)
Anh Hải Duy (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi: Thưa bác sĩ, đọc trên báo, nghe đài phát thanh phường có nói, khi bị nghi ngờ đến ngay cơ sở gần nhất để khám, tư vấn (và trước khi đến cần alo trước), nhưng sự thực ngày 4/2 tôi có người nhà bị nghi cúm, gọi cho một số bệnh viện tại Hà Nội thì được trả lời ở Hà Nội chỉ có 3 cơ sở khám và điều trị (2 cơ sở của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương). Vậy xin hỏi, có đúng là các bệnh viện của Hà Nội và các bệnh viện Trung ương khác không khám và điều trị bênh viêm đường hô hấp cấp?
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn: Hiện nay để được tư vấn bạn có thể gọi điện để được tư vấn qua số hotline của Bộ Y tế: 19009095 và 19003228; hoặc Sở Y tế Hà Nội: 0969082115 và 0949396115 (cước gọi hoàn toàn miễn phí).
Ngoài ra có 5 bệnh viện của Hà Nội đang được phân công tiếp nhận và cách ly điều trị bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh là: Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Hà Đông và Bệnh viện Bắc Thăng Long
Ngoài ra các bệnh viện Trung ương và một số bệnh viện có Khoa Bệnh nhiệt đới cũng sẽ tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh.
Anh Nguyễn Đình Văn (nguyenvan@gmail.com) hỏi: Người nhà tôi bị cúm mà chưa biết bị cúm gì. Tôi muốn hỏi các chăm sóc thế nào để tránh bị lây nhiễm?
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn: Bệnh cúm và bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra là các bệnh lây qua đường hô hấp. Vì vậy những người chăm sóc bệnh nhân và người nhà khi tiếp xúc cần phải được phòng bệnh bằng các loại khẩu trang y tế theo hướng dẫn. Sau mỗi lần tiếp xúc cần phải rửa tay bằng xà phòng, sát khuẩn mắt, mũi, họng bằng các dung dịch sát khuẩn y tế.
Bạn đọc Nguyễn Nam (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) hỏi: Thưa chuyên gia, tôi đã được nghe tuyên truyền trên báo đài về các cơ sở tiếp nhận bệnh nhân khi nghi mắc dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virut Corona gây ra, tuy nhiên tôi muốn hỏi ngoài những bệnh viện trên thì chúng tôi có thể tới khám ở các cơ sở y tế gần nơi ở nhất để khám hay không?
Bác sĩ Thu Trà trả lời: Các bạn nên đến những cơ sở y tế được Bộ Y tế chỉ định khám và sàng lọc các bệnh nhân nghi mắc dịch viêm phổi cấp do virus Corona (nCoV) gây ra. Tại các cơ sở đó mới có đủ điều kiện làm các xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán bệnh chính xác. Một số đơn vị được Bộ Y tế chỉ định: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Trung ương…
Bạn đọc Lê Văn Quang (lequang87@gmail.com) hỏi: Xin bác sĩ cho tôi hỏi thời gian khỏi bệnh khi bị nhiễm virus Corona là bao lâu?
Bác sĩ Thu Trà trả lời: Tùy thuộc vào từng trường hợp nhiễm bệnh nặng hay nhẹ. Tiêu chuẩn xuất viện: Hết sốt ít nhất 3 ngày; dấu hiệu sinh tồn ổn định; chức năng các cơ quan tổn thương về bình thường và quan trọng là xét nghiệm R-PCR âm tính.
Chị Lê Thị Thủy (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hỏi: Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra lây lan qua đường nào nhanh nhất, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn: Hiện nay theo thông báo của tổ chức Y tế Thế giới WHO và Bộ Y tế Việt Nam, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra do tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp của bệnh nhân thông qua các giọt nước bọt khi bệnh nhân nói chuyện, ho, hắt hơi.
Ngoài ra, các đường lây khác chưa được công bố. Vì vậy biện pháp phòng bệnh hiện nay là các biện pháp phòng bệnh lây qua đường hô hấp.
Chị Nguyễn Thị Minh (minhnguyentinox@gmail.com) hỏi: Xin hỏi bác sĩ, thời điểm nào đi xét nghiệm có virus là chính xác nhất?
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn: Chỉ khi bệnh khởi phát (có 1 trong các triệu chứng của viêm đường hô hấp như ho, sốt, khó thở) thì lúc đó xét nghiệm mới có thể xác định được tác nhân gây bệnh.
Vì vậy những trường hợp chỉ có yếu tố dịch tễ là đi từ vùng dịch hay tiếp xúc với bệnh nhân với người nghi ngờ mắc bệnh trong vòng 14 ngày mà chưa có sốt thực hiện tốt biện pháp cách ly y tế và theo dõi nhiệt độ ngày hai lần. Khi xuất hiện sốt (trên 38 độ C) lúc đó mới phải lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán, xác định bệnh.
Nguyễn Thị Nga (Thị Trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) hỏi: Tôi tìm hiểu thì được biết virus Corona “sợ” nắng, gió. Hiện tại tôi đang sống ở miền Nam, khí hậu luôn nắng, ấm vậy có nguy cơ nhiễm virus Corona hay không?
Bác sĩ Thu Trà trả lời: Như các bạn đã biết, đã có những bệnh nhân ở Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh đã bị nhiễm bệnh. Trên thế giới, cũng có nhiều đất nước có khí hậu nhiệt đới nắng ấm vẫn có bệnh nhân nhiễm virus nCoV.
Anh Phạm Thắng (Bạch Mai, Hà Nội) hỏi: Hướng dẫn đeo, sử dụng, tháo và bỏ khẩu trang để phòng chống lây nhiễm virus Corona?
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn: Để phòng bệnh có hiệu quả cần sử dụng khẩu trang đúng cách:
1. Đối với khẩu trang y tế:
- Đeo mặt xanh ra phía bên ngoài, mặt trắng quay vào trong
- Xoay cạnh có thanh kim loại lên trên và sau khi đeo khẩu trang cần phải sử dụng 2 ngón tay để ép chặt thanh kim loại này vào sống mũi.
- Trong quá trình sử dụng tránh chạm tay vào mặt ngoài khẩu trang
- Khi không sử dụng cần phải loại bỏ ngay khẩu trang bằng cách cầm quai để tháo khẩu trang không dùng tay cầm mặt ngoài khẩu trang.
- Sau khi tháo khẩu trang gấp mặt ngoài của khẩu trang vào phía bên trong và loại bỏ vào thùng rác đồng thời rửa tay bằng xà phòng.
2. Đối với khẩu trang vải :
- Nên có nhiều khẩu trang để thay thế trong ngày.
- Khẩu trang vải sau khi sử dụng cần phải giặt sạch bằng xà phòng và phơi khô để có thể sử dụng lại.
Anh Duy Anh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hỏi: Có cần và nên công bố danh sách các trường hợp cách ly bắt buộc để mọi người biết và hạn chế, đề phòng không? Vì hiện nay có một số danh sách chưa chính thức lan truyền trên mạng.
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn: Theo Luật phòng chống bênh truyền nhiễm và Nghị định 101 hướng dẫn cách ly y tế sẽ công bố số trường hợp cần phải cách ly và không công khai danh tính cá nhân phải cách ly.
Tuấn Anh (cán vộ bộ về hưu phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) hỏi: Ngoài vệ sinh cá nhân, rửa tay, đốt bồ kết… bật điều hòa nóng trong nhà có góp phần phòng dịch Virus Corona được không thưa bác sĩ?
Bác sĩ Thu Trà trả lời: Có. Nhưng yếu tố quan trọng là bạn phải đảm bảo môi trường trong nhà được thông thoáng và đảm bảo vệ sinh an toàn, ăn thức ăn nấu chín, ngủ đủ giấc, rèn luyện thể thao thường xuyên, hạn chế đến chỗ đông người. Để phòng tránh hiệu quả, bạn nên tránh tiếp xúc gần với những người đang mắc bệnh, rửa tay thường xuyên đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh và môi trường xung quanh người bệnh, đeo khẩu trang theo đúng chỉ định, tránh tiếp xúc với động vật nuôi hoang dã không có phương tiện bảo vệ. Người có triệu chứng nhiễm bệnh phải đảm bảo vệ sinh khi ho (giữ khoảng cách, che miệng, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc vải, rửa tay), khi phát hiện bệnh phải được cách ly và điều trị tại các cơ sở y tế được Bộ Y tế chỉ định.
Anh Nguyễn Văn Dương, Hoàng Mai - Hà Nội hỏi: Vợ tôi đang mang bầu, xin chuyên gia cho biết, phụ nữ đamh mang thai mà bị nhiễm virus Corona có thể gặp biến chứng gì? Cách điều trị bệnh này có khác gì so với người bình thường?
Bác sĩ Thu Trà trả lời: Bạn phải cho vợ đến bệnh viện, tùy theo thời kỳ mang bầu sẽ có thể có những biến chứng khác nhau. Hiện nay việc điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của Virus Corona gây ra chưa có điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Vì vậy, nếu vợ bạn có các biểu hiện nghi ngờ của bệnh thì hãy đưa vợ bạn đến khám sàng lọc tại Bệnh viện Bạch Mai (đây là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt, có đủ các chuyên khoa, đặc biệt là chuyên khoa sản rất có uy tín).
Bạn đọc Hoàng Mai (Thị trấn Chúc Sơn – Chương Mỹ - Hà Nội): Từ đại dịch Sars-CoV năm 2002 đến đại dịch Cúm H1N1 năm 2009 ngành Y tế có được những bài học thế nào để ứng phó với dịch do virus Corona lần này?
Bác sĩ Vũ Xuân Phú: Từ kinh nghiệm những đợt chống dịch trước như đại dịch Sars-CoV năm 2002 đến đại dịch Cúm H1N1 năm 2009… ngành Y tế và các đơn vị liên quan đã có nhiều kinh nghiệm và bài học để chuẩn bị, ứng phó và xử lý cụ thể với từng tình huống diễn biến của dịch. Ví dụ như xác định cấp độ, mức độ nghiêm trọng của dịch. Từ đó đề ra những chiến lược để ứng phó, chuẩn bị những quy trình, điều kiện cơ sở vật chất phương tiện, cơ chế chính sách, chế độ thông tin báo cáo. Đồng thời, có một hành lang pháp lý đủ mạnh (luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, quyết định tuyên bố dịch…) và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các cơ quan trực thuộc Chính phủ. Đặc biệt, vai trò và sự chủ động trong ngành Y tế.
Anh Bùi Anh Tuấn (Khu Công Nghiệp Bắc Thăng Long – Hà Nội): Ngành Y tế đã nỗ lực như nào để không một bệnh nhân nào tử vong vì nhiễm virus Corona?
Bác sĩ Vũ Xuân Phú: Nhà nước và ngành Y tế đã đánh giá đúng về mức độ nghiêm trọng của vụ dịch. Mức độ toàn cầu Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố vấn đề khẩn cấp toàn cầu, dựa trên những quy định của Quốc tế về mức độ nghiêm trọng của vấn đề sức khỏe. Đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch bằng quyết định 173, ngày 1/2/2020, và xác định xu hướng của dịch đang lan rộng chưa khống chế được (Theo quy định của luật phòng chống bệnh truyền nhiễm/2007 quốc hội 12). Mục đích của Chính phủ và ngành y tế là khống chế và thanh toán dịch, trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Để làm được việc này cần giảm mắc mới và giảm tỷ lệ tử vong, giảm lây lan trong cộng đồng, dự phòng bằng vắc xin (nếu có).
Chúng ta chủ động xây dựng chiến lược để ứng phó:
- Phòng bị từ đầu nguồn: Tạm thời đóng cửa biên giới, kiểm soát chặt chẽ qua các cửa khẩu.
- Sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị hỗ trợ sớm: Kiểm soát chặt chẽ từ các cửa khẩu; khuyến khích khai báo và tự khai báo khi phát hiện; cách ly cộng đồng (tại nhà hoặc tại bệnh viện); vệ sinh ho khạc (đeo khẩu trang, khăn che miệng, quản lý đờm); điều trị (hỗ trợ điều trị biến chứng, điều trị bệnh nền, nhất là bệnh phổi mạn tính); điều trị hỗ trợ cách ly để cắt giảm nguồn lây.
- Bảo vệ cá nhân, người lành để giảm mắc mới do virus corona (tuyên truyền giáo dục – tránh hoảng loạn và thực hành sai, hiểu biết bệnh và cách tự phòng tránh, vệ sinh ho khạc tại nơi công cộng, cung ứng phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp từng môi trường, từng trường hợp, vắc xin hoặc thuốc dự phòng/khi có).
- Đảm bảo nguồn lực cho các giải pháp cho các giải pháp trên (hệ thống chính trị vào cuộc, như chỉ thị của Đảng, Thủ tướng và Bộ Y tế kịp thời; đủ nhân lực- vật lực – tài lực trong tình trạng khẩn cấp, huy động tổng lực các cơ quan truyền thông.
Ngành Y tế và các bệnh viện thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, cập nhập và phân tích diễn biến tình hình dịch thường xuyên, xây dựng các quy trình chuẩn, chuẩn bị điều kiện đẩy đủ để tiếp nhận, phân loại cách ly bệnh nhân. Chủ động trong mọi tình huống có thể xảy ra, kể cả việc khi công bố tình trạng khẩn cấp, sủ dụng các bệnh viện dã chiến.
Các chuyên gia chụp ảnh cùng ekip trực tuyến. |
Bạn đọc có mail: Nguyenthimai.bctt@gmail.com hỏi: Tôi nghe nói, chủng mới của virus Corona này có thể tồn tại trong môi trường bên ngoài rất lâu và có tốc độ lây lan mạnh! Điều này có đúng không và cần bảo vệ mình và mọi người bằng cách nào?
Bác sĩ Thu Trà trả lời: Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang tiến hành nghiên cứu và sẽ cho câu trả lời chính xác trong thời gian sớm nhất. Việc quan trọng là phải bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh bằng cách: Tránh tiếp xúc gần với những người đang mắc bệnh, rửa tay thường xuyên đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh và môi trường xung quanh người bệnh, đeo khẩu trang theo đúng chỉ định, tránh tiếp xúc với động vật nuôi hoang dã không có phương tiện bảo vệ. Người có triệu chứng nhiễm bệnh phải đảm bảo vệ sinh khi ho (giữ khoảng cách, che miệng, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc vải, rửa tay), khi phát hiện bệnh phải được cách ly và điều trị tại các cơ sở y tế được Bộ Y tế chỉ định. Tại các cơ sở y tế phải tăng cường thực hành dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn.
Một Bạn đọc hỏi: Những biểu hiện chính của người nhiễm và khi nào cần tới bệnh viện để kiểm tra?
Bác sĩ Thu Trà trả lời: Biểu hiện lâm sàng: sốt, ho, khó thở, đau mỏi người, đau đầu, đau họng. Bạn cần đến bệnh viện khám và sàng lọc khi có các biểu hiện trên và khi bạn không có các biểu hiện lâm sàng trên nhưng có các yếu tố dịch tễ liên quan.
Anh Phạm Tiến Nhiệm (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội): Tôi có một cậu con trai dưới 1 tuổi. Vậy tôi nên làm gì để bảo vệ con mình khỏi virus Corona?
Bác sĩ Vũ Xuân Phú: Nếu em bé không có nguy cơ thì mẹ hãy chăm sóc trẻ như bình thường, còn nếu có yếu tố nguy cơ như yếu tố dịch tễ và có các triệu chứng nghi ngờ thì nên đi khám để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời. Giai đoạn này quan trọng là tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng đầu đủ. Đặc biệt cần giữ ấm và đảm bảo độ ẩm trong nhà cho trẻ. Đề phòng tiếp xúc các nguồn lây nhiễm. Tăng cường bú sữa mẹ.
Anh Nguyễn Văn Tam (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) hỏi: Những người viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đang được điều trị như thế nào? Tỷ lệ thành công là bao nhiêu?
Bác sĩ Vũ Xuân Phú: Đối với những người bệnh hiện nay được điều trị hỗ trợ vì chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu. Thực tế với thành công điều trị những ca bệnh dương tính với virus Corona, được điều trị khỏi thường là không mắc nhiều bệnh nền phối hợp, tuổi trung niên trở xuống, hồi phục tốt.
Bạn đọc có mail: toannguyen@gmail.com hỏi: Thưa chuyên gia, vài ngày trở lại đây, con tôi có biểu hiện ho, chảy nước mũi và có hơi sốt, đây cũng là các triệu chứng khi con bị cảm cúm. Vậy làm thế nào để tôi có thể phân biệt được con ốm do cảm cúm hay do virus gây ra?
Bác sĩ Thu Trà trả lời: Bạn hãy đưa con đến bệnh viện khám và sẽ được xét nghiệm tìm căn nguyên cảm cúm thông thường hay cúm A, B.
Bạn đọc Đinh Thế Thiên (phường Hữu Nghị, Thành phố Hòa Bình) hỏi: Thưa chuyên gia, nếu mắc virus Corona thì cơ hội sống sót là bao nhiêu phần trăm? Tôi được biết Việt Nam đã có những ca nhiễm bệnh đến nay bệnh nhân đã khỏe và được xuất viện, xin chuyên gia chia sẻ rõ hơn về phác đồ điều trị bệnh đang được các bệnh viện ở nước ta triển khai?
Bác sĩ Thu Trà: Hiện tại tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm virus nCoV tại Việt Nam đều đang trong tình trạng ổn định và được chăm sóc y tế tốt nhất. Đã có 03 bệnh nhân được xuất viện.
Về vấn đề điều trị, theo nguyên tắc điều trị đối với các ca bệnh nghi ngờ phải được cách ly theo dõi và làm xét nghiệm khẳng định. Ca bệnh xác định cần được nhập viện cách ly để điều trị. Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chủ yếu là điều trị triệu chứng và hỗ trợ hô hấp cũng như điều trị các bệnh lý nền của người bệnh.
Chị Lê Thị Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) hỏi: Hiện nay tôi thấy các rạp chiếu phim vẫn chưa đóng cửa, ca chiếu sau vào khi ca trước vừa tan khoảng 10 phút, phòng chiếu sẽ không được khử trùng. Như vậy có lây lan virus Corona khi đến rạp chiếu xem phim nếu có người bị nhiễm đã vào phòng trước đó không?
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn: Hiện nay tất cả các lễ hội nơi tập trung đông người đều phải dừng không tổ chức để phongg chống dịch bệnh. Các cuộc tập trung số lượng người ít những người tham dự cần phải chủ động sử dụng khẩu trang và các biện pháp phòng chống dịch khác để tự bảo vệ sức khỏe của mình và những người xung quanh.
Bạn đọc có mail: Nguyenthithuthao0196@gmail.com hỏi: Tôi được biết những đối tượng nghi nhiễm bệnh sẽ đến bệnh viện để cách ly, theo dõi, trong thời gian cách ly đó người nhà sẽ vào trong khu vực cách ly để chăm sóc cho người thân của mình hay do các y, bác sĩ chăm sóc?
Bác sĩ Thu Trà trả lời: Trong thời gian cách ly người bệnh, tùy theo từng trường hợp sẽ được bác sĩ chỉ định chế độ cách ly và chăm sóc.
Bạn đọc Phạm Thị Thương (Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) hỏi: Thưa chuyên gia, thời gian gần đây, dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đã khiến cho thị trường khẩu trang cháy hàng. Gia đình tôi không mua được khẩu trang y tế mà dùng khẩu trang vải thay thế thì có được hay không? Hay nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế thì mới có hiệu quả?
Bác sĩ Thu Trà: Bạn nên tuân thủ những khuyến cáo của Bộ y tế khuyến cáo:
1, Người dân chỉ đeo khẩu trang y tế trong các trường hợp sau: khi tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus nCov; khi chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi...; khi được chỉ định tự theo dõi, cách ly tại nhà hoặc khi đi thăm hỏi, khám, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.
2, Người khỏe mạnh, không có các triệu chứng bệnh về đường hô hấp chỉ cần đeo khẩu trang vải khi đến các khu vực tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.
3, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo việc đeo khẩu trang khi không có chỉ định gây lãng phí, và có thể tạo cảm giác yên tâm "ảo", khiến mọi người dễ bỏ qua áp dụng các biện pháp bảo vệ quan trọng cơ thể khỏi dịch corona như: rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh vật dụng, đồ dùng.
Anh Tạ Văn Đạt (Phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) hỏi: Tôi được biết khi hệ miễn dịch yếu thì virus dễ có cơ hội tấn công. Vậy những thói quen nào thường ngày có thể làm suy giảm hệ miễn dịch? Xin chuyên gia cho biết có cách nào để tăng cường miễn dịch phòng virus Corona hay không?
Bác sĩ Thu Trà trả lời: Những thói quen thường ngày làm suy giảm hệ miễn dịch như: Uống bia rượu, thức khuya, ngủ không đủ giấc, ăn các thức ăn không hợp vệ sinh (ăn đồ ăn chưa được nấu chín)… Để tăng cường miễn dịch, phòng chống lây nhiễm virus nCoV bạn cần ngủ đủ giấc, ăn uống hợp vệ sinh, giữ vệ sinh cá nhân… Đồng thời, tránh tiếp xúc gần với những người đang mắc bệnh, rửa tay thường xuyên. Đặc biệt, sau khi tiếp xúc với người bệnh và môi trường xung quanh người bệnh, đeo khẩu trang theo đúng chỉ định, tránh tiếp xúc với động vật nuôi hoang dã không có phương tiện bảo vệ.
Nguyễn Văn Đại (phường Ngã Tư Sở, Đống Đa, Hà Nội) hỏi :Thưa bác sĩ, Hà Nội nói riêng, miền Bắc nói chung đang vào mùa nồm ẩm, rất thuận lợi cho các loại virus phát triển. Vậy tôi muốn bác sĩ trả lời giùm tôi hai ý: Thứ nhất, phân biệt rõ cúm thông thường, cúm A, cúm A H5N1 với cúm viêm phổi cấp do Virus Corona gây ra như thế nào? Thứ hai, điểm chung và điểm riêng cách phòng chống các loại cúm trên ra sao?
Bác sĩ Thu Trà trả lời: Về y thứ nhất, phân biệt cúm thông thường, cúm A và viêm đường hô hấp cấp do Virus Corona gây ra về lâm sàng và thời kỳ ủ bệnh có các triệu chứng như ho, sốt, khó thở, đau đầu… Nhưng đối với viêm đường hô hấp cấp do Virus Corona gây ra thì các yếu tố dịch tễ rất quan trọng, giúp đỡ cho vấn đề sàng lọc và làm các xét nghiệm để xác định. Đối với cúm A, B các bạn có thể đến bệnh viện để làm xét nghiệm và sẽ có kết quả sau 1 giờ.
Về ý thứ 2: Đối với cúm A, B có thể điều trị đặc hiệu với Oseltamivir, còn đối với viêm đường hô hấp cấp do Virus Corona gây ra thì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng.
Nguyễn Thị Xuân, TP Vinh, Nghệ An hỏi: Tôi có đọc một thông tin trên báo chính thống có nói, các chuyên gia y tế cho rằng Virus Corona ít khả năng phát bệnh ở trẻ em, vì trẻ em có những loại kháng thể đặc biệt, vậy hỏi bác sĩ điều này có đúng không?
Bác sĩ Thu Trà trả lời: Trẻ em cũng đã được ghi nhận có mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của Virus Corona gây ra.
Linh Chi (Thanh Hóa) hỏi: Chúng em là công nhân may, số lượng công nhân làm trong phân xưởng đông, vậy làm thế nào phòng trách dịch viêm phổi cấp hiệu quả nhất?
Bác sĩ Thu Trà trả lời: Việc đầu tiên là các bạn phải được tập huấn để được hướng dẫn về phòng, cách ly, kiểm soát dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của Virus Corona gây ra. Để phòng tránh hiệu quả, các bạn nên tránh tiếp xúc gần với những người đang mắc bệnh, rửa tay thường xuyên đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh và môi trường xung quanh người bệnh, đeo khẩu trang theo đúng chỉ định, tránh tiếp xúc với động vật nuôi hoang dã không có phương tiện bảo vệ. Người có triệu chứng nhiễm bệnh phải đảm bảo vệ sinh khi ho (giữ khoảng cách, che miệng, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc vải, rửa tay), khi phát hiện bệnh phải được cách ly và điều trị tại các cơ sở y tế được Bộ Y tế chỉ định.
Bài viết cùng chủ đề
Tọa đàm, Giao lưu trực tuyếnCó thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng
Y tế 22/11/2024 15:22
Nam bệnh nhân mất 1/2 lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
Y tế 22/11/2024 06:03
Thêm giải pháp nâng cao sức khỏe các nhóm yếu thế tại Việt Nam
Y tế 21/11/2024 14:15
Báo động xu hướng trẻ hóa đối tượng nhiễm HIV
Y tế 21/11/2024 07:03
“Chúng tôi đánh giá cao tinh thần học hỏi của đội ngũ FPT Long Châu!”
Y tế 20/11/2024 22:40
Chiến lược đào tạo giúp đội ngũ Long Châu tự tin chăm sóc sức khỏe hơn 20 triệu khách hàng
Y tế 20/11/2024 22:39
Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời các vấn đề liên quan đến thính giác ở trẻ em
Xã hội 20/11/2024 15:57
Mỗi ngày phát hiện 70 ca mắc bệnh sởi tại Đồng Nai
Y tế 19/11/2024 21:56
Hạnh phúc "nảy mầm" sau 7 năm hiếm muộn
Y tế 19/11/2024 15:10
Gia tăng tình trạng lây nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới
Y tế 18/11/2024 21:00