Kháng kháng sinh ở Việt Nam cao nhất thế giới
Kháng kháng sinh ở Việt Nam rất trầm trọng (ảnh minh họa). |
Đã xuất hiện siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh
Tại một hội nghị của Bộ Y tế về kháng thuốc cuối tháng 9.2017, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, tình trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng và là mối nguy đe doạ sức khoẻ toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc kháng sinh gây tác động lớn đến nền kinh tế, sự phát triển chung của xã hội. Không chỉ riêng đối với Việt Nam nó còn tác động đến tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay.
Tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam ngày càng gia tăng khi xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại thuốc. Tại hội nghị khoa học toàn quốc về hồi sức cấp cứu và chống độc 2017, GS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc - bày tỏ lo ngại về tình trạng kháng kháng sinh tại nước ta. Theo ông, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng nhiều nhóm kháng sinh. Trong đó tình hình kháng thuốc tại các tỉnh phía Nam nghiêm trọng hơn.
Tại các khoa hồi sức tích cực, vấn đề này còn nan giải hơn, do nơi đây tập trung những bệnh nhân nặng nhất, qua nhiều khoa điều trị. Tại các tỉnh phía Nam, tỉ lệ Ecoli (vi khuẩn đường ruột) kháng kháng sinh lên tới 74,6%; tỉ lệ kháng của vi khuẩn gây nhiễm trùng K.pneumoniae lên tới gần 60%; vi khuẩn A.baumannii (gây nhiễm khuẩn bệnh viện) có tỉ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh ở mức trên 90%... Với nhóm kháng sinh carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay cũng có tỉ lệ lên tới 50%, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm mang gen kháng thuốc như Beta lactamase.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết, trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả thì Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.
Tình trạng các bác sĩ sử dụng kháng sinh không hợp lý cũng được cảnh báo. Theo khảo sát của BV Chợ Rẫy, khoảng 50% kháng sinh được bác sĩ kê đơn bất hợp lý; 32% bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh cho các bệnh nhân không nhiễm khuẩn; 33% bác sĩ sử dụng kháng sinh kéo dài và không cần thiết… Trong khi tốc độ tìm ra kháng sinh mới trên thế giới không kịp so với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng kháng sinh.
Trong hơn 5 năm (từ 1983 - 1987), cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ mới chỉ cấp giấy chứng nhận sử dụng cho 18 loại kháng sinh. Còn từ năm 2008 đến nay không có thêm kháng sinh mới nào được tìm ra. Với tình hình này, WHO dự tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có một người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Khi đó, các bệnh thông thường như ho hay chỉ một vết cắt cũng có thể gây tử vong.
Để hạn chế tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra quyết định thành lập nhóm kỹ thuật về giám sát kháng thuốc giai đoạn từ năm 2017-2020. Nhóm sẽ có nhiệm vụ tham gia phối hợp, đánh giá, báo cáo giám sát về kháng thuốc và đưa ra các giải pháp ngăn chặn sự gia tăng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh thường gặp.
Lo ngại kháng kháng sinh ở trẻ nhỏ
Ở trẻ nhỏ, tình trạng kháng kháng sinh cũng vô cùng nghiêm trọng. Từ kết quả khám sàng lọc bệnh nhi đến khám và điều trị tại viện, PGS. TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết có khoảng 30% bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc. Một trong những nguyên nhân làm trẻ có vi khuẩn kháng thuốc là do nhiều trẻ được các ông bố bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý.
Thực tế thăm khám cho các bệnh nhi, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai - đã gặp rất nhiều trường hợp cha mẹ tự làm bác sĩ, tự ý mua thuốc điều trị cho con làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và gây khó khăn cho quá trình điều trị của bác sĩ. Bởi, việc cha mẹ tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh, dùng với liều lượng không thích hợp sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh. Điều này sẽ làm cho quá trình điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn, tốn nhiều thời gian hơn và làm trẻ mệt mỏi hơn.
“Để kê được đơn thuốc cho bệnh nhân, bác sĩ chúng tôi phải học hỏi, trau dồi kỹ năng rất nhiều năm. Và kể cả những người đã có kinh nghiệm cũng phải thăm khám, hỏi han triệu chứng của bệnh nhân, rồi sau đó phải đắn đo, suy nghĩ mới kê được đơn thuốc” - bác sĩ Dũng cho biết.
Đồng quan điểm với bác sĩ Dũng, bác sĩ Phạm Thanh Xuân - nguyên Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai - cũng cho rằng, cha mẹ áp dụng phương pháp hỏi “bác sĩ google” rồi tự ý mua thuốc điều trị bệnh là rất nguy hiểm.
Không phải bệnh gì dùng thuốc kháng sinh cũng khỏi, nếu dùng không đúng sẽ nguy hại đến sức khỏe. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ. Không thể thấy các biểu hiện của bé giống bệnh này rồi tự ý mua thuốc điều trị bệnh. Hoặc không nên thấy các mẹ khác nói con họ bị như vậy dùng thuốc này là khỏi mà nghe theo và áp dụng vào con mình. Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau, phản ứng mỗi bé một khác, yếu tố cơ địa mỗi bé một khác nên cùng một bệnh nhưng với mỗi bé lại có cách điều trị riêng.
Bác sĩ Xuân lấy ví dụ trường hợp bé chỉ xuất tiết mũi họng khò khè (không phải do nhiễm khuẩn). Với trường hợp này mà dùng kháng sinh thì chắc chắn bé sẽ không đỡ và sẽ tái phát theo nguyên nhân gây nên yếu tố khò khè. Và cũng là dấu hiệu khò khè, chảy nước mũi kéo dài nhưng bé có tiền sử hen phế quản thì cách điều trị lại khác với bé không bị hen phế quản. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không hiểu biết hoặc không tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng thuốc, không đến khám bác sĩ mà tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc về điều trị, mua thuốc theo đơn của người khác hoặc nghe theo sự mách bảo của người khác… cũng góp phần làm gia tăng số lượng và mức độ các trường hợp dị ứng thuốc. Và hậu quả của việc lạm dụng thuốc dẫn đến kháng thuốc là làm cho thời gian điều trị bệnh kéo dài, kéo theo sử dụng nhiều kháng sinh, sẽ lại ảnh hưởng đến kinh tế, giá thành điều trị tăng cao. Đặc biệt, nhiều khuẩn kháng thuốc còn khiến nguy cơ tử vong tăng cao, nhất là với nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn.
Ngày 12.11, tại Vĩnh Phúc, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ phát động cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Đây là sự kiện đầu tiên bắt đầu Tuần lễ nhận thức kháng sinh (từ 13.11 đến 20.11) ở Việt Nam. |
Theo Thuỳ Linh/Lao động
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Liên hoan Ban nhạc toàn quốc năm 2024: "Hút" hàng nghìn khán giả về Sơn Tây
Google Maps tích hợp AI Gemini, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi về địa điểm
Thời tiết miền Bắc chuyển rét, Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa lớn
Xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài: Chỉ xây khi dự kiến thu đủ bù chi
Phát huy hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”
Quy định về phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở từ 16/12/2024
Công đoàn ngành GTVT Hà Nội: Trao hỗ trợ cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Tin khác
Phát động giải chạy vì trẻ sinh non
Y tế 02/11/2024 16:38
Phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 7 tuổi gãy xương đùi
Y tế 02/11/2024 12:36
6 giờ phẫu thuật hồi sinh sự sống cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng
Y tế 02/11/2024 06:18
Những điều cần biết để tránh đột quỵ khi chạy bộ
Y tế 31/10/2024 06:40
Phẫu thuật nội soi tuyến giáp qua đường tiền đình miệng
Y tế 30/10/2024 11:44
4 bệnh nhân được hồi sinh sự sống từ mô, tạng của người chết não hiến tặng
Y tế 29/10/2024 15:05
Hà Nội ghi nhận thêm 24 ổ dịch sốt xuất huyết
Y tế 28/10/2024 10:31
Lan tỏa tinh thần hiến máu, hiến tiểu cầu vì cộng đồng
Y tế 28/10/2024 06:03
Phẫu thuật thành công cho người đàn ông bị lưỡi bừa đâm xuyên cẳng chân
Y tế 27/10/2024 16:42
Tâm huyết với sáng kiến nâng cao sức khỏe người cao tuổi
Longform 27/10/2024 09:07