Hiệu quả từ 5 nguyên tắc vàng trong phòng, chống dịch
Những con số “biết nói”
Hiện Việt Nam đã bước vào giai đoạn 3 của “cuộc chiến” chống dịch Covid-19. Theo thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hiện nay, số ca mắc Covid-19 của Việt Nam là 262 ca, đứng thứ 108/211 nước trên thế giới nhưng chưa ghi nhận ca tử vong. Theo các chuyên gia y tế đánh giá, đây là con số “biết nói”, thể hiện công tác phòng, chống dịch của Việt Nam rất quyết liệt, minh bạch.
Nhân viên y tế tiếp tục làm xét nghiệm sàng lọc dịch, bệnh Covid-19 cho người dân Hạ Lôi (Ảnh: Văn Lập). |
Chính phủ Việt Nam đã sớm nhận thức rõ ràng về nguy cơ bùng phát của dịch bệnh và đã hành động kịp thời, đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả. Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, Việt Nam đã chủ động áp dụng một loạt biện pháp phòng chống dịch bệnh chưa có trong tiền lệ với quy mô lớn. Trong đó, lần đầu tiên Việt Nam áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội. Ngay từ đầu, Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phải cao hơn một mức so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)…; hủy bỏ tất cả các chuyến bay nước ngoài, cách ly những người nhiễm virus và rà soát, khoanh vùng theo dõi các đối tượng tiếp xúc với người mắc bệnh.
Cùng với đó là hàng loạt các biện pháp như đẩy mạnh tuyên truyền, khắp các quận, huyện đều phát những hướng dẫn phòng ngừa qua tờ rơi, loa phóng thanh. Toàn bộ người dân nhận được tin nhắn SMS gần như hằng ngày với các nội dung chỉ dẫn hoặc thông báo tìm kiếm những người có nguy cơ…. Có thể khẳng định, hành động tập thể và có trách nhiệm chính là giải pháp toàn diện cho công tác chống dịch Covid – 19 mà Việt Nam đang áp dụng hiệu quả.
Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, tới giờ phút này, Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh. Để làm được điều đó, là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo rất sâu sát, đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc rất đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng chức năng. Nhưng đặc biệt và trên hết là nhờ có sự tham gia của nhân dân với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”.
Thay mặt Ban chỉ đạo Quốc gia, Phó Thủ tướng trân trọng cảm ơn nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch cho dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế. Hơn thế, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, từ những cụ già tới các em nhỏ đã có muôn vàn hành động rất đẹp, hết sức ý nghĩa để tiếp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần cho cuộc chiến chống dịch.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, để chủ động cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngành Y tế đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế và thuốc trong trường hợp dịch xảy ra theo chiều hướng xấu hơn, đủ cung cấp cho hàng chục ngàn bệnh nhân; sản xuất được khẩu trang và đồ chống dịch từ nguyên liệu trong nước. Đối với máy thở, Bộ Y tế đã phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu sản xuất máy thở xâm nhập và không xâm nhập để thay thế những máy thở ngoại nhập.
Đặc biệt, trong công tác điều trị Covid-19, ngành Y tế cũng nối mạng từ tuyến đầu tới các bệnh viện để sẵn sàng chia sẻ, trao đổi, hỗ trợ về chuyên môn; phác đồ điều trị liên tục được cập nhật. Bộ Y tế đã có công văn gửi các cơ sở y tế trên toàn quốc về việc khuyến cáo tăng cường nâng cấp mức độ phòng chống bệnh dịch ngay từ cửa ra vào. Các bệnh nhân đến khám sẽ được coi như bệnh nhân nghi lây nhiễm Covid-19 và được phân luồng điều tra dịch tễ và xét nghiệm. Đồng thời, khuyến cáo người dân ngoại trừ những trường hợp cấp cứu, còn lại tái khám và khám bệnh thông thường nên sử dụng các dịch vụ hệ thống y tế cơ sở. Người dân khi đến thăm khám, nên đặt lịch hẹn để thực hiện đúng tinh thần giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ và đảm bảo an toàn cho người dân khi khám bệnh.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã thực hiện cuộc cách mạng về công nghệ của ngành Y tế trong đại dịch Covid-19. Cụ thể, Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong một loạt khâu phòng, chống dịch bệnh (từ truy vết, theo dõi, giám sát, báo cáo, hỗ trợ điều trị). Việt Nam cũng là một trong những nước sớm áp dụng tờ khai y tế điện tử… Tất cả những biện pháp đó góp phần vào thành công trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Hà Nội đẩy mạnh kiểm soát, sàng lọc bệnh nhân
Tính đến thời điểm hiện tại Hà Nội là địa phương có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất cả nước, với 110/262 ca. Trong đó có nhiều trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Trước tình hình trên, ngành Y tế Hà Nội đã chủ động thực hiện phương châm “Rà soát càng nhanh càng tốt, xét nghiệm càng nhanh càng tốt” để khoanh vùng kịp thời, ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó, công tác đôn đốc, giám sát tuyên truyền để cách ly các đối tượng nghi ngờ tại nhà cũng được Thành phố quyết liệt triển khai,… góp phần phòng, ngừa dịch lây lan trên địa bàn.
Hiện nay nguy cơ lây lan bệnh lớn nhất trên địa bàn Hà Nội đến từ ổ dịch Công ty TNHH Trường Sinh (cung cấp dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai) và ổ dịch thôn Hạ Lôi (huyện Mê Linh – Hà Nội). Đối với ổ dịch tại Công ty TNHH Trường Sinh, ngành Y tế Hà Nội đã kiểm soát được có tổng cộng 45 ca, hiện chưa phát hiện thêm ca mới. Bệnh viện Bạch Mai cũng đã hết thời gian cách ly y tế (bắt đầu từ 00 giờ ngày 12/4/2020). Còn đối với ổ dịch ở thôn Hạ Lôi– được coi là ổ dịch phức tạp nhất tại Thủ đô tính đến thời điểm này đã ghi nhận tất cả 10 ca mắc bệnh.
Để dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Việt Nam cần kiên định thực hiện 5 nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch. Những nguyên tắc này tưởng như đơn giản nhưng là cả quá trình đúc kết từ những lần chống dịch trước đó của cả thế giới cũng như của Việt Nam… |
Để ứng phó với ổ dịch này, Bộ Y tế đã cử Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại Hạ Lôi từ ngày 10/4/2020, thiết lập 9 chốt kiểm soát, khoanh vùng cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi với 2.711 hộ gia đình (11.077 người). Đặc biệt, ngay từ khi phát hiện ổ dịch tại Hạ Lôi, ngành Y tế Hà Nội đã điều động nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm ngay trong đêm, để nhanh chóng tìm ra các ca dương tính để điều trị, khoanh vùng, dập dịch kịp thời.
Ngoài ra, nhằm phòng, ngừa và kiểm soát dịch, bệnh Covid-19 hiệu quả, ngành Y tế Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác sàng lọc, phân luồng bệnh nhân tại các cơ sở y tế nhằm phòng chống và kiểm soát dịch hiệu quả. Trong đó, trọng tâm là những cơ sở y tế trong tuyến đầu chống dịch, được Sở Y tế phân công đón tiếp, thu dung và điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ, nhiễm dịch bệnh Covid-19.
Đây là những thành công bước đầu của Ngành Y tế Hà Nội nói riêng, cũng như ngành Y tế cả nước nói chung, tuy nhiên theo các chuyên gia y tế hiện nay nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng vẫn rất cao. Bởi vậy, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện chủ động các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, trọng tâm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội trước hết đến hết ngày 15/4, tuyệt đối không được lơi lỏng, chủ quan.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thành lập các tổ chủ động thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát hiện từng đối tượng”, theo phương châm phát hiện và cách ly. Duy trì tổ mỗi tổ tối thiểu 2 người, thành phần gồm công an (cảnh sát khu vực) và y tế cơ sở, đại diện của Mặt trận Tổ quốc, bí thư tổ chức Đảng, trưởng thôn khu phố. Mỗi tổ có nhiệm vụ lập danh sách theo dõi, sáng lọc chặt chẽ những ai có biểu hiện sốt ho khó thở đặc biệt là những người đi về từ vùng dịch… và báo ngay cho y tế cơ sở để kịp thời xử lý y tế.
Minh Khuê
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Tin khác
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Y tế 23/12/2024 16:40
"Quả ngọt" sau hành trình 11 năm mòn mỏi mong con
Y tế 22/12/2024 06:02
Hoàn thiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 trong năm 2025
Y tế 20/12/2024 20:37
Trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên
Xã hội 20/12/2024 09:58
Hạnh phúc của những cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn
Y tế 19/12/2024 17:38
Tình trạng các nạn nhân vụ cháy trên đường Phạm Văn Đồng đang điều trị tại Bệnh viện E
Y tế 19/12/2024 16:43
Sôi nổi Hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên
Y tế 17/12/2024 20:52
Thời tiết chuyển lạnh, nhiều người nhập viện vì mắc sởi
Y tế 17/12/2024 08:06
Nhiều người cần tham vấn tâm lý trong điều trị bệnh “khó nói”
Y tế 17/12/2024 06:39
Hà Nội ghi nhận thêm 44 trường hợp mắc sởi
Y tế 17/12/2024 06:38