Đẩy mạnh thi đua yêu nước, tạo động lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài viết "Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực mạnh mẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
day manh thi dua yeu nuoc tao dong luc xay dung va bao ve to quoc Khen thưởng cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua
day manh thi dua yeu nuoc tao dong luc xay dung va bao ve to quoc Mỹ Đức kỷ niệm 70 năm Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á vừa ra đời đã phải tập trung giải quyết những nhiệm vụ cấp bách, chống thù trong giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt, bảo vệ chính quyền cách mạng.

Trong bối cảnh cam go, quyết liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để khích lệ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, trong đó xác định “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”[1].

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc và chỉ rõ: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều… Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”[2].

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi như lời hiệu triệu, thôi thúc đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, ra sức thi đua, đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Thấm nhuần tư tưởng thi đua yêu nước Hồ Chí Minh, 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, thi đua yêu nước đã trở thành phong trào quần chúng, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tạo động lực tinh thần, khí thế cách mạng mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Trong các giai đoạn cách mạng, các phong trào thi đua yêu nước luôn gắn kết chặt chẽ với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, cụ thể hóa trong từng lĩnh vực, từng cơ quan, đơn vị, địa phương, làm cho phong trào có nội dung và khí thế sôi nổi, rộng khắp, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng, nỗ lực phấn đấu, giành được những thành tựu to lớn, góp phần đưa đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất của dân tộc ta.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các phong trào thi đua “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”… đã diễn ra sôi động; công nhân, nông dân, trí thức thi đua lao động, sản xuất, bộ đội, du kích thi đua giết giặc, diệt ác, trừ gian, cơ quan thi đua công tác, trường học thi đua dạy tốt, học tốt… Qua các phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu trong các giới mà điển hình là các anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Võ Thị Sáu, Tô Vĩnh Diện, Cù Chính Lan, các anh hùng La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm…

Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi, miền Bắc được giải phóng, miền Nam tạm thời bị đế quốc Mỹ và tay sai chiếm đóng, nhân dân ta đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà.

Khi miền Bắc bước vào thực hiện Kế hoạch 05 năm lần thứ nhất, miền Nam bùng lên phong trào Đồng Khởi, các phong trào thi đua yêu nước nở rộ trên các lĩnh vực. Đó là phong trào thi đua “Ba nhất” trong Quân đội với mục tiêu cụ thể là: Nhất về huấn luyện quân sự, rèn luyện kỹ thuật; Nhất về gương mẫu, kỷ luật; Nhất về lao động và sản xuất; phong trào “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp và phong trào thi đua “Học tập, tiến kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong” với 5 mục tiêu: Cải tiến kỹ thuật và tăng năng suất; tăng vụ và vỡ hoang; phát triển nhiều ngành, nghề; cải tiến quản lý hợp tác xã; tăng cường công tác chính trị, tư tưởng trong hợp tác xã; phong trào “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp với mục tiêu hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật; phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” trong thanh niên; phong trào “Ba đảm đang” trong phụ nữ; các phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”… ở miền Nam; các phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”… ở miền Bắc.

Các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, anh hùng, củng cố niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, tạo sự thống nhất tư tưởng và hành động, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực chiến đấu, lao động, sản xuất, góp phần quan trọng đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc cùng các chiến lược chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh… ở miền Nam do Mỹ và tay sai tiến hành, đưa đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới vĩ đại của lịch sử dân tộc.

Qua các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu như: Mười nữ thanh niên xung phong hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); 12 nữ chiến sĩ “Tiểu đội thép” anh dũng hy sinh ở Truông Bồn (Nghệ An); Anh hùng Trịnh Tố Tâm với 53 lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”; Anh hùng Lê Mã Lương với câu nói nổi tiếng “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến diệt quân thù”; các anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi, Bùi Ngọc Dương, Vũ Xuân Thiều, Đặng Thùy Trâm; anh hùng lao động Hồ Giáo và nhiều tấm gương sáng ngời khác. Các phong trào đó đã viết nên những trang sử hào hùng, thực sự là trường học cách mạng tôi luyện những con người mới xã hội chủ nghĩa trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.

Tiếp tục phát huy vai trò to lớn của phong trào thi đua yêu nước, khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, tư tưởng thi đua yêu nước Hồ Chí Minh ngày càng được vận dụng sáng tạo, linh hoạt với nội dung cụ thể, thiết thực, hình thức phong phú trên mọi lĩnh vực, ở các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương.

Các phong trào thi đua yêu nước tập trung hướng về cơ sở và người lao động, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành động lực quan trọng, thực sự đi vào cuộc sống, khơi dậy, động viên, lôi cuốn đông đảo cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tạo khí thế sôi nổi, hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điển hình là các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” của Hội Nông dân Việt Nam; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan” của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo” của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; phong trào “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” của Hội Cựu chiến binh Việt Nam; phong trào “Thi đua Quyết thắng”, cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong Quân đội nhân dân; các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”, cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” trong Công an nhân dân; phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động và nhiều phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, các địa phương. Các cơ quan báo chí đã có nhiều tin, bài, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, phim tài liệu tập trung tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt.

Qua các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều tập thể, cá nhân lập được những chiến công, thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu, lao động, sản xuất, nghiên cứu khoa học, học tập, vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc...

Điển hình là Tập đoàn Viễn thông Quân đội đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, trở thành tập đoàn có uy tín trong nước và quốc tế; Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y là những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam; đồng chí Nguyễn Trọng Thái, Tổ trưởng sản xuất Công trường Kiến thiết cơ bản 1, Công ty cổ phần Than Hà Lầm, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã có hơn 100 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời đã dũng cảm tham gia cứu hộ trong sự cố bục nước tại mỏ than Thành Công, Công ty Than Hòn Gai và cứu được 12 công nhân bị mắc kẹt trong sự cố sập đường hầm Thủy điện Đạ Dâng, tỉnh Lâm Đồng; ông Phan Tấn Bện ở tỉnh Đồng Tháp đã chế tạo thành công máy gặt đập liên hợp và xe thu gom lúa, được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên đã giành được nhiều huy chương vàng tại các giải đấu quốc tế, mang lại niềm tự hào cho thể thao nước nhà; những tấm gương anh dũng chiến đấu, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, như liệt sĩ Bùi Công Nguyên, Công an huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La; liệt sĩ Đỗ Đăng Long, Công an thành phố Hải Phòng; liệt sĩ Đinh Văn Nam, Hải đội 3, Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân; Đại úy Nguyễn Lương Long, Đội trưởng Đội tàu thuyền Đồn Biên phòng Cát Bà đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy tàu, vượt qua sóng lớn cứu 12 người trong cơn bão số 8 năm 2012... “Đó là những bông hoa rất đẹp trong vườn hoa chung của dân tộc”[3], tiêu biểu cho phẩm chất anh hùng, truyền thống yêu nước, có tác dụng nêu gương và lan tỏa sâu rộng trên cả nước.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Đây là dịp để chúng ta đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng, phát huy truyền thống yêu nước trong các tầng lớp nhân dân nhằm đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Để phát huy những kết quả, thành tích mà các phong trào thi đua yêu nước đã đạt được trong suốt 70 năm qua, thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng thi đua yêu nước Hồ Chí Minh, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, trọng tâm là Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí và tác dụng to lớn của công tác thi đua, khen thưởng, coi thi đua yêu nước là động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Mỗi chi bộ, cán bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở, làm cho phong trào thi đua yêu nước trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong cả nước.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị và chủ đề thi đua giai đoạn 2016 - 2020: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.

Tăng cường tuyên truyền, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải cách tư pháp, cải cách hành chính; phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tập trung làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, sớm phát hiện, biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân có chiến công, thành tích xuất sắc. Chú trọng khen thưởng các tập thể, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.

Quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ động đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ta.

Thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”[4]; đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình, mô hình đổi mới, sáng tạo, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu, lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục, nêu gương, tạo không khí phấn khởi, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân và trong toàn xã hội.

Thi đua yêu nước là động lực to lớn thúc đẩy phong trào cách mạng và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng thi đua yêu nước Hồ Chí Minh là nguồn cổ vũ đầy nhiệt huyết cách mạng, mãi mãi tỏa sáng, dẫn đường toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 9, tr. 71.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 5, tr. 444-445.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 12, tr. 548.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 12, tr. 558.

Theo baochinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm

Nên xem

Khen thưởng nữ điều dưỡng ép tim cứu du khách nước ngoài

Khen thưởng nữ điều dưỡng ép tim cứu du khách nước ngoài

(LĐTĐ) Chiều 28/3, điều dưỡng Đặng Thị Hạ, 29 tuổi, người ép tim cứu sống du khách nước ngoài bị ngừng tim trong nhà hàng, được lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai khen thưởng.
Tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội: Thí sinh thi các môn chuyên vào ngày 10/6

Tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội: Thí sinh thi các môn chuyên vào ngày 10/6

Theo Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông (THPT) năm học 2024 - 2025 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ngay sau khi kết thúc hai ngày thi vào các trường THPT công lập không chuyên (ngày 8 - 9/6), các thí sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 chuyên thuộc các trường THPT chuyên và có lớp chuyên sẽ làm bài thi các môn chuyên vào ngày 10/6.
Yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(LĐTĐ) Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện hỏa tốc số 2036/CĐ-BCT gửi Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Liên đoàn Lao động huyện Mỹ Đức trao quyết định thành lập 22 Công đoàn cơ sở

Liên đoàn Lao động huyện Mỹ Đức trao quyết định thành lập 22 Công đoàn cơ sở

(LĐTĐ) Chiều 28/3, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Mỹ Đức đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định giải thể Công đoàn cơ quan Dân Đảng, Công đoàn UBND huyện; trao quyết định thành lập 22 Công đoàn cơ sở (CĐCS).
TP.HCM: 90% chó mèo đã được tiêm phòng bệnh dại

TP.HCM: 90% chó mèo đã được tiêm phòng bệnh dại

(LĐTĐ) TP.HCM là địa phương duy nhất đạt chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại ở cấp tỉnh (toàn bộ thành phố, với tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại đạt trên 90% tổng đàn chó mèo).
Doanh nghiệp FDI “tố” Cục Thuế Đồng Nai “ngâm” hồ sơ

Doanh nghiệp FDI “tố” Cục Thuế Đồng Nai “ngâm” hồ sơ

(LĐTĐ) Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) cho rằng, theo quy định của pháp luật trong thời gian 5 ngày cơ quan nhà nước phải giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp (DN) nhưng Cục Thuế Đồng Nai “ngâm” từ 2 đến 3 tháng.
Thông tin cần biết khi muốn gửi tiết kiệm online

Thông tin cần biết khi muốn gửi tiết kiệm online

(LĐTĐ) Trong thời đại 4.0 hiện nay, gửi tiết kiệm online trở thành xu hướng được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn bởi sự tiện lợi và an toàn.

Tin khác

Thủ đô Hà Nội đạt nhiều thành tựu to lớn qua 40 năm đổi mới

Thủ đô Hà Nội đạt nhiều thành tựu to lớn qua 40 năm đổi mới

(LĐTĐ) Phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Thủ đô, ngày 28/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, qua 40 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo trong thực hiện đường lối đổi mới, mang lại những thành tựu to lớn, hết sức quan trọng.
Đánh giá an toàn thông tin hệ thống phục vụ giao dịch chứng khoán

Đánh giá an toàn thông tin hệ thống phục vụ giao dịch chứng khoán

(LĐTĐ) Ngày 27/3, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) gửi Công văn số 454/ CATTT-ATHTTT đến các công ty chứng khoán yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin.
Phát huy thành tựu 40 năm đổi mới đưa Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững

Phát huy thành tựu 40 năm đổi mới đưa Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững

(LĐTĐ) Ngày 28/3, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Thủ đô. Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở Thành ủy tới 503 điểm cầu với hơn 11.000 đại biểu tham dự.
Thành ủy Hà Nội thông qua Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030

Thành ủy Hà Nội thông qua Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030

(LĐTĐ) Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội thống nhất thông qua Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để các cơ quan khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung công việc tiếp theo.
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại

(LĐTĐ) Ngày 27/3, tại Hà Nội, Học viện Chính trị phối hợp với Báo Quân đội nhân dân và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
5 kinh nghiệm trong chỉ đạo, tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025

5 kinh nghiệm trong chỉ đạo, tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025

(LĐTĐ) Tại Hội nghị chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khoá XVII, ngày 27/3, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo đã nêu rõ 5 kinh nghiệm từ công tác chỉ đạo, triển khai tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
5 vùng đô thị trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030

5 vùng đô thị trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030

(LĐTĐ) Tại Hội nghị chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khoá XVII, ngày 27/3, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã báo cáo nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hà Nội: Họp chuyên đề bàn về quy hoạch, đầu tư công, công tác cán bộ

Hà Nội: Họp chuyên đề bàn về quy hoạch, đầu tư công, công tác cán bộ

(LĐTĐ) Ngày 27/3, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khoá XVII tổ chức Hội nghị chuyên đề để xem xét, cho ý kiến về 4 nội dung quan trọng; trong đó có nội dung về quy hoạch, điều chỉnh đầu tư công, công tác cán bộ.
Hà Nội họp trực tuyến toàn Thành phố bàn 3 nội dung quan trọng

Hà Nội họp trực tuyến toàn Thành phố bàn 3 nội dung quan trọng

(LĐTĐ) Ngày 26/3, lãnh đạo thành phố Hà Nội chủ trì giao ban quý I/2024 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã. Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở Thành ủy với tổng số 523 điểm cầu và hơn 8.000 đại biểu từ Thành phố xuống các phường, xã, thị trấn.
Xây dựng thanh niên Thủ đô thanh lịch, văn minh

Xây dựng thanh niên Thủ đô thanh lịch, văn minh

(LĐTĐ) Chia sẻ với báo Lao động Thủ đô, đồng chí Chu Hồng Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết, Đoàn thanh niên Thành phố đã và đang triển khai 3 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để xây dựng nên thế hệ thanh niên Thủ đô thanh lịch, văn minh.
Xem thêm
Phiên bản di động