Dấu xưa giữa lòng phố thị
Căn nhà 100 năm tuổi đẹp nao lòng giữa phố thị |
1. Chứng tích rõ ràng nhất của chất làng quê trong phố thị nếu nhắc đến hẳn phải kể tới những ngôi làng mang tên “Kẻ” của Hà Nội xưa. Theo lý giải của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, Kẻ là những địa bàn định cư, những đơn vị cơ sở đầu tiên của thời Hùng Vương dựng nước và có tuổi đời trên 2.000 năm. Theo lời nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Tọa, cứ nhẩn nha mà tính, Hà Nội lùi về thời điểm quãng trăm năm trước có rất nhiều… Kẻ. Đầu tiên có thể kể tới Kẻ Bưởi ôm ấp trong mình nhiều ngôi làng như Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, Trích Sài, Võng Thị, Bái Ân, Trung Nha…
Tại vùng đất mang tên Kẻ Bưởi này hiện có nhiều làng nghề, trong đó có 2 nghề nổi tiếng là dệt lĩnh và làm giấy dó. Nhắc chuyện này, hẳn chẳng riêng tôi mà không ít người sẽ đều nhớ đến tiếng chày giã dó đã đi vào câu ca dao nổi tiếng trong những cuốn sách giáo khoa bậc tiểu học: “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.
Làng cổ là dấu ấn khó phai giữa nhịp sống đô thị xô bồ. Ảnh: Đức hà |
Hà Nội khi xưa còn có vùng đất mang tên gọi là Kẻ Đơ. Dĩ nhiên những dấu vết của Kẻ Đơ để lại cho đô thị ngày nay có lẽ chỉ còn tìm thấy tại làng Triều Khúc… Trong nhịp chảy thời gian, những Kẻ Đáy, Kẻ Giàn, Kẻ Mọc, Kẻ Vẽ, Kẻ Noi… dần chỉ còn tìm thấy trong sách vở. Dấu tích xưa phai nhạt giờ muốn tìm cũng khó bởi trên đất xưa đã không còn tên xưa làng cũ nữa. Có chăng chỉ còn những bảng hiệu mang tính biểu trưng, nhận diện cho các ngôi làng trong Kẻ xưa như ở Phú Đô, Mễ Trì, Từ Liêm…
Cũng lạ, bản thân tôi đã không ít lần lạc bước đến làng Vẽ Đông Ngạc. Thế nhưng, phải mãi đến tận giờ tôi mới biết đó chỉ là tên nôm. Nay muốn tìm đến làng, muốn cánh xe ôm hiểu và đưa đến đúng địa chỉ thì phải gọi là phường Đông Ngạc. Có một chuyện ít người biết đó là dải đất này ngoài chuyện được xếp “top” đầu trong những làng cổ nhất, khoa bảng nhất thì nơi đây còn là điểm lưu giữ được nhiều di tích, nhiều nét văn hóa làng xã bậc nhất ở khu ngoại ô Hà Nội. Và càng đáng trân trọng hơn khi sự quan tâm, giúp đỡ nhau trên vùng đất này sau bao biến thiên, xô bồ của cuộc sống vẫn không có mấy đổi thay.
2. Lại nữa, nhắc đến làng trong phố, người Hà Nội sống nhiều năm dường như ai cũng biết đến những làng hoa Ngọc Hà, Nhật Tân hay húng Láng… Thế nhưng, những tên hoa, tên rau ấy giờ chỉ còn trong ký ức. Càng bất ngờ hơn khi biết Hà Nội cũ cũng đã từng có 109 chiếc cổng làng cổ. Hà Tây trước khi nhập về Hà Nội thì có hơn 100 cổng làng. Hầu hết những cổng này được xây dựng trước năm 1945.
Thế nhưng, dấu tích xưa nay ít nhiều đã phai nhạt. Nay hồn xưa được lưu giữ chắc chỉ còn thấy được tại một số nơi như cổng làng Mông Phụ ở Đường Lâm, Sơn Tây, cổng làng Chi Quan ở Thạch Thất, cổng làng Ước Lễ ở Thanh Oai… Số cổng làng còn lại thì sao? Dĩ nhiên, đa số chúng đã bị sửa sang, không còn giữ được những giá trị ban đầu. Nhiều cổng còn bị bủa vây bởi đủ loại hàng quán rồi bị chìm khuất giữa những kiến trúc hiện đại óng ánh khác.
Quanh chuyện cổng làng cũng có không ít thú vị. Làng Hồ Khẩu, nay nằm trên đường Thụy Khuê, thuộc cụm dân cư số 1 và số 2 phường Bưởi, quận Tây Hồ là một ví dụ. Nghe các cao niên kể lại, thuở xưa, ở cổng làng này, hễ dong chân bước qua là khách phải… nhập gia tùy tục. Bởi, lệ làng là vậy. Ra vào làng, không phải ai cũng có thể tùy tiện đi qua bất cứ cái cổng nào, bởi mỗi chiếc cổng làng đều được dành cho các đối tượng riêng biệt. Cổng dành cho quan, cho dân, cho đám ma và đám cưới là hoàn toàn khác nhau.
Dĩ nhiên, dù đối tượng qua cổng khác nhau nhưng cổng làng luôn mở quanh năm cho tất cả mọi người. Đang tìm hiểu về lịch sử thăng trầm của những chiếc cổng làng ở giữa Thủ đô, cụ Nguyễn Thị Tư, phường Nghĩa Đô, năm nay đã hơn 90 tuổi, gọi với tôi lại rồi rỉ rả: “Nếu mà tôi không đau chân phải tập tễnh thì tôi sẽ đi tuyên truyền. Phải tuyên truyền, kể chuyện để giữ lại những di tích lịch sử của làng, mà chiếc cổng làng phải được gìn giữ đầu tiên”.
3. Nhắc đến những thi vị của làng hẳn không thể thiếu đồ ăn, thức uống truyền thống. Tương Mông Phụ là một điển hình. Ít ai biết rằng, thức gia vị dân giã đặc biệt này là đặc sản của đất hai vua Đường Lâm - thị xã Sơn Tây. Một “thổ địa” làng bảo, phải vào tận những ngôi nhà cổ, ăn cơm cùng gia chủ mới cảm được hết cái tình, cái thi vị của ngôi làng cổ đất Bắc này. Bữa cơm có thể đơn giản là cơm trắng, rau muống luộc và tương nếp chấm, cà muối xổi nhưng cũng đủ ngon, đủ ấm áp và gần gũi.
Lại nhắc chuyện làm tương, men theo con đường làng hình xương cá, tôi tìm đến nhà ông Hà Hữu Thể - một trong những gia đình nắm được kiểu cách làm tương truyền thống. Nghe kể, để có được bát tương ngon cũng hội tụ không ít nét cầu kỳ, kiểu cách. Đầu tiên phải kén kỹ đỗ tương với những hạt to, đều và bóng. Đỗ được rang nhỏ lửa, quấy đều, chín vừa. Rang xong, người làng sẽ xay nhỏ đỗ rồi đổ ra mẹt phơi một ngày, hôm sau bỏ vào chum sành, đổ nước vừa đủ và ngâm. Nước ngâm cũng phải lấy ở giếng làng mới đủ độ mát và trong.
Thứ nữa, gạo nếp làm tương cũng phải chọn kỹ là giống nếp cái hoa vàng, vị bùi, thơm và không xát trắng quá để giữ nguyên tinh chất dinh dưỡng của hạt gạo. Nếp đem đồ xôi, có mùi thơm gạo đầu mùa, hạt dẻo vừa phải là vừa ngon. Cho tương vào chum nước ngâm khoảng 4 - 5 ngày là lên men. Nếu thời tiết lạnh thì phải ngâm 5 ngày còn ngày nóng như mùa hè thì 4 ngày là gạo đã lên men. Khi đã ủ mốc xong, cho nước muối vào chum trước, tiếp là nước tương, bột đậu, sau cùng cho mốc. Khâu đánh tương cũng rất quan trọng. Nghe bảo, buổi sáng mở nắp chum phải quấy tương đều tay từ dưới và phơi nắng cho đến tối thì úp nắp chum.
Đánh tương liên tục khoảng 12 ngày đến 1 tháng để cho bay hết hơi mốc, cái tương chìm xuống, nước cốt tương nổi lên ngả màu vàng óng màu vàng hoa cải là màu đẹp nhất của tương. Chừng ấy chưa đủ, làm tương còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Nếu trời không có nắng, quá lạnh, độ ẩm cao, thấp cũng không thể cho ra đời mẻ tương ngon. Cho đến nay, với những gia đình ở Đường Lâm, chén tương chấm hằng ngày quen thuộc và trong mâm cơm cúng tổ tiên những ngày lễ Tết cũng chẳng thể thiếu. Người ta vẫn rỉ rả bảo nhau rằng: “Còn trời, còn đất, còn mây. Còn ao rau muống, còn đầy chum tương”.
Giang Nam
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Hơn 1 triệu người đăng ký tài khoản “Công dân Thủ đô số” - iHanoi”
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Tin khác
Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương
Tôi yêu Hà Nội 23/10/2024 11:30
Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm
Tôi yêu Hà Nội 22/10/2024 14:02
Tình yêu từ cao nguyên lâm viên xanh
Thủ đô 11/10/2024 15:43
Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 17:49
Có một Hà Nội lắng hồn trong thi ca
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 14:13
Mùa thu và ngày Giải phóng Thủ Đô
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 05:45
Trách nhiệm với quê hương, đất nước
Tôi yêu Hà Nội 08/10/2024 16:24
Đồng chí Phạm Quang Nghị được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”
Tôi yêu Hà Nội 08/10/2024 10:21
Lắng đọng Chương trình: "Ký ức tháng Mười - Khát vọng vì Thủ đô bình yên"
Tôi yêu Hà Nội 05/10/2024 15:35
Carnaval Áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển”
Tôi yêu Hà Nội 05/10/2024 14:03