Cùng mùa xuân trở lại
Cùng làm nên mùa xuân | |
Những nốt nhạc Xuân |
Ảnh: Quốc Nam |
Thoạt nhìn thấy anh, tim tôi đập mạnh, nửa muốn chạy ra đứng ngay trước mặt anh mà nói: “Anh, là em đây…”. Nhưng sau đó tôi lại cố co rúm người lại trong chiếc áo khoác có cái cổ lông xù xì để anh khỏi trông thấy tôi. Tôi chưa chuẩn bị cho khoảnh khắc này, dù đã chờ đợi nó trong 20 năm.
20 năm ký ức của tôi chờ anh trong cái quán cà phê mà người ta chưa từng thay cho nó lọ hoa mới, cái ghế mới hay một mầu sơn mới. Ở khu phố này, chỉ có duy nhất cái quán cà phê của tôi và anh là cũ, cũ như dòng thời gian không dịch chuyển, nhuốm mầu, cót két chuyển mình quanh nó. Như ký ức của tôi 20 năm vẫn cũ, không dịch chuyển. Sau 20 năm, trông anh vẫn thế, chẳng hề thay đổi, còn tôi thì đã lớn lên, vượt lên khỏi cái khung cửa sổ bé xíu ngày nào hướng ra ga tầu hỏa. Cái sân ga giờ cũng xây cao, tôi của 20 năm sau vẫn phải ngước nhìn lên mới thấy hàng chữ lớn ghi tên Ga Hà Nội.
Anh không nhìn thấy tôi, anh ngồi xuống đúng cái bàn đó, mở ca táp, vẫn như ngày xưa, những ngón tay anh dài và trắng. Anh sẽ nhấn cái nút trên chiếc cặp để nó bật nắp ra, sau đó anh sẽ lấy cuốn sách và cây bút, cổ anh thụt xuống trong chiếc áo khoác, và anh sẽ viết… Tôi theo dõi từng cử động của anh. Anh vẫn làm như thế, nhưng thứ anh lấy ra là một cái máy tính nhỏ. Bây giờ không ai viết tiểu thuyết trên những quyển vở ố vàng nữa…
Và Lưu Ly sẽ ngồi đối diện với anh, cô thường mang theo một túi vải đựng đầy len và bắt đầu đan khi anh viết kín đặc những trang giấy. Sao tôi lại quên sự hiện diện của Lưu Ly được nhỉ? 20 năm, ký ức về cô quả thật có nhạt nhòa chút ít trong tôi, nhưng rõ ràng, tôi còn nhớ rõ khuôn mặt cô. Cô có khuôn mặt tròn trịa, xinh đẹp như ánh trăng rằm.
Đôi mắt mà anh đã có lần miêu tả trong tiểu thuyết của mình, anh đọc cho tôi nghe: “Mắt em như một viên ngọc xanh từ trên thiên đường rớt xuống khiến cho màn đêm trở nên trong suốt”. Không, Lưu Ly không có đôi mắt mầu xanh, mắt cô mầu đen, lấp lánh, thu hút và luôn mở to như muốn gom tất cả sự ngạc nhiên với mọi sự việc vào đôi mắt ấy, nó khiến cô trở thành một sinh vật đẹp đẽ và sinh động nhất thế gian.
Còn cái ghế giữa hai người, là nơi tôi thường ngồi. Tôi quay lưng vào trong quán và hướng ra phía cửa sổ, nhìn sang sân ga. Tôi thích ngồi ở vị trí ấy, giữa hai người và được nghển cổ nhòm qua cái cửa sổ bé xíu sang phía bên kia đường. Mỗi lần tôi cố rướn lên là anh lại nhắc: “Vy Viên, em đừng có ngọ ngoạy nữa được không”.
Khuôn mặt anh nghiêm khắc, nhưng rất dịu dàng. Và rồi tôi sẽ ngoan ngoãn ngồi xuống, nhưng chỉ được một lúc, tôi sẽ lại nghển lên, đôi khi sẽ làm đổ cốc cà phê của anh hoặc khua chân vào sợi len của Lưu Ly làm rối tung lên. Nhưng tôi cứ mãi làm như thế, như một đứa trẻ lên 2 cứ liên tục vứt cái thìa xuống đất chỉ để được mẹ nhặt lên mặc dù bị mắng, bởi đứa trẻ đó muốn được mẹ chú ý đến nó.
2.
Tôi gặp anh và Lưu Ly vào một ngày mưa phùn trên sân ga. Họ từ đâu đó đến. Tôi, cô bé bán hàng rong trong cái lạnh buốt từ đầu đến chân, đã giúp họ tìm một cái khách sạn ra hồn. Họ đang đợi ai đó, hình như là họ sẽ ở lại lâu ở thành phố này, bên cạnh cái ga tầu nhớp nháp này khá lâu. Sau này tôi biết họ đợi một nhà biên kịch. Nhưng đấy là chuyện của họ.
Sau ngày mưa ở sân ga ấy, sáng nào họ cũng đợi tôi trong quán cà phê này và gọi tôi vào. Anh thường hỏi tôi muốn uống gì, có ăn thêm cái bánh mỳ kẹp trứng không? tất nhiên là tôi đồng ý. Tôi có thể bỏ cả buổi sáng không lang thang ở sân ga để ngồi giữa anh và Lưu Ly, bên cái cửa sổ nhỏ xíu nhìn ra sân ga. Tôi còn tưởng tượng ra cái bóng bé nhỏ của mình giữa dòng người chen lấn trong cái cửa ga chật chội và gỉ sét ấy. Tôi thấy thú vị khi được ngồi giữa họ.
“Vy Viên, thế em không đi học à?”. Có lần anh hỏi tôi, tôi hỏi lại anh: “Thế tại sao em phải đi học?”. “Em cũng đã 8 tuổi rồi, em cần phải đi học mới được”. Anh không trả lời câu hỏi của tôi, anh không làm tôi thỏa mãn, và tôi quay sang Lưu Ly, bày tỏ ánh mắt phụng phịu và cầu mong sự đồng lõa. Lưu Ly nhìn tôi, mỉm cười, rồi lại đan những chiếc khăn len mầu gụ. Sáng nào tôi cũng uống cà phê với họ, và bao giờ khi tôi ôm thúng bánh ra sân ga, anh cũng dơ bàn tay trắng thon dài lên vẫy vẫy: “Vy Viên, hẹn mai gặp lại em”. Tôi thích anh nói thế.
Nhưng cũng có lần, anh và Lưu Ly không đến. Họ bận sang Nhà Hát Lớn để duyệt một vở kịch. Họ quên không báo với tôi là hủy cuộc hẹn, hoặc họ không kịp báo. Tôi nghĩ thế. Nhưng rồi họ lại xuất hiện và như chưa có vụ “lỡ hẹn” vừa xảy ra. Trong trái tim của con bé 8 tuổi, lời hẹn không phải là một cơn mưa được dự đoán, nó có thể đến hoặc theo mây tan đi trên bầu trời. Lời hẹn giống như mặt trời lên, nó chắc chắn phải mang bình minh đến. Vì thế, tôi đã hờn dỗi suốt buổi sáng khi họ quay trở lại…
Phía bên cửa sổ, anh bất chợt húng hắng ho. Tôi giật mình rời khỏi dòng ký ức. Chiếc ghế đối diện không có Lưu Ly ngồi đan len, chiếc ghế bên cạnh không có Vy Viên loi choi nhảy lên nhảy xuống để nhòm qua cửa sổ. Khung cảnh ngày xưa bỗng biến mất chỉ còn lại anh, người đàn ông có làn da trắng lặng lẽ gõ lên bàn phím.
Tôi giật mình quay đi khi anh nhìn sang phía tôi. Anh không nhận ra tôi, ánh mắt không dừng lại ở phía tôi, chỉ lướt qua rồi tiếp tục quay lại màn hình máy tính. Buổi sáng Hà Nội chiều cuối năm ẩm ương mưa phùn, từ trong thăm thẳm lãng quên, mọi thứ vẫn cứ hiện ra trong cái không gian chật hẹp của cái quán cà phê cổ này, những câu chuyện của 20 năm trước…
3.
Anh và Lưu Ly ở cái khách sạn gần ga ấy và tôi “có hẹn” với họ. Sự hiện diện của tôi giống như một con búp bê bẩn thỉu nhưng chảnh chọe khiến họ thấy cuộc sống bớt nhàm chán hơn. Nhưng những cơn ho cứ đeo bám lấy tôi, đến nỗi anh bảo Lưu Ly nên đưa tôi đến bệnh viện. Tôi chấp nhận việc tôi sẽ đi cùng Lưu Ly đến bệnh viện mặc dù tôi thích anh đưa tôi đi hơn.
Tôi thích những phút riêng tư ở cạnh anh mà không có cô. Tôi sẽ nói với anh rằng… gì nhỉ… giống như trong một đoạn văn mà anh đọc cho tôi nghe: “Người là ánh sáng của cuộc đời tôi, mang đến sự ấm áp, rực rỡ xuyên qua màn đêm, xuyên qua cả những cơn mưa rào đậm đặc, xuyên qua cả không gian và thời gian….”. Tôi cũng chẳng hiểu vì sao một con bé mù chữ lại có thể nhớ được cả những đoạn văn dài và khó hiểu đến thế. Nhưng nếu có lúc nào đó ở một mình với anh, tôi sẽ nói câu đó.
Nhưng rốt cuộc, Lưu Ly vẫn sẽ đưa tôi đi khám. Sau đó, chúng tôi chở về với một túi thuốc ho. Họ thường nhắc nhở tôi uống ngày hai lần sau bữa ăn cho đến khi cơn ho giảm xuống. Lưu Ly đan cho tôi một chiếc áo và một cái khăn quàng để đảm bảo tôi không ho lại nữa.
Thỉnh thoảng, tôi nhìn thấy họ khoác tay nhau đi dưới hàng cây hoa sữa mọc trên phố, tôi mơ một ngày sẽ thành thiếu nữ, giống như Lưu Ly. Tôi sẽ mặc chiếc váy mầu trắng có đính viền lông ở gấu và choàng chiếc khăn len thật lớn trên vai, tôi sẽ khoác tay anh đi dưới những hàng cây hoa sữa vào mùa đông, mùi thơm của chúng nồng nồng lẫn trong mùi của cơn mưa phùn. Tôi chỉ có thể tưởng tượng điều đó mà không thể tưởng tượng được lúc đó Lưu Ly sẽ ở đâu. Cô sẽ biến mất ở đâu đó, một nơi nào tốt đẹp hơn cái khu phố nhỏ bé ướt nhẹp này.
Họ ở cái khách sạn gần ga tầu suốt mùa đông. Vào một ngày mưa phùn, sau khi uống sữa và ăn bánh, anh vẫn vẫy tay chào tôi: “Hẹn gặp em ngày mai nhé Vy Viên”. Và rồi, họ biến mất. Anh biến mất, Lưu Ly cũng biến mất. Tôi thường tưởng tượng một ngày không có Lưu Ly ở cạnh chúng tôi, nhưng nếu cô biến mất cùng anh, tôi ước gì cô sẽ xuất hiện trở lại. Nhưng họ không trở lại nữa, trong suốt mùa hè năm đó, rồi mùa đông năm sau… họ không để lại lời nhắn.
Tôi sẽ không bao giờ có cơ hội nói với anh rằng “Người là ánh sáng của cuộc đời tôi, mang đến sự ấm áp, rực rỡ xuyên qua màn đêm, xuyên qua cả những cơn mưa rào đậm đặc, xuyên qua cả không gian và thời gian….”. Và giờ đây, thời gian cứ xuyên qua tôi, ánh sáng cứ xuyên qua cả bóng của bóng tôi trong dòng chảy của nó, khiến tôi có cảm giác mình trống rỗng. Tôi đợi anh, đợi họ, nhiều mùa đông… cho đến một ngày mẹ tôi bảo ba tôi từ Mỹ sang ở với chúng tôi. Tôi và mẹ sẽ đi khỏi nhà ga, về phương Nam.
Ngay trước ngày đi, tôi cứ đứng mãi trong cái quán cà phê ấy mà nhìn ra phía khách sạn, hy vọng anh sẽ xuất hiện cùng với khoảnh khắc lá bàng rơi đỏ trong không gian. Lần cuối khi tôi nhìn thấy anh, dáng anh cao gầy trong chiếc măng tô dài đến tận gót chân. Tôi chỉ nhớ hình ảnh của anh, ký ức về Lưu Ly lúc ấy khá nhạt nhòa. “Mẹ, con muốn ở lại đợi một người”.
Tôi vùng vằng khi bị buộc phải bước lên chiếc xe ô tô với người cha mắt xanh xa lạ. Nhưng rốt cuộc tôi vẫn phải đi. Trong suốt cuộc hành trình đến phương Nam, ông ta luôn nhìn tôi và nói điều gì đó. Mẹ tôi bảo, ông ta khen tôi có đôi mắt xanh rất đẹp. Lúc đó, tôi đã tưởng tượng rằng anh đã tả đôi mắt tôi chứ không phải tả đôi mắt của Lưu Ly, “Mắt em như một viên ngọc xanh từ trên thiên đường rớt xuống khiến cho màn đêm trở nên trong suốt”, và đó là điều duy nhất an ủi tôi: đôi mắt xanh…
4.
Anh vẫn ngồi đó, khi tôi sắp xếp lại quá khứ trong những lộn xộn của ký ức. Thật ngạc nhiên là thời gian không bào mòn nó, những ký ức có anh. Thế rồi anh gập máy tính, đứng dậy và nhanh chóng thanh toán tiền, bước ra khỏi quán. Tôi cũng vụt đứng dậy. Tôi sẽ đuổi theo anh chứ? Nếu anh không trở lại đây nữa thì sao? Tôi sẽ lại mất anh như 20 năm trước. Nhưng anh đi rất nhanh, khuất trên một chiếc taxi.
Tôi đứng chết sững giữa dòng người tấp nập, mắt tôi hoa lên. Điện thoại của tôi reo vang khi tôi chuẩn bị khóc: “Triển lãm bắt đầu lúc 9h30 ở Cung Văn hóa Hữu nghị, thưa cô”. “Tôi sẽ đến trong 5 phút nữa”. Tôi trả lời nhanh rồi đi bộ đến điểm triển lãm. Nơi đây, những con đường cũ đối với tôi vừa thân quen vừa lạ lẫm. Và anh vừa đi khỏi trong chớp mắt, trong khoảng khắc thời gian không còn ngưng đọng nữa. Tôi nên hiểu rằng thời gian không thể ngừng trôi.
Và tôi gặp lại anh vào một buổi sáng nữa. Lần này khi anh vừa bước vào quán, tôi đã tiến về phía anh. “Anh, còn nhớ em không?”. Tôi không tin rằng anh nhận ra tôi, cô bé 8 tuổi ốm ho năm nào. Nhưng tôi lại nghĩ anh sẽ nhận ra tôi từ đôi mắt xanh, nếu như ngày ấy anh đã từng miêu tả mắt tôi. Nhưng anh đứng sững nhìn tôi, ngập ngừng, bối rối: “Xin lỗi, cô là….”. “Em là Vy Viên, 20 năm trước...”. “20 năm trước ư?”. “Vâng, 20 năm, Diên Vỹ…”.
Anh nhìn tôi, bật cười. Tôi nghĩ là anh đã nhận ra tôi khi tôi nhắc tên anh. Anh kéo tôi lại phía cái bàn bên cửa sổ. Dòng chảy 20 năm về trước lại hiện về trong mắt tôi. Anh nhìn vào đôi mắt xanh của tôi, lặng lẽ. Tuổi trẻ vẫn còn đọng nguyên trên khuôn mặt anh dẫu đã 20 năm. Nhưng tôi vẫn thấy điều gì đó không khớp nối, không thể nào khớp nối được. “Thì ra bạn là cô bé trong tiểu thuyết của ba tôi, cô bé mắt xanh”. Anh nói, tôi quay cuồng trong dòng thời gian của riêng mình.
“Tôi là Diên Anh, con của nhà văn Diên Vỹ. Còn cô là cô bé Mắt Xanh, đúng vậy không?”. “Không thể nào, lúc đó anh ấy chưa có con, làm sao lại có thể….”. Diên Anh kể cho tôi nghe, đó là một câu chuyện dài. Năm 19 tuổi, cha cậu, sau này là nhà văn Diên Vỹ đã yêu một cô gái nhưng không được gia đình hai bên chấp nhận. Giận gia đình, anh đã bỏ nhà ra đi mà không hề biết người con gái ấy đã mang trong mình giọt máu của anh.
Sau một thời gian lang thang, khỏa lấp nỗi cô đơn bằng những cuộc tình với nhiều cô gái khác, Diên Vỹ đã tìm lại chốn xưa và biết rằng mình có con trai. “Mẹ tôi đã mất sau khi ông ấy quay lại một thời gian. Dù sao cuối cùng bà ấy cũng thấy hạnh phúc”. Diên Anh khe khẽ vẽ một vòng tròn bằng nước trên mặt bàn gỗ cũ kỹ rồi buông tiếng thở dài. “Còn anh ấy, giờ ra sao?”. Mọi thứ trong tôi trở nên hỗn loạn, giống như lạc vào một nơi vừa có bão, vừa có mưa, vừa có chút le lói hy vọng của ánh mặt trời. “Ông ấy vẫn khỏe, ở gần đây thôi, cô có muốn đến thăm chúng tôi không?”.
Tôi không biết chắc mình có muốn gặp lại anh theo cách này không. Diên Vỹ và tôi sẽ nói chuyện gì? “Này Vy Viên, em đừng nhảy lên bàn nữa có được không?”, “Này Vy Viên, trông em ra dáng thiếu nữ rồi đấy”, “Này, Vy Viên…”. Và anh sẽ lại nói như thể tôi là một con bé 8 tuổi loi choi nghịch ngợm. Và rồi trong mắt anh, tôi vẫn luôn nhỏ bé như chiếc bánh mỳ chuột bán ngoài sân ga nếu không cất giữ cẩn thận sẽ bị dính mưa và vữa ra mất. Tôi không bao giờ có thể là Lưu Ly hay những cô gái mặc váy có đính lông ở gấu váy và choàng khăn len khoác tay anh đi dưới những cây hoa sữa trong mưa phùn.
“Tôi không chắc, chắc anh ấy sẽ không nhận ra tôi đâu”. “Không sao, chỉ cần cô nhận ra ông ấy là được”. Tôi lắc đầu. Chúng tôi nói về những vở kịch mà Diên Anh viết. Cậu trông giống cha như tạc, nhưng có lẽ vẫn còn những nét khác mà quá khứ tươi đẹp cố tình đánh lừa cảm xúc của tôi. Diên Anh là một người vui vẻ, ít trầm tư và cậu nói chuyện khá nhiều. Chúng tôi gặp nhau thường xuyên trong suốt 2 tuần tôi tham gia triển lãm tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô, còn Diên Anh thường ngồi ở cái quán cũ kỹ này theo một thói quen “di truyền”. Cậu gọi nó là “thói quen di truyền” bởi từ nhỏ đã đọc tiểu thuyết “Cô bé Mắt Xanh” của cha, bối cảnh dường như chỉ diễn ra ở đây, nơi khung cửa sổ nhìn ra ga tầu cho đến khi chuyển nhà đến đây, cậu gần như thuộc lòng từng con đường.
“Cô có nghĩ quá khứ và hiện tại, tương lai luôn có một sự kết nối giữa những con người khác nhau không? dòng chảy của nó như những nhánh rễ của một cái cây, có thể rẽ hướng này, hướng khác, nhưng nhiều cái rễ vẫn bắt gặp được nhau”. “Tôi cho đó là một định nghĩa khá… lằng nhằng”. Tôi trả lời Diên Anh thế và chúng tôi cùng cười. Nụ cười của Diên Anh rất sáng, có thể giống như ánh bình minh vén màn mưa rơi xuống khoảng trời của riêng tôi. “Vậy là cô đợi ba tôi suốt 20 năm thật sao?”. Diên Anh hỏi bằng giọng giễu cợt. “Tôi đợi ông ấy 3 năm ở đây, những năm còn lại thì ở một nơi khác.
Nhưng đây là bí mật của chúng ta nhé, anh sẽ không nói cho ông ấy biết”. Diên Anh lại ghé sát vào tôi, thì thào: “Vậy tôi nói cho cô biết một bí mật này…”. Bí mật của Diên Anh, chắc phải là một câu chuyện liên quan đến cha cậu. Tim tôi đập dồn dập trong khi môi cậu ta mấp máy rồi lại mím lại. Cuối cùng cậu ta nói: “Hồi 8 tuổi, tôi cũng phải lòng cô giáo của mình”.
Tôi phì cười. Những hạt nắng bắt đầu xiên qua ô của sổ nhảy nhót trên mặt bàn gỗ cũ kỹ. Ở ngoài kia nắng xuân đã bừng lên trên những chiếc lá bàng có mầu vàng rực, loay hoay níu giữ trên cành. Tôi bảo với Diên Anh: “Tôi phải đi đây, hẹn gặp anh ngày mai nhé”. “Ừ, hẹn cô ngày mai”. Diên Anh dơ tay ra vẫy vẫy. Tôi bước đi. Tôi biết, chiều nay tôi sẽ bay về phương Nam, nhưng tôi muốn hẹn với Diên Anh, để thử xem liệu có ai đó đến đợi tôi ở đây mỗi ngày như tôi từng đợi một người. Phải chăng đã đến lúc phải để dòng thời gian trôi đi như nó vốn có, ký ức thẳm sâu nên để nó êm đềm ngủ yên cùng với những khoảng khắc ngừng trôi của thời gian. Đã đến lúc tôi phải bước đi, để có ai đó nhìn tôi từ phía sau, họ sẽ thấy lưng tôi, vai tôi, tóc tôi và bước chân tôi in dấu trên tim họ….
Và một ngày, tôi sẽ quay trở lại theo một cách nào đó, giống như cách mà Diên Vỹ gửi Diên Anh quay lại nơi này để điền vào khoảng trống ngưng đọng của dòng thời gian…
Truyện ngắn của Phạm Bảo Thoa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Văn hóa 23/12/2024 11:33
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 2: Văn hóa như cái phễu, cần thời gian gạn đục khơi trong
Văn hóa 21/12/2024 13:40
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Một năm bội thu
Văn hóa 21/12/2024 10:20
"Con đường lịch sử": Bức tranh sử thi về 80 năm Quân đội anh hùng
Văn hóa 20/12/2024 16:54
Hội hoa xuân Ất Tỵ 2025 TP.HCM có chủ đề "Non sông gấm hoa, vui xuân an hòa”
Văn hóa 20/12/2024 15:49
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 1: Cốt lõi trong hôn nhân chính là hạnh phúc của con người
Văn hóa 20/12/2024 15:17
Điểm sáng của bức tranh Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thủ đô năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 20:42
Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 12:11
Múa rối nước: Giữ hồn dân tộc trong đời sống đương đại
Văn hóa 17/12/2024 20:05
Trưng bày chuyên đề "Gan vàng dạ sắt": Kết nối và truyền cảm hứng cho giới trẻ
Văn hóa 17/12/2024 09:40