Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Phải tạo ra xu thế toàn xã hội học ngoại ngữ
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh như vậy tại buổi họp trực tuyến cả nước về kế hoạch triển khai giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” tổ chức sáng ngày 17/9.
Có độ vênh giữa năng lực thực và năng lực bằng cấp
Tại hội thảo, đa số các ý kiến phát biểu đều tán thành với kế hoạch đặt ra của Đề án ngoại ngữ 2020 giai đoạn giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025. Tuy nhiên, điều các đại biểu quan tâm nhất là chất lượng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ và chất lượng giảng dạy ngoại ngữ ở các bậc học hiện nay.
Tiến sĩ Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế cho biết, khó khăn hiện nay là phần lớn học sinh chưa có động cơ và ý thức học tập môn Ngoại ngữ. Nhiều học sinh và phụ huynh ngại chương trình tiếng Anh mới nên việc triển khai mở rộng chương trình tiếng Anh hệ 10 năm gặp nhiều khó khăn nhất là vấn đề thi, kiểm tra…
Một bộ phận lớn học sinh và phụ huynh muốn được đào tạo và đánh giá tiếng Anh theo các tiêu chí được xã hội và cộng đồng giáo dục thế giới tin cậy. Tuy nhiên, chúng ta đang đi theo hướng nội địa hóa các tiêu chí và chứng chỉ năng lực ngôn ngữ nước ngoài, làm giảm đi sự thuyết phục đối với người học và khó khăn trong điều hành chỉ đạo.
Ông Hùng cho rằng, có độ vênh giữa năng lực thực và năng lực bằng cấp. Một bộ phận giáo viên có tâm lý đối phó, chưa tự giác trong việc trau dồi trình độ chuyên môn. Do đó, nên chỉ đạo dạy học ngoại ngữ theo hướng phù hợp với điều kiện vùng miền, tăng sự lựa chọn cho các sở, tỉnh, thành phố bằng cách mở rộng khung chuẩn, mở rộng các quy định, yêu cầu và tổ chức dạy ngoại ngữ để các tỉnh có điều kiện hoặc chưa có điều kiện lựa chọn phù hợp.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Trí, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho biết, qua khảo sát năng lực chuyên môn của giáo viên tiếng Anh hiện nay còn rất yếu ở tất cả các kỹ năng. Đa số các giáo viên, các đơn vị trường phổ thông và cả các phòng GD&ĐT đều có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào các lớp bồi dưỡng do Sở và Bộ GD&ĐT tổ chức.
Ông Trí kiến nghị, Bộ GD&ĐT tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác đào tạo bồi dưỡng và tổ chức khảo sát cấp chứng nhận trình độ năng lực ngôn ngữ tiếng Anh của các trường ĐH đã được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ. Hiện đã có hiện tượng nhiều trường đại học tổ chức bồi dưỡng ôn tập qua loa, cấp chứng nhận năng lực ngôn ngữ tiếng Anh ồ ạt cho giáo viên tại nhiều địa phương.
Thạc sĩ Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn kiến nghị điều chỉnh yêu cầu về chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với từng loại đối tượng học sinh;Tạo điều kiện cho giáo viên ngoại ngữ được tiếp xúc với môi trường ngoại ngữ chuẩn, tập huấn nước ngoài; các trường phổ thông có điều kiện xây dựng môi trường ngoại ngữ để giáo viên, học sinh có cơ hội nói bằng ngoại ngữ. Đặc biệt, tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí để hỗ trợ phát triển dạy học ngoại ngữ các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn. Phát triển hệ thống học liệu mở giúp giáo viên, học sinh có cơ hội tự học.
Tạo ra xu thế toàn xã hội học ngoại ngữ như một nhu cầu tự thân
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý 8 nội dung cần tập trung trong thời gian tới đối với đội ngũ giáo viên, đối với người học, vấn đề học liệu, công tác khảo thí, công tác tài chính, cơ chế chính sách, công tác truyền thông, cơ sở dữ liệu và tăng cường năng lực cho đội ngũ quản lý. Trong đó 3 yếu tố quan trọng là đội ngũ giáo viên, khảo thí đảm bảo chất lượng và nguồn học liệu.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ |
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đội ngũ giáo viên có vai trò quan trọng nhất trong dạy và học ngoại ngữ. Việc áp dụng theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu 6 bậc có tài liệu nhưng vẫn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Giáo viên đã phải cố gắng nhiều nhưng không hiệu quả.
Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh: “Chúng ta hướng tới học ngoại ngữ để phục vụ công việc, phục vụ cuộc sống chứ không phải học để thi lấy điểm cao. Từ đó định hướng việc dạy học của giáo viên".
Theo đó, Bộ trưởng Nhạ đề nghị, Ban Quản lý đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 cần phối hợp với Ban Quản lý đề án địa phương rà soát lại chuẩn giáo viên đang đứng lớp ở các bậc học, đặc biệt là các trường chuyên ngữ. Đối với giáo viên trường sư phạm ngoại ngữ cũng phải có chuẩn, chứ không phải cứ tiến sĩ là có chuẩn.
Theo Bộ trưởng, chuẩn ở đây là phải qua thẩm định xem đã bám sát được với chuẩn quốc tế chưa. Đây là việc làm cần thiết làm căn cứ cho xây dựng đào tạo bồi dưỡng giáo viên. Bộ trưởng đề nghị chậm nhất ngày 31/10 phải báo cáo kết quả.
Đối với việc mời giáo viên bản ngữ sang giảng dạy, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã đề nghị với Thủ tướng Chính phủ, trong khi chưa sửa được Nghị định 73 về hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thì Chính phủ cho phép điều chỉnh điều kiện để thu hút giáo viên bản ngữ.
“Tới đây tôi đề nghị các vụ bậc học đặc biệt là vụ Hợp tác quốc tế, Cục Đào tạo nước ngoài tăng cường mở rộng giao lưu hỗ trợ các địa phương để có giáo viên bản ngữ. Trong khi chúng ta chưa ra được nước ngoài thì chúng ta học từ người nước ngoài vào nước ta. Vấn đề không chỉ là ngôn ngữ phát âm mà cả văn hóa. Như thế mới tạo được sự giao thoa” – Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng cho rằng, chúng ta phải tạo môi trường tốt, hình thành câu lạc bộ để những học sinh phổ thông, sinh viên và cả những người không phải HSSV, có nhu cầu học tiếng Anh có thể tham gia. Phải thúc đẩy phong trào toàn dân học tiếng Anh để tiếng Anh trở thành động lực, người học cảm thấy có ý nghĩa.
Bộ trưởng đề nghị Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ 2020 và Ban chỉ đạo các địa phương phải tạo ra Xã hội học tập tiếng Anh theo hướng nhẹ nhàng nhưng hiệu quả, hạn chế áp lực.
Đối với chương trình sách giáo khoa tiếng Anh, Bộ trưởng Nhạ đề nghị chọn lựa một bộ sách giáo khoa chất lượng của một nước nào đó rồi về chỉnh sửa cho phù hợp rồi thống nhất đưa vào chương trình dạy từ tiểu học cho đến lớp 12. Đối với các trường ĐH, CĐ, nên dùng luôn giáo trình đó. Đây chỉ là bổ sung và tăng cường, thầy và trò học trực tiếp giáo trình nước ngoài.
Bộ trưởng Nhạ đề nghị, các địa phương tăng cường các học liệu hỗ trợ, video clip trong quá trình học tiếng Anh. Học mọi lúc mọi nơi. Học liệu không chỉ là giáo trình, nó gồm cả hệ thống các công cụ hỗ trợ để giúp người dạy người học tiếp cận nhanh nhất và nâng cao trình độ tốt nhất.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Không nên coi Đề án 2020 thay thế được hết mọi thứ. Đây chỉ là chương trình có tính chất khung, để tạo cú hích cho toàn dân học tiếng Anh.
Tiếng Anh và Công nghệ thông tin là 2 công cụ giúp thế hệ trẻ Việt Nam hòa nhập với thế giới. Chúng ta không đưa ra thời gian cụ thể đến năm bao nhiêu Tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam, vì đó là một quá trình rất dài. Tuy nhiên, chúng ta hướng tới điều đó, nếu không đưa ra hướng phấn đấu sẽ không hiệu quả. Cần phải có lộ trình bước đi cụ thể để từng bước tạo ra được xu thế toàn xã hội học ngoại ngữ như một nhu cầu tự thân. ”.
Theo mục tiêu của Đề án là tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo chương trình 7 năm hiện hành (từ lớp 6 đến hết lớp 12); triển khai thực hiện chương trình tiếng Anh mới của giáo dục phổ thông, đến năm học 2020 - 2021, 100% học sinh lớp 3, 70% lớp 6 và 60% lớp 10 được học chương trình mới (10 năm). Đến năm 2025, phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp. Tiếp tục triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp. Đến năm 2020, 60% học sinh trường trung cấp, 100% sinh viên trường CĐ và tới năm 2025, 90% học sinh trường trung cấp đạt trình độ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc VN và có thể sử dụng tiếng Anh trong việc làm. Đến năm 2018 - 2019, 100% các trường ĐH triển khai đào tạo chương trình tiếng Anh tăng cường; 100% sinh viên chuyên ngữ tốt nghiệp đạt chuẩn (bậc 5). Đến năm 2020, 70% sinh viên ĐH không chuyên ngữ và đến năm 2025, 100% sinh viên ĐH không chuyên ngữ đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp (bậc 3)… |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan là phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội
Làng đào Nhật Tân: Hoa vẫn nở sau bão Yagi
Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây diễn ra vào ngày 10/11
Xe buýt xanh: Triển khai rộng rãi càng sớm càng tốt
Truy tố cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về tội "Nhận hối lộ"
Quận Tây Hồ trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 7/11 tới 151 đảng viên
Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Đổi mới tư duy trong xây dựng, thi hành pháp luật
Tin khác
Suy hô hấp cấp do mắc sởi
Y tế 05/11/2024 16:17
Hà Nội sẵn sàng cho Liên hoan phim quốc tế Hà Nội HANIFF VII
Văn hóa 05/11/2024 15:02
Sắc màu hầu đồng trong nghệ thuật trang điểm
Văn hóa 05/11/2024 14:57
Huyện Thường Tín nỗ lực chuyển đổi số để phát triển toàn diện
Chuyển đổi số 05/11/2024 14:41
TP.HCM: Nhiều vướng mắc về thanh toán không dùng tiền mặt để chi trả BHXH
Cộng đồng 05/11/2024 14:38
Tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm sởi trong bệnh viện
Y tế 05/11/2024 11:40
Cảnh giác cao điểm dịch sốt xuất huyết
Y tế 05/11/2024 10:44
Sắc màu văn hóa Chăm qua nghệ thuật dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp
Cộng đồng 05/11/2024 09:51
Liên thông kết quả khám để phục vụ người bệnh tốt hơn
Y tế 05/11/2024 09:16
Giúp người thu nhập thấp tiếp cận tài chính số
Chuyển đổi số 05/11/2024 09:15