Văn hóa đọc cho thiếu nhi: Một thập kỷ nhìn lại
Khi người trẻ tận dụng mạng xã hội lan toả văn hoá đọc Lan tỏa truyền thống hiếu học |
Tuy nhiên, gần đây, trái với sự lo ngại đó, nhiều chương trình, cuộc thi khơi dậy văn hóa đọc của thiếu nhi đã đưa ra những kết quả bất ngờ. Hóa ra, trẻ không hề thờ ơ với sách, mà thực tế, nếu được khích lệ đúng lúc, văn hóa đọc vẫn được các em lĩnh hội một cách say mê.
Ảnh minh họa: Bảo Thoa |
Trước tiên, phải kể đến hiệu ứng của “Ngày sách Việt Nam” hàng năm. Nhìn quanh các gian hàng trong ngày hội sách có thể thấy đối tượng “độc giả nhí” chiếm phần lớn. Các em nô nức xếp hàng để mua sách, điều đó minh chứng sách giữ vai trò quan trọng trong đời sống hiện đại, kể cả lứa tuổi thiếu nhi mà nhiều người cho rằng bị ảnh hưởng nhiều nhất của thiết bị công nghệ hiện đại. Như vậy cũng có nghĩa, tình yêu với sách, với văn hóa đọc ở trẻ không mai một như chúng ta vẫn nghĩ.
Vào ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 hàng năm, các nhà xuất bản, công ty sách, đơn vị phát hành sách đều đồng loạt tổ chức rầm rộ các ngày hội sách dành cho thiếu nhi. Những cuốn sách có nội dung phù hợp và mang nhiều ý nghĩa với trẻ vẫn được bán “đắt như tôm tươi” như Chuột Típ, Lắng nghe Trái Đất, Tiếng vĩ cầm của ông nội, Bà ngoại yêu dấu… Hay bây giờ, nhiều em học sinh tiểu học đã có thói quen đọc những tác phẩm văn học về chân dung như Galileo, Marie Curie, Jane Goodall, Nicolaus Copernicus, William Harvey, Benjamin Franklin Aristotle, Sigmund Freud, Stephen Hawking…
Cũng trong những ngày này, “Hội sách trăng tròn - Ngênh lân phá cỗ" diễn ra từ ngày 26/9 đến ngày 1/10 tại Phố sách Hà Nội cũng là một hoạt động văn hóa đọc dành cho thiếu nhi, mà khi đến đây, các em lại được tiếp xúc với những tác phẩm văn học mang đậm giá trị truyền thống của Tết Trung thu, cái Tết của thiếu nhi.
Bên cạnh những ngày hội sách được hình thành từ nhiều năm nay, thì các cuộc thi đọc sách cũng chứng minh sự sôi động trong văn hóa đọc của thiếu nhi.
Bắt đầu được tổ chức từ năm 2016, đến nay, Cuộc thi “Tìm kiếm Đại sứ Văn hoá đọc Thủ đô” đã trở thành hoạt động thường xuyên, thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội. Hiệu quả từ hoạt động này không chỉ dừng lại ở phạm vi thời điểm tổ chức Cuộc thi mà còn khuyến khích tinh thần tự học thông qua việc đọc sách của các em thiếu nhi, đồng thời tạo cơ hội để các em được thể hiện tài năng, sự sáng tạo và các kỹ năng khác của bản thân, từ đó lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Đến nay đã trải qua 4 năm, Cuộc thi đã thu hút được trên 60 nghìn học sinh tham gia mỗi năm và nhiều em đã trở thành Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô. Các Đại sứ “Văn hoá đọc Thủ đô” là các em học sinh không chỉ đam mê đọc sách mà còn có cái nhìn sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với bản thân và sự phát triển chung của toàn xã hội.
Mới đây, Cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” do Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức cũng vừa khép lại mùa thứ 10. Theo Ban giám khảo cuộc thi, sau một thập kỷ phát động, số lượng các em dự thi tăng dần mỗi năm, năm 2020 có tới gần 1 vạn bài dự thi. Con số này đã chứng tỏ sau hành trình một thập kỷ đồng hành cùng phong trào đọc cho thanh thiếu nhi, cuộc thi đã trở thành một sân chơi quen thuộc, có sức thu hút và lan tỏa rộng khắp đến các em học sinh trên cả nước…
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam - Giám khảo “Viết về cuốn sách yêu thích của em” lần thứ 10, cho biết: "Tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động. Trong những cuốn sách đó, có những cuốn tôi đã đọc. Nhưng khi đọc bài viết của các bạn, tôi lại muốn ngồi xuống và đọc lại. Bởi các bạn đã làm cho cuốn sách ấy trở nên quyến rũ lạ thường. Đấy là tình yêu của các bạn đối với những câu chuyện, những nhân vật trong cuốn sách, đấy là khả năng của các bạn nhìn thấy thông điệp lớn lao mà mỗi cuốn sách mang lại và đấy là cảm xúc trong sáng và mãnh liệt của các bạn khi đọc những cuốn sách đó”.
Nhà văn Lê Minh Khuê cũng khẳng định rằng, ở lứa tuổi thiếu nhi, nếu không thích các em sẽ không đọc sách. Bởi vậy, điều cần thiết chính là khích lệ tinh thần đọc sách của các em qua các cuộc thi. Qua các cuốn sách, các em được viết cảm nhận về nó và hiểu sâu sắc hơn những giá trị kiến thức mà mình tiếp thu được.
Em Hoàng Minh Phúc (Lớp 8A3 - trường Trung học cơ sở Trung Hòa) sau khi đọc cuốn “Dòng sông thơ ấu” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã nhận ra rằng, nếu chỉ nói về Việt Nam “đẹp và tuyệt vời” thì chưa đủ, mà còn có “khí chất kỳ diệu” khi được bồi đắp, xây dựng nên bởi những con người bình dị, chân quê mà kiên cường, bất khuất, khiến em thêm yêu và tự hào về đất nước Việt Nam. Em Nguyễn Đình Duy Anh (lớp 7C - Trung học cơ sở Ngô Quyền, Sơn Tây) thì viết về cuốn truyện kinh điển “Không gia đình” của nhà văn Hector Malot, ở đó, em mong mọi người trên thế giới yêu thương nhau nhiều hơn, không còn bạo lực, chiến tranh, sự tranh giành, đổ máu.
Còn rất nhiều bài dự thi được các em chọn đọc là những cuốn sách truyền cảm hứng. Đây cũng là một trong những xu thế của giới trẻ hiện nay. Đó là những cuốn sách về những nhân vật nổi tiếng thế giới đã vượt qua khó khăn để thành công như thế nào, là những cuốn sách giúp các em sống lạc quan hơn, tự tin vào bản thân hơn, biết đi qua khó khăn, thất bại…
Tại Lễ trao giải Cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” năm 2020, Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Hà Nội của chúng ta đang phát triển hết sức mạnh mẽ. Nhưng vẻ đẹp của Thủ đô không chỉ được đo bằng sự đồ sộ của các công trình, bằng nhà to, đường rộng, cầu dài, mà Hà Nội thực sự là Hà Nội, khi chúng ta đẹp về văn hóa, Hà Nội là Thủ đô của văn hóa, khi chúng ta nâng niu, phát huy, gìn giữ giá trị về văn hóa, trong đó có văn hóa đọc. Một cuộc thi khơi dậy tình yêu đọc, văn hóa đọc như “Viết về cuốn sách yêu thích của em” thật sự ý nghĩa và cần được nhân lên trong nhiều năm tới”./.
Bảo Thoa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Tin khác
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Văn hóa 23/12/2024 11:33
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 2: Văn hóa như cái phễu, cần thời gian gạn đục khơi trong
Văn hóa 21/12/2024 13:40
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Một năm bội thu
Văn hóa 21/12/2024 10:20
"Con đường lịch sử": Bức tranh sử thi về 80 năm Quân đội anh hùng
Văn hóa 20/12/2024 16:54
Hội hoa xuân Ất Tỵ 2025 TP.HCM có chủ đề "Non sông gấm hoa, vui xuân an hòa”
Văn hóa 20/12/2024 15:49
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 1: Cốt lõi trong hôn nhân chính là hạnh phúc của con người
Văn hóa 20/12/2024 15:17
Điểm sáng của bức tranh Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thủ đô năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 20:42
Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 12:11
Múa rối nước: Giữ hồn dân tộc trong đời sống đương đại
Văn hóa 17/12/2024 20:05
Trưng bày chuyên đề "Gan vàng dạ sắt": Kết nối và truyền cảm hứng cho giới trẻ
Văn hóa 17/12/2024 09:40