Tư vấn tâm lý giúp học sinh giảm áp lực
Tăng cường hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông Tránh khủng hoảng tâm lý học đường |
Hoạt động cần thiết
Trường học là nơi học sinh dành khá nhiều thời gian hằng ngày và cũng là môi trường có ảnh hưởng nhiều đến khả năng phát triển của các em. Tuy nhiên, học sinh trong các trường học hiện nay đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, chẳng hạn như: Bạo lực, xâm hại, bắt nạt, nghiện games, sức khỏe tâm thần, thiếu kỹ năng sống, giá trị sống... Để tăng cường phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, giải quyết các vấn đề đa dạng, phức tạp khác nhau ảnh hưởng đến học tập và cuộc sống của học sinh; đảm bảo hiệu quả, toàn diện của công tác giáo dục thì việc triển khai hoạt động tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục là rất cần thiết.
Công tác tư vấn tâm lý cho học sinh đã và đang được đẩy mạnh tại các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội. |
Những năm gần đây, tư vấn tâm lý học đường đã trở thành hoạt động được các nhà trường quan tâm và được triển khai thường xuyên dưới nhiều hình thức. Từ năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT “Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông”. Đây là bước ngoặt lớn giúp thay đổi nhận thức và cách vận hành việc chăm lo sức khỏe tâm thần cho học sinh trong các nhà trường. Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh còn đứng trước nhiều thách thức, trong đó có việc thiếu kinh phí và nhân lực. Các trường tư thục chủ động hơn nên có thể bố trí kinh phí và có cán bộ chuyên trách, còn ở nhiều trường công lập, cán bộ tư vấn tâm lý chỉ là kiêm nhiệm, kiến thức, kỹ năng, phương pháp hạn chế nên chưa đủ kỹ năng giải quyết khi gặp những tình huống bất ngờ, đột xuất, cũng như trong quá trình xử lý thông tin… dẫn đến hiệu quả hoạt động không như mong muốn.
Trước bất cập này, ngày 30/10/2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT “Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập”. Thông tư được cho là đã “cởi trói” cho những khó khăn về việc bố trí nhân lực cho công việc rất đặc thù này. Lần đầu tiên trong trường học, vị trí việc làm tư vấn học sinh được bố trí một biên chế. Thông tư cũng quy định rõ, trường hợp không bố trí được biên chế thì bố trí giáo viên kiêm nhiệm hoặc hợp đồng lao động.
Những cách làm hay
Ghi nhận tại Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Tây Hồ), thời gian qua, nhà trường luôn chú trọng các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh. Theo đó, nhà trường thường xuyên tạo điều kiện cho học sinh được bày tỏ suy nghĩ, trao đổi tâm tư, tình cảm và giải tỏa những thắc mắc trong cuộc sống, trong học tập, trong quan hệ bạn bè, thầy trò hoặc những vấn đề tâm lý, giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên. Đặc biệt, chú trọng hỗ trợ và can thiệp đối với những học sinh gặp phải những khó khăn trong đời sống tâm lý để chủ động ngăn ngừa những tác động tiêu cực gây bất ổn ảnh hưởng đến học tập và đời sống sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra, nhà trường cũng chủ động thu thập những ý kiến đóng góp của học sinh, phụ huynh học sinh, giáo viên trong các vấn đề liên quan đến công tác tham vấn tâm lý nhằm góp phần thúc đẩy nhà trường phát triển toàn diện và bền vững.
Theo nhà giáo Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng Trường Marie Curie), từ năm 2018, Hệ thống Giáo dục Marie Curie đã thành lập Phòng tham vấn tâm lý học đường tại cơ sở Mỹ Đình với 5 cán bộ, nhân viên, có đủ trang thiết bị cần thiết và được cấp kinh phí hoạt động theo năm học. Năm 2022, nhà trường tiếp tục thành lập thêm Phòng tham vấn ở cơ sở mới Văn Phú với quy mô tương tự. Phòng tham vấn tâm lý hoạt động theo nguyên tắc “3C”, là viết tắt của: Chuyên môn - Chuyên nghiệp - Chuyên trách. Sau 5 năm hoạt động, nhà trường đã hỗ trợ hàng nghìn học sinh và phụ huynh. Phần lớn học sinh gặp khó khăn đều chủ động tìm đến Phòng tham vấn. “5 năm gần đây, các vụ việc mâu thuẫn trong học sinh giảm hẳn, tiến đến gần triệt tiêu. Đây có thể coi là thước đo hiệu quả của công tác tư vấn tâm lý học đường”, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang thông tin.
Tương tự, tại Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng) chia sẻ, nhà trường luôn bố trí 3 cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý. Là trường có “đầu vào” không chọn lọc nên nhà trường đặc biệt quan tâm rèn ý thức, nền nếp; giúp học sinh có “5 tự” gồm: Tự học - Tự chủ - Tự tin - Tự trọng - Tự chịu trách nhiệm. Từ nhận thức được tầm quan trọng của việc tự học, tự rèn, nhà trường tạo động lực cho học sinh phát triển bản thân thông qua việc tạo nhu cầu học tập, tạo môi trường học tập thân thiện cho học sinh. Để thực hiện các nội dung này, bên cạnh việc đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm thì đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý cũng được đặc biệt coi trọng.
Theo ghi nhận, thời gian qua, Bộ GD&ĐT luôn quan tâm và xác định hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh có vai trò quan trọng trong việc trợ giúp học sinh vượt qua những vấn đề về hành vi và học tập, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, dự phòng và ngăn chặn những diễn biến không lành mạnh về sức khỏe tâm lý của học sinh; trực tiếp tìm hiểu và can thiệp sớm những trường hợp mới có dấu hiệu rối nhiễu tâm lý; là cầu nối hỗ trợ cha mẹ chuyển học sinh tới những cơ sở trị liệu chuyên biệt hơn nếu cần thiết.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ chú trọng nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc quản lý của Bộ về tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học được quy định, trong đó tập trung tới vấn đề về các nguồn lực triển khai, quy trình, nội dung và bảng biểu đi kèm…
Phạm Thảo
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Hơn 1 triệu người đăng ký tài khoản “Công dân Thủ đô số” - iHanoi”
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Tin khác
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Xã hội 04/11/2024 19:26
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy
Giáo dục 04/11/2024 13:59
Bộ GD&ĐT cảnh báo việc giả mạo văn bản thông báo tổ chức Giải đạp xe
Giáo dục 04/11/2024 12:26
Nhiều điểm mới trong xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên
Giáo dục 02/11/2024 06:17
Kiến tạo chính sách để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo
Giáo dục 01/11/2024 20:58
Giải quyết trên tinh thần bảo đảm quyền lợi cho học sinh
Giáo dục 01/11/2024 20:36
Bác bỏ tin lộ đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn Toán tại quận Hai Bà Trưng
Giáo dục 01/11/2024 18:26
Lễ biểu dương học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu thành phố Hải Phòng năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 9/11
Giáo dục 01/11/2024 06:42
Tăng cường quản lý các trường tư thục và trường có yếu tố nước ngoài
Giáo dục 30/10/2024 21:02
Trường THCS Quang Lãng với phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”
Giáo dục 29/10/2024 06:58