Trước một thế giới đầy biến động
Khẳng định vị thế Việt Nam | |
10 sự kiện kinh tế nổi bật của Việt Nam năm 2017 | |
Thành công của Năm APEC 2017 tạo động lực mới cho đất nước |
Những thách thức an ninh lớn
Sau nhiều năm vật lộn để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng và suy thoái kéo dài, kinh tế thế giới năm 2017 bắt đầu có dấu hiệu phục hồi rõ rệt với mức tăng trưởng 3%. Mặc dù hoà bình, hợp tác vẫn là xu hướng chủ yếu, nhưng nhiều quốc gia vẫn chìm trong những cơn binh lửa, xung đột và đói khát.
Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng |
Các vụ khủng bố kinh hoàng vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều nước, đặt thế giới trước thách thức an ninh lớn: Vụ tiến công cuối tháng 11/2017 nhằm vào một đền thờ Hồi giáo ở Ai Cập khiến hơn 300 người chết; 59 người chết trong vụ xả súng ở Las Vegas, bang Nevada của Mỹ hồi đầu tháng 10/2017; hàng loạt vụ đâm xe trên đường phố gây thương vong xảy ra ở Anh, Thụy Ðiển, Pháp, Tây Ban Nha; vụ đánh bom kép trung tuần tháng 10/2017 ở Somalia cũng khiến hơn 300 người chết. Ðây là những vụ thảm sát đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của các nước này.
Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sau hơn 3 năm xuất hiện như một thứ quái thai của lịch sử (29/6/2014) đã bị đánh sập với thành trì cuối cùng của IS tại Syria và Iraq đã được giải phóng. Mặc dù IS đã bị đánh bật khỏi hai quốc gia này, nhưng thế giới vẫn chưa thể thở phào nhẹ nhõm do IS sẽ thay đổi phương thức hoạt động trong đó có kiểu “những con sói cô độc” tiến hành các vụ khủng bố tại nhiều nước.
Vụ xả súng ở Las Vegas, bang Nevada của Mỹ hồi đầu tháng 10/2017 |
Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh leo thang khi bốn nước A-rập gồm Bahrain, A-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao, phong tỏa các tuyến vận tải đường không, đường biển và đường bộ với Qatar do cáo buộc quốc gia vùng Vịnh này ủng hộ các phần tử cực đoan và tài trợ khủng bố. Cuộc khủng hoảng này được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng của khu vực.
Năm qua, tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên rất căng thẳng khi CHDCND Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ sáu vào tháng 9 có sức công phá lớn nhất từ trước tới nay và liên tục bắn thử các loại tên lửa mới phát triển có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cuối tháng 12 đã thông qua nghị quyết trừng phạt mới, là nghị quyết thứ tư trong năm 2017, nhằm vào Bình Nhưỡng. Mỹ và Hàn Quốc vẫn thực hiện các cuộc tập trận chung khiến bán đảo Triều Tiên càng chìm trong không khí thù địch. Theo khẩu khí của ông Trump, có lúc người ta tưởng chiến tranh là điều khó tránh khỏi. Diễn biến bất ngờ là CHDCND Triều Tiên đưa ra đề nghị đối thoại với Hàn Quốc khiến cho tình hình càng khó dự đoán.
Chuyển động lớn trong tam giác chiến lược Mỹ- Trung- Nga
Nhà báo Hồ Quang Lợi từng tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ và Văn học nước ngoài - ĐH Tổng hơp Bucaret (Rumani). Ông đã trải qua hầu hết các công việc khác nhau trong lao động báo chí, từ một phóng viên chiến trường, sau đó công tác thời gian dài ở báo Quân đội nhân dân, rồi chuyển qua báo Hà Nội mới trước khi đảm nhiệm chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Hiện ông giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Nhà báo Hồ Quang Lợi được biết đến là cây bình luận quốc tế sắc sảo, là một trong số những người đoạt nhiều giải báo chí toàn quốc và quốc gia nhất về thể loại chính luận, mảng bình luận quốc tế với 9 lần nhận giải báo chí quốc gia, trong đó có 5 giải A. |
Hơn một năm đã trôi qua sau khi ông Trump vào Nhà Trắng, nước Mỹ vẫn đang chập chờn trước câu hỏi: ông Trump là Tổng thống thứ 45 hay là “giám đốc điều hành” nước Mỹ? Vừa bước vào chính trường là chạy đua ngay vào Nhà Trắng, Donald Trump quả thực là một con người khác thường.
Giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng bằng những cách thức “vô tiền khoáng hậu” năm trước, năm vừa rồi đã điều hành nước Mỹ theo một cách thức không giống ai, 2 năm liền, Donald Trump được tạp chí Thời đại bình chọn là Người của năm.
Những quyết định của ông đã gây chấn động và đảo lộn lớn: Mỹ rút khỏi hoặc đàm phán lại hàng loạt hiệp định, thỏa thuận đa phương, như Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, Hiệp ước toàn cầu về di trú (GCM) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO)... Đặc biệt, tuyên bố của ông công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã đốt nóng khu vực Trung Đông, khiến 128 nước tại Liên hợp quốc bỏ phiếu phản đối quyết định này.
Khẩu hiệu của ông Trump là ”Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Năm qua kinh tế Mỹ tăng trưởng khá, nạn thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất hàng chục năm qua. Mặc dù vậy, cho dù ai làm tổng thống thì nước Mỹ vẫn phải đối mặt với những câu hỏi lớn sau đây: Mỹ sẽ vẫn đóng “vai trò lãnh đạo như Mỹ vẫn luôn đòi hỏi? Nước Mỹ dưới thời ông Trump sẽ tiếp tục vươn ra bên ngoài như siêu cường duy nhất, hay có xu hướng co về bên trong khi ông tuyên bố ” Tôi sẽ chăm lo cho nước Mỹ trước khi lo cho những nước khác trên thế giới”? Người ta có thể tìm thấy câu trả lời thực chất trong khi ông Trump công bố chiến lược Ấn Độ - Châu Á Thái Bình Dương. Phải chăng chiến lược này của Mỹ là để ứng phó với Sáng kiến Vành đai-Con đường của Trung Quốc?
Trung Quốc đang trỗi dậy với một tốc lực đáng kinh ngạc và một khát vọng cháy bỏng thật sự đáng ngại.“Hiện thực hóa công cuộc phục hưng vĩ đại đất nước Trung Quốc và giấc mơ Trung Hoa” là lời kêu gọi được phát đi như một lời hiệu triệu của ông Tập Cận Bình - người đứng đầu ban lãnh đạo thế hệ thứ năm của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Năm 2049, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tròn 100 tuổi, đó là cái mốc được các nhà lãnh đạo Trung Quốc xác định cho việc hoàn hiện những mục tiêu đã được xác định. Trung Quốc tiến hành thành công Ðại hội lần thứ 19 Ðảng Cộng sản Trung Quốc nhằm xác định vị trí lịch sử và phương hướng phát triển đất nước trong thời đại mới.
Đại hội 19 Đảng cộng sản Trung Quốc đã đưa sáng kiến Vành đai Con đường do ông Tập công bố, và đặc biệt đã đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào Điều lệ Đảng. Tất cả những điều đó cho thấy rõ hơn những bước đi trên cấp độ mới của một chiến lược đầy tham vọng.
Mặc dù bị phương Tây kéo dài lệnh cấm vận do Nga thu hồi bán đảo Crum và vấn đề Ucraina, nhưng nền kinh tế Nga vẫn trụ vững và đạt mức tăng trưởng 1,8%. Đặc biệt, vị thế quốc tế của Nga đã tăng lên do góp phần quan trọng đánh bại IS, không để vấn đề Syria bị trượt vào kịch bản của Mỹ.
Việc ông V. Putin tuyên bố ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ tư cho thấy nước Nga sẽ vẫn tiếp tục đi theo đường hướng hiện nay nhưng với phong thái mạnh mẽ hơn, đường bệ hơn. Lần thứ nhất, lần thứ hai, rồi lần thứ ba, và tới đây có thể là lần thứ tư, nước Nga vẫn quyết định trao quyền tối thượng lãnh đạo đất nước cho V. Putin, điều đó chứng tỏ quốc gia vĩ đại này vẫn rất cần một nhà lãnh đạo đầy bản lĩnh và quyết đoán như ông.
Điều gì đang đe doạ châu Âu?
Cũng không thể không nói tới một châu Âu nhiều năm liền chìm đắm và rối bời trong cuộc khủng hoảng nợ công, mãi tới gần đây dường như mới hoàn hồn với sự phục hồi chập chờn, yếu ớt. Đang phải căng sức đương đầu với cơn bão nợ công thì châu Âu phải đối mặt với dòng người tị nạn chạy trốn chiến tranh và xung đột từ các nước Trung Đông như Iraq, Syria, Libia, Afganistan…
Đúng lúc hai thảm cảnh nợ công và người tị nạn đang làm cho châu Âu điêu đứng thì nước Anh - một cường quốc của lục địa già - quyết định rời bỏ EU sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6-2016. Cuộc thoái lui tai hại này của nước Anh đã giáng một đòn nặng nề vào những nỗ lực đưa con tàu EU ra khỏi bão tố vào thời điểm gay go nhất. Cuối năm 2017, cuộc đàm phán gay go để Anh rời khỏi EU mới đi được nửa chặng đường và sẽ còn phức tạp.
Dù đã không biết bao nhiêu lần “chỉnh đốn” và “lên dây cót” củng cố, nhưng châu Âu vẫn tỏ ra quá mong manh trước các cuộc tấn công khủng bố với những “lỗ hổng chết người” về an ninh. Các cuộc tấn công khủng bố gần đây hầu hết do các phần tử cực đoan bị nhiễm độc tư tưởng của IS gây ra, trong đó có cả những tên khủng bố trà trộn trong dòng người tị nạn.
Sự kiện ông Trump thắng cử ở Mỹ đang kích thích các thế lực theo chủ nghĩa dân tuý trỗi dậy. Giới chức EU nỗ lực ngăn cản phong trào ly khai đang có xu hướng lan rộng tại các nước thuộc "lục địa già", nhất là sau khi chính quyền xứ Catalonia tại Tây Ban Nha tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về độc lập, gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại nước này.
Việt Nam -Vị thế chiến lược mới
Trong lúc thế giới bất ổn nghiêm trọng vì chiến tranh và xung đột, nhiều quốc gia rơi vào những cơn binh lửa thì Việt Nam được coi là “xứ sở của bình yên”. Năm 2017, Việt Nam đã triển khai nhịp nhàng các hướng quan hệ đối ngoại nhằm tạo cho đất nước một môi trường hòa bình, hợp tác vừa rộng mở vừa có chiều sâu.
Bao trùm và nổi bật là việc chúng ta đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò chủ nhà của Năm APEC 2017, mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Sự kiện này đã tạo hiệu ứng tích cực trên nhiều phương diện, tiếp tục khẳng định APEC là diễn đàn hợp tác, liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, làm nổi bật vai trò của Việt Nam đối với một sự kiện mang tầm vóc “toàn cầu”.
Như Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, thành công của sự kiện này đã tạo được một nhận thức mới, một niềm tin mới, một sức mạnh mới, khí thế mới cho hội nhập quốc tế, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đồng bào cả nước và cộng đồng doanh nghiệp. Riêng trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC đã có 121 thoả thuận được ký kết với tổng trị giá 20 tỷ USD.
Trước tất cả sức nén của đời sống quốc tế, nhất là cuộc cạnh tranh lợi ích rất gay gắt của các quốc gia, chúng ta đã làm rất tốt vai trò nước chủ nhà APEC, không chỉ ở hội nghị cấp cao, mà cả những nội dung, chương trình của APEC trong suốt một năm qua, gồm khoảng 243 hoạt động với sự tham gia của 21 nghìn người.
Trong bối cảnh đó, chúng ta đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, thực sự chứng tỏ “Việt Nam là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế”. Sự tích cực ở đây không chỉ bằng thái độ, bằng tâm thế mà là bằng khả năng đóng góp, thể hiện qua năng lực tổ chức hội nghị, điều hành các cuộc thảo luận để giải quyết những quan điểm khác biệt về những vấn đề có tính cốt lõi, đi đến những kết quả rất khả quan.
Quan hệ với các đối tác chủ chốt khác như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ đều được nâng cao về chính trị và kinh tế. Ta cùng các nước thành viên kiên trì nền tảng để tiếp tục thảo luận hướng tới một Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP), bảo đảm các lợi ích của Việt Nam.
Đặc biệt, trong dịp này đã đồng thời diễn ra hai cuộc thăm cấp nhà nước của hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, hai cuộc thăm chính thức của Thủ tướng Canada và Tổng thống Chile và gần 50 cuộc tiếp xúc cấp cao. Với Trung Quốc, đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19. Đây cũng là lần đầu tiên có một Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam ngay trong năm đầu nhiệm kỳ.
Các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là năm APEC Việt Nam 2017 với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung" đã xác lập vị thế quốc tế mới của Việt Nam, ghi đậm dấu ấn của nước ta trong tiến trình phát triển của APEC, thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới, đáp ứng mong muốn và lợi ích của tất cả các nền kinh tế thành viên, khẳng định quyết tâm của Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Năm qua, ASEAN đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập bằng một năm hợp tác sôi động và hiệu quả, khẳng định là một trong những tổ chức khu vực thành công trên thế giới, quyết tâm xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển.
Ta cùng các nước ASEAN và Trung Quốc chủ động thúc đẩy và nhất trí thông qua khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) và chính thức khởi động đàm phán COC. Ta thúc đẩy đàm phán và trao đổi về các vấn đề trên biển với các nước trong khu vực, đồng thời kiên quyết và kiên trì đấu tranh với các hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của ta.
Trước một thế giới đầy biến động và dễ bị tổn thương, với những thành công mới nổi bật cả về đối nội và đối ngoại, năm 2018 Việt Nam đang chuẩn bị cho mình một hành trang mới, một tâm thế mới, một khả năng thích ứng mới để tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn nữa vào đời sống quốc tế vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Hồ Quang Lợi
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Giá xăng dầu hôm nay (5/11): Giá dầu thế giới tiếp đà tăng mạnh
Tỷ giá USD hôm nay (5/11): Đồng USD thị trường tự do quay đầu giảm
Giá vàng hôm nay (5/11): Vàng trong nước đồng loạt giảm mạnh
Tuyên truyền Luật Thủ đô năm 2024 đến người lao động ngành Xây dựng Hà Nội
Ngắm nhìn vẻ đẹp của Hà Nội với loạt tranh vẽ bằng bút bi
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 5/11: Sáng sớm có mưa rào, trời chuyển rét
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Sự kiện 04/11/2024 22:07
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Sự kiện 04/11/2024 21:44
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Sự kiện 04/11/2024 21:37
Đại biểu Quốc hội: Cần nghiêm trị hành vi phá hoại môi trường dù là nhỏ nhất
Sự kiện 04/11/2024 16:33
Đại biểu đề xuất quan tâm đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động
Sự kiện 04/11/2024 16:19
Đại biểu Quốc hội: Không tăng lương khu vực công, nhưng phải tăng lương hưu và trợ cấp cho người có công
Sự kiện 04/11/2024 15:06
Đại biểu Quốc hội: Cần cơ chế đặc thù cho các địa phương bị thiệt hại do bão lũ
Sự kiện 04/11/2024 13:25
Đại biểu đề nghị xử lý nghiêm các vụ lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng
Sự kiện 04/11/2024 10:40
37 tỉnh, thành giảm 7 đơn vị hành chính cấp huyện, 373 đơn vị cấp xã sau sắp xếp
Sự kiện 01/11/2024 21:41
Luân chuyển, chỉ định Phó Bí thư Huyện ủy các huyện Yên Thành, Quế Phong
Sự kiện 01/11/2024 21:39