Tháng 5 về Điện Biên lịch sử
Ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức mở màn. Một cuộc chiến cam go, khốc liệt diễn ra giữa một bên là quân, dân của một đất nước chiến đấu cho chính nghĩa, cho độc lập tự do và một bên là đội quân của thực dân xâm lược.
Sau “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng, chí không mòn”, chiến thắng đã thuộc về đội quân chính nghĩa. Nhưng để có được chiến thắng ấy, bao người con ưu tú đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường…
Những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5, hàng chục nghìn du khách tìm về Điện Biên Phủ, nơi in dấu son lịch sử về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. |
70 năm chiến tranh đã lùi xa. Chiến trường xưa, hôm nay là những di tích lịch sử, những chứng tích với rất nhiều câu chuyện của một thời đạn bom, khói lửa khốc liệt. Trong dòng người về với mảnh đất Điện Biên hôm nay, có những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tự hào mang trên ngực những tấm huân chương; du khách quốc tế, học sinh, sinh viên... và cũng không ít người mới lần đầu đến với Điện Biên, đến với các di tích của chiến trường xưa. Mỗi người một cảm nhận, một tâm trạng, nhưng đều thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã hy sinh xương máu để làm nên chiến thắng.
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1 tại thành phố Điện Biên Phủ là một trong những điểm đến đầu tiên của chúng tôi khi về với Điện Biên - mảnh đất lịch sử hào hùng. Nghĩa trang xây dựng năm 1958, nằm cách Đồi A1 lịch sử vài trăm mét về phía Nam. Nghĩa trang là minh chứng cho tinh thần anh dũng, kiên cường của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nơi đây, có 644 mộ anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, nhưng có nhiều phần mộ không có tên, tuổi, thông tin quê quán, ngày hy sinh, đơn vị chiến đấu...
Du khách lắng nghe hướng dẫn viên kể chuyện lịch sử về những chiến công trên Đồi A1. |
Trải qua hai lần quy hoạch, sửa chữa và nâng cấp vào các năm 1994, 2013, Nghĩa trang trở thành một công trình văn hóa - lịch sử mang đậm dấu ấn thời gian, thể hiện sự tôn kính và tri ân sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ. Những nén nhang thơm được thắp trên từng phần mộ của các liệt sĩ, như lời tri ân của những người được sống trong tự do, hòa bình và độc lập hôm nay, luôn tưởng nhớ công lao của cha, anh đã ngã xuống.
Mỗi người khi đến đây đều mang nhiều cảm xúc, tại ngôi mộ của Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn - người đã lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội tiến lên, thân nhân của Anh cũng lặn lội từ tỉnh Cao Bằng đến để thắp hương, tri ân trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Lần đầu tiên đến Điện Biên, cựu chiến binh Nguyễn Thế Hoàn (thành phố Hà Nội) chia sẻ: “Thăm Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1, thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ, thấy rất tự hào về chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Tiếp nối truyền thống của cha anh, chúng tôi là những cựu chiến binh tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước may mắn được trở về, nguyện phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục truyền thống yêu nước để thế hệ trẻ sau này mãi nhớ về “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam”.
Ông Lò Văn Hoan (thành phố Hoà Bình) cũng chia sẻ: “Thế hệ được sinh ra khi đất nước đã hòa bình, được hưởng cuộc sống tự do và chỉ biết về Chiến dịch Điện Biên Phủ qua các tư liệu lịch sử, hôm nay, được đến mảnh đất Điện Biên, đứng trước những ngôi mộ liệt sĩ, tôi càng hiểu rằng hạnh phúc, hòa bình của ngày hôm nay có được là nhờ sự hy sinh xương máu của bao thế hệ đi trước”.
Hoa phượng vĩ đỏ thắm trên Đồi A1, thành phố Điện Biên Phủ. |
Rời Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1, chúng tôi di chuyển đến Đồi A1, trong chiến dịch Điện Biên Phủ đây là nơi ghi dấu những trận chiến đấu oanh liệt nhất của chiến dịch. Trong tổng số 56 ngày, đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa, để công phá cứ điểm này, quân ta đã mất tới 39 ngày chiến đấu với bao hy sinh, mất mát, nhiều trận giao tranh ác liệt, giành giật nhau từng tấc đất, từng mét chiến hào.
Hằng năm, di tích Đồi A1 tiếp đón rất đông du khách cả trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, nhất là vào dịp những ngày tháng 4 và tháng 5. Cựu chiến binh Mai Thành Văn (tỉnh Hưng Yên) xúc động cho biết: “Đến đây, mới cảm nhận được sự khốc liệt của cuộc chiến tranh còn lưu giữ trên mỗi hố bom, đường hào hay những hiện vật được trưng bày. Đối với chúng tôi, những người đã đi qua chiến tranh, đã từng sống những giây phút hào hùng và bi tráng của thời khói lửa, mới càng thật sự thấm thía ý nghĩa lớn lao của hòa bình và độc lập”.
Còn tại không gian Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hàng trăm hiện vật, tranh, ảnh tư liệu gắn liền với quá trình tổ chức chiến dịch vô cùng gian khổ và hào hùng được giới thiệu, tái hiện sinh động, rõ nét. Nơi đây, còn có bức tranh Panorama rộng lớn đã tái hiện sinh động, hình ảnh những chiến sĩ Điện Biên “khoét núi, ngủ hầm”, là những dân công hỏa tuyến bên chiếc xe thồ trên đường tới Điện Biên; hình ảnh tham gia chiến dịch của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Điện Biên; khí thế tiến công như vũ bão của quân và dân ta trên các cứ điểm và chiến thắng vang dội trên cứ điểm Điện Biên Phủ.
Du khách tham quan bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. |
Đến Điện Biên Phủ, được tận mắt thấy những hiện vật chiến tranh, những địa danh nổi tiếng gắn với Chiến thắng Điện Biên Phủ, em Lê Quỳnh Anh (thành phố Hoà Bình) cho biết: “Thông qua các hiện vật được trưng bày, giúp em hiểu thêm về cuộc chiến đấu anh dũng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Một chiến thắng gây chấn động địa cầu mà trước đây em chỉ được biết qua sách báo”.
Các điểm di tích tích lịch sử, như: Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng; Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; Hầm Đờ-Cát… mỗi di tích là những sự kiện lịch sử quan trọng trong bộ tư liệu tổng thể về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Mỗi hiện vật, mỗi bức phù điêu, tượng đài, những câu thơ và các bức vẽ được trưng bày đều toát lên khí thế hào hùng, quật khởi của quân và dân ta trong những ngày tháng cao trào của chiến dịch.
Sau 70 năm chiến thắng, Điện Biên vẫn vẹn nguyên những giá trị lịch sử, những chứng tích hào hùng về sự kiên cường, bất khuất của cả dân tộc, sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh. Những chiến công hiển hách cùng sự hy sinh anh dũng của quân, dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử sẽ mãi mãi trường tồn cùng non sông, đất nước.
Bài viết cùng chủ đề
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên PhủCó thể bạn quan tâm
Nên xem
Cơ hội làm việc tại Australia cho lao động Việt Nam
Trường THPT Quang Trung: Điểm sáng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi
Cải tạo một loạt chung cư cũ góp phần hạ nhiệt giá nhà
Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc
Chấn chỉnh lái xe buýt vi phạm Luật Giao thông đường bộ
Doanh nhân Vũ Minh Châu được vinh danh vì sự nghiệp phát triển ngành mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam
Đêm nay, Hà Nội cấm lưu thông trên đường Văn Khê
Tin khác
Tạo điều kiện để trẻ em khiếm thị tiếp cận công nghệ
Cộng đồng 22/12/2024 06:53
Nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Cộng đồng 21/12/2024 11:47
Quận Thanh Xuân biểu dương cán bộ làm công tác dân số
Xã hội 21/12/2024 10:19
Ra mắt tính năng nhận diện “Ứng dụng chính thức của Chính phủ” trên Google Play
Xã hội 20/12/2024 12:24
Tập huấn kỹ năng truyền thông về sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho cộng tác viên dân số
Xã hội 20/12/2024 06:53
Tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong năm 2025
Cộng đồng 19/12/2024 23:11
Quận Thanh Xuân hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số
Xã hội 19/12/2024 20:52
Xuân đẹp nhất khi còn bên bố mẹ
Cộng đồng 19/12/2024 17:42
Độc đáo nghề làm hoa tre
Cộng đồng 19/12/2024 16:30
Phát động chiến dịch “Những mùa xuân nguyên vẹn”
Cộng đồng 19/12/2024 13:21