“Thần giữ của”- vở chèo theo phong cách hài dân gian
Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Tôi kể chuyện lịch sử theo cách của tôi | |
“Quan Âm Thị Kính” tham gia hòa nhạc Hòa giải thế giới 2017 |
PV: Thưa anh, vở chèo “Thần giữ của” có phải được anh viết kịch bản dựa trên câu chuyện cổ tích đã quá quen thuộc với người Việt từ bao đời nay? Tại sao anh lại chọn câu chuyện này?
Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng |
Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Câu chuyện cổ tích này đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người, trong đó có tôi. Lúc còn nhỏ, tôi đọc tất cả những cuốn sách có trong nhà, cũng rất nhiều, và truyện cổ tích cũng không ngoại lệ. Câu chuyện này chính xác tôi đọc trong Kho tàng cổ tích Việt Nam của nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi, một trong những cuốn sách mà tôi rất thích bởi sự cẩn trọng trong việc phân loại cũng như đánh giá kho tàng cổ tích của cha ông ta, và cũng bởi lối hành văn cực kỳ nghiêm ngặt.
Câu chuyện “Thần giữ của” kể về một lái buôn ngoại quốc, sau khi vơ vét của cải bèn muốn mang về nước mình. Nhưng ngặt một nỗi hồi ấy triều đình ta có lệnh cấm rất nghiêm, không cho khách nước ngoài đưa vàng bạc ra khỏi bờ cõi. Hắn dùng mọi cách để dấu vàng bạc châu báu chờ thời cơ. Để trông chừng kho báu, hắn đã xây chùa và cưới một cô gái đồng trinh về làm thần giữ của. Nhưng bằng sự cảnh giác và mưu trí, cha con cô gái đã phát hiện âm mưu của hắn rồi báo với triều đình.
Tôi chọn câu chuyện này, lý do đầu tiên bởi cái kết có hậu, kẻ làm ác phải trả giá, nhưng cái sự trả giá ấy không tự nhiên theo lối có ông Bụt nào đó hiện lên giúp đỡ, mà bởi người tốt dùng trí thông minh để đưa kẻ ác vào bẫy. Khi sáng tác, tôi cố gắng vẫn giữ nguyên hồn cốt của câu chuyện, là bởi nếu sáng tác khác đi thì dễ hơn nhiều, nhưng như vậy mất hết những triết lý sâu xa bên trong.
Các cụ ngày xưa kể một câu chuyện cổ tích không phải chỉ để giải trí, mà chứa đựng rất nhiều kiến thức cũng như bài học luân lý. Và để chuyển tải dễ dàng những điều ấy, tôi viết kịch bản từ câu chuyện “Thần giữ của” vốn hơi ma mị và hoang đường theo phong cách hài dân gian. Là bởi, chất hài dân gian của các cụ ngày xưa, với tôi, luôn có tính giải trí rất cao và hợp với tạng viết của tôi.
PV: Tại sao lại là phong cách hài, thưa anh, bởi ai cũng biết, truyện cổ tích “Thần giữ của” là một câu chuyện hoàn toàn không có tính hài hước?
Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Tôi hay làm như vậy, là bởi tôi không có giới hạn nào cho việc viết kịch bản của mình. Vả lại những gì tôi làm cũng không có gì mới. Người ta vẫn biến câu chuyện tình bi thảm giữa Lan và Điệp thành hài kịch cơ mà. Vấn đề là chất hài dân gian sẽ làm câu chuyện trở nên dễ xem hơn, đó là điều hiển nhiên. Với tôi, khi viết kịch bản, bên cạnh những tiêu chí như qua kịch bản này muốn nói gì gửi gắm gì, thì tôi quan tâm một cách cực đoan đến việc liệu khi thành vở diễn, khán giả có chăm chú theo dõi hay không.
Một tác phẩm sân khấu có tính dự báo, tốt rồi, có tư tưởng, quá tốt, nhưng nếu nặng nề quá, không hấp dẫn, thì làm sao người xem quan tâm? Vả lại, một vở diễn thì phải có cái gì để xem, nếu ví với một bữa tiệc, thì phải là các món như âm nhạc, ánh sáng, trang trí, múa, hát, hài vv..Một số việc tôi không chủ động được vì còn phụ thuộc vào các thành phần sáng tác khác, nhưng những gì tôi chủ động được thì phải cố làm cho tốt.
PV: Nhà văn có thể nói thêm một chút về chất hài trong vở diễn này?
Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Một chút thôi nhé, bởi vở diễn đang trong giai đoạn sơ dựng. Nếu ai đã đọc truyện cổ tích “Thần giữ của” thì đều biết chuyện ông thương gia kia phải đi kiếm cô gái đồng trinh về làm thần giữ của. Trong kịch bản, tôi cho ông thương gia sai lũ đàn em đến đòi nợ bố cô gái, không trả được thì phải gán con gái để trả nợ. Cảnh đòi nợ ấy diễn ra hài hước nhưng đến đỉnh cao là chất bi, đúng với quy luật của đời sống cũng như của văn học nghệ thuật, cái hài khi lên đến tận cùng sẽ rất bi cũng như cái bi kịch lên đến đỉnh điểm thì hài không bút nào tả xiết.
Ngoài ra những cảnh kịch tính như xử án cũng được bắt đầu bằng lớp hài để giảm nhẹ không khí căng thẳng ở cuối cảnh, và góp phần lột tả được diễn biến tâm lý của nhân vật. Viết như vậy, vừa bám sát được nội dung câu chuyện vừa làm rõ hơn những gì tôi đọc và nhặt được trong kho tàng cổ tích quý báu của cha ông ta.
Một cảnh trong vở "Nàng thứ phi họ Đặng". |
PV: Lý do nào khiến anh chuyển từ đề tài lịch sử sang dân gian?
Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Không có lý do nào cụ thể cả, bởi tôi viết nhiều đề tài và thể loại khác nhau. Có thể với nhiều người, đề tài dân gian dễ được dàn dựng và biểu diễn hơn bởi nó không tốn kém như đề tài lịch sử, nhưng đó là việc khác. Còn với bàn phím, tôi đâu có mất chi phí gì? Tôi chọn đề tài cũng như câu chuyện là bởi đầu tiên nó làm tôi thấy quan tâm và rung động.
Từ khi trở lại với nghề viết kịch bản, tôi có thói quen đọc lại tất cả những gì mình đã từng đọc để phát hiện ra những điều mình chưa phát hiện được. Theo năm tháng, theo độ dày của kinh nghiệm và vốn sống, tôi bắt đầu phát hiện ra những điều to lớn ẩn sâu trong những câu chuyện tưởng chừng như bình dị và đơn giản nhất. Chỉ cần có một chi tiết nào, một nhân vật nào khiêu khích được tôi, là tôi bắt đầu tìm cách để thể hiện chúng ra, bởi nếu không, tôi sẽ rất mệt vì chứa quá nhiều thứ trong đầu.
PV: Hiện tại vở chèo “Thần giữ của” được dàn dựng đến đâu rồi, thưa nhà văn Nguyễn Toàn Thắng?
Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, vở diễn cũng chậm lại nhiều. Nhưng do yêu cầu của sân khấu truyền thống là liên tục phải tập từ hát, diễn, vũ đạo, nên các tốp nhỏ vẫn phải tập riêng, trên cơ sở tôn trọng những yêu cầu của cơ quan chức năng về phòng chống dịch bệnh. Chắc cũng phải một thời gian sau khi hết giãn cách xã hội thì mới có thể tiếp tục công việc như bình thường.
PV: Trong giai đoạn này, hẳn nhà văn có nhiều thời gian cho sáng tác hơn?
Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Thời gian đầu, tôi cũng cảm thấy khó chịu vì tuy làm nghề ngồi một chỗ, nhưng tôi rất hay đi. Tuy nhiên, chỉ sau đó ít ngày, tôi đã cố gắng tập trung, không để rơi vào cảnh “giá không có ruồi” như một truyện ngắn của nhà văn nổi tiếng Azit Nexin, mà dồn hết tâm trí để sáng tác. Đến ngày hôm nay thì tôi đã hoàn thành thêm ba kịch bản sân khấu về đề tài dân gian, và đang dồn tâm sức cho một số truyện ngắn đã lờ mờ hiện ra trong đầu. Vùi mình vào sáng tác, vừa là triệt để tự “cách ly” mình, vừa là để khi hết dịch đã yên tâm là có một số “lương khô”, sau đó có đi đâu xa thì cũng yên tâm.
PV: Cảm ơn nhà văn Nguyễn Toàn Thắng về cuộc trò chuyện cởi mở về nghề nghiệp này.
Bảo Thoa (thực hiện)
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Triệt phá ổ nhóm mua bán ma tuý có trang bị súng quân dụng
Tin bão mới nhất: Bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Giá xăng dầu hôm nay (14/11): Giá dầu thế giới phục hồi
Giá vàng hôm nay (14/11): Vàng nhẫn tăng nhẹ sau nhiều ngày giảm sâu
Thực hiện tốt việc tự quản, xây dựng phường Thành Công ngày càng phát triển
Chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật độc đáo tại Ga S8 - Cầu Giấy
Cơ quan thuế sắp triển khai hoãn xuất cảnh tự động
Tin khác
Đông về nhớ vị muối quê
Văn hóa 14/11/2024 07:31
Tác giả Mị Dung ra mắt tác phẩm văn học “Chùm Đảo ngồi nhớ Chùm Ruồi”
Văn hóa 12/11/2024 20:13
Phát hành bộ tem kỷ niệm 100 năm sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu
Xã hội 11/11/2024 21:12
Khi "thánh đường tri thức" được đánh thức bởi nghệ thuật sáng tạo
Văn hóa 10/11/2024 16:00
Sử dụng chất liệu dân gian trong sáng tạo: Góc nhìn mới về giá trị truyền thống
Văn hóa 10/11/2024 15:18
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024: Hội tụ và lan tỏa tinh thần sáng tạo Thủ đô
Văn hóa 09/11/2024 22:39
Phim lịch sử và chuyển thể văn học: Cơ hội phát triển mới cho điện ảnh Việt Nam
Văn hóa 09/11/2024 19:29
Khai mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII: Điểm đến của điện ảnh sáng tạo
Văn hóa 07/11/2024 22:53
"Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi" - Tiểu thuyết về đại dịch cháy hàng sau 5 ngày ra mắt
Văn hóa 06/11/2024 16:11
Hà Nội sẵn sàng cho Liên hoan phim quốc tế Hà Nội HANIFF VII
Văn hóa 05/11/2024 15:02