Quận Tây Hồ (Hà Nội): Có làm khó khi giải quyết hồ sơ cấp “sổ đỏ”
Công tác hòa giải ngày càng đi vào nề nếp, có hiệu quả Quyết liệt xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường |
“Om” hồ sơ cấp GCN quyền sử dụng đất hơn 3 năm
Phản ánh đến báo Lao động Thủ đô, bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo cho biết, ngày 1/2/1993, bà Thảo mua một ngôi nhà cấp 4 trên diện tích 151m2 của ông Nguyễn Quang Minh, tại số 32, đường 1, khu tập thể F361 An Dương, phường Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội), gia đình bà Thảo sinh sống liên tục tại đây cho đến nay và không xảy ra bất kỳ tranh chấp nào.
Khu dân cư gia đình bà Thảo sinh sống tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. |
Ngày 23/8/1997, do có nhu cầu xây dựng nhà ở cao tầng, bà Thảo đã làm đơn xin phép xây dựng gửi UBND quận Tây Hồ và văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội. Ngày 8/11/1997, gia đình bà Thảo được Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội cấp giấy phép xây dựng số 266/GPXD trên diện tích đất 150m2, tại lô đất gia đình bà Thảo đang sử dụng với các hạng mục: Cải tạo nhà cũ 1 tầng cấp 4 thành nhà ở gia đình cao 3 tầng có tầng trệt...
“Tháng 7/2011, gia đình tôi đã nộp đủ hồ sơ hợp lệ xin cấp GCN quyền sử dụng đất (UBND phường Yên Phụ ngày 28/11/2014 xác nhận bà Thảo đã đăng ký kê khai và nộp đủ hồ sơ hợp lệ xin cấp GCN quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở ngày 5/7/2011), nhưng trải qua 3 năm 4 tháng, hồ sơ bị nhiều lần trả đi, trả lại hồ sơ, gây thiệt hại và khó khăn cho gia đình tôi”, bà Thảo trình bày.
Sau hơn 3 năm bị “om” hồ sơ, cùng nhiều lần kiến nghị, đối thoại giữa gia đình bà Thảo với UBND quận Tây Hồ; ngày 24/11/2014 UBND quận đã có Quyết định số 3701/QĐ-UBND, về việc cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho gia đình bà Thảo. Tuy nhiên, quyết định này lại căn cứ theo khoản 2, khoản 4, Điều 19 và khoản 2, Điều 46 theo Quyết định 24/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, về việc “Xử lý những trường hợp có vi phạm pháp luật về đất đai trước ngày 1/7/2004 và buộc gia đình bà Thảo phải nộp 50% tiền sử dụng đất cho diện tích 90m2, nộp 100% tiền sử dụng đất nhân hệ số K vượt hạn mức cho diện tích 58.7m2.
Không đồng ý với Quyết định 3701/QĐ-UBND của UBND quận Tây Hồ, ngày 3/12/2014, bà Thảo có đơn kiến nghị gửi quận đề nghị giải thích rõ các nội dung trong Quyết định trên. Tuy nhiên theo bà Thảo trình bày, phải đến ngày 10/2/2015, bà mới nhận được văn bản trả lời của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quận Tây Hồ văn bản số 341/TN&MT đề ngày 24/12/2014.
“Trong nội dung văn bản trả lời, UBND quận quy kết tôi thuộc trường hợp lấn chiếm, hoặc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuộc trường hợp phải xin phép theo quy định của luật… Tôi đã liên tục gửi đơn khiếu nại văn bản trả lời số 341/TN&MT và Quyết định 3701/QĐ-UBND vào các ngày 10/3/2015, 16/4/2015, 21/4/2015… và lần gần nhất là ngày 12/8/2022, nhưng UBND quận Tây Hồ đều đưa ra lý do là đã hết thời hạn khiếu nại để không giải quyết đơn của tôi”, bà Thảo phản ánh.
Việc xác định nguồn gốc đất đã khách quan?
Gần 9 năm khiếu nại văn bản trả lời số 341/TN&MT và Quyết định 3701/QĐ-UBND của UBND quận Tây Hồ, hàng chục lá đơn kiến nghị được gửi đến các cơ quan chức năng từ Bộ TN&MT, UBND thành phố Hà Nội, Sở TN&MT Hà Nội… và cũng đã có nhiều văn bản trả lời, văn bản tiếp nhận, chỉ đạo xác minh làm rõ đơn thư khiếu nại của bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo. Tuy nhiên đến thời điểm này, nội dung khiếu nại của bà Thảo vẫn chưa được giải quyết “thấu tình, đạt lý”.
Thậm chí, bất chấp việc Thanh tra Bộ TN&MT ngày 23/4/2025 đã có văn bản số 95/TTr-TDXLĐT, về việc giải quyết đơn của công dân gửi UBND quận Tây Hồ và thành phố Hà Nội nêu rõ, Quyết định số 3701/QĐ-UBND của UBND quận Tây Hồ về việc cấp GCN quyền sử dụng đất của bà Thảo được xác định nghĩa vụ tài chính phải nộp theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành là chưa đúng. Bà Thảo khiếu nại Quyết định 3701/QĐ-UBND, nhưng Chủ tịch UBND quận Tây Hồ không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại mà chỉ có văn bản trả lời là chưa đúng quy định của Luật Khiếu nại… Mặc dù vậy, đến thời điểm này phía UBND quận Tây Hồ vẫn “im lặng” và không ban hành quyết định giải quyết đơn thư khiếu nại với bà Thảo.
Không chỉ không ban hành quyết định giải quyết đơn thư khiếu nại của bà Thảo, hồ sơ cho thấy còn có sự “vênh nhau” trong quá trình giải quyết vụ việc và xác định nguồn gốc đất của gia đình bà Thảo giữa UBND quận Tây Hồ và UBND phường Yên Phụ. Cụ thể, theo công văn số 999/UBND-TN&MT ngày 26/9/2013 của UBND quận Tây Hồ, thì phường Yên Phụ phải liệt gia đình bà Thảo vào trường hợp đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng sau ngày 15/10/1993 và trước ngày 1/7/2004.
Tuy nhiên, tại văn bản số 254/CV-UBND, ngày 27/9/2014 của UBND phường Yên Phụ đã có ý lại ý kiến khác với của UBND quận Tây Hồ khi cho rằng, UBND quận căn cứ Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn luật, hồ sơ kê khai bổ sung của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo “thì việc áp dụng hướng dẫn tại Công văn số 999/UBND-TN&MT của quận Tây Hồ là không phù hợp”. Không chỉ vậy, tại các văn bản ngày 28/2/2022, ngày 18/3/2022 của UBND phường Yên Phụ báo cáo gửi UBND quận Tây Hồ về việc xác minh, kiểm tra nguồn gốc đất của gia đình bà Thảo đều cho thấy, diện tích đất của bà Thảo được xác định mua bán và có tài sản trên đất từ trước ngày 15/10/1993.
Tại văn bản số 201/UBND-ĐC, ngày 26/7/2022 của UBND phường Yên Phụ gửi UBND và Phòng TN&MT quận về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nguồn gốc đất và quá trình sử dụng nhà, đất của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo cũng thể hiện: Từ trước năm 1989, trên phần diện tích đất của gia đình ông Minh (người bán nhà cho bà Thảo - PV) có ngôi nhà cấp 4, diện tích khoảng 30m2 do gia đình ông Minh sử dụng để ở… sau đó nhượng lại cho gia đình bà Thảo.
Bất chấp những ý kiến chỉ đạo của các ban, ngành Thành phố và văn bản xác minh nguồn gốc đất, cùng ý kiến cư dân của UBND phường Yên Phụ, tại buổi làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Duy Mạnh - Chuyên viên Phòng TN&MT quận Tây Hồ cho rằng, quận đã trả lời ý kiến và UBND quận ban hành Quyết định 3701/QĐ-UBND là đúng quy định pháp luật. Theo vị đại diện này, nếu bà Thảo không đồng ý với ý kiến trả lời của quận thì có thể gửi đơn khiếu kiện ra Tòa án nhân dân để giải quyết.
Trước nội dung trả lời của đại diện Phòng TN&MT quận Tây Hồ, bà Thảo cho biết, bà đã từng nộp đơn khiếu nại ra Tòa án nhân dân quận, tuy nhiên Tòa án không thụ lý đơn của bà do không có quyết định giải quyết đơn thư khiếu nại, mà chỉ có Thông báo giải quyết khiếu nại từ quận. Sau gần 9 năm gửi đơn khiếu nại khắp nơi, đến thời điểm này bà Thảo cho biết, quyền lợi hợp pháp của gia đình bà vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng và đây chính là lý do khiến bà tiếp tục khiếu kiện.
Trao đổi về nội dung này, Luật sư Đào Đăng Sơn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, tại Điểm d, khoản 1, Điều 100 Luật Đất đai 2013 quy định, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993 được UBND cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993 thì được cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất. Đối với trường hợp gia đình bà Thảo được UBND phường xác nhận như vậy, thì không thuộc đối tượng phải nộp tiền sử dụng đất khi được cấp GCN quyền sử dụng đất.
Về nội dung phản ánh liên quan đến Luật Khiếu nại, theo luật sư Sơn, Luật Khiếu nại năm 2011 có quy định, người giải quyết khiếu nại phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 6, Luật Khiếu nại năm 2011, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, quy định rất rõ: “Ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định”. Căn cứ vào Luật Khiếu nại và các tài liệu bà Thảo phản ánh, thì UBND quận Tây Hồ cần xem xét lại quá trình giải quyết khiếu nại đối với trường hợp của bà Thảo để tránh đơn thư và khiếu kiện kéo dài.
Tuấn Minh
Nên xem
Nhiều trải nghiệm thực tế thú vị tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024
Phải xây dựng được mô hình bộ máy tinh gọn, khoa học hiệu quả
Quận Thanh Xuân diễn tập chữa cháy tại Khu đô thị Royal City
Tặng quà của Chủ tịch nước cho người có công dịp Tết Ất Tỵ 2025 kịp thời, đầy đủ
Hầu hết các ngành nghề có triển vọng lương tích cực
Prudential và HSBC hợp tác lấy trải nghiệm của khách hàng làm trọng tâm
Hà Nội điều chỉnh bảng giá đất, nơi cao nhất gần 700 triệu đồng/m2
Tin khác
Các bến, bãi, trạm trộn bê tông không phép ở Sóc Sơn - Kỳ 4: "Quả bóng" trách nhiệm
Điều tra - bạn đọc 05/12/2024 14:24
Kỳ 3: 2 trạm trộn bê tông xả thải ra sông Cầu?
Điều tra - bạn đọc 30/11/2024 19:49
Kỳ 2: Hàng loạt bãi vật liệu xây dựng “ăn theo” cảng Hòa Bình
Điều tra - bạn đọc 28/11/2024 12:32
Các bến, bãi, trạm trộn bê tông không phép ở Sóc Sơn - Bài 1: Cảng Hòa Bình bị phạt vẫn... bình yên
Điều tra - bạn đọc 26/11/2024 21:52
Vì sao Chứng khoán Smart Invest bị phạt tiền tỷ?
Điều tra - bạn đọc 23/11/2024 15:04
Công an tỉnh Kiên Giang phản hồi đơn tố cáo của bạn đọc báo Lao động Thủ đô
Điều tra - bạn đọc 02/11/2024 14:22
Liên quan đến loạt bài “Xâm phạm hồ Trị An”: Huyện Định Quán mắc mớ gì mà chưa báo cáo?
Điều tra - bạn đọc 14/10/2024 10:44
Liên quan đến loạt bài “Xâm phạm hồ Trị An”: Chỉ có Tỉnh uỷ Đồng Nai mạnh mẽ vào cuộc
Điều tra - bạn đọc 19/09/2024 09:12
Cần nghiêm trị những "bảo mẫu" có hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em
Điều tra - bạn đọc 05/09/2024 15:50
Công an xã Văn Đức (Gia Lâm): Không có căn cứ để thiết lập hồ sơ theo đơn thư phản ánh
Điều tra - bạn đọc 28/08/2024 10:24