Những kỷ vật về một thời hoa đỏ
Lời tri ân và những kỷ vật của tù nhân Côn Đảo | |
Những kỷ vật trường tồn với thời gian |
Mỗi kỷ vật, một câu chuyện
Càng gần đến ngày Quốc khánh 2/9, Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) càng như trở nên đông đúc, nhộn nhịp hơn bởi những đoàn khách từ khắp nơi tìm về để tham quan, tìm hiểu và cùng nhau ôn lại một thời hào hùng của dân tộc. Theo ông Bảng, ý tưởng về việc thành lập bảo tàng cách đây khoảng vài chục năm về trước, khi đó ông là Hạt trưởng Hạt quốc lộ 1, chỉ huy sửa chữa Cầu Giẽ (Hà Tây cũ).
Khu trưng bày tại Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày |
“Năm 1985, tôi được giao phụ trách mảng giao thông. Trong quá trình sửa chữa Cầu Giẽ, anh em công nhân trong đơn vị phát hiện ra một quả bom tấn nằm ngay dưới chân cầu. Sau khi vớt lên, rút thuốc ra, chúng tôi cho xây một cái bệ ngay trước cầu rồi đặt quả bom lên để trưng bày. Việc làm này đã thu hút được sự chú ý của đông đảo mọi người.
Lúc đó trong tôi bất chợt nghĩ rằng, góc khuất của cuộc chiến tranh đó là máu, xương của người chiến sĩ, những người đồng đội của mình. Cần phải đi tìm những kỷ vật của thời chiến để gìn giữ và thể hiện tấm lòng tri ân đồng đội, những người đã ngã xuống vì quê hương, đất nước đồng thời nhắc nhở cho các thế hệ mai sau hiểu thêm ý nghĩa của hòa bình, tự do” – ông Bảng nhớ lại.
Được sự động viên, cổ vũ của đồng đội, ông Bảng bắt đầu lên đường đi khắp trong Nam, ngoài Bắc để sưu tập, tìm kiếm các di vật, kỷ vật chiến tranh do các đồng đội, các cựu chiến binh còn lưu giữ lại. Đến ngày 11/10/2006, “Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày” chính thức được thành lập với hơn 2.000 hiện vật.
Đến nay, sau nhiều năm thu thập kỷ vật, “gia tài” của ông Bảng và những người đồng đội là khoảng 2.000 m2, chia làm hai khu với 10 gian trưng bày, với hơn 5.000 tư liệu, hình ảnh, hiện vật tái hiện sự khốc liệt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta và đặc biệt là tinh thần bất khuất, kiên trung của các chiến sĩ cách mạng trong các nhà tù của thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai. Mỗi kỷ vật nơi đây, đều mang trong mình những ký ức riêng.
Đó có thể là chiếc roi dùng để tra tấn người tù là một trong những dụng cụ tra tấn khủng khiếp. Những chiếc roi làm bằng đuôi cá đuối có khi dài tới hai mét, gai lởm chởm như gai mây. Khi roi vung lên, nó cuốn vào thân thể như con rắn độc với những chiếc răng sắc nhọn ghim sâu vào thân thể. Lúc rời ra, nó lôi theo cả da thịt tù nhân…
Được treo trang trọng giữa khu nhà chính là lá cờ Đảng và tấm chân dung Hồ Chủ Tịch được nhuộm bằng máu của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù Phú Quốc. Hình búa liềm ở giữa lá cờ được tạo nên từ những viên thuốc ít ỏi mà các chiến sĩ cách mạng có được đem mài ra, pha thành màu để vẽ. Ở chốn lao tù, một viên thuốc còn quý hơn máu.
Tuy vậy, nhiều người tù sức khỏe yếu song dứt khoát không uống thuốc, để dành làm màu vẽ cờ Đảng. Trong ngục, để giữ được lá cờ đó, các chiến sĩ đã cuốn nhỏ lá cờ vào túi nilong, dùng dây chỉ buộc vào răng, thả trôi vào họng mỗi lần địch lục soát. Những lúc “an toàn”, lá cờ lại được lấy ra treo ngay ngắn trên tường để củng cố quyết tâm đấu tranh của các chiến sĩ trong ngục.
Rồi ở một góc bảo tàng, một cành ổi khẳng khiu được ươm chăm chút cẩn thận với những mầm xanh đang khẽ cựa mình. “Cành này chiết từ cây ổi mọc trên phần đất trước kia là hố chôn tập thể giữa đảo Phú Quốc. Nó vươn lên từ mảnh đất thấm máu xương của đồng đội chúng tôi. Trong thân, cành, lá, quả của nó là linh hồn của biết bao liệt sĩ” - ông Bảng xúc động.
“Tiếp lửa” truyền thống
Tiên phong cho mô hình bảo tàng tư nhân ở Việt Nam nhưng “Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày” không vì thế mà thiếu đi sự chuyên nghiệp. Các khu vực trong Bảo tàng đều được phân chia rất khoa học, hợp lý và mỗi khi khách đến tham quan đều được các hướng dẫn viên hướng dẫn, thuyết minh một cách tận tình, tỉ mỉ.
Trong đó có: Khu đền thờ Bác Hồ cùng các liệt sĩ đã hy sinh ở nhà tù Phú Quốc và các chiến trường; khu lưu giữ bút tích của Bác Hồ; khu lưu giữ vật dụng và nhiều bức ảnh tư liệu về chiến tranh chống Mỹ; khu trưng bày hình ảnh, mô hình về các thủ đoạn tra tấn và chứng tích về tội ác của Mỹ - Ngụy; khu giới thiệu hoạt động đấu tranh của những chiến sỹ, đảng viên trong nhà tù Phú Quốc; khu quản lý chung hoạt động của bảo tàng...
Một số hiện vật tại bảo tàng |
Đặc biệt, Bảo tàng có đội ngũ hướng dẫn viên có “một không hai”, đó là 15 cựu chiến binh. Họ góp phần tạo lên những ấn tượng đặc biệt với các đoàn du khách sau mỗi chuyến thăm Bảo tàng. Có những người đã ngoài 80 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đạp xe hàng chục cây số đến đây để thắp cho đồng đội nén nhang, gặp gỡ bạn bè, đồng chí cũ. Mọi người đều đến đây với tinh thần tự nguyện, như nhà của mình, thấy việc thì làm, mỗi người góp chút công sức như một sự tri ân với đồng đội đã hi sinh.
Ngày 11/10/2006, “Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày” được tỉnh Hà Tây cũ cho phép thành lập và đã trở thành một trong những bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam được công nhận. Đây cũng là nơi tiên phong cho phong trào khuyến khích mô hình “xã hội hóa” công tác “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng và Nhà nước. |
Hơn một thập niên ra đời, Bảo tàng đã trở thành điểm đến của nhiều đoàn khách. Mỗi đoàn khách có một mục đích khi đặt chân đến bảo tàng. Người muốn hoài niệm quá khứ, người muốn về thăm đồng đội, người tò mò muốn biết thế hệ cha ông đã phải đối diện với các hình thức tra tấn nào của quân địch...
Dù mục đích nào, nhưng điều có thể nhìn thấy trong mắt những du khách này đó là sự cảm phục về ý chí, tinh thần quả cảm của những người lính cách mạng. Hai chữ “hoà bình” có lẽ được trân trọng và thấu hiểu hơn trong mỗi du khách đến thăm quan.
Với những nỗ lực sưu tầm, lưu giữ nhiều kỷ vật thiêng liêng cùng các hoạt động ý nghĩa, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã nhiều lần vinh dự được các cấp lãnh đạo Trung ương và Thành phố Hà Nội khen thưởng, chi bộ Đảng của Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày nhiều năm liền là chi bộ đảng trong sạch vững mạnh.
Riêng đối với cá nhân ông Lâm Văn Bảng đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô năm 2014. Năm 2016, kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, Bảo tàng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Ngoài ra, Bảo tàng còn được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng 2 Bằng khen; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng 5 Bằng khen.
Tuấn Dũng
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Vạch trần thủ đoạn của nhóm đối tượng đấu giá 30 tỷ đồng/m2 đất tại Sóc Sơn
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Sôi nổi Ngày hội văn hóa thể thao khối trường học huyện Đông Anh
Ngắm tận mắt vườn cam Xã Đoài có diện tích lớn hàng đầu Việt Nam
Bảo đảm an toàn giao thông cho chuỗi sự kiện kỷ niệm lớn
"Điểm mặt" 3 sàn ngoại hối lừa đảo vừa bị Công an Hà Nội triệt phá
Chờ đón tiếng dương cầm của Đặng Thái Sơn tại Nhà hát Hồ Gươm ngày 21/12
Tin khác
Bảo đảm an toàn giao thông cho chuỗi sự kiện kỷ niệm lớn
Sự kiện 22/12/2024 10:22
Phải xây dựng được mô hình bộ máy tinh gọn, khoa học hiệu quả
Sự kiện 21/12/2024 18:22
Công ty Điện lực Thường Tín tổ chức hội nghị tri ân khách hàng năm 2024
Sự kiện 20/12/2024 12:18
Còn nhiều vi phạm về trật tự xây dựng tại khu vực bãi sông
Sự kiện 19/12/2024 16:30
Khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024
Sự kiện 19/12/2024 15:20
Thủ tướng chỉ đạo gỡ vướng mắc cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng
Sự kiện 18/12/2024 13:20
Triển khai công tác Tư pháp năm 2025: Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước
Sự kiện 17/12/2024 13:45
Nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân
Sự kiện 17/12/2024 11:50
Thành phố Hồ Chí Minh: Thông qua nhiều quyết sách quan trọng về an sinh xã hội
Sự kiện 17/12/2024 09:41
Quy định rõ việc cấm quảng cáo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trẻ em
Sự kiện 15/12/2024 22:32