Những điều cần biết về An toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội
Nâng cao kiến thức về An toàn lao động và Bảo hiểm xã hội | |
Công đoàn Việt Nam - Niềm tin của người lao động | |
Nỗ lực nâng cao kiến thức cho công nhân |
Buổi Giao lưu nhằm giải đáp những vướng mắc liên quan đến vấn đề An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Bảo hiểm xã hội (BHXH), đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người lao động (NLĐ) về ATVSLĐ, BHXH.
Các đại biểu tham dự buổi giao lưu trực tuyến. |
Tới dự buổi giao lưu trực tuyến có các đồng chí: Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam; Lê Đình Hùng – Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội; Nguyễn Bá Châu - Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng LĐLĐ TP; Lê Thị Bích Ngọc – Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ TP, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Phí Đắc Thực – Phó Ban Dân vận Huyện ủy Hoài Đức; Trần Thu Hòa – Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hoài Đức; Nguyễn Duy Hồng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương; Chu Hương Giang – Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty.
Tham gia giao lưu, trả lời những thắc mắc trực tiếp của công nhân lao động cũng như bạn đọc trực tuyến qua internet có các chuyên gia: Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm An toàn lao động, Viện Khoa học và An toàn vệ sinh lao động – Tổng LĐLĐ Việt Nam; bà Dương Thị Minh Châu – Trưởng phòng Chế độ BHXH TP Hà Nội; Luật sư Nguyễn Văn Hà – Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Đồng chí Lê Đình Hùng – Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội phát biểu tại buổi giao lưu. |
Đặc biệt, tới tham gia buổi giao lưu còn có hơn 200 cán bộ, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương và cán bộ công đoàn cơ sở khối trường học, doanh nghiệp trực thuộc LĐLĐ huyện.
Hiểu các chế độ BHXH, ATLĐ để thực hiện đúng luật
Phát biểu khai mạc buổi Giao lưu, đồng chí Lê Thị Bích Ngọc – Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết: Hiện nay, mặc dù việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến ATVSLĐ và BHXH tới CNVCLĐ đã được các cấp, các ngành, đặc biệt là tổ chức công đoàn thực hiện thường xuyên, với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Song, việc hiểu hết và hiểu đúng các quy định pháp luật về ATLĐ, đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội như BHXH, BHYT, BHTN để áp dụng vào thực tế, đối với CNVCLĐ vẫn còn nhiều hạn chế, lúng túng.
Bà Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi giao lưu. |
Hiểu các chế độ BHXH, ATLĐ để làm đúng, vừa là thực hiện đúng luật, đúng nghĩa vụ, vừa là tự bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình. Chính vì những lẽ đó mà việc tuyên truyền nâng cao kiến thức hiểu biết pháp luật cho NLĐ về BHXH và ATLĐ là điều rất cần thiết, đòi hỏi mỗi tổ chức công đoàn của các đơn vị phải nỗ lực trong việc tuyên truyền nâng cao kiến thức cho NLĐ.
Có hiểu biết pháp luật thì NLĐ mới có ý thức chấp hành, thực hiện tốt nghĩa vụ đồng thời có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, nhờ đó hạn chế được hiện tượng đình công, kiện tụng, tranh cãi,... trong mối quan hệ giữa NLĐ và NSDLĐ, phòng tránh được những tai nạn lao động đáng tiếc.
Bà Trần Thu Hòa – Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hoài Đức phát biểu tại buổi giao lưu. |
Với mục đích và ý nghĩa đó, báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ huyện Hoài Đức, Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Những điều cần biết về ATVSLĐ và BHXH”. Với kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu rộng của mình, các chuyên gia sẽ truyền đạt, hướng dẫn và giải đáp các vấn đề về ATVSLĐ và BHXH mà NLĐ quan tâm.
Cùng phát biểu tại buổi giao lưu, đồng chí Trần Thu Hòa – Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hoài Đức cho hay, để thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ, trong những năm qua, LĐLĐ huyện Hoài Đức đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn Thành phố và huyện; có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động với các nhiệm vụ giải pháp cụ thể, trong đó, đặc biệt chú trọng công tác ATVSLĐ.
Toàn cảnh buổi giao lưu. |
LĐLĐ huyện thời gian qua đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia kiểm tra, giám sát tại các đơn vị, doanh nghiệp về việc thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.
Mặc dù, có rất nhiều khó khăn nhưng toàn thể cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ huyện Hoài Đức đã nỗ lực, tổ chức các hoạt động sôi nổi, phong phú và hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề mỗi năm theo yêu cầu của LĐLĐ Thành phố chỉ đạo. Đồng thời, quan tâm chăm lo tốt hơn đời sống, việc làm, thu nhập của CNVCLĐ, an toàn vệ sinh lao động và các chế độ chính sách của NLĐ được đảm bảo, NLĐ yên tâm công tác, không có đơn thư khiếu kiện hay tranh chấp lao động, chưa xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể, bãi công, đình công trên địa bàn huyện.
Buổi Giao lưu trực tuyến thu hút hàng trăm công nhân tại Cụm Công nghiệp Di Trạch đến tham gia. |
Đến dự và phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng cho biết đây thật sự là một hoạt động có ý nghĩa của Báo Lao động Thủ đô, LĐLĐ huyện Hoài Đức và doanh nghiệp trong bối cảnh công tác tư vấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ đang là một nhiệm vụ cấp bách. Đặc biệt, hoạt động này càng thiết thực hơn khi diễn ra ngay trong Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019.
Theo Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng, lâu nay, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNVCLĐ luôn là một nhiệm vụ được tổ chức công đoàn và các cấp ngành quan tâm thực hiện, thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật cho NLĐ. Đây cũng là cách tốt nhất để NLĐ có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa.
Ban Tổ chức tặng hoa các chuyên gia tại buổi Giao lưu. |
Riêng báo Lao động Thủ đô với chức năng là cơ quan ngôn luận của LĐLĐ Thành phố, diễn đàn của CNVCLĐ, trong thời gian qua đã tích cực phát huy thế mạnh của báo Điện tử - một kênh thông tin nhanh chóng, đa chiều để tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến về các vấn đề mà bạn đọc và CNLĐ quan tâm, nhất là về chế độ chính sách pháp luật, tích cực tham gia cùng tổ chức công đoàn, các cấp ngành phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNLĐ.
Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng đề nghị CNLĐ hãy thẳng thắn, mạnh dạn nêu nhiều câu hỏi để tìm hiểu rõ về các chính sách này và đề nghị các chuyên gia sẽ vận dụng tốt các kiến thức lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực tiễn, trang bị thông tin đầy đủ, thiết thực nhất đối với NLĐ.
Các chuyên gia trả lời trực tiếp tại buổi giao lưu: TS. Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm An toàn lao động, Viện khoa học và An toàn vệ sinh lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng Phòng Chính sách chế độ BHXH TP Hà Nội và Luật sư Nguyễn Văn Hà - Đoàn Luật sư TP Hà Nội. |
Các chuyên gia giải đáp câu hỏi trực tiếp của NLĐ
Vương Thị Hằng Mong - Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương: Trong thời gian vừa qua các chính sách về BHXH, chính sách liên quan tới chế độ nghỉ hưu gây ra những băn khoăn, lo lắng cho người lao động. Người lao động trực tiếp tham gia lao động sản xuất tại các doanh nghiệp thì rất khó có thể làm việc theo quy định mới được áp dụng từ năm 2018 chẳng hạn về mức lương hưu kể từ 01/01/2018. Vậy đề nghị các chuyên gia giải thích thêm về nội dung này của Luật BHXH được áp dụng từ năm 2018 để chúng tôi rõ hơn?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Nhiều người lao động vẫn băn khoăn về mức đóng BHXH cao nhưng quan điểm của ngành BHXH là với mức đóng càng cao thì mức hưởng càng lớn, nếu người lao động muốn đóng mức thấp hơn thì mức hưởng sẽ thấp hơn. Những khó khăn khi tăng mức đóng BHXH nếu có thì thuộc về doanh nghiệp chứ không phải là của người lao động vì doanh nghiệp phải đóng nhiều hơn.
Về mức lương hưu kể từ 01/01/2018 của NLĐ như sau:
– Về hưu trước ngày 01/01/2018 Người lao động nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 tỉ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ mức tối đa bằng 75% Nam: Tỉ lệ hưởng lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 15 năm) x 2% Nữ: Tỉ lệ hưởng lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 15 năm) x 3% .
Chị Vương Thị Hằng Mong đặt câu hỏi về cách tính mức lương bình quân để tính lương hưu của người lao động. |
– Về hưu từ ngày 01/01/2018 Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỉ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75% nữ: Tỉ lệ hưởng lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 15 năm) x 2% Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018 trở đi, tỉ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH dưới đây, sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75% nam:
Về hưu từ 01/01/2018: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 16 năm) x 2%; Về hưu từ 01/01/2019: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 17 năm) x 2%; Về hưu từ 01/01/2020: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 18 năm) x 2%. + Về hưu từ 01/01/2021: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 19 năm) x 2%;Về hưu từ 01/01/2022: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 20 năm) x 2%.
Công nhân Đào Văn Lâm: Nếu chủ doanh nghiệp không đóng BHXH cho NLĐ theo như hợp đồng lao động thì bị phạt như thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Hà – Đoàn luật sư TP Hà Nội trả lời: Với chính sách về BHXH trước 2015 đã có song chế tài xử lý chưa cao. Sau khi ban hành Luật BHXH và Luật Hình sự 2015 thì hành lang pháp lý để xử lý đã rõ ràng hơn. Cụ thể, việc xử phạt được quy định tại NĐ 95/2013/NĐ-CP ngày 22/08/2013 và NĐ số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ 95/2013/NĐ-CP.
Trong trường hợp chủ doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động theo như hợp đồng lao động thì NSDLĐ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH, BHTN tại thời điểm lập biên bản, tối đa không quá 75 triệu đồng đối với hành vi NSDLĐ không đóng BHXH, BHTN cho toàn bộ NLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN, đồng thời sẽ phải có các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, BHTN chưa đóng, chậm đóng; Buộc đóng số tiền lãi của số tiền BHXH, BHTN chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH trong năm đối với hành vi vi phạm…
Trường hợp cố tình trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ có thể bị xử phạt hình sự về Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015.
Khi NLĐ phát hiện doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm thì hoàn toàn có thể trình báo tới tổ chức công đoàn, các cơ quan chức năng để các đơn vị này đảm bảo quyền lợi.
Một độc giả hỏi: Tại cơ quan anh trai tôi đang làm, nhiều lao động bị tai nạn trong lúc làm việc, sau đó đã được giải quyết chế độ bảo hiểm nhưng sức khỏe vẫn không hồi phục hoàn toàn. Xin chuyên gia cho biết, Luật ATVSLĐ quy định thế nào về giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp?
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm An toàn lao động, Viện Khoa học và An toàn vệ sinh lao động – Tổng LĐLĐ Việt Nam trả lời: Theo Điều 60 Luật ATVSLĐ quy định về giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
NSDLĐ lập danh sách người đã hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi và nộp cho cơ quan BHXH trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày NLĐ được xác định là sức khỏe chưa phục hồi.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi nhận danh sách, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho NLĐ và chuyển tiền cho đơn vị sử dụng lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được tiền do cơ quan BHXH chuyển đến, NSDLĐ có trách nhiệm chi trả tiền trợ cấp cho NLĐ.
Anh Nguyễn Song Huỳnh đặt câu hỏi về việc đóng Bảo hiểm xã hội. |
Anh Nguyễn Song Huỳnh: Tôi xin ý kiến chuyên gia về băn khoăn có nên tham gia BHXH nữa không. Cụ thể, tôi đã 56 tuổi vừa đi làm lại, trước đó tôi làm ở một công ty khác sau đó công ty giải thể tôi đã nhận BHXH một lần, giờ xin việc được ở đây, vậy tôi có nên yêu cầu công ty tham gia BHXH cho tôi hay không? Xin cảm ơn.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu trả lời: Về vấn đề đóng BHXH tự nguyện, pháp luật quy định tại điều 9, Nghị định 134/2015/NĐ-CP. Luật bảo hiểm đã quy định rõ đây là việc bắt buộc.
Anh Kiều Duy Tùng, Công ty TNHH Việt Pháp: Bác tôi đã về hưu 10 năm nay đang hưởng lương hưu theo quy định của luật. Do sức khỏe yếu nên bà thường phải đi khám bệnh. Vậy, mức hưởng bảo hiểm của bà là bao nhiêu?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo quy định 146 về BHXH mới ban hành thì có 3 mức hưởng BHXH là 80%; 95% và 100%. Riêng với đối tượng bạn vừa hỏi thì người đang hưởng lương hưu thì mức hưởng BHXH là 95%.
Tuy nhiên, Luật BHYT cũng quy định trong trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15 % mức lương cơ sở hoặc người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục tính từ thời điểm người đó tham gia BHYT đến thời điểm đi khám bệnh, chữa bệnh và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, tính từ thời điểm tham gia BHYT du 5 năm liên tục, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến thì người tham gia BHYT được hưởng 100% chi phí khám bệnh.
Anh Nguyễn Phi Ngọc - Công ty Cổ phần Minh Dương: Doanh nghiệp tư nhân có 100 lao động, và 100% người lao động được ký hợp đồng ko xác định thời gian, được tham gia đầy đủ BHYT, BHXH tuy nhiên tập thể NLĐ vẫn yêu cầu Công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Doanh nghiệp cho rằng NLĐ đã có thẻ BHYT thì tự đi khám chữa bệnh chứ doanh nghiệp không cần phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ nữa. Xin hỏi các chuyên gia, doanh nghiệp trả lời như vậy có đúng không?
Anh Nguyễn Phi Ngọc đặt câu hỏi về khám chữa bệnh từ thẻ bảo hiểm y tế. |
LS Nguyễn Văn Hà: Việc khám bệnh theo BHYT và khám sức khỏe định kỳ là khái niệm, hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Đối với việc khám sức khỏe định kỳ thì theo quy định của pháp luật, trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp, để đảm bảo cho NLĐ có đủ sức khỏe, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì tùy từng chức năng, điều kiện doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ. Có nghĩa là khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ là trách nhiệm của doanh nghiệp, còn khám sức khỏe theo BHYT là chuyện khác. Vì thế, lý do doanh nghiệp đưa ra rằng NLĐ có thẻ BHYT thì không cần tổ chức khám sức khỏe định kỳ nữa là hoàn toàn không đúng. NLĐ cần yêu cầu doanh nghiệp khám định kỳ.
Chuyên gia Nguyễn Anh Tuấn bổ sung: Đối với việc khám định kỳ, Điều 21 Luật ATVSLĐ quy định hằng năm, NSDLĐ phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho NLĐ; đối với NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, là người khuyết tật, chưa thành niên, cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần. Kinh phí khám sức khỏe cho NLĐộng của doanh nghiệp được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh, hoạt động thường xuyên của đơn vị, doanh nghiệp.
Anh Nguyễn Tích Thắng - Công ty thực phẩm Minh Dương: NLĐ trực tiếp tham gia sản xuất được đào tạo kiến thức ATVSLĐ như thế nào? Điều kiện ở môi trường sản xuất được pháp luật quy định như thế nào?
Anh Nguyễn Tích Thắng đặt câu hỏi về điều kiện môi trường sản xuất được pháp luật quy định ra sao? |
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn: Theo Nghị định 44/2016 công tác huấn luyện ATVSLĐ, tùy theo từng đối tượng mà theo từng nhóm nội dung cụ thể. Trong đó có 6 nhóm đối tượng gồm NSDLĐ, người làm công tác ATVSLĐ, người làm về công việc có nguy cơ nguy hiểm về ATVSLĐ, nhóm lao động phổ thông, nhóm làm về y tế cơ sở, nhóm về an toàn vệ sinh viên. Nhóm này được quy định tại Thông tư 13/2016 quy định 17 đầu công việc theo đó có thể dựa theo Thông tư để tiến hành.
Công tác huấn luyện ATVSLĐ còn thêm nghiệp vụ chuyên môn, đối với ngành nghề có yêu cầu cụ thể phải tiến hành yêu cầu đào tạo có chứng chỉ nghề để vận hành sử dụng máy móc, thiết bị đều được quy định trong các Quy chuẩn Việt Nam đối với từng lĩnh vực, ngoài ra cần có thẻ ATLĐ.
Về vấn đề môi trường lao động: Nhà nước, Bộ y tế đã ban hành các quy chuẩn, thời điểm này toàn bộ các yếu tố đó đã được bộ y tế ban hành thành Quy chuẩn, bắt buộc các doanh nghiệp đều phải thực hiện và tiến hành đo đạc, qua đó xác định vị trí làm việc vượt ngưỡng hay không, nếu vượt thì tiến hành cải thiện môi trường làm việc và được bồi dưỡng độc hại theo Thông tư 25/2014.
Chị Nguyễn Thu Hằng – Giáo viên trường Song Phương A: Trong Ban chấp hành Công đoàn có 03 người, trong đó có 01 người nghỉ thai sản. Vậy chế độ quy định như thế nào cho đồng chí nghỉ thai sản và các đồng chí còn lại trong Ban chấp hành?.
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Ở trường hợp này có thể hiểu có 03 người trong Ban chấp hành nhưng 01 người nghỉ chế độ. Trường hợp này đừng hiểu rằng sau khi 02 người trong ban chấp hành đảm nhận việc của 01 người nghỉ thì sẽ được phụ cấp trách nghiệm của người nghỉ. Bởi phụ cấp trách nghiệm dành cho một con người cụ thể. Người này nghỉ theo chế độ, phần công việc sẽ được cơ quan chức năng phân bổ phù hợp cho những người còn lại. Nếu chúng ta làm phần việc của họ lên đến 8-9h/ngày thì lúc đó sẽ nhận được phụ cấp làm thêm giờ.
Giáo viên Vương Thị Hường: Có giáo viên trong thời gian nghỉ thai sản lại đúng vào 3 tháng hè, vậy giáo viên đó có được nghỉ thêm không? Có văn bản hướng dẫn nào không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Thực tế, trong khi giáo viên nghỉ chế độ thai sản thì BHXH đã thanh toán rồi.
Luật sư Nguyễn Văn Hà bổ sung: Hiện tại, chưa có văn bản nào quy định rõ về việc giáo viên nghỉ thai sản trong kỳ nghỉ hè thì có được nghỉ chế độ thai sản hay không? Đây cũng là nội dung mà nhiều giáo viên quan tâm, đề nghị mọi người gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng để điều chỉnh trong Luật Lao động thời gian tới.
Anh Kiều Duy Tùng đặt câu hỏi về lương hưu. |
Ông Đỗ Xuân Thế - công nhân Công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương: Tôi có 2 thẻ BHYT, một thẻ của Phòng Lao động Thương binh Xã hội cấp hưởng chế độ 100% cho thương binh, một thẻ do Công ty cấp được hưởng mức 80%. Tôi xin hỏi các chuyên gia, khi tôi ốm đau hoặc đi viện tôi sử dụng thẻ BHYT do phòng Lao động- Thương binh xã hội cấp thì có được hưởng chế độ lương không và tôi đã có thẻ BHYT do bên Thương binh xã hội cấp thì tôi có thể không phải đóng tiền BHYT để hưởng BHYT do Công ty cấp không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Việc ông duy trì hai thẻ BHYT thế này là đang sai. Theo quy định của Luật BHYT, mỗi người chỉ được cấp một thẻ BHYT. Cụ thể, Khoản 2 Điều 16 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: “Mỗi người chỉ được cấp một thẻ BHYT”. Khoản 2 Điều 13 của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung 2014 quy định: Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này”.
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 22 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung 2014 quy định như sau: “Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”.
Như vậy, ông không thể cùng một lúc sở hữu và sử dụng đồng thời hai thẻ BHYT. Nếu ông được cấp hai thẻ BHYT, thì ông cần nộp hồ sơ, giấy tờ đến cơ quan BHYT để được hưởng một mức thanh toán cao nhất chứ không thể giữ hai thẻ được.
Chị Đặng Thị Bình - nhân viên hành chính nhân sự Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương hỏi: NLĐ làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ thì hàng năm được đào tạo như thế nào về công tác chuyên môn?
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn: Trước tiên phải hiểu thế nào là công việc có nguy cơ cao về ATLĐ. Theo Nghị định 44/2016 công tác huấn luyện ATVSLĐ, tùy theo từng đối tượng mà theo từng nhóm nội dung cụ thể, trong đó có 6 nhóm đối tượng. Công tác huấn luyện ATVSLĐ còn thêm nghiệp vụ chuyên môn, đối với ngành nghề có yêu cầu cụ thể phải tiến hành yêu cầu đào tạo có chứng chỉ nghề để vận hành sử dụng máy móc, thiết bị đều được quy định trong các Quy chuẩn Việt Nam đối với từng lĩnh vực, ngoài ra cần có Thẻ ATLĐ.
Luật sư Nguyễn Văn Hà bổ sung: Hiện nay chưa có bất kỳ văn bản chính thức nào quy định rõ đối với ngành nghề này anh phải đào tạo là A, B hay C và cơ quan nào sẽ cấp giấy chứng nhận đào tạo đó mà hiện nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam thường sử dụng các quy chuẩn chứ không phải các văn bản, Nghị định, Thông tư. Chính vì vậy mà các Quy chuẩn Việt Nam này phạm vi điều chỉnh hẹp, điều chỉnh vào từng công việc cụ thể.
Điều kiện quy chuẩn trong những trường hợp ngành nghề đòi hỏi nghiêm ngặt về ATLĐ, đòi hỏi NLĐ này phải có bằng cấp, chứng chỉ nghề, sau đó vào công ty nếu được giao làm ngành nghề khác thì NLĐ sẽ được đào tạo, khi đủ điều kiện sẽ cấp giấy chứng nhận đã qua lớp đào tạo để trên cơ sở đó doanh nghiệp sẽ sử dụng NLĐ theo công việc theo nghề đạo tào phù hợp.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng (Trường THCS Đắc Sở) đặt câu hỏi về chế độ nghỉ thai sản. |
Chị Nguyễn Thị Thúy Hồng – nhân viên kế toán: Tôi xin hỏi, NLĐ nghỉ việc không lương bao nhiêu ngày thì doanh nghiệp không thực hiện đóng BHXH cho NLĐ? Các chế độ của NLĐ khi không đảm bảo sức khỏe phải ngừng công việc 15 ngày/tháng thì được giải quyết như thế nào?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Căn cứ theo quy định tại Điều 38 Quyết định 959/QĐ-BHXH quyết định ban hành quy định về quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT… đã có những quy định hết sức cụ thể. Với trường hợp sức khỏe không đảm bảo, tôi có một lời khuyên rằng các bạn khi đi khám bệnh nên xin các giấy tờ liên quan như: Giấy nằm viện, giấy ra viện… để có căn cứ thanh toán với các cơ quan bảo hiểm.
Đồng chí Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam trao qua cho CNLĐ trả lời đúng câu hỏi giao lưu. |
Luật sư Nguyễn Văn Hà bổ sung: Tùy từng trường hợp, với hợp đồng lao động có xác định thời hạn và không xác định thời hạn… đều có quy định rõ số ngày nghỉ cụ thể. Ở trường hợp như hợp đồng quy định, bạn hoàn toàn có thể nghỉ nhưng vẫn hưởng nguyên lương.
Anh Phạm Sơn, Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương: Đề nghị chuyên gia làm rõ hơn các đối tượng được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp? Trách nhiệm của chủ sử dụng lao động như thế nào đối với NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp?
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn: Trước hết chúng ta phải hiểu rõ thế nào là tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, căn cứ vào các trường hợp xảy ra gây tổn thương, ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ. Khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định: Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho NLĐ, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động; Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với NLĐ. Căn cứ vào đó xác định đối tượng đó có được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hay không.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hồng đặt câu hỏi về việc đóng BHXH cho người lao động. |
Trách nhiệm đối với NSDLĐ: Tiến hành kịp thời sơ cấp cứu, khai báo theo yêu cầu định kỳ, đột xuất với sở Lao động và Thương binh xã hội, công ăn địa phương; giữ gìn vật chứng điều tra đối với những tai nạn nhẹ, thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Ngoài ra trong Điều 40 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định: Trường hợp NLĐ không được hưởng chế độ từ NSDLĐ khi bị tai nạn lao động do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động; do NLĐ cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
Một công nhân hỏi: Thứ nhất, hiện nay, cán bộ công chức sinh con thứ 3 trở lên có bị kỷ luật không? Nếu có thì có văn bản hướng dẫn nào không? Thứ 2, công chức, viên chức đã đóng BHXH 10 năm trong cơ quan Nhà nước, nếu sau đó chuyển ra tiếp tục công tác tại doanh nghiệp thì BHXH 10 năm trước đó thế nào? Hoặc công chức viên chức đó không làm việc ở đâu nữa thì BHXH trước đó tính thế nào?
Đồng chí Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội tặng quà cho CNLĐ trả lời đúng câu hỏi giao lưu. |
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Trước đây có Nghị định 144 trong đó có yêu cầu xử lý cán bộ công chức sinh con thứ 3. Nhưng, sau đó Nghị định 176 (năm 2013) không còn xử phạt người sinh con thứ 3 nữa. Nói chung, về công tác chính quyền, cán bộ công chức sẽ không bị xử lý gì nếu sinh con thứ 3 trở lên. Theo chính sách dân số của Nhà nước ta thì luôn khuyến khích sinh ít con để nuôi dậy cho tốt.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu bổ sung: Nếu sau 10 năm không tham gia BHXH nữa thì BHXH sẽ bảo lưu hoặc đề nghị đóng tiếp cho đến thời gian nghỉ hưu. Còn nếu không đóng tiếp thì BHXH sẽ thực hiện chi trả 1 lần.
Một công nhân hỏi: Tôi muốn hỏi các chuyên gia một câu hỏi về chế độ thai sản, cụ thể, lao động nữ mang thai có được nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh hay không và thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa là mấy tháng? Để nghỉ trước sinh, lao động nữ có phải có giấy tờ thủ tục gì không?
Cô giáo Đinh Thị Xuân (Trường Mầm non Tiền Yên A) đặt câu hỏi: Đối với chế độ nghỉ thai sản thì có được nghỉ trước khi sinh không? Và nghỉ trước bao nhiêu tháng? |
Chuyên gia Nguyễn Thị Minh Châu: Căn cứ khoản 1 Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Như vậy, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước sinh tối đa của lao động nữ là hai tháng nhưng chị phải lưu ý đến điều kiện để hưởng chế độ thai sản là lao động nữ phải đóng đủ 6 tháng BHXH (có thể không liên tục) trở lên, trong phạm vi 12 tháng trước khi sinh con. Nếu lao động nữ đóng BHXH đủ 6 tháng nhưng nằm ngoài phạm vi 12 tháng trước khi sinh con hoặc trong phạm vi 12 tháng này nhưng không đủ 6 tháng đóng BHXH thì cũng không đáp ứng điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Nếu chị đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật mà muốn nghỉ trước khi sinh 2 tháng thì chỉ cần thỏa thuận với chủ doanh nghiệp chứ không cần giấy tờ gì. BHXH chỉ thanh toán chế độ cho chị sau khi sinh.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương Chu Hương Giang tặng quà cho cán bộ công đoàn trả lời đúng câu hỏi |
Chị Tuấn Thị Huyên, Công ty CP Thực phẩm Minh Dương: Tôi có xin nghỉ 1 tháng, không hưởng tiền công, tiền lương thì tôi có phải đóng BHXH không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Bản thân chị sẽ không phải đóng BHXH vì tháng đó chị xin nghỉ và không hưởng lương, tiền công. Đồng thời, Công ty nơi chị làm việc cũng không phải đóng BHXH.
Chị Nguyễn Thị Hồng Vy - Công ty CP thực phẩm Minh Dương:Trường hợp NLĐ đang giữ sổ BHXH, NLĐ đi làm ở công ty được 2 tháng tham gia BHXH rồi nghỉ ngang, công ty gọi NLĐ lên để nộp sổ BHXH và chốt sổ, nhưng do thời gian tham gia BHXH ít nên NLĐ không nộp, bỏ luôn. Tôi xin hỏi vậy có bị sao không, vì công ty bảo nếu NLĐ không lên nộp sổ và chốt sẽ không được chốt ở công ty nào nữa? Sau này NLĐ nộp vào công ty mới có ảnh hưởng hay vướng mắc gì không? Nếu vướng thì NLĐ xin huỷ sổ BHXH được không?
Anh Phạm Sơn đặt câu hỏi về việc hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp? |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Căn cứ theo quy định tại Điều 47 Bộ luật lao động 2012 về trách nhiệm của NSDLĐ khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau: “3. NSDLĐ có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà NSDLĐ đã giữ lại của NLĐ”.
Căn cứ quy định nêu trên, khi bạn nghỉ việc thì công ty sẽ có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH cho bạn.
Dù bạn chỉ làm việc tại công ty 2 tháng và tham gia BHXH trong 2 tháng nhưng thời gian tham gia trên vẫn được cơ quan bảo hiểm ghi nhận. Do đó, khi nghỉ việc bạn bắt buộc phải nộp lại sổ BHXH cho công ty để công ty gửi sổ của bạn đến cơ quan BHXH làm thủ tục chốt quá trình đóng ở công ty cho bạn. Trong thời gian chờ chốt sổ, bạn vẫn thực hiện đăng ký tham gia BHXH ở nơi làm việc mới theo số sổ BHXH cũ đã được cấp, thời gian đã đóng BHXH trước đó được cộng dồn với thời gian tham gia, đóng BHXH sau này để làm căn cứ tính hưởng các chế độ BHXH đối với NLĐ.
Cô giáo Vương Thị Nga (Trường Tiểu học Đắc Sở): Hiện nay, cán bộ công chức, viên chức sinh có thứ 3 có bị xử phạt không? Nếu có thì theo văn bản hướng dẫn nào? |
Nếu bạn không nộp lại sổ bảo hiểm để công ty tiến hành chốt sổ cho bạn thì việc hưởng các chế độ về bảo hiểm sau này của bạn sẽ gặp khó khăn. Ví dụ, trong trường hợp bạn muốn giải quyết các chế độ như: BHXH một lần, hay chế độ hưu trí… thì cơ quan bảo hiểm buộc phải yêu cầu bạn quay về công ty nơi bạn chưa chốt để làm thủ tục chốt sổ. Sau khi chốt đầy đủ các quá trình tham gia, chế độ bảo hiểm của bạn mới được giải quyết.
Ngoài ra, việc hủy sổ BHXH chỉ được thực hiện nếu sổ BHXH bị hỏng, còn số sổ BHXH không được hủy. Do đó bạn bắt buộc phải thực hiện thủ tục chốt sổ để được đóng tiếp ở công ty mới đồng thời có căn cứ để được giải quyết các chế độ sau này.
Chị Nguyễn Kim Thành – Trường Mầm non Vân Canh: Tôi sinh năm 1966. Tôi được biên chế từ năm 2011, đóng bảo hiểm từ năm 2003. Tôi có đóng truy thu bảo hiểm 8 năm, dự kiến đến năm 2021 tôi sẽ nghỉ. Vậy tôi xin được hỏi, chế độ của tôi sẽ được tính như thế nào?
Chị Đặng Thị Bình đặt câu hỏi: Người người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ phải được đào tạo chuyên môn như thế nào? |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Với trường hợp này, chúng tôi sẽ tính lương hưu theo bình quân 2 quá trình. Nghị quyết tính lương 2 quá trình như sau: Với quá trình không hưởng theo thang bậc lương Nhà nước thì sẽ chia theo bình quân cả quá trình. Còn với quá trình hưởng theo thang bậc lương Nhà nước sẽ tính theo quy định trong Luật.
NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đã đóng BHXH bao gồm phụ cấp thâm niên nghề sau đó chuyển sang ngành nghề không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu không có phụ cấp thâm niên nghề thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tại thời điểm nghỉ hưu, cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề (nếu đã được hưởng) tính theo thời gian đã đóng BHXH bao gồm phụ cấp thâm niên nghề, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu.
Công nhân Nguyễn Thị Loan hỏi: Năm nay tôi 54 tuổi, tham gia BHXH được 19 năm 1 tháng, hiện nay tôi không đủ sức khỏe tham gia công tác, xin hỏi tôi nghỉ hưu trước tuổi được không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Điều kiện nghỉ hưu đối với nam là 60 tuổi, nữ 55 tuổi có 20 năm đóng BHXH. Với trường hợp cụ thể này, tuổi đời, số năm đóng BHXH đều chưa đủ, luật BHXH chỉ quy định đủ điều kiện nghỉ lương hưu nhưng còn thiếu đóng BHXH thì được đóng 1 lần cho những năm còn thiếu.
Đối với trường hợp tuổi đời chưa đủ nhưng số năm đóng BHXH đã đủ 20 năm có thể đi thực hiện giám định y khoa để xác định suy giảm khả năng lao động tùy theo tuổi đời.
Phát biểu bế mạc buổi Giao lưu, đồng chí Lê Thị Bích Ngọc, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết: Sau hơn 2 giờ đồng hồ, báo Lao động Thủ đô đã nhận được hơn 100 câu hỏi của bạn đọc tại hội trường và qua laodongthudo.vn. Các chuyên gia đã trả lời trực tiếp gần 20 câu hỏi của NLĐ tại hội trường một cách rõ ràng và thiết thực, trang bị thêm nhiều kiến thức về ATVSLĐ và BHXH cho NLĐ. Các câu hỏi bạn đọc gửi qua email và trên trang điện tử của báo Lao động Thủ đô sẽ tiếp tục được giải đáp để gửi tới NLĐ. |
Mời xem hình ảnh buổi Giao lưu trực tuyến tại đây.
Bài viết cùng chủ đề
Tọa đàm, Giao lưu trực tuyếnCó thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Sôi nổi Ngày hội văn hóa thể thao khối trường học huyện Đông Anh
Hoạt động 22/12/2024 10:26
Bình Dương: Tuyên dương 183 cá nhân lao động giỏi, sáng tạo
Hoạt động 21/12/2024 08:42
Quận Tây Hồ: Hiệu quả trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn
Công đoàn 21/12/2024 08:42
“Chợ Tết Công đoàn năm 2025” trực tuyến chính thức hoạt động
Hoạt động 20/12/2024 20:32
Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội thành lập mới 11 Công đoàn cơ sở
Hoạt động 20/12/2024 18:50
Công đoàn Y tế Việt Nam: Chú trọng các hoạt động bảo vệ đoàn viên, người lao động
Hoạt động 20/12/2024 18:33
Công đoàn Viên chức Việt Nam tổng kết hoạt động năm 2024
Hoạt động 20/12/2024 18:32
Công đoàn Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả nổi bật năm 2024
Hoạt động 20/12/2024 15:44
LĐLĐ quận Long Biên chuyển giao Công đoàn cơ sở về LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm
Hoạt động 20/12/2024 13:49
LĐLĐ quận Đống Đa: Giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đoàn viên công đoàn
Hoạt động 20/12/2024 12:23