Những “bông hồng” trên “mặt trận” báo chí
Báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh Chúng tôi viết để cống hiến |
Nhà báo Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô:
Điều quan trọng phải mang lại lợi ích gì cho người lao động
Nhà báo Lê Thị Bích Ngọc |
Nghề báo là một nghề rất đặc biệt và bất cứ ai được làm việc trong ngôi nhà chung Lao động Thủ đô cũng đều rất tâm huyết. Những năm gần đây, Lao động Thủ đô đã có bước phát triển, trở thành kênh truyền thông uy tín của thành phố Hà Nội, giúp Liên đoàn Lao động Thành phố chỉ đạo hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố và cả nước.
Ở Lao động Thủ đô, với lực lượng cán bộ, phóng viên, nhân viên khá khiêm tốn, trong khi nền báo chí công nghệ đang phát triển từng ngày, chúng tôi đã xây dựng được đội ngũ nhân sự “đa năng”. Bên cạnh việc phát huy thế mạnh của từng cá nhân, từng vị trí, Ban Biên tập mạnh dạn “thả” họ vào các vị trí khác nhau, nhiệm vụ nhiều thử thách hơn nhưng vẫn gắn với chuyên môn họ đảm nhận. Đội ngũ phóng viên hầu hết đã đáp ứng với xu thế làm báo hiện đại trong dòng chảy công nghệ 4.0 gắn với chuyển đổi số.
Bất kỳ cơ quan báo chí nào cũng muốn truyền thông đậm nét về ngành mình. Với Lao động Thủ đô là cơ quan của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, tiếng nói của tổ chức Công đoàn và công nhân viên chức lao động, nên một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo là phải truyền thông làm sao để người lao động tiếp cận sâu, tiếp cận chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động của Công đoàn và thành phố Hà Nội, đặc biệt là các chính sách liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.
Lao động Thủ đô từng trăn trở, làm thế nào để đưa các kiến thức về luật pháp, kinh tế, xã hội, sức khỏe… đến tận nhà máy, cơ quan, doanh nghiệp, đến tận người lao động, để các chuyên gia, nhà quản lý trực tiếp giải đáp những thắc mắc, thậm chí khúc mắc cho người lao động, mà lâu nay họ chưa có cách tiếp cận trực tiếp để hỏi đáp? Từ đó, các buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến ra đời.
Đến bây giờ, qua nhiều năm triển khai, điều tôi tâm đắc là chương trình Đối thoại- Giao lưu trực tuyến đã thực sự là “kênh” truyền thông trực tiếp phát huy hiệu quả rất cao, thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động. Chương trình này cũng được lãnh đạo thành phố Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và các cấp Công đoàn, đơn vị, doanh nghiệp, người lao động đánh giá cao. Với tôi đó là một niềm vui.
Tôi luôn tâm niệm: Điều quan trọng với cá nhân và tập thể báo, làm thế nào để mỗi cán bộ, phóng viên, người lao động mỗi ngày đến cơ quan là một ngày vui. Xem cơ quan là ngôi nhà thứ hai của mình. Từ tâm niệm và quan điểm này, mỗi thành viên trong cơ quan đã cấu thành “Ngôi nhà Lao động Thủ đô” đoàn kết, tâm huyết để cùng dựng xây những thành quả như ngày hôm nay.
Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo - Phó Tổng Biên tập báo Thanh niên:
Người làm báo phải đặt sự tử tế lên hàng đầu
Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo |
Người lãnh đạo nhiều khi phải cân bằng như đi trên dây, làm sao để bạn đọc vẫn yêu quý mình mà vẫn không đi chệch hướng tôn chỉ mục đích. Dù là người rất sắt đá và đủ uyển chuyển trong công việc nhưng phụ nữ mà, đôi khi hay bị cảm xúc lấn át, nhiều khi mình chưa đủ mạnh mẽ, quyết liệt. Tôi vẫn nghĩ, đôi khi mình nên quyết liệt và ít cả nể hơn thì công việc có thể sẽ tốt hơn nữa. “Khen công khai, phê bình trực tiếp cá nhân” sẽ là bài học rất tốt để khích lệ anh em làm báo. Làm quản lý có thể đôi lúc tôi vẫn chưa được mềm mại nhưng trong lòng tôi, anh em phóng viên, biên tập viên luôn là vị trí số Một bởi họ là những người quan trọng làm nên tờ báo Thanh Niên.
Báo chí thực sự là nghề rất thú vị, đòi hỏi bản thân mỗi người luôn luôn phải nỗ lực đổi mới hàng ngày, nên tôi luôn tâm niệm rằng, phẩm chất quan trọng đối với nhà báo nào cũng vậy, đó là sự tử tế. Sự tử tế đến từ việc lựa chọn đề tài, thể hiện câu chữ trong tác phẩm và cả cách xử lý câu chuyện báo chí như thế nào phù hợp. Đối với báo Thanh Niên, sự tử tế luôn được nhấn mạnh. Chính điều này định vị và làm nên thương hiệu, làm nên sự tin cậy của bạn đọc đối với tờ báo. Với tôi, niềm vui mỗi buổi sáng mỗi khi thức dậy chính là duyệt bản PDF số báo Thanh Niên nhật báo. Thói quen này mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc, nhiều khi tôi cứ tự trò chuyện với chính mình: Tờ báo của chúng tôi hôm nay hay quá, những vấn đề bạn đọc quan tâm, anh em dũng cảm đeo bám nhiều ngày để ra được sản phẩm chắc chắn sẽ khiến độc giả hài lòng.
Trong cuộc sống, mỗi người có cảm nhận về hạnh phúc của riêng mình. Mỗi người sẽ đón nhận những cảm xúc vui, buồn, thăng trầm theo những cách khác nhau. Nhiều người cho rằng, hạnh phúc là phải có thêm cái này, cái kia nhưng với tôi, hạnh phúc là nhiều dấu trừ, trừ đi một chút tham lam, ích kỷ, trừ đi một chút tham vọng của bản thân, trừ đi một chút hẹp hòi đối với mọi người… khi đó bản thân sẽ hạnh phúc.
Nhà báo Đặng Thị Kim Hiên - Tổng Biên tập Tạp chí Chất lượng và Cuộc sống:
Gia đình đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp
Nhà báo Đặng Thị Kim Hiên |
Là một nữ Tổng Biên tập, trong thời đại công nghệ 4.0 này, tôi không tránh khỏi những lúc mất thăng bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình. Công việc tòa soạn quá bận rộn, phải đảm bảo được công việc điều hành cơ quan tốt, hoàn hảo và công việc gia đình cũng phải chu toàn mọi thứ. Đôi khi tôi thấy bản thân mình hơi tham khi luôn mong muốn làm tốt nhiều trọng trách cùng một lúc như vậy. Tuy nhiên, tôi cho rằng mình phải luôn cân bằng giữa công việc và gia đình sao cho hài hòa nhất, đó cũng là một trong những quan điểm sống của tôi.
Với tôi để đạt được thành công ngày hôm nay, ngoài sự giúp đỡ và hỗ trợ của lãnh đạo cơ quan chủ quản và anh chị em đồng nghiệp trong cơ quan; thì sự quan tâm, chia sẻ của những người thân trong gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Nhờ đó, tôi có thể vượt qua mọi khó khăn thử thách, để phấn đấu cho một sự nghiệp có được kết quả như mong muốn.
Với cương vị là Tổng Biên tập của cơ quan báo chí tự hạch toán, tự thu chi, đôi khi gặp rất nhiều thuận lợi và nhưng cũng không ít khó khăn. Bởi, tòa soạn tự chủ 100%, đối với báo điện tử, áp lực về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí đè nặng lên rất nhiều. Ngoài việc phải cập nhật liên tục các tin bài của cơ quan chủ quản, thì việc đưa thông tin sao cho phù hợp với tôn chỉ mục đích mà vẫn thu hút được bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước là điều mà chúng tôi luôn phải nỗ lực. Cùng với đó, làm thế nào để anh chị em phóng viên, biên tập viên tòa soạn chuyên tâm với nghề, cũng là một vấn đề mà Tổng Biên tập như chúng tôi hàng ngày phải suy nghĩ.
Nhiều câu hỏi luôn được đặt ra trong suy nghĩ của tôi là phải tổ chức tòa soạn như thế nào? Theo hướng thuần túy hay hiện đại?... Nhiều khi cũng sẽ gặp thị phi, chạnh lòng và thất vọng nhưng chúng tôi vẫn phải vượt qua và điều hành tòa soạn hoạt động sao cho hiệu quả và đi đúng định hướng tôn chỉ mục đích của Tạp chí”.
Nhà báo Trần Lan Anh - Phó Tổng biên tập phụ trách báo Nhà báo &Công luận:
Đổi mới để thích nghi với kỷ nguyên số
Nhà báo Trần Lan Anh |
Tôi đã không đặt nặng yếu tố giới tính trong công việc. Nữ giới từ lâu đã vươn lên làm lãnh đạo ở nhiều ngành, nghề, đâu chỉ ở nghề báo. Tỉ lệ ít không có nghĩa là bất lợi. Đã làm báo là có áp lực. Làm báo trong thời điểm này càng áp lực hơn. Công nghệ phát triển tạo ra những thay đổi sâu rộng trên nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội khắp thế giới. Báo chí cũng không nằm ngoài vòng xoáy mãnh liệt này. Và tất nhiên, vòng xoáy tác động đó chưa hề dừng lại. Kỷ nguyên số 4.0 đã và đang tạo áp lực để mỗi nhà báo, mỗi cơ quan và loại hình báo chí phải khách quan, thẳng thắn nhìn nhận lại chính mình. Phải thay đổi để thích nghi với những biến chuyển về công nghệ làm báo, cách thức tiếp cận thông tin của công chúng báo chí.
Còn để gắn bó với nghề, ai cũng phải tự trang bị cho mình những yếu tố tối thiểu để làm hành trang mà tồn tại với nghề. Kiến thức văn hóa và công nghệ, kỹ năng tác nghiệp và sức khỏe. Quan trọng nhất là tình yêu, niềm đam mê với các nghề mình chọn. Vòng xoáy công nghệ có lẽ chẳng bao giờ có điểm dừng. Báo chí bây giờ và trong tương lai vẫn sẽ từng ngày đối mặt với áp lực buộc mình đổi mới. Để tồn tại và phát triển, báo chí đã, đang “buộc mình đổi mới”, nỗ lực tìm cho mình một lối thoát và lối thoát chung nhất, đang được nhiều cơ quan báo chí hướng tới ấy là chuyển đổi và “nâng cấp” chính mình, vừa để thích nghi với những nhu cầu thông tin mới vừa giữ cho mình lợi thế riêng biệt trong biển sóng cạnh tranh thông tin ngày càng dữ dội.
Tuy nhiên, việc dù khó cũng sẽ có lối cho ta đi. Việc báo chí tự chủ về kinh tế đang là vấn đề nóng và cũng là vấn đề tất yếu của hệ thống báo chí nước ta hiện nay. Một tờ báo muốn phát triển bền vững, tự chủ về tài chính trước tiên cần khẳng định thương hiệu trên thị trường, thu hút được công chúng sau đó mới tính đến khâu phát hành, quảng cáo, sự kiện đem lại nguồn thu. Vì thế, Ban biên tập báo Nhà báo & Công luận luôn xác định tờ báo giống như một doanh nghiệp nhỏ đặc thù, phải bươn chải, cân đối thu chi hợp lý trong từng thời điểm, minh bạch, cụ thể trong vấn đề tài chính. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng doanh thu, chúng tôi vẫn chú trọng thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích để không bị thương mại hóa.
Bên cạnh đó, báo cũng đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc, tinh giản bộ máy, cải cách thủ tục hành chính. “Hiện tại, chúng tôi thực hiện mô hình tòa soạn hội tụ, tinh gọn bộ máy, một người làm việc bằng hai. Phát huy tối đa thông tin thời sự trên điện tử, thực hiện thông tin chuyên biệt trên báo in.
Nhà báo Vương Minh Huệ - Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội:
Ghi dấu ấn trong lòng độc giả từ những bài viết chuyên sâu
Nhà báo Vương Minh Huệ |
10 năm được gắn bó và trưởng thành từ “Người Hà Nội” - một ấn phẩm văn học nghệ thuật duy nhất của Hà Nội và cũng là cơ quan ngôn luận, diễn đàn của văn nghệ sĩ trí thức Thủ đô, đồng thời đảm nhiệm cương vị Tổng Biên tập từ 2020 đến nay, bản thân tôi đã cùng với đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên tâm huyết với nghề nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tiếp bước, dựng xây Người Hà Nội xứng với niềm tin yêu của văn nghệ sĩ, độc giả Hà Nội và cả nước.
Vì là tờ tạp chí in xuất bản một kỳ/tháng và chuyên sâu về văn học nghệ thuật nên Người Hà Nội không phải quá cạnh tranh về tin tức hay phải chạy theo các vụ việc tính bằng phút, bằng giây. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là Người Hà Nội “đủng đỉnh” trước thời sự, mà trái lại Người Hà Nội luôn có những cách “thổi bùng” các vấn đề của đời sống văn nghệ, đời sống xã hội một cách chuyên sâu, gợi mở và lắng đọng trên các trang tạp chí.
Đó có thể là những bài viết được chúng tôi đặt hàng từ các chuyên gia là những nhà nghiên cứu, phê bình đầu ngành; những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ… nổi tiếng. Đó có thể là cách tiếp cận và đào sâu các vấn đề đời sống, xã hội từ góc độ văn hóa, văn học để có thể gợi mở, luận bàn về những giá trị mới, bài học mới. Đó có thể là những tác phẩm văn học nghệ thuật cất lên những khúc ca mang nhiều giai âm của cuộc sống: Có vất vả, nhọc nhằn; có buồn đau, bất hạnh… nhưng cuối cùng luôn vút cao niềm tin yêu vào ngày mai!
Là một tờ tạp chí văn nghệ hoạt động tài chính tự chủ hoàn toàn trong hơn 20 năm qua nên có lẽ chưa khi nào Người Hà Nội “dư giả”. Tuy nhiên, tạp chí vẫn đảm bảo mức lương hằng tháng, các chế độ, quyền lợi cho cán bộ, phóng viên theo đúng quy định của nhà nước (kể cả ở thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát). Theo đó, hơn 20 cán bộ, phóng viên đã cùng với Ban lãnh đạo đoàn kết, nắm chặt tay nhau vượt qua gian khó để giữ gìn thương hiệu Người Hà Nội được các thế hệ nhà báo, văn nghệ sĩ Thủ đô xây đắp suốt 37 năm qua.
Với riêng mình, tôi luôn thấy ấm lòng và biết ơn vì điều đó để có thể tiếp tục gắng gỏi thu vén việc công, việc tư một cách hài hòa, êm thấm và luôn được đồng nghiệp trao gửi niềm tin. Nhưng sẽ thật sự yên tâm nếu như Người Hà Nội sớm được thành phố Hà Nội quan tâm, đầu tư một cách xứng đáng với vị trí đặc biệt: Tờ tạp chí văn học nghệ thuật duy nhất của Thủ đô.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ quận Đống Đa: Nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Thành đoàn Hà Nội tuyên dương cán bộ công chức, viên chức trẻ xuất sắc
Gen Z mùa deadline cuối năm: Đa nhiệm, stress nhưng vẫn luôn tận hưởng cuộc sống
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
Luật Công nghiệp công nghệ số: Luật hóa trí tuệ nhân tạo, tài sản số
Thành phố Hồ Chí Minh: Kết nối hỗ trợ hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Quận Bắc Từ Liêm phát triển công nghiệp văn hóa vươn tầm cùng Thủ đô
Tin khác
Luật Công nghiệp công nghệ số: Luật hóa trí tuệ nhân tạo, tài sản số
Sự kiện 23/11/2024 15:24
Đánh giá kỹ tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Sự kiện 22/11/2024 21:31
Quốc hội xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá
Sự kiện 22/11/2024 15:25
Phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ I
Sự kiện 22/11/2024 14:19
Đề xuất các quan điểm, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
Sự kiện 22/11/2024 09:49
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
Sự kiện 21/11/2024 16:55
Đại biểu Quốc hội: Không thể để một công chức nếu không chi tiêu gì mất cả hơn trăm năm mới mua được nhà
Sự kiện 21/11/2024 14:14
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói về thời điểm thích hợp xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Sự kiện 20/11/2024 21:08
Nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Sự kiện 20/11/2024 17:39
Hội Luật gia thành phố Hà Nội tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029
Sự kiện 20/11/2024 17:28