Chúng tôi viết để cống hiến
Báo chí đồng hành mang yêu thương đến với người nghèo Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị xử lý nghiêm đối tượng đe dọa, uy hiếp phóng viên |
Phóng viên Xuân Tình - Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh:
Ý nghĩa cao quý nhất là đạo đức nghề nghiệp
Phóng viên Xuân Tình |
Đã từng và đang công tác tại cơ quan báo chí chính thống, tôi hiểu rõ hơn bao giờ hết trách nhiệm, sự tận tâm với nghề trong quá trình tác nghiệp cũng như sáng tạo tin, bài.
Để hoàn thành các tuyến bài có tính phản biện cao về các vấn đề “nóng”, đang được dư luận quan tâm, hoặc đã và đang được cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, từ dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sai phạm các dự án đầu tư theo hình thức BT, trật tự xây dựng, quản lý đất công… tôi luôn có kế hoạch từ trước, đặc biệt là dày công thu thập thông tin, đi thực tế, lắng nghe người dân, phỏng vấn ý kiến đại diện chính quyền.
Trong những sự vụ “nóng”, việc tiếp cận nguồn tin, trong đó có việc phỏng vấn ý kiến cơ quan chức năng luôn là trở ngại lớn nhất. Có những tình huống, sau khi vừa để lại câu hỏi và rời khỏi khuôn viên cơ quan chức năng, tôi nhận được không ít cuộc điện thoại nhờ vả, “xin xỏ”, thậm chí “dằn mặt”. Tuy nhiên, bài vở vẫn được tổ chức, triển khai và hoàn thành, phản ánh đúng sự thật, có tính phản biện và xây dựng, nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo cơ quan cũng như sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ của đồng nghiệp, người dân. Thậm chí, ngay cả một số nhân vật liên quan được thể hiện trong bài viết cũng cảm thấy thuyết phục.
Ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM, tôi được cơ quan phân công đi phản ánh tình hình phòng, chống dịch bệnh. Đây cũng là lần đầu tiên TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau, áp dụng giấy đi đường qua các điểm chốt kiểm soát dịch. Tôi và rất nhiều đồng nghiệp vừa phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế nhưng vẫn vừa phải tiếp cận gần hiện trường để chụp ảnh, phỏng vấn người dân.
Vào thời điểm này, không phải tất cả lực lượng tuyến đầu chống dịch đều được tiêm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19, nên nguy cơ lây nhiễm cho bản thân, gia đình và cơ quan, đồng nghiệp rất cao. Tôi theo các đoàn lãnh đạo, từ Chính phủ, các bộ, ngành, UBND TP.HCM vào các khu cách ly, bệnh viện dã chiến để làm phóng sự ảnh, tin bài phỏng vấn.
Nhiều khi về đến nhà cũng gần 12h đêm, phải xuất trình giấy tờ để được qua các chốt, trạm kiểm soát dịch. Chưa kể, ở một số trạm kiểm soát dịch, do cách hiểu và vận dụng quy định khác nhau nên tôi và nhiều đồng nghiệp gặp không ít khó khăn, trở ngại cho việc đi lại và quá trình tác nghiệp. Tuy nhiên, ý thức được ý nghĩa cao quý của nghề báo, trách nhiệm và đạo đức người làm báo, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao và luôn trong tâm thế thoải mái, nhẹ nhàng, cân bằng.
Phóng viên Bùi Phương - Ban Kinh tế:
Đi có thể chậm, nhưng đừng bao giờ dừng lại
Phóng viên Bùi Phương |
Cuộc đời nghề nghiệp của mỗi người đều trải qua những thăng trầm theo năm thángvà tôi luôn tâm niệm không quan trọng mình đi chậm như thế nào miễn là đừng bao giờ dừng lại. Đối với mỗi phóng viên, nhà báo thì tình yêu nghề và đam mê là yêu cầu bắt buộc để dấn thân, lăn xả với nghề. Việc phát hiện đề tài hay đã khó nhưng thể hiện đề tài thành tác phẩm báo chí chất lượng càng khó hơn, đòi hỏi sức lao động nghiêm túc, dấn thân theo đến cùng. Không hẳn đó phải là những vấn đề nóng, điều tra mà ngay cả những đề tài bình dị nhất, đều đòi hỏi mỗi phóng viên phải có cách viết hay, sáng tạo.
Bởi mỗi đề tài lại cần có sự tiếp cận khác nhau, gặp gỡ, phỏng vấn nhân vật khác nhau. Đó là điều thú vị mà nghề báo đã trao cho tôi, cho tôi được đi nhiều, gặp nhiều, khiến tôi luôn được làm mới bản thân.
Thế nhưng, nghề báo ngoài cơ hội cũng mang đến cho tôi không ít thách thức. Có những đề tài khi đảm nhận khiến tôi áp lực, căng thẳng, toát mồ hôi hột. Có những lúc tôi phải vận dụng hết tất cả những mối quan hệ, những chuyên môn, nghiệp vụ của mình để có những thông tin nhanh chóng, chính xác nhất gửi về toà soạn. Có những lúc tôi phải nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo ban và đồng nghiệp, cũng có những thông tin chưa chuẩn phải sửa lại, nhưng tôi luôn tâm niệm hãy đương đầu với thách thức, chấp nhận thiệt thòi, học hỏi từ sai lầm của mình để tiến lên.
Đặc biệt, trong công việc, tôi có những nguyên tắc để hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra. Buổi sáng, mỗi ngày tôi dành 10 phút để liệt kê những công việc cần làm trong ngày và cũng dành 10 phút cuối ngày để nhìn lại tiến độ thực hiện các mục tiêu và tổng kết lại những việc đã hoặc chưa hoàn thành, thay vì ra về. Những công việc đã làm trong ngày, tôi sẽ phân tích xem mình đã làm việc đó như thế nào, liệu đã ổn chưa, có cần thay đổi gì không. Tôi hiểu rằng cách duy nhất để phát triển bản thân là không ngừng học hỏi. Chúng tôi luôn tự hứa với bản thân sẽ cố gắng vì một ngôi nhà Lao động Thủ đô phát triển bền vững.
Phóng viên Đinh Luyện - Ban Kinh tế:
Giữ tâm tử tế, tự tôn với nghề
Phóng viên Đinh Luyện |
Tôi đã gặp và tiếp xúc với không ít người trên quãng thời gian làm nghề của mình. Tôi nghĩ đó là “lộc” của nghề báo mà chẳng phải công việc nào cũng cho được. Sau mỗi chuyến đi, mỗi con người tiếp xúc là một kỷ niệm làm dầy thêm vốn sống, sự hiểu biết, lòng cảm thông, để tôi hiểu mình và hiểu cuộc đời.
Đôi lần tôi được lắng nghe suy nghĩ tìm đến nghề báo của các bạn trẻ. Họ thường nghĩ làm nghề báo để được nổi tiếng, được gặp những người nổi tiếng, được đi nhiều nơi, bảo vệ lẽ phải... suy nghĩ như vậy phần nào cũng đúng nhưng, chừng đó hẳn là chưa đủ.
Vì sao ư? Bởi muốn đạt được những điều bản thân ao ước ấy, người làm báo còn đòi hỏi sự cống hiến, đam mê. Tôi nghĩ, nghề báo là nghề đặc biệt nhọc nhằn. Nhọc nhằn vì không được viết dập khuôn theo khuôn mẫu mà phải luôn có sự sáng tạo và phải có phong cách riêng biệt. Mà cốt lõi để sáng tạo và có phong cách riêng biệt thì buộc người làm nghề phải có kiến thức, phải trăn trở, suy tư và tìm tòi. Và hẳn nhiên, những vui buồn, hạnh phúc; những va vấp, đụng chạm; thậm chí cả những sai lầm, trả giá… trong những lần đi tác nghiệp thực tế đều là kho kinh nghiệm quý, là hành trang để trưởng thành.
Nhớ hồi mới vào nghề, một người thầy, một đồng nghiệp đi trước bảo với tôi rằng: Hãy làm nghề một cách tử tế thì nghề sẽ không phụ. Đến giờ, khi đã qua nhiều tờ báo và hoạt động hăng say ở Lao động Thủ đô tôi lại càng “thấm” những lời dạy ấy.
Lao động Thủ đô là một trong những tờ báo tử tế và chuyên nghiệp đúng nghĩa. Nơi đây đã rèn cho tôi sự cẩn trọng, chỉn chu hơn trong từng con chữ, cho tôi cảm giác thân thương, ấm áp sau những cuộc hành trình. Và hơn hết, chính ngôi nhà chung này giúp tôi hiểu hơn đằng sau mỗi bài viết tràn trang, hay chỉ là một mẩu tin bé nhỏ, đằng sau bút danh của phóng viên cụ thể, là công sức của cả tòa soạn, cả một “cỗ máy”, với rất nhiều người thầm lặng làm việc từ tinh mơ đến tận đêm khuya. Tất cả đều yêu cầu sự cẩn trọng, chính xác, để cung cấp cho độc giả những tin tức kịp thời, những bài báo chất lượng.
Đó là niềm may mắn khi tìm và được hoạt động ở một môi trường tốt. Ở góc độ bản thân mình, tôi nghiệm ra rằng, sự bài bản, kỹ tính, bình tĩnh và kiên quyết giữ bằng được sự trong sáng với nghề thì nghề còn nuôi mình chu đáo mãi, chứ không chỉ là ăn xổi.
Phóng viên Mai Quý - Ban Văn xã:
Mong muốn được gắn bó và cống hiến trí lực cho sự phát triển chung của báo
Phóng viên Mai Quý |
Làm việc tại báo Lao động Thủ đô hơn 4 năm, quãng thời gian không dài nhưng đủ để tôi cảm nhận được một môi trường làm việc của một tờ báo chính thống và hơn hết là cảm nhận được tình cảm, sự đoàn kết của tập thể Báo. Vì vậy, tôi luôn mong muốn được gắn bó lâu dài và cống hiến trí lực cho sự phát triển chung của báo.
Từ khi làm việc tại Báo, được Ban Biên tập tin tưởng phân công theo dõi nhiều lĩnh vực khác nhau như: Đời sống việc làm của người lao động tại các khu công nghiệp và chế xuất; hoạt động của ngành Nông nghiệp, ngành Ngoại giao; hoạt động của lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Liên đoàn Lao động Thành phố… bên cạnh sự nỗ lực, chủ động trong khai thác, triển khai đề tài, tôi luôn được Ban Biên tập, lãnh đạo Ban Điện tử (nay là Ban Thời sự Nội chính) và Ban Văn xã quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ, định hướng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, để thích ứng với xu thế làm báo hiện đại, đáp ứng những yêu cầu mới của ngành nghề, ngoài việc đảm bảo chất lượng nội dung tốt, tôi cũng thường xuyên tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ, kỹ năng chụp ảnh, quay clip, làm Infographic… Bởi tôi hiểu rằng, một tác phẩm báo chí có nội dung hay là chưa đủ mà còn cần ảnh đẹp, có clip và đồ họa để bài viết thêm sinh động, như thế sẽ thu hút bạn đọc quan tâm, theo dõi và thường xuyên tìm đọc những tác phẩm báo chí của mình.
Gắn bó và chứng kiến sự phát triển không ngừng của báo Lao động Thủ đô, từ việc thành lập Văn phòng đại diện tại miền Nam, đến tăng số lượng các chuyên trang trên ấn phấm điện tử, bản thân tôi thực sự rất vui mừng và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ban Biên tập cũng như sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể báo. Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới Ban Biên tập và tập thể báo, chúc báo Lao động Thủ đô ngày càng phát triển, đời sống của cán bộ, phóng viên, nhân viên ngày càng nâng cao.
Phóng viên Thành Đồng - Văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh:
Lên kế hoạch rõ ràng thì hiệu quả công việc cao
Phóng viên Thành Đồng |
Là người làm báo, tôi luôn phải có kế hoạch cụ thể cho công việc. Đặc biệt, tôi luôn có kế hoạch cho mình từ ngày hôm trước, vì thế sáng hôm sau là tôi mang balo lên đường, đến ngay nơi cần đến, nhờ thế công việc luôn được trôi chảy. Làm báo, tôi luôn đặt lợi ích thông tin cho bạn đọc lên trên hết. Có những chuyến đi xa lên tận biên giới Tây Nam hay vùng hải đảo xa xôi, người làm báo như tôi cũng phải luôn lường trước được sự khó khăn mà mình có thể gặp phải. Tuy nhiên, với tinh thần đi để viết, để công hiến thì không khó khăn nào có thể cản được bước chân tôi.
Tôi còn nhớ, vào khoảng tháng 8/2021, khi dịch Covid-19 đang bước vào giai đoạn đỉnh điểm nhất, hầu hết người dân đều phải ở trong nhà để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Chỉ có một số nhà báo trong đó có tôi được Công an TP Hồ Chí Minh cấp giấy đi đường để thuận tiện trong tác nghiệp. Cầm tờ giấy trên tay tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì có cơ hội để tác nghiệp, được đi vào các vùng dịch để thông tin. Nhưng xen lẫn vào đó là sự lo dịch bệnh, bởi nếu không may mình bị lây Covid-19 thì sẽ rất nguy hiểm cho cả nhà, nhất là khi đó vợ tôi đang mang bầu song thai được ba tháng.
Thấy tôi suy nghĩ nhiều, vợ tôi khuyên: “Thôi đã được cơ quan giao thì anh cố gắng hoàn thành công việc, nhưng nhớ khi đi tác nghiệp phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch”, vợ tôi căn dặn và quyết định sẽ dành riêng cho tôi một phòng để ở tách biệt với mẹ con. Và cứ thế, sau khi đi tác nghiệp về tôi lại để áo quần ngay ngoài cổng, dùng dung dịch khử khuẩn rồi tự cách ly trong phòng.
Nhiều khi nhớ con, tôi lại gọi vợ cho nhìn qua khe cửa với khoảng cách cả chục mét. Không những sống cách ly với mọi người trong nhà mà tất cả những người xung quanh cũng không dám đến gần vì sợ lây dịch bệnh. Sau này khi dịch đi qua, cuộc sống trở lại bình thường mới, khi có thời gian rảnh rỗi ngồi nghĩ lại mới thấy, nhiều khi cuộc sống của người làm báo tuy nhiều niềm vui nhưng cũng lắm nỗi trăn trở và sự nguy hiểm.
Với tôi nghề báo là nghề nguy hiểm, nhưng vinh quang. Và muốn hiệu quả trong công việc phải lên kế hoạch rõ ràng.
Phóng viên Kim Tiến - Ban Pháp luật & Bạn đọc:
Tự thay đổi để thích ứng
Phóng viên Kim Tiến |
Gắn bó với nghề báo, tôi nhận thấy rằng nghề đã mang lại cho tôi quá nhiều đặc ân. Tôi được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Đó có thể là những người nông dân chân lấm tay bùn, những công nhân lao động, giáo viên, học sinh… cho đến những người giữ vị trí cao trong xã hội. Mỗi con người tôi gặp đều có một câu chuyện, mỗi nơi tôi đi qua đều có một giá trị văn hóa riêng… Và đó đều là những trải nghiệm quý giá của cuộc đời mà không phải ai cũng có cơ hội được trải nghiệm.Đặc biệt, mỗi một chuyến đi, một lần tác nghiệp khai thác những đề tài tâm đắc đều mang lại cho tôi những cảm xúc, những điều bất ngờ thú vị. Tôi dần học được cách chia sẻ, cảm thông và biết dừng lại trước nỗi đau của nhân vật chứ không chỉ đơn thuần là “săn” tin nhanh, tin nóng.
Khi làm việc tại báo Lao động Thủ đô, được tiếp cận với những vấn đề riêng của công nhân lao động, bản thân tôi cũng tự nhận thấy phải thay đổi mình để thích ứng. Tôi cũng khá may mắn khi được Ban Biên tập tạo điều kiện tham gia các lớp học nghiệp vụ, trực tiếp tham gia sản xuất tin bài với các thể loại mới trên báo điện tử. Ví dụ, trong 2 năm qua, tôi được tham gia các cuộc giao lưu trực tuyến giải đáp thắc mắc của người lao động do Báo tổ chức. Qua các cuộc giao lưu này, khi nghe chuyên gia giải đáp, bản thân tôi cũng đã có thêm những kiến thức nhất định về Luật Lao động, Bảo hiểm xã hội… Ngoài ra, trong quá trình tác nghiệp, bản thân tôi cũng được rèn luyện thêm kĩ năng lắng nghe, kĩ năng tóm lược…
Cho tới hiện tại, tôi chưa bao giờ hối tiếc vì đã theo nghề. Bởi nghề đã giúp tôi có thêm nhiều trải nghiệm, giúp tôi cảm thấy tự hào khi có thể kể về những nét đẹp con người, văn hoá Thủ đô cũng như đất nước đến mọi người. Trên hết, Lao động Thủ đô với tôi như một gia đình, có những người chỉ huy thấu hiểu, động viên, có những đồng nghiệp thân tình chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ quận Hoàn Kiếm bàn giao Công đoàn cơ sở
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hội đàm cấp cao với Trung tâm Những người lao động Brazil
Gần 300 đoàn viên, người lao động ngành NN&PTNT dự hội thao ở Đắk Lắk
Những điều người dân cần lưu ý trước khi mua nhà đất
Bầu cử Tổng thống Mỹ tác động như thế nào đến tỷ giá, lãi suất?
Khi nào có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024?
Để giá nhà chung cư không “nóng”
Tin khác
Tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan là phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội
Sự kiện 05/11/2024 17:12
Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Đổi mới tư duy trong xây dựng, thi hành pháp luật
Sự kiện 05/11/2024 16:19
Đại biểu đề nghị giám sát các quỹ để quản lý, sử dụng hiệu quả
Sự kiện 05/11/2024 11:44
Năm 2024 cả nước tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên
Sự kiện 05/11/2024 11:30
Đại biểu Quốc hội: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng “tắc” do nguyên vật liệu
Sự kiện 05/11/2024 11:29
Đại biểu đề nghị tăng chi đầu tư phát triển cho y tế và giáo dục
Sự kiện 05/11/2024 10:42
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Sự kiện 04/11/2024 22:07
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Sự kiện 04/11/2024 21:44
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Sự kiện 04/11/2024 21:37
Đại biểu Quốc hội: Cần nghiêm trị hành vi phá hoại môi trường dù là nhỏ nhất
Sự kiện 04/11/2024 16:33