Nguồn cung không thiếu, nhưng vấn đề giá thành cao
Giá thấp hơn so với thế giới
Ngày 16/3, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Chất vấn về việc cung ứng xăng dầu, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) nhận định, thời gian qua giá dầu thế giới luôn tăng cao, nguồn cung trong nước bị thiếu hụt do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm sản lượng sản xuất vì gặp khó khăn về tài chính.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng. Ảnh: VGP |
Từ đó phụ phí mỗi thùng dầu tăng từ 2 đến 3 lần so với năm 2021, dẫn đến nhiều doanh nghiệp, đầu mối nhập khẩu xăng dầu buộc phải giảm chiết khấu của các đại lý, giá bán của nhiều đại lý có thời điểm không đủ bù chi phí nên có hiện tượng một số đại lý cửa hàng xăng dầu tư nhân găm hàng, treo biển hết xăng để chờ tăng giá, giá bán lẻ xăng dầu trong nước lên cao nhất trong 8 năm qua ảnh hưởng đến sản xuất, tăng trưởng kinh tế.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp trong thời gian tới để bảo đảm lợi ích hài hoà giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu trong nước?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, trước tình hình giá xăng dầu thế giới và nguồn cung trong nước, từ đầu năm 2022, Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp chỉ đạo nhập khẩu đủ sản lượng để bù vào thiếu hụt. Bộ trưởng khẳng định, hết Quý I/2022 vẫn đảm bảo đủ cho nhu cầu trong nước, cụ thể là đến giữa tháng 2 thì cả nước vẫn còn trữ lượng 3 triệu khối xăng dầu, đủ điều kiện đến hết tháng 3. Trong thời gian tới, các đầu mối của Bộ sẽ tăng cường nhập khẩu hơn mức bình thường (gấp đôi) để đảm bảo dự trữ trong bối cảnh biến động phức tạp của thị trường thế giới.
Về giá, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, liên Bộ Tài chính – Công thương đã điều hành theo đúng quy định của pháp luật, tức là 10 ngày/lần và bám sát giá thế giới. Giá xăng dầu thế giới đã tăng 40-46% so với năm 2021, nhưng trong nước mới tăng 29%, thấp hơn so với thế giới.
So sánh như vậy để thấy rằng giá xăng dầu trong nước đã được điều hành linh hoạt và phù hợp, mức hỗ trợ hiện tại đang ở mức dao động từ 500-1500 đồng/lít xăng dầu. Gần đây, khi giá tăng cao, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan đã tham mưu Chính phủ kiến nghị Quốc hội giảm thuế môi trường, qua đó giảm giá xăng dầu, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế nhanh hơn.
Sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
Trả lời về nguyên nhân giá xăng dầu trong nước có biên độ biến động thấp hơn so với giá cơ sở trên thị trường thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công Thương cùng với Bộ Tài chính, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, đã sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo Bộ trưởng, “nếu không trích từ Quỹ này 500-1.500 đồng/lít trong một kỳ điều hành thì không thể có giá thấp hơn giá thế giới”, vì "thị trường trong nước và thị trường thế giới như bình thông nhau, để giảm biên độ biến động giá xăng dầu thời gian qua là nhờ Quỹ bình ổn giá xăng dầu".
Cũng theo Bộ trưởng, trong bối cảnh thực hiện nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, thì việc duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu là vô cùng quan trọng, nhưng quỹ này có hạn, hiện còn khoảng trên dưới 600 nghìn tỷ đồng, trong khi đó có doanh nghiệp nhập khẩu âm quỹ này rất lớn. "Khi âm quỹ thì phải chấp nhận ghi nợ để sau này khi giá xăng dầu xuống lại tiếp tục trích lập, khi khó khăn phải bỏ ra dùng”, Bộ trưởng khẳng định.
Trong trường hợp Quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn nữa, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: "Hiện hai Bộ (Tài chính và Công Thương) đã đề nghị Chính phủ và Chính phủ cũng đã xây dựng dự thảo Nghị quyết đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường. Nhưng nếu khi giá thế giới tăng cao sẽ tiếp tục sử dụng các loại thuế, phí khác. Hết công cụ thuế, phí mà vẫn không ổn, trong khi giá thế giới cao thì giá trong nước cũng sẽ tăng cao".
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho hay, "để kìm giá, giữ chỉ số CPI, đối tượng dễ tổn thương không khó khăn hơn, thì các bộ ngành, cơ quan hữu quan sẽ đề nghị Chính phủ sử dụng các quỹ an sinh xã hội hỗ trợ từ ngân sách để hỗ trợ đối tượng yếu thế, với doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu".
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) phản ánh, cử tri băn khoăn thời gian tới xăng dầu có giảm giá được không. Thứ hai, cử tri cho rằng cơ cấu tính giá xăng dầu phức tạp, nhiều loại thuế chưa hợp lý. "Cử tri muốn Bộ trưởng làm rõ vì sao xăng dầu là mặt hàng thiết yếu lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và việc thu thuế bảo vệ môi trường thời gian qua đã được đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường ra sao”?
Giảm sắc thuế nào cần tính toán lại!
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc xem xét điều chỉnh giảm thuế trong thời điểm hiện nay là cần thiết để bảo vệ quyền lợi ích người tiêu dùng trước áp lực giá cả, tuy nhiên giảm sắc thuế nào cần tính toán lại. Theo đại biểu, giảm thuế môi trường có ba điểm bất hợp lý.
Ảnh minh họa |
Thứ nhất, sẽ không phù hợp với bản chất thuế bảo vệ môi trường. Vì thuế bảo vệ môi trường đánh vào mặt hàng gây ô nhiễm, mức thuế được xây dựng trên mức độ gây ô nhiễm. Nếu giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu sẽ dẫn đến một nghịch lý đó là có những đối tượng có thể gây ô nhiễm cao thì thuế suất thấp nhưng những đối tượng gây ô nhiễm thấp có thể phải chịu thuế cao.
Thứ hai, đối với xăng dầu đã mua dự trữ bắt buộc theo quy định đã chịu mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành là 4.000 đồng nhưng khi bán ra sau thời điểm giảm thuế chắc chắn sẽ phải chịu lỗ và điều này chưa phù hợp với nguyên tắc điều hành giá cả, là phải đảm bảo lợi ích của các bên. Nếu lựa chọn một sắc thuế khác thì sẽ không phát sinh nghịch lý này.
Thứ ba, xét về kinh nghiệm quốc tế hiện nay đối với các quốc gia sử dụng công cụ thuế để điều tiết bình ổn giá cả thì đều lựa chọn các sắc thuế khác như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu… Như đối với Canada, Anh và Bồ Đào Nha hiện nay đang lựa chọn giảm thuế VAT, đối với Ấn Độ, Thái Lan, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt…
Vì vậy, đại biểu cho rằng việc dùng công cụ thuế để điều tiết giá cả trong một số trường hợp là cần thiết, tuy nhiên, lựa chọn sắc thuế nào, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính đưa ra giải pháp hợp lý.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, chọn sắc thuế nào, ngành Công Thương cũng rất cân nhắc. Qua bàn bạc trong liên ngành và báo cáo với Chính phủ, Bộ Công Thương thấy rằng tình hình rất căng thẳng khi biến động giá thế giới như thế này mà xử lý tình huống nhanh nhất chỉ có thể là thuế môi trường.
Theo Bộ trưởng, ở đây thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong lúc khó khăn chúng ta giải quyết như vậy để cấp bách giảm giá, để cứu được kinh tế, hỗ trợ được người dân. “Còn trong tương lai, tôi đồng ý cần phải nghiên cứu cho phù hợp”, Bộ trưởng nói.
Có hay không việc "găm hàng" xăng dầu từ tuyến vĩ mô?
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nêu thực tế: Khi hỏi các đại lý xăng dầu trên địa bàn thì được biết do nguồn cung của nhà điều hành ở cấp vĩ mô không đưa xuống, nên đại lý không có hàng để bán. Đề nghị Bộ trưởng cho biết có hay không việc "găm hàng" xăng dầu từ tuyến vĩ mô chứ không chỉ đại lý?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, qua thanh tra 16.800 cửa hàng bán lẻ, có 211 cửa hàng có hiện tượng đóng cửa, trong đó phần lớn đóng cửa do sự cố kỹ thuật. Về việc có hàng hay không, Bộ trưởng cũng cho rằng, “truy đến cùng thì các cửa hàng này nhận xăng dầu từ Nghi Sơn. Nghi Sơn dừng đột ngột thì các cửa hàng này cũng không dễ nhận xăng dầu từ các đơn vị cung cấp khác”.
Cũng theo Bộ trưởng, Bộ Công Thương đã chỉ đạo kịp thời chia sẻ nguồn cung từ các nhà cung ứng sử dụng hàng nhập của các đơn vị cung ứng khác, đồng thời, tiến hành thanh kiểm tra 33 đơn vị nhập khẩu xăng dầu, có kết quả bước đầu, song do chưa có đủ căn cứ, dữ liệu, thực hiện đủ các quy trình nên chưa báo cáo cụ thể được.
Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh, nếu phát hiện doanh nghiệp đầu mối nào không thực hiện đúng chức năng sẽ xử lý theo quy định pháp luật, mà hình thức xử phạt cao nhất là đình chỉ hoạt động, rút giấy phép kinh doanh. Bộ trưởng cũng khẳng định “không có hiện tượng găm hàng” từ vĩ mô.
Nâng mức dự trữ
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước), đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) đề nghị Bộ trưởng Công Thương làm rõ giải pháp về nguồn cung để bảo đảm căn cơ việc tiêu dùng của người dân, việc dự trữ của doanh nghiệp trong thời gian tới, nhất là khi thực tế một số nhà máy sản xuất, nhà máy lọc dầu trong nước đến nay vẫn chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, trong bối cảnh xăng dầu thế giới diễn biến vừa qua cho thấy nếu không có một chiến lược, giải pháp căn cơ thì trong tương lai, mặt hàng này còn gặp nhiều khó khăn. Đối với hoạt động của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện đề án chiến lược về dự trữ.
Từ góc độ quản lý Nhà nước về ngành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trước hết phải đẩy mạnh năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Hiện, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn do PVN công suất chỉ có 6,5 triệu tấn/năm, cần tiếp tục nâng công suất hoặc ít nhất là duy trì công suất thiết kế để giữ nguồn cung cho xăng dầu trong nước.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan, đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tham mưu các cấp có thẩm quyền giải quyết một cách triệt để những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của liên danh Lọc hóa dầu Nghi Sơn để làm sao đơn vị này phải giữ được cam kết ban đầu là cung cấp cho thị trường lượng xăng dầu nội địa từ 35-40% trong kỳ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu có thể tăng cường hơn nữa Quỹ bình ổn xăng dầu theo cơ chế trích lập giá xăng dầu bán ra thị trường trong kỳ. Đồng thời với việc nâng quy mô của Quỹ bình ổn, cần xem xét tạo nguồn quỹ này như thế nào, từ ngân sách hay là việc trích lập trên mỗi lít xăng dầu để có thể có được nguồn quỹ bình ổn đúng nghĩa, tuân thủ quy luật thị trường.
Cùng với đó, Bộ tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền để nâng mức dự trữ, dự phòng. Hiện nay lượng dự trữ không lớn, chỉ tính theo ngày. Trong tương lai, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, phải nâng mức dự phòng lên thì mới ổn định được, thậm chí ít nhất là hàng chục lần so với hiện nay. /.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Dứt khoát chúng ta phải làm chủ sản xuất trong nước! Tham gia trả lời tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, là một trong những mặt hàng có tác động rất lớn về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, nhất là kiềm chế lạm phát. Có thể khẳng định, các công cụ pháp lý đủ để quản lý chặt chẽ ổn định xăng dầu và bảo đảm cung ứng cho sản xuất, đời sống. Tuy nhiên, mặt hàng này ta chưa tự chủ được, còn phụ thuộc vào nhập khẩu nhiều. Theo Phó Thủ tướng, có 2 vấn đề cử tri, doanh nghiệp và người dân quan tâm là tình trạng một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa không bán và giá tăng liên tục trong mấy kỳ liền. Trong đó, có mấy vấn đề cần làm rõ nguyên nhân để cử tri và nhân dân yên tâm. Về giá xăng dầu tăng cao, có 2 việc, một là do sản xuất của Nhà máy Nghi Sơn sản lượng có suy giảm, nhưng nguyên nhân một số cửa hàng đóng cửa còn là do các kênh phân phối, điều phối chưa làm tốt. Tỷ lệ này tuy nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người tiêu dùng. Nguyên nhân chính là việc phối hợp, điều phối có vấn đề. Theo Phó Thủ tướng, phải bảo đảm có đủ lượng xăng dầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng, đến nay chúng ta khẳng định là có đủ, và giá cả vận hành theo thị trường nhưng có kiểm soát. Về giải pháp, Chính phủ đã họp và điều hành 3 lĩnh vực là sản xuất, nhập khẩu và phân phối. Trong đó sản xuất, nhập khẩu đã kiểm soát, bảo đảm cơ số dự trữ trong 2-3 tháng. Về điều hành giá, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là mặt hàng phải kiểm soát và bình ổn, phương châm là cố gắng không để xăng dầu ảnh hưởng đến sản xuất và lạm phát. Chính phủ đã thực hiện một loạt giải pháp như sử dụng quỹ bình ổn giá, giảm phí và đã có Nghị quyết báo cáo cấp có thẩm quyền rà soát giảm thuế phù hợp. Còn trong trường hợp còn tăng, chúng ta sẽ có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các đối tượng để bảo đảm sao cho sản xuất ổn định, giá thành ổn định. “Về giải pháp dài hơi, tôi đã trực tiếp làm việc với Tập đoàn Dầu khí, tinh thần như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội cũng đã phát biểu là dứt khoát chúng ta phải làm chủ xăng dầu, sản xuất xăng dầu trong nước”, Phó Thủ tướng nói. Cũng tại phiên chất vấn, tham gia trả lời vì sao xăng dầu là hàng thiết yếu lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu. Theo đó, nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu xăng dầu phải nộp loại thuế này. Theo Bộ trưởng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định nhằm để sử dụng tiết kiệm. Xăng dầu, bia rượu, thuốc lá... theo luật đều là những mặt hàng xác định áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Do vậy, thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu hiện nay. Sau trả lời của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã đề nghị Bộ trưởng Tài chính cần chỉ đạo nghiên cứu thêm về vấn đề này. ---------------------------------- Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: 2 nhà máy lọc dầu của Việt Nam cung cấp khoảng 75% nhu cầu trong nước Việt Nam hiện nay có 2 Nhà máy lọc dầu: Nhà máy lọc dầu Dung Quất thuộc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn thuộc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn với công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm. Hai nhà máy này cung cấp khoảng 70-75% nhu cầu xăng, dầu trong nước (trong đó nguồn từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm 35-40%, nguồn từ Nhà máy lọc dầu Bình Sơn chiếm khoảng 35%). Ngoài ra, còn có một số Nhà máy chế biến condensate (sản xuất xăng và dung môi) gồm: Nhà máy chế biến condensate Đông Phương, Nhà máy chế biến condensate Nam Việt, Nhà máy chế biến condensate Cái Mép, Nhà máy chế biến condensate Cát Lái. Cả nước hiện có 36 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có chức năng nhập khẩu xăng dầu (trong đó có 3 doanh nghiệp chỉ chuyên kinh doanh nhiên liệu hàng không). Dự kiến năm 2022, nhu cầu nhập khẩu xăng dầu các loại khoảng 7,4 triệu m3, tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước theo kế hoạch năm 2022 là 20,7 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước khoảng 14,418 triệu m3, nhập khẩu khoảng 6,282 triệu m3. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Đánh giá kỹ tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Sự kiện 22/11/2024 21:31
Quốc hội xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá
Sự kiện 22/11/2024 15:25
Phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ I
Sự kiện 22/11/2024 14:19
Đề xuất các quan điểm, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
Sự kiện 22/11/2024 09:49
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
Sự kiện 21/11/2024 16:55
Đại biểu Quốc hội: Không thể để một công chức nếu không chi tiêu gì mất cả hơn trăm năm mới mua được nhà
Sự kiện 21/11/2024 14:14
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói về thời điểm thích hợp xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Sự kiện 20/11/2024 21:08
Nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Sự kiện 20/11/2024 17:39
Hội Luật gia thành phố Hà Nội tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029
Sự kiện 20/11/2024 17:28
Lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp
Sự kiện 20/11/2024 13:17