Người lao động mong gói hỗ trợ của Chính phủ sớm đến tay
Giáo viên mầm non là nhóm ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 |
Cuộc sống bấp bênh
Dù cắt giảm mọi chi phí sinh hoạt cho gia đình xuống mức thấp nhất thì chị Nguyễn Hồng Lĩnh, nhân viên tại một khách sạn ở quận Ba Đình, Hà Nội vẫn rất vất vả để cân đối chi tiêu trong gia đình. Chồng chị làm phục vụ cho một nhà hàng gần nhà, nay nhà hàng đóng cửa nên phải nghỉ việc. Cả tháng nay, chị Lĩnh vẫn túc tắc làm vài ngày, nghỉ vài ngày do lượng khách lưu trú tại khách sạn giảm đáng kể vì sự lan rộng của dịch bệnh Covid-19. Mới đây, khách sạn thông báo tạm nghỉ việc, chờ tới khi có thông báo tiếp thì đi làm.
“Hơn tháng nay dịch bệnh phức tạp nên lượng khách sụt giảm đáng kể. Hiện tại, chúng tôi đang tạm nghỉ việc. Phía khách sạn cho biết sẽ hỗ trợ từ 20 – 30% lương. Nếu dịch bệnh còn kéo dài, sợ rằng nguồn hỗ trợ này cũng sẽ không còn. Khó khăn lại chồng chất khó khăn khi công việc của chồng tôi cũng phải nghỉ. Giờ được Nhà nước hỗ trợ đồng nào hay đồng đấy để đảm bảo cuộc sống chờ qua dịch”, chị Lĩnh chia sẻ.
Trường hợp như chị Lĩnh hiện nay khá nhiều, Chính phủ đang tính toán để hỗ trợ những lao động có hợp đồng làm việc với doanh nghiệp nhưng phải nghỉ việc, làm việc bán thời gian, nghỉ không lương khiến nhiều lao động cảm thấy yên tâm hơn. Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng rất lớn của người dân, đặc biệt là công nhân lao động nghèo, những người không có tích lũy.
Anh Nguyễn Thanh Hải, nhân viên một công ty xây dựng ở Cầu Giấy cho biết: “Công nhân đều phải chờ vào lương, giờ nghỉ không lương chẳng có tiền trang trải sinh hoạt phí, chăm lo cho gia đình. Mua gì cũng phải dè dặt, mọi thứ đều giảm bớt đi vì thu nhập giảm hơn, cuộc sống khó khăn hơn. Giờ được Nhà nước hỗ trợ, quan tâm như thế chúng tôi sẽ bớt khó khăn hơn”.
Dịch bệnh Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến những người đang có gia đình, con cái cần phải chăm lo mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến những người độc thân. Chia sẻ về điều này, bạn Nguyễn Như Mai ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho hay: “Thật ra khi dịch bệnh ập đến, cuộc sống mình bị ảnh hưởng lớn nhất ở phần công việc. Điều này thì có lẽ không chỉ mình mà tất cả mọi người đều như thế.
Dịch bệnh kéo theo hệ lụy về sinh hoạt, công việc đều trì trệ, nếu ai đã lập gia đình và có con thì càng vất vả hơn. May mắn là mình sống tại nhà riêng, không mất chi phí thuê nhà, không phải trả góp nhà đất mỗi tháng nên hiện tại cũng tạm ổn. Dịch bệnh là lúc cho mình nhận ra kết quả của sự “ăn chắc mặc bền” thật sự hữu ích. Nhưng nếu tình hình cứ kéo dài, thì sẽ rất rắc rối”.
Thủ tướng yêu cầu làm nhanh gói an sinh xã hội
Chiều 5/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19. Trước đó, Dự thảo Nghị quyết đã được đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 vào ngày 1/4 vừa qua và được Chính phủ thống nhất cao. Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với một số bộ, ngành liên quan rà soát kỹ, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Thủ tướng ký ban hành.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo kết quả rà soát, hoàn thiện dự thảo nghị quyết.Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ cần phải được triển khai ngay vì đời sống người dân và người lao động đang rất khó khăn. Đồng thời phải tính độ trễ của việc ban hành và tổ chức thực hiện các quy định, nhằm bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả của chính sách. “Khi dịch bệnh lây lan thì tình người cũng lan tỏa, đó là giải pháp không có trong mọi kế hoạch nhưng luôn phải được thực thi một cách nhanh chóng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Tại cuộc họp, các bộ, ngành liên quan thảo luận về báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tập trung vào các nội dung: Mức hỗ trợ, thời gian, nguồn và đối tượng hỗ trợ. Các ý kiến đều cho rằng hỗ trợ trực tiếp và càng sớm càng tốt. Đối tượng hỗ trợ là người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch bệnh. Các ý kiến thảo luận về việc có còn thiếu nhóm đối tượng nào gặp nhiều khó khăn nhưng chưa thuộc diện hỗ trợ hay không với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thủ tướng cho rằng dịch bệnh Covid – 19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người yếu thế trong xã hội, những người có thu nhập thấp, mất việc. Do đó, Nhà nước, với các nguồn lực khác nhau, phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để “đói cơm lạt muối” cũng như dưỡng sức cho người lao động để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.Bên cạnh nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội để bảo đảm cuộc sống tối thiểu, tái sản xuất sức lao động cho người dân có ý nghĩa quan trọng.
Về đối tượng, Thủ tướng cho biết cơ bản các ý kiến thống nhất với các nhóm đối tượng mà các bộ đề xuất, trong đó có 6 nhóm đối tượng mà ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp, 1 nhóm đối tượng là doanh nghiệp được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% để hỗ trợ người lao động. “Nhân vô thập toàn, nếu còn sót đối tượng này, đối tượng kia mà xã hội quan tâm thì tiếp tục bổ sung”. Thủ tướng cũng lưu ý việc hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu, trong đó có nhóm đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có công, lao động có hợp đồng bị nghỉ việc không lương, lao động tự do mất việc làm…
Thủ tướng đề nghị các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước phối hợp tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện báo cáo theo chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan. Thủ tướng cũng giao các bộ liên quan xây dựng báo cáo tổng quát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến về những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền.Về thời gian hỗ trợ, phương pháp hỗ trợ, các ý kiến cũng nhất trí với tinh thần Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình ra.
Thủ tướng nhấn mạnh việc chi trả làm sao phải tạo thuận lợi cho người lao động, người gặp khó khăn, chứ không phải tháng nào cũng phải chạy đi xin.Về nguồn để sử dụng cho việc hỗ trợ, Thủ tướng nêu rõ có nguồn từ tiết kiệm chi thường xuyên như giảm chi cho hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài, giảm tổ chức các lễ hội. Bên cạnh đó, có nguồn từ tăng thu năm 2019 và sử dụng nguồn dự phòng ngân sách năm 2020 và các nguồn hợp pháp khác.
Thủ tướng lưu ý phải nêu rõ số tiền từng nguồn, ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương phân bổ thế nào, “các cấp đều phải có trách nhiệm chứ không chỉ trung ương”.Các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và xã hội chuẩn bị kỹ việc hướng dẫn các địa phương, cơ quan liên quan triển khai thực hiện, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi để người dân biết, các cơ quan đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát thực hiện, chống tiêu cực, tham nhũng, xử lý nghiêm các vi phạm.
“Không phải cứ lòng vòng mãi mà không nhận được tiền. Ai chịu trách nhiệm cái này, có phải chủ tịch UBND tỉnh và dưới tỉnh là huyện, xã, phường không?”, Thủ tướng nêu rõ việc giao quyền, trách nhiệm cụ thể cho cấp cơ sở.Nhấn mạnh các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đời sống nhân dân, Thủ tướng cho biết riêng ngành điện lực đã hỗ trợ gần 12.000 tỉ đồng về giá điện, ngành viễn thông cũng hỗ trợ gần 15.000 tỉ đồng… “Phải làm nhanh hơn vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn”, Thủ tướng nói.
Sự đồng hành kịp thời, kịp lúc và hiệu quả của Chính phủ qua các chính sách đang thực thi đã tiếp sức rất lớn cho người lao động, đặc biệt là những người không có tích lũy, kiếm sống qua ngày, nhiều đối tượng khó khăn khác do dịch bệnh. Điều đó còn giúp người dân thêm vững tin và quyết tâm cùng Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Dấu ấn khác biệt của Vinamilk với hành trình 16 năm liền là thương hiệu Quốc gia
Hà Nội sẵn sàng cho Liên hoan phim quốc tế Hà Nội HANIFF VII
Sắc màu hầu đồng trong nghệ thuật trang điểm
Sơn Tây: Thông tin về vụ sập nhà ở phường Quang Trung
Quận Bắc Từ Liêm trao Huy hiệu Đảng tặng 220 đảng viên lão thành cách mạng
Huyện Thường Tín nỗ lực chuyển đổi số để phát triển toàn diện
TP.HCM: Nhiều vướng mắc về thanh toán không dùng tiền mặt để chi trả BHXH
Tin khác
Hà Nội: 30 nhà giáo tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024
Đời sống 30/10/2024 22:30
Đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp
Đời sống 23/10/2024 16:06
Trình Thủ tướng phương án nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày
Đời sống 23/10/2024 06:00
Giá điện, giá chung cư đều tăng: Người lao động càng thêm gánh nặng!
Lao động 12/10/2024 21:01
Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện
Đời sống 08/10/2024 06:17
Hàn Quốc ân hạn với lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước
Đời sống 05/10/2024 11:45
Hà Nội: Hộ gia đình nuôi 2 con học đại học, cao đẳng được hỗ trợ vay vốn chính sách
Đời sống 04/10/2024 15:49
Đề nghị bỏ đề xuất sinh viên làm thêm không quá 24 giờ mỗi tuần
Đời sống 25/09/2024 22:33
Từ 1/7/2025, tạm dừng hưởng lương hưu với người xuất cảnh trái phép
Đời sống 23/09/2024 10:31
Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 đề xuất được nghỉ 9 ngày
Đời sống 17/09/2024 13:40