Kịp thời hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid- 19
Đề xuất hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 | |
Hà Nội: nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động phòng, chống dịch Covid- 19 | |
Chủ động đối thoại, hỗ trợ người lao động |
Hàng ngàn người lao động gặp khó
Là giáo viên một trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội, mức lương 5 triệu đồng/tháng, bình thường, ngoài thời gian làm việc ở trường, cô giáo Nguyễn Thị Hoa, phường Việt Hưng, quận Long Biên đã phải làm thêm giúp việc gia đình vào buổi tối để trang trải cuộc sống. Từ tháng 2/2020, dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp, học sinh nghỉ, Trường tạm dừng hoạt động, không có lương khiến cuộc sống của cô càng khó khăn hơn.
“Em tiếp tục đi làm giúp việc theo giờ và dọn dẹp nhà cửa cho những gia đình có nhu cầu. Các cô giáo khác trong trường cũng phải xoay đủ nghề tạm thời để kiếm sống nhưng xin việc khó lắm vì ít nơi muốn tuyển lao động thời vụ, có người đành xin thôi việc để chuyển hẳn sang nghề khác”- cô Hoa cho biết.
Cũng lâm vào tình cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19 là chị Nguyễn Thị Lan- công nhân một doanh nghiệp may mặc đặt trên địa bàn quận Hà Đông- Hà Nội. “Lương công nhân ngành may vốn không cao, từ khi dịch bệnh bùng phát, Công ty cho giãn việc, nghỉ luân phiên, giải quyết nghỉ phép… nên thu nhập của em cũng bị giảm. Trong khi đó, tiền điện nước, thuê nhà trọ thì vẫn thế. Đời sống rất khăn”- chị Lan chia sẻ.
Trong khi đó, anh Nguyễn Tiến Lộc và chị gái Nguyễn Thị Nụ (phường Giang Biên, quận Long Biên), là quản lý một khách sạn tư nhân ở phố cổ Hà Nội hai tháng gần đây đã lâm cảnh thất nghiệp khi khách sạn buộc phải đóng cửa vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid- 19.
Gặp hai chị em chị Nụ và anh Lộc bán rau ở ven đường, anh Lộc cười như mếu: “Em cũng không nghĩ có một ngày mình ra vỉa hè bán rau, nhưng dịch bệnh phức tạp thế này, không biết khách sạn còn phải đóng cửa đến bao giờ nên cũng phải làm việc gì để có cái sinh nhai. Mong sao dịch bệnh mau qua”.
Giải quyết việc làm cho lao động thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tháng 3/2020. Ảnh minh họa |
Những câu chuyện trên đây không phải là hiếm gặp trong thời điểm hiện nay. Dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp đã gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp, người lao động. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ước tính cả nước có khoảng 15% doanh nghiệp bị ảnh hưởng; hơn 153.000 người lao động làm việc trong doanh nghiệp mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ước tính quý II/2020 sẽ có khoảng 250.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và từ 1,5 đến 2 triệu lao động bị ngừng việc. Trong đó, loại hình doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất, chiếm khoảng gần 80% tổng số doanh nghiệp bị ảnh hưởng và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, vận tải, du lịch, dịch vụ… bị mất việc làm hoặc có nguy cơ mất việc làm nhiều hơn các ngành, nghề khác.
Tại Hà Nội, thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, trong quý I/2020, số người đến trung tâm nộp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp là hơn 12.000 người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2019.
"Số lượng lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tăng trong những tháng đầu năm nay do nhiều yếu tố, trong đó có tác động rất lớn từ dịch Covid-19", Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo đánh giá.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cũng cho biết, theo khảo sát sơ bộ, đến cuối tháng 3/2020, toàn thành phố Hà Nội có khoảng 40% doanh nghiệp, trong tổng số hơn 240.000 doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động, kéo theo hàng chục nghìn lao động bị mất việc làm hoặc phải giảm giờ làm.
Còn theo thống kê của các cấp Công đoàn Hà Nội, tính trong khối doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn trên địa bàn Thành phố cũng có 1298 doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19 với trên 34.000 người lao động bị tác động, mất việc làm, thiếu việc làm đặc biệt là khối ngành dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử.
Bên cạnh đó, có 520 trường tư thục, cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng phải ngừng hoạt động vì dịch bệnh, với gần 40.000 cán bộ, giáo viện, nhân viên, người lao động mất việc làm, thiếu việc làm. Đời sống, việc làm của những cán bộ, giáo viên, người lao động ở khu vực này hiện gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người lao động phải về quê, một số đang phải tìm công việc mới.
Thiết thực hỗ trợ người lao động
Trước những khó khăn của doanh nghiệp và người lao động, Chính phủ, các cấp ngành và tổ chức Công đoàn đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực. Điển hình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã sớm đề xuất và được Chính phủ xem xét thông qua nhiều giải pháp chính sách nhằm bảo đảm an sinh xã hội thời điểm dịch Covid-19.
Theo đó, ngoài chế độ, chính sách hiện hành, dự kiến, trong quý II năm nay, người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt. Người sử dụng lao động được vay vốn không lãi suất từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng cho người lao động bị ngừng việc; đồng thời người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm tự lo nguồn kinh phí để thanh toán nốt số tiền 50% còn lại cho người lao động.
Ngoài ra, người sử dụng lao động và người lao động trong doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa 12 tháng…
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến việc làm, đời sống của công nhân viên chức lao động và tổ chức Công đoàn; đề xuất chính sách, giải pháp hỗ trợ và giải quyết các vấn đề liên quan, trong đó chú trọng đề xuất về chính sách đảm bảo, duy trì, chuyển đổi việc làm; tiền lương và các chế độ khi người lao động phải nghỉ việc để cách ly, hoặc thiếu, mất việc làm do ảnh hưởng dịch bệnh; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; đảm bảo điều kiện làm việc an toàn; chế độ đối với người lao động tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp bất khả kháng…
Tại Hà Nội, từ ngày 20/3, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc và các địa phương khảo sát thông tin tình hình lao động, việc làm trong thời gian qua, báo cáo kết quả cụ thể. Căn cứ vào kết quả khảo sát, Sở sẽ phân tích, đánh giá và tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng phương án hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng.
Sở cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc duy trì việc tiếp nhận hồ sơ, tư vấn, hỗ trợ kết nối việc làm trực tuyến; tăng cường thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, sẵn sàng kết nối cung - cầu lao động khi hết dịch Covid-19.
Lao động ngành may gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid- 19. Ảnh minh họa |
Với vai trò đại diện người lao động, LĐLĐ Thành phố Hà Nội cũng đã sớm có kế hoạch số 16/KH- LĐLĐ ngày 20/3/2020 về chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid- 19. Trong đó, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các Công đoàn cấp trên cơ sở tiếp tục nắm chắc tình hình quan hệ lao động, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động đối với người lao động bị ngừng việc do dịch Covid- 19; hướng dẫn công đoàn cơ sở tham gia với người sử dụng lao động xây dựng phương án chi trả tiền lương ngừng việc và các khoản phúc lợi khác cho người lao động trong thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo đúng quy định.
LĐLĐ thành phố cũng yêu cầu Công đoàn cấp trên cơ sở căn cứ vào nguồn lực tài chính và vận động xã hội hóa để tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn thuộc các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cơ sở giáo dục ngoài công lập có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, bệnh hiểm nghèo, bị nợ lương, mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, doanh nghiệp di dời đi nơi khác do Covid-19.
Đặc biệt, các cấp Công đoàn Hà Nội sẽ đẩy mạnh thực hiện các chương trình “Phúc lợi đoàn viên” với việc vận động các đơn vị, đối tác đã ký chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn” hỗ trợ kinh phí, tặng sản phẩm, dịch vụ hoặc đẩy mạnh triển khai các chương trình ưu đãi đến công nhân lao động.
LĐLĐ Thành phố cũng chỉ đạo Quỹ trợ vốn công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình hỗ trợ vay vốn kịp thời cho đoàn viên công đoàn thuộc diện bị ảnh hưởng do dịch Covid- 19, chỉ đạo các cấp công đoàn vận động các chủ nhà trọ trên địa bàn hỗ trợ giảm giá tiền thuê trọ cho đoàn viên công đoàn, người lao động trong thời gian bị ảnh hưởng dịch...
Riêng LĐLĐ Thành phố đã quyết định hỗ trợ 1500 đoàn viên công đoàn tại các công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp, cơ sở giáo dục ngoài công lập thuộc LĐLĐ thành phố bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid- 19, có hoàn cảnh khó khăn với mức 1 triệu đồng/người, tiền hỗ trợ được chuyển khoản về các Công đoàn cấp trên cơ sở để thực hiện trao cho đoàn viên, người lao động khó khăn với hình thức phù hợp, đúng nguyên tắc tài chính trước 15/4/2020.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Liên hoan Ban nhạc toàn quốc năm 2024: "Hút" hàng nghìn khán giả về Sơn Tây
Google Maps tích hợp AI Gemini, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi về địa điểm
Thời tiết miền Bắc chuyển rét, Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa lớn
Xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài: Chỉ xây khi dự kiến thu đủ bù chi
Phát huy hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”
Quy định về phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở từ 16/12/2024
Công đoàn ngành GTVT Hà Nội: Trao hỗ trợ cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Tin khác
Hà Nội: 30 nhà giáo tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024
Đời sống 30/10/2024 22:30
Đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp
Đời sống 23/10/2024 16:06
Trình Thủ tướng phương án nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày
Đời sống 23/10/2024 06:00
Giá điện, giá chung cư đều tăng: Người lao động càng thêm gánh nặng!
Lao động 12/10/2024 21:01
Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện
Đời sống 08/10/2024 06:17
Hàn Quốc ân hạn với lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước
Đời sống 05/10/2024 11:45
Hà Nội: Hộ gia đình nuôi 2 con học đại học, cao đẳng được hỗ trợ vay vốn chính sách
Đời sống 04/10/2024 15:49
Đề nghị bỏ đề xuất sinh viên làm thêm không quá 24 giờ mỗi tuần
Đời sống 25/09/2024 22:33
Từ 1/7/2025, tạm dừng hưởng lương hưu với người xuất cảnh trái phép
Đời sống 23/09/2024 10:31
Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 đề xuất được nghỉ 9 ngày
Đời sống 17/09/2024 13:40