Người “giữ hồn” cho văn hóa trà Việt
Giới thiệu nghệ thuật trà của người Hà Nội tại phố cổ |
Trăn trở giữ “hồn” trà Việt
Những ngày cuối đông, Hiên trà Trường Xuân tấp nập luôn khách ra vào. Mặc dù khá bận bịu với công việc giới thiệu nét văn hóa trà Việt cho ẩm khách, ông chủ Hiên trà quán – Hoàng Anh Sướng vẫn cố gắng dành cho chúng tôi một ít thời gian. Sau tuần trà nóng, Hoàng Anh Sướng thong thả kể về cái “duyên” với nghiệp trà của anh. Cha của anh - nghệ nhân trà Trường Xuân - là đời thứ 5 của Linh Dược trà nổi tiếng đất Hà thành thế kỷ XX. Cả cuộc đời ông chỉ dành để nghiên cứu về cây trà và nghệ thuật thưởng thức trà Việt.
“Dấu chân cha tôi đã in trên khắp các vùng miền cả nước. Nơi nào có trà là cha tôi lại tìm đến, từ những rừng trà Shan tuyết mọc hoang vu trên vùng núi đá tai mèo ở Phìn Hồ (Hà Giang), rồi đến đồi trà Tà Sùa, Thượng Sơn ở Bắc Yên (Sơn La), hay những đồi trà xanh mướt ở đất Tân Cương (Thái Nguyên), Thanh Sơn (Phú Thọ), Bảo Lộc (Lâm Đồng)... Những nơi cha tôi đi qua, ông không chỉ thu thập kinh nghiệm quý báu về cách ướp trà, mà ông còn quan tâm đến nghệ thuật thưởng trà của từng vùng miền, từng dân tộc. Từ đó, ông chắt lọc và dựng lên một bức tranh chân thực và đầy đủ nhất về nghệ thuật thưởng trà của người Việt, tưởng như đơn sơ mà lại rất cầu kỳ và đầy tinh tuý mang đậm bản chất, văn hóa của người Việt. Trà đã ngấm vào tâm hồn tôi từ chính những câu chuyện, những đam mê về trà được cha tôi kể lại” – Hoàng Anh Sướng tâm sự.
Với truyền thống gia đình, nghiệp trà đã ngấm vào tâm hồn ông chủ Hiên trà quán từ thuở còn chập chững. Thế nhưng, cái “duyên” thôi thúc Hoàng Anh Sướng quyết định gánh vác nghiệp trà của gia đình lại được bắt nguồn từ chính dịp sinh nhật lần thứ 70 của cha. Anh nhớ lại: “Trong lễ sinh nhật của cha, tôi thấy ông nâng chén trà đàm đạo cùng các bạn đồng niên, miệng ông cười, nhưng ánh mắt lại đượm buồn khi nói về văn hóa trà Việt đang ngày bị mai một. Ánh mắt cha ám ảnh và thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó và tôi đã hứa với cha tôi rằng: Con sẽ thay cha gánh vác sứ mệnh gìn giữ văn hóa trà Việt. Kể từ đó, lời hứa với cha đã trở thành lẽ sống của cuộc đời tôi”.
Chính thức trở thành người kế nghiệp đời thứ 6 của Linh Dược trà, Hoàng Anh Sướng đã dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu, tìm hiểu và giới thiệu văn hóa trà Việt đến với bạn bè khắp 5 châu. Để hiểu hơn về trà cũng như văn hóa trà Việt ở mỗi vùng miền, ông chủ Hiên trà quán đã lặn lội theo chân các mẹ, các chị lên nương hái chè. Có nhiều đêm, anh đứng hàng giờ bên bếp lửa hồng chỉ để nhìn những đôi tay thoăn thoắt đang sao chè của những người phụ nữ, sau đó lại ngồi nhâm nhi chén trà thơm để nghe các cụ, các nghệ nhân kể chuyện đời, chuyện nghề. Lúc ấy, anh mới càng thấy thấm thía đến tận cùng cái gọi là công phu, là nghệ thuật, là văn hóa trà Việt.
“Cùng một ngọn núi, cùng một vườn chè, nhưng vạt chè hướng Đông bao giờ cũng ngon hơn chè hướng Tây. Bởi mỗi sáng sớm, khi mặt trời vừa thức dậy, cây chè phía Đông sẽ được đón nhận những tia nắng đầu tiên nên phản ứng sinh trưởng khác hẳn cây ở phía Tây. Rồi cũng một cây chè, tuỳ theo nắng, mưa, gió, tuyết, tuỳ theo mỗi mùa đi qua mà có sự khác nhau giữa hương vị. Thậm chí, ngay cả cách hái chè thôi cũng đủ coi là một nghệ thuật. Bàn tay thô vụng khi hái sẽ làm cho búp chè bị bầm dập, nát héo và đương nhiên hương vị sẽ bị ôi oai… Mọi công đoạn, từ khi chọn đất, địa hình, đến khi thu hoạch sao chế... đều là một nghệ thuật tinh vi đầy cá tính. Mà mỗi chặng, mỗi nhịp đều phải đạt đến được cái chân nghệ thuật thì cái đích cuối cùng: Một ấm trà ngon mới thật là viên mãn” - anh Sướng miên man kể.
Đưa văn hóa trà Việt đến gần hơn với thế giới
Nhằm giới thiệu văn hóa trà Việt đến gần hơn với ẩm khách, việc đầu tiên Hoàng Anh Sướng mở một quán trà nhỏ giữa lòng Hà Nội và lấy tên là Hiên trà Trường Xuân. Tại đây, anh có cơ hội để giới thiệu và hòa mình vào với nghệ thuật ẩm trà. Theo chia sẻ của ông chủ Hiên trà quán, nhiều ẩm khách đến đây chỉ mong được nghe anh giới thiệu về văn hóa trà Việt. Những hôm như vậy, anh nói cả buổi cũng không thấy mệt, bởi lẽ, khi ấy, niềm đam mê trà đã trở nên bất tận. Khách hàng tìm tới quán ngày một đông hơn. Có người đến chỉ để thưởng thức trà, cũng có người đến với mong muốn cùng anh lưu giữ những nét tinh túy nhất của văn hóa trà Việt.
Tại Hiên trà quán, ẩm khách sẽ thực sự bị thuyết phục bởi những hương vị trà truyền thống do chính tay ông chủ quán sao tẩm. Trà ở đây được chia làm ba dòng chính. Dòng trà mộc là trà xanh nguyên thủy của vùng Phìn Hồ, Đồng Văn, Tân Cương, Tà Sùa…được lựa chọn kỹ lưỡng, đánh hương lại theo kinh nghiệm gia truyền. Dòng trà bổ dưỡng là sự kết hợp giữa trà với những vị thuốc bắc, long nhãn, hạt sen, mật ong, hoa cúc…tạo thành những vị thuốc bổ, những chung trà thơm ngon. Cuối cùng và cũng là độc đáo nhất chính là dòng trà ướp hương hoa tự nhiên, với những vị thơm mát của hoa bưởi, vị ngọt ngào của ngọc lan, vị thanh khiết của hoa sen, hoa nhài…
“Để có được những hương vị chè đặc trưng nhất, tôi đã lang thang khắp các vùng đồi trà hoang dã trên dãy núi Hoàng Liên Sơn với độ cao hơn 2.000m. Mỗi lẫn đi như thế, tôi lại mang về một ba lô chè, với những lá chè xanh đậm, rất dày, khi pha trà đưa lên môi có vị ngọt đậm, ngọt đà. Đây chính là minh chứng sinh động nhất cho điều mà tôi vẫn tự hào quảng bá về trà Việt từ lâu: Nước ta là một trong những chiếc nôi trà cổ nhất của thế giới” – Hoàng Anh Sướng kể.
Gìn giữ và truyền bá văn hoá trà Việt, Hoàng Anh Sướng đã “nướng” phần lớn gia sản của mình cho những chuyến đi Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, để tìm hiểu về trà và nghệ thuật thưởng trà của họ, thậm chí anh còn sang cả các nước Châu Âu để tìm hiểu về phương pháp làm trà và quảng bá trà hiện đại. Anh chia sẻ: “Nếu người Trung Quốc thiên về thẩm mỹ qua cách pha trà, người Nhật Bản mang nặng chất đạo với những quy định khắt khe về kích thước của trà thất, về trà cụ, về số chén trà mỗi người được uống trong một tiệc trà... thì người Việt lại ứng xử khá cởi mở đối với trà. Không câu nệ vào những quy định ngặt nghèo, nhưng không có nghĩa là cách uống trà của người Việt đơn giản, đại khái. Từ khâu chọn trà cho đến thưởng trà là cả một nghệ thuật và nó ẩn chứa nhiều đạo lý; nghệ thuật thưởng trà của người Việt trên tất cả là hướng đến sự hoà hợp của trời, đất và lòng người...”.
Sau những lần đi ấy, Hoàng Anh Sướng đã đúc kết ra rằng, không phải cứ kinh tế phát triển, rồi cuộc sống bận rộn, thì văn hóa trà sẽ bị mai một, tất cả những điều ấy chỉ là sự bao biện. Từ thành công của Hiên trà Trường Xuân, Hoàng Anh Sướng cũng ấp ủ ước mơ nhân rộng thêm được nhiều Hiên trà nữa và phục vụ được nhiều hơn nữa nhu cầu của ẩm khách theo từng thế hệ, sở thích...với một tâm nguyện “Trà là báu vật mà cha ông ta đã để lại, văn hóa trà Việt Nam là một yếu tố quan trọng cấu thành nên nền văn hoá dân tộc. Tôi nguyện kế nghiệp cha đem hết tâm sức, góp phần làm dậy hương trà Việt” – Hoàng Anh Sướng bộc bạch.
Đạt Đỗ
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ quận Đống Đa: Nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Thành đoàn Hà Nội tuyên dương cán bộ công chức, viên chức trẻ xuất sắc
Gen Z mùa deadline cuối năm: Đa nhiệm, stress nhưng vẫn luôn tận hưởng cuộc sống
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
Luật Công nghiệp công nghệ số: Luật hóa trí tuệ nhân tạo, tài sản số
Thành phố Hồ Chí Minh: Kết nối hỗ trợ hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Quận Bắc Từ Liêm phát triển công nghiệp văn hóa vươn tầm cùng Thủ đô
Tin khác
Quận Bắc Từ Liêm phát triển công nghiệp văn hóa vươn tầm cùng Thủ đô
Văn hóa 23/11/2024 15:18
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Văn hóa 22/11/2024 22:34
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
Văn hóa 22/11/2024 18:53
Sân chơi thu hút nhân tài đổi mới, sáng tạo
Văn hóa 21/11/2024 07:02
Đại nhạc hội Hoa tháng Năm - Nơi những phép màu tỏa sáng
Văn hóa 20/11/2024 22:41
Khánh Hoà sẵn sàng đón lượng khách tăng cao dịp Tết Nguyên đán 2025
Du lịch 20/11/2024 17:37
Chuỗi sự kiện kỷ niệm Lịch sử và Tự do của Haiti tại Hà Nội
Văn hóa 19/11/2024 16:22
Tôn tạo di tích đình Đại Áng: Phát huy giá trị văn hoá quý báu của cha ông
Văn hóa 19/11/2024 10:12
Người thắp ngọn đèn tri thức trong tôi
Văn hóa 19/11/2024 09:46
Di sản - điểm tựa sáng tạo cho thế hệ trẻ
Văn hóa 19/11/2024 09:01