Người gìn giữ làn điệu hát Dô
Khi chèo thu hút giới trẻ Liên hoan Nghệ thuật hát Chèo không chuyên Hà Nội 2020 |
Độc đáo làn điệu hát Dô
Hát Dô là một nét đẹp văn hóa truyền thống của ông cha để lại cho những người con xã Liệp Tuyết. Theo người dân nơi đây, hát Dô phản ánh nhận thức của người lao động về thiên nhiên, con người, mơ ước một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hướng con người đến cách sống lương thiện… Hát Dô có 3 thể loại: Hát Chúc (36 làn điệu, chỉ hát trong nhà); Hát thờ và Hát múa Bỏ Bộ (hát ngoài trời).
Bà Lan và các em học sinh gắn bó với hát dô bằng cả tình yêu. Ảnh: N.Lan |
Không ai biết điệu hát cổ này có từ khi nào nhưng theo bà Nguyễn Thị Lan, tương truyền điệu hát này bắt nguồn từ câu chuyện Đức Thánh Tản về làng. Ngài đã dạy người dân ở đây trồng trọt, cấy lúa, sau đó, Ngài đi nơi khác, hẹn ngày lúa chín sẽ quay trở lại.
Đến mùa lúa chín, dân làng phấn khởi, chờ đón ân nhân của mình trở về làng nhưng mãi tới 36 năm sau, Ngài mới quay trở lại. Khi đó, Ngài tập hợp nam thanh nữ tú trong làng đến để dạy múa hát, mở hội mừng dân no ấm được mùa, đó chính là điệu hát Dô ngày nay. Hết hội, Ngài lại ra đi, dân làng lập đền thờ Ngài ở một mảnh đất gò cao thuộc thôn Đại Phu, xã Liệp Tuyết ngày nay. Theo đó cứ 36 năm nơi đây mới mở hội hát một lần, gọi là hội hát Dô.
Vào năm hội mở (từ ngày 10 đến ngày 15 tháng Giêng Âm lịch) những ngày trước đó các bậc bô lão trong làng làm lễ, lấy sách ở đền, chọn nam thanh nữ tú dạy hát Dô. Đến ngày hội, các thôn khênh kiệu vào làm lễ Cáo tế. Sau đó, các thôn anh cả, anh hai, anh ba, anh tư, anh năm tham gia hát. Lễ hội kết thúc, người dân cất sách vở vào tráp, không ai được nhắc lại, nếu nhắc lại sẽ bị Thánh phạt. Người dân Liệp Tuyết coi đó là lời nguyền, không ai dám vi phạm.
Chính vì tục lệ 36 năm mở hội hát một lần, bởi vậy hát Dô chỉ được lưu truyền trong trí nhớ của lớp người đã tham gia hội hát chứ không được truyền dạy rộng rãi trong vùng. Làn điệu hát cổ nơi đây đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Là người con quê hương, bằng chính tình yêu, trách nhiệm, bà Nguyễn Thị Lan, không đành lòng để làn điệu hát cổ bị mai một, bà quyết tâm vượt qua “lời nguyền” làm “sống” lại điệu hát Dô của quê hương một cách trọn vẹn và ý nghĩa nhất.
Gìn giữ, khôi phục nét đẹp văn hóa quê hương
Việc khôi phục làn điệu hát của quê hương tưởng chừng đơn giản nhưng đã khiến bà Lan gặp vô vàn khó khăn. Bà luôn trăn trở làm thế nào để gìn giữ một điệu hát khi số lần được hát rất ít, thậm chí có người trong làng còn chẳng biết hát Dô là gì. Việc làm đó thực sự không đơn giản bởi nó không chỉ là việc vận động, thuyết phục để xây dựng phong trào văn nghệ đơn thuần mà đó còn là việc thay đổi quan niệm, cách nghĩ của người dân trong xã.
Bản thân bà Lan đã mạnh dạn “bước qua lời nguyền”. Đặt ra cho mình mục tiêu khôi phục điệu hát truyền thống quê hương, từ năm 1989, bà Lan tìm đến tất cả các cụ cao niên trong làng để xin các cụ truyền dạy lại những điệu hát Dô cổ. Có những cụ cao tuổi sinh ra ở xã Liệp Tuyết biết làn điệu hát Dô nhưng lấy chồng ở các làng lân cận, bà Lan cất công đến tìm gặp từng cụ để xin ghi lại các tư liệu về điệu hát.
Số các cụ cao tuổi biết làn điệu hát cổ không còn nhiều, lúc đầu bà Lan bị gia đình các cụ từ chối, sau nhiều lần tìm hiểu và thuyết phục, bà Lan đã tìm được 3 cụ là những người am hiểu về hát Dô để theo học. Khi đó ban ngày bà bận rộn công việc đồng áng, tối nào bà cũng thu xếp thời gian đến nhà các cụ để học hát. Ban đầu học hát rất khó, bà xin các cụ cho chép lại từng câu hát ra giấy để học dần.
“Nếu khó quá thì chép lời bài hát ra giấy mà học. Chép xong chỉ để hát, con phải vận động thế hệ trẻ tham gia học hát thì mới giữ được điệu hát Dô”, lời dặn dò của cụ cao tuổi trong làng là động lực giúp bà Lan vượt qua khó khăn để dạy hát cho lớp trẻ ở xã Liệp Tuyết.
Có được bản chép làn điệu hát Dô, bà Lan bắt đầu đi vận động người dân để thành lập Câu lạc bộ hát Dô. Đây cũng là giai đoạn bà Lan gặp nhiều khó khăn nhất, người dân tin vào tục lệ cũ, rất sợ con cháu đi hát xảy ra điều bất trắc, họ ngăn cấm không cho con, cháu tham gia.
Nhớ lại khoảng thời gian đầu vận động người dân tham gia Câu lạc bộ hát Dô, bà Lan không khỏi xúc động: “Vận động các thành viên tham gia Câu lạc bộ rất khó, có khi, thấy tôi đến nhà, họ đã tìm cách né tránh, đi đâu người ta cũng bàn tán. Lúc đó, áp lực rất lớn, tôi phải giải thích cặn kẽ những giá trị câu hát và lấy minh chứng bản thân tôi hàng ngày tập hát vẫn không sao. Dần dần mọi người hiểu ra, mới từng bước ủng hộ, không còn ngăn cấm thế hệ trẻ tham gia nữa. Thời xưa hát Dô chỉ bó hẹp trong lễ hội của làng với lề lối, thời gian nghiêm ngặt, giờ đây hát Dô đã được bảo tồn, nhân rộng, nhiều người biết hát”.
Trải qua không ít khó khăn, đến nay Câu lạc bộ đã có trên 1.000 thành viên, trong đó 35 thành viên, là các cháu học sinh tham gia hoạt động thường xuyên. Từ chỗ người dân Liệp Tuyết ít biết đến hát Dô, đến nay hát Dô trở thành sinh hoạt văn hóa của người dân nơi đây. Bà Lan cùng các thành viên trong Câu lạc bộ thường xuyên đi hát tại các chương trình nghệ thuật của huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội hay một số tỉnh, thành khác, qua đó giới thiệu hát Dô tới nhiều vùng trên cả nước.
Câu lạc bộ hát Dô Liệp Tuyết được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ văn nghệ dân gian. Bằng sự nỗ lực, cố gắng cống hiến của bản thân cho hoạt động cộng đồng, bà Lan được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian; Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú; Nghệ nhân nhân dân vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Chia sẻ về những niềm mong ước, trăn trở trong thời gian tới, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết cho hay: “Muốn bảo tồn, phát huy, nhân rộng làn điệu hát Dô để nhiều người biết đến ngoài sự nỗ lực cố gắng của bản thân tôi và các thành viên trong Câu lạc bộ là chưa đủ mà rất cần sự chung tay, quan tâm của chính quyền địa phương, của cả tập thể và cá nhân cùng phát huy sức mạnh để gìn giữ, khôi phục nét đẹp văn hóa của quê hương, để không bị mai một. Hiện nay thế hệ trẻ xã Liệp Tuyết, từ các cháu lớp mẫu giáo, tiểu học đến trung học cơ sở đều biết đến làn điệu hát này. Đó là niềm vui, là động lực thôi thúc tôi tiếp tục bảo tồn, gìn giữ hát Dô”.
Nguyễn Hoa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Vạch trần thủ đoạn của nhóm đối tượng đấu giá 30 tỷ đồng/m2 đất tại Sóc Sơn
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Sôi nổi Ngày hội văn hóa thể thao khối trường học huyện Đông Anh
Ngắm tận mắt vườn cam Xã Đoài có diện tích lớn hàng đầu Việt Nam
Bảo đảm an toàn giao thông cho chuỗi sự kiện kỷ niệm lớn
"Điểm mặt" 3 sàn ngoại hối lừa đảo vừa bị Công an Hà Nội triệt phá
Chờ đón tiếng dương cầm của Đặng Thái Sơn tại Nhà hát Hồ Gươm ngày 21/12
Tin khác
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 2: Văn hóa như cái phễu, cần thời gian gạn đục khơi trong
Văn hóa 21/12/2024 13:40
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Một năm bội thu
Văn hóa 21/12/2024 10:20
"Con đường lịch sử": Bức tranh sử thi về 80 năm Quân đội anh hùng
Văn hóa 20/12/2024 16:54
Hội hoa xuân Ất Tỵ 2025 TP.HCM có chủ đề "Non sông gấm hoa, vui xuân an hòa”
Văn hóa 20/12/2024 15:49
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 1: Cốt lõi trong hôn nhân chính là hạnh phúc của con người
Văn hóa 20/12/2024 15:17
Điểm sáng của bức tranh Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thủ đô năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 20:42
Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 12:11
Múa rối nước: Giữ hồn dân tộc trong đời sống đương đại
Văn hóa 17/12/2024 20:05
Trưng bày chuyên đề "Gan vàng dạ sắt": Kết nối và truyền cảm hứng cho giới trẻ
Văn hóa 17/12/2024 09:40
Hà Nội đêm trầm lắng, bình yên!
Văn hóa 17/12/2024 09:07