Nét đẹp văn hóa đọc báo của người Hà Nội
“An toàn lao động” dần trở thành nét đẹp văn hóa Lan tỏa nét đẹp văn hóa từ những mô hình điểm |
1. Có lẽ đối với ai đó, Hà Nội là một nơi rất đỗi nên thơ, trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong những lời ca của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có những gánh hàng hoa thoai thoải đẹp đến nao lòng, có “dáng kiều thơm” trong Tây Tiến của Quang Dũng. Và quả thực, với riêng tôi, Hà Nội cũng rất đỗi nên thơ, ở đó có sự tất bật mưu sinh của bao kiếp người, là nhịp thở yên lành của cuộc sống.
Ở Hà thành, nhiều người dù cuộc sống không sang giàu nhưng khi khéo léo co kéo thì vẫn có thể đủ đầy. Trong số ấy, có những người thật đặc biệt, họ sống ở nơi phố thị nhờ những tờ báo in, những dòng tin tức nóng hổi từ các cơ quan báo chí. Tôi biết Đỗ Hòa (sinh năm 1987), một cựu sinh viên báo chí quê mãi tận vùng Hữu Lũng, Lạng Sơn. Hòa là một chàng trai có nghị lực. Năm 2013, khi còn đang là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hòa đã tự xoay sở cuộc sống nơi phố thị phồn hoa nhờ vào việc viết lách và bán báo dạo.
Trong sự thay đổi chóng mặt của công nghệ thông tin, những tờ báo mạng, trang xã hội cá nhân ra đời thì văn hóa đọc... đặc biệt là đọc báo trên bảng tin vẫn có những vị trí nhất định trong lòng người Hà Nội. |
Đận ấy, Hòa kể với tôi, cứ 5h sáng cậu lại lên phố Đinh Tiên Hoàng – điểm tập kết báo của những người giao lẻ để mang đến các sạp tại Hà Nội. Ngày nắng thì không sao chứ hễ mưa là cả người cậu lại ướt luốt tuốt. Hòa bảo, người có thể ướt nhưng báo mà ướt thì chẳng thể bán được. Thời điểm đó, những tờ báo có nhiều tin tức sốt dẻo hằng ngày như Tuổi Trẻ, Thanh Niên... thường bán chạy nhất. Hoặc nếu ai ưa thích tin tức giật gân, hấp dẫn thì sẽ tìm An ninh Thủ đô, An ninh Thế giới hoặc các tờ như Thể thao & Văn hóa, Bóng đá… Dĩ nhiên, những tờ báo kể trên thường bán dễ và hết hàng sớm. Huy hoàng là thế, nhưng nay số lượng báo in bán ra chẳng thấm là bao. Báo in không có người mua, các sạp bán báo vì vậy cũng đóng cửa.
Dễ thấy nhất, nếu như trước, quanh khu vực Đống Đa, Hoàn Kiếm còn lác đác 7, 8 sạp báo thì sau hai năm đại dịch Covid-19 bóng dáng các điểm bán cũng không còn. Nhiều điểm bán báo có thâm niên bậc nhất Thủ đô như địa chỉ 71 Hàng Trống với ngót nghét hơn 40 năm, nay tìm đến cũng đã vắng bóng. Dĩ nhiên, bắt nhịp xu hướng, những tờ báo hiện tại cũng không quá trông vào lượng phát hành của báo in, thay vào đó họ chuyển dần thông tin lên các trang báo điện tử, những người bán báo dạo như Hòa vì thế cũng đành phải tìm lối khác mưu sinh.
Có lẽ nhiều người sẽ không quá bận tâm với điều này, thế nhưng tôi lại thấy tiếc. Đôi khi ghé những điểm bán báo năm nào, tôi hoài niệm về những người làm nghề rao báo dạo. Tiếng rao báo từ những người đạp xe len lỏi khắp các góc phố, con ngõ. Tất cả giờ đây trở thành một phần ký ức thân thương, là một phần trong nhịp phát triển của Thủ đô.
2. Hôm rồi, trong tiết trời oi ả, cơn mưa đổ loang loáng mặt đường, tôi tìm về phố Hàng Trống, tôi bắt gặp một người đàn ông đã bạc trắng mái đầu đang cắm cúi bên tờ báo Nhân Dân mới dán. Trong cặp kính dày đã sờn màu gọng, ông chăm chú đọc từng con chữ và dường như bóng dáng người đàn ông bé nhỏ như lạc dòng người xe tấp nập.
Thị trường báo giấy đang trải qua những sự thay đổi đáng kể do sự bùng nổ của công nghệ và sự phổ biến của các phương tiện truyền thông điện tử. Báo giấy đã từng là nguồn thông tin chính cho đại chúng trong nhiều thập kỷ, nhưng bây giờ đang đối mặt với những thách thức lớn từ cuộc cách mạng 4.0. Những tiếng rao "giật gân, câu khách" của người bán báo dạo cũng đã chìm dần vào sự hối hả của cuộc sống công nghệ. Có lẽ, hình ảnh người bán báo dạo len lỏi tại các ga tàu, con phố ngày nào… giờ chỉ còn là ký ức và hoài niệm về một thời hoàng kim của báo giấy đối với người dân Thủ đô. |
Ở Hà Nội vẫn còn một số không gian báo chí công cộng như vậy nhưng không nhiều. Ngoài phố Hàng Trống bên mặt tiền của báo Nhân Dân, giờ tôi chỉ có thể bắt gặp những hình ảnh ấy khi đi qua phố Phan Đình Phùng - đoạn vỉa hè gần báo Quân đội nhân dân, hay trên vỉa hè phố Lê Thái Tổ, đoạn gần cổng báo Hà Nội Mới… Đó là các bảng tin được dựng ngay trên vỉa hè, dán những trang báo giấy, bên ngoài có một lớp kính trong để che mưa chắn gió. Ở đó, hàng ngày một vài tờ nhật báo mới ra lại được dán lên, để người dân và du khách có thể dừng chân đứng đọc báo.
Tại những điểm này, những người tôi hỏi - chủ yếu là những cụ già hoặc bậc trung niên, họ bảo với tôi, sở dĩ tìm đến những không gian báo chí này là bởi thói quen đọc báo giấy. Và bởi, nếu ngày nào không đến đó đọc, họ lại cảm thấy thiếu, thấy nhớ. Tôi cho rằng điều này là “đặc sản” chắc chỉ có thể tìm được ở Hà Nội.
Trong những lần trò chuyện, nhà văn Nguyễn Văn Học – một cây viết khỏe trên văn đàn và cũng là một nhà báo cần mẫn ở tờ Nhân Dân Cuối tuần bảo với tôi, dù báo chí nhận phải sự cạnh tranh, dù báo in tưởng như “lép vế” hơn so với các loại hình báo chí khác nhưng báo in vẫn còn đất sống. Những tờ báo có thể vắng bóng nơi thị thành nhưng ở những miền xa, những vùng thôn, bản như Hà Giang, Lai Châu, hay nơi hải đảo anh đặt chân đến, hàng ngày, hàng tuần theo đường bưu điện, chuyển phát nhanh báo vẫn được gửi đến và được đón nhận. Đặc biệt, ở những nơi mà mạng internet chưa thực sự phát triển, báo giấy vẫn là một trong những kênh thông tin đưa chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đến với người dân. Hơn hết, với nhiều độc giả, báo giấy được xem là loại hình báo chí gần gũi, thông tin trên báo giấy là nguồn thông tin chính thống, có độ tin cậy cao và sâu sắc. Khi đọc báo giấy, độc giả cũng nhớ lâu hơn so với các loại hình khác.
3. Hà Nội ngày nay to rộng và ngày một hiện đại hơn. Người Hà Nội giờ cũng đông hơn. Thế nhưng, thành phố đâu chỉ đẹp bởi những sự hoa lệ của những khách sạn năm sao, đâu chỉ hào nhoáng bởi những tòa nhà cao chọc trời, đâu chỉ phồn hoa bởi những dòng xe cộ tấp nập. Trong nhịp sống hối hả, đôi khi lắng lại để quan sát nơi góc phố nhỏ, hẳn tất thảy mọi người đều có thể nhận ra những nét đẹp giản dị. Đó là những cụ ông đứng nhẩn nha đọc báo nơi góc phố, là hình ảnh anh xe ôm lật giở những tờ báo in để tìm xem những mẩu tin tức khi đợi khách… Hà Nội đẹp vì có những con người giản đơn.
Hẳn đã có nhiều người tiếc nuối những con phố giờ đã vắng bóng các quầy báo và tôi cũng vậy. Nhưng tất cả xoay vần chẳng phải là quy luật tất yếu hay sao. Xét cho cùng, dù đã ít đi nhưng chỉ cần còn những con người yêu thủ đô ngàn năm văn hiến, trân trọng văn hóa đọc, trân trọng những tờ báo in thì chừng ấy những góc phố vẫn còn những người nhẩn nha đứng đọc báo. Giữ lửa với từng con chữ có lẽ cũng chính là cách mà chúng ta giữ gìn và phát triển Hà Nội hôm nay và mãi về sau.
Nên xem
Trận đấu Việt Nam và Singapore, vừa mở bán đã cháy vé
Tết sớm trên phố: Đã thấp thoáng đào, quất
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành khu tái thiết Làng Nủ
Vạch trần thủ đoạn của nhóm đối tượng đấu giá 30 tỷ đồng/m2 đất tại Sóc Sơn
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Sôi nổi Ngày hội văn hóa thể thao khối trường học huyện Đông Anh
Ngắm tận mắt vườn cam Xã Đoài có diện tích lớn hàng đầu Việt Nam
Tin khác
Tết sớm trên phố: Đã thấp thoáng đào, quất
Nhịp sống Thủ đô 22/12/2024 16:16
Quận Hai Bà Trưng: Sẵn sàng vận hành các đơn vị hành chính mới
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 22:33
Nhiều trải nghiệm thực tế thú vị tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:23
Quận Thanh Xuân diễn tập chữa cháy tại Khu đô thị Royal City
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:21
Quận Bắc Từ Liêm thông qua một số nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 20:42
Cử tri kiến nghị về chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 18:52
Quận Bắc Từ Liêm tích cực khắc phục hậu quả vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 17:09
Năm 2024: Quận Thanh Xuân thu ngân sách ước đạt 108,91%
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 11:07
Huyện Thanh Trì kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Nhịp sống Thủ đô 19/12/2024 18:53
Lãnh đạo Mặt trận Thành phố thăm hỏi các nạn nhân bị thương trong vụ cháy trên đường Phạm Văn Đồng
Nhịp sống Thủ đô 19/12/2024 13:34