Kỳ 2: Không gian sáng tạo ở Thủ đô, tuy thừa mà thiếu!
“Đánh thức” di sản văn hóa: Khơi thông dòng chảy sáng tạo |
Tiếc nuối nhiều không gian sáng tạo bị bỏ quên
Một ngày trời se se lạnh, chúng tôi đến nơi từng là Zone 9 - một không gian sáng tạo, một điểm đến yêu thích của các nghệ sĩ và giới trẻ Hà Nội. Sự tò mò về địa điểm từng được giới trẻ truyền tai nhau như một “lãnh địa ăn chơi” dành riêng cho những bạn trẻ đã thôi thúc chúng tôi đặt chân đến đây và tìm hiểu về nó. Tuy nhiên, thật chạnh lòng khi chứng kiến dãy tường graffiti năm nào đã không còn. Sau nhiều năm bỏ hoang, khuôn viên Zone 9 hiện đã nhường chỗ cho một quán cà phê nhỏ, khai trương từ năm 2020.
Khuôn viên Zone 9 hiện đã nhường chỗ cho một quán cà phê nhỏ. |
Tiền thân của Zone 9 là một khu xí nghiệp bỏ hoang của công ty dược ngay bên cạnh vườn hoa Yersin, vậy nên nơi này có không gian vô cùng rộng lớn, với nhiều khu nhà khác nhau ăn ra cả hai mặt phố Nguyễn Huy Tự và Trần Thánh Tông. Trải qua rất nhiều năm “dãi nắng dầm mưa”, thời gian và cả thời tiết đã khoác lên khu nhà này một diện mạo hoang tàn và có phần đổ nát. Chính sự cũ kỹ, hoang tàn lại làm nên phong cách cho các bar, quán café, cửa hàng thời trang... biến nơi đây thành khu vui chơi độc nhất vô nhị của giới trẻ Hà thành. Tuy nhiên Zone 9 phải đóng cửa sau thời gian ngắn ngủi.
Hay như tổ hợp sáng tạo 60S Thổ Quan (nằm trong ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên, quận Ðống Ða) để lại nhiều tiếc nuối hơn khi bị xóa sổ. Tổ hợp này gồm hơn 20 cửa hàng khác nhau, với nhiều loại hình nghệ thuật, sáng tạo kết hợp với các cửa hàng ẩm thực, từ thiết kế, nhiếp ảnh, cho đến âm nhạc. Trong quá trình hoạt động, tổ hợp này đã từng phải tạm dừng. Ðến đầu năm 2021, tổ hợp 60S Thổ Quan dừng hẳn, vì đối tác đòi lại mặt bằng.
Không gian nghệ thuật ở Ơ kìa Hà Nội. |
Theo định nghĩa của Hội đồng Anh, không gian sáng tạo là “một địa điểm, có thể là địa điểm thực hoặc địa điểm trực tuyến, là nơi đem những con người sáng tạo đến với nhau. Đó là nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ”.
Không gian sáng tạo là nơi mà các doanh nghiệp có thể kết nối, hỗ trợ cho thuê mặt bằng hoặc hỗ trợ không gian cho các nghệ sĩ trong việc trưng bày, truyền thông, kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật, các trò chơi, công cụ giải trí nhằm đưa chúng gần hơn với cộng đồng, kết nối xã hội.
Kết quả rà soát của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện nay có 124 không gian sáng tạo, trong đó 33 không gian thuộc sở hữu Nhà nước, 82 không gian thuộc sở hữu doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân. 6 không gian công cộng, 21 không gian văn hoá di sản/ sáng tạo, 10 không gian giáo dục; 10 bảo tàng, 11 làng nghề thủ công; 16 doanh nghiệp sáng tạo, 24 không gian nghệ thuật, 4 không gian trực tuyến; 24 không gian sáng tạo bao gồm: Thư viện, phòng tranh, cà phê, không gian làm việc chung.
Có thể kể đến một số không gian sáng tạo tiêu biểu của Thủ đô như: Phố đi bộ Hồ Gươm, phố Sách, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; hệ thống các bảo tàng, viện, trung tâm chuyên về văn hóa, nghệ thuật; các hội nghề nghiệp văn học, nghệ thuật; trường đại học, nhà hát, khu triển lãm và cơ sở dành cho hoạt động biểu diễn.... Hay là các không gian của tư nhân xây dựng như: Heritage Space, Café chiều thứ 7, Manzi, Ơ kìa Hà Nội; Liu lo Art, Six Space, CuCa, Hub Café, Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại Vicas Art Sudio, Tổ Chim Xanh, Zó Projet…
Heritage Space, một trong không gian sáng tạo tiêu biểu của Thủ đô. |
Một số không gian sáng tạo mà các nghệ sĩ, họa sĩ mang đến cho công chúng thưởng lãm tác phẩm hội họa như phố bích họa ở Phùng Hưng hay triển lãm nghệ thuật sắp đặt ở phố Phúc Tân. Đặc biệt, dự án cải tạo bờ vở sông Hồng ở ngách 43/32 Bạch Đằng, phường Chương Dương, chỉ cách không gian Phúc Tân chưa đầy 2km, từ một góc nhỏ ven sông đầy rác thải, khu vực này đã được cải tạo thành một nơi đáng sống với khu vui chơi cho trẻ em, tập thể dục cho người lớn, địa điểm thông thoáng trong lành để hội họp cộng đồng, là nơi được coi là vườn rừng đầu tiên của Hà Nội với rất nhiều cây hoa mới.
Mặc dù số lượng không gian sáng tạo nghệ thuật ngày càng gia tăng, nhưng mặt khác, nhiều không gian sáng tạo lại… “chết yểu”. Bởi hiện nay, đa phần các không gian sáng tạo ở Hà Nội là sáng kiến cá nhân, tâm huyết của những nhóm nhỏ. Đây cũng là những lý do khiến cho các không gian sáng tạo ở Hà Nội chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn khi mà nỗ lực của các cá nhân không vượt qua được những trở lực của lợi nhuận, đi kèm với sự tâm huyết sụt giảm theo thời gian.
Cần trợ lực để phát huy nguồn lực sáng tạo
Nhà báo Trương Uyên Ly, nhà nghiên cứu độc lập về không gian sáng tạo nhận định, các không gian văn hóa sáng tạo ở Hà Nội hay Việt Nam nói chung chưa có điều kiện phát huy được hết các thế mạnh của mình. Tuy có thể đem lại tác động to lớn thông qua việc phát triển các tài năng và ý tưởng sáng tạo, có thể giúp thay đổi bộ mặt, hình ảnh, thương hiệu của cả một khu vực địa lý, nhưng đời sống lại thường ngắn ngủi, nhiều không gian biến mất sau chưa đầy ba năm, yếu đuối và dễ bị ngã gục trước các thử thách khách quan và chủ quan như thay đổi hoặc mất địa điểm, pháp lý thiếu rõ ràng, giá thuê nhà quá cao, hợp đồng thuê nhà quá ngắn, thiếu kỹ năng quản trị, kỹ năng kinh doanh, nguồn tài chính eo hẹp, sự lệ thuộc vào tài trợ, thị trường nghệ thuật sáng tạo còn nhỏ yếu, và vai trò của nhà nước chưa rõ rệt và mang tính hệ thống…
Không gian văn hóa sắp đặt ấn tượng Phố đi bộ Hồ Gươm. |
Thực tế, hầu hết các không gian sáng tạo nghệ thuật đều gặp khó khăn về địa điểm. Càng ở những thành phố lớn, những vị trí đẹp thì giá thuê càng cao, đẩy gánh nặng chi phí lên những người sáng lập. Thiết kế và vận hành hoạt động của các không gian sáng tạo hiện nay phần lớn là từ các doanh nghiệp tư nhân, nhỏ lẻ, tự phát. Kinh nghiệm và nguồn vốn của các doanh nghiệp này đều hạn chế. Trong khi đó, nguồn thu từ các hoạt động nghệ thuật của các không gian này luôn bấp bênh.
Mặt khác, chính quyền Thành phố dù rất cố gắng nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ cho những không gian sáng tạo phát triển. Về cơ bản, hiện chưa có một chính sách, chương trình hỗ trợ, ưu đãi về thuế kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, thuê địa điểm, nhà xưởng, ưu đãi vay vốn kinh doanh, tiếp cận với các nguồn tài trợ từ nhà nước, thành phố... dành riêng cho họ. Bởi vậy, các không gian sáng tạo dễ bị ảnh hưởng khi chịu tác động bởi các biến động về kinh tế, xã hội.
Ngoài những không gian sáng tạo do doanh nghiệp và tư nhân vận hành, hiện nay, Hà Nội có hàng nghìn di tích, danh lam thắng cảnh có giá trị. Lợi thế lớn nhưng nhiều năm qua, chỉ số ít di tích, danh lam thắng cảnh phát huy được giá trị, trở thành không gian sáng tạo thu hút du khách đến tham quan, đạt được “mục tiêu kép” vừa bảo vệ được di sản, vừa đạt được mục tiêu kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, đây cũng là một bài toán khó không dễ gì thực hiện và hiện nay chỉ có một số di sản đạt tới.
Theo quan sát của phóng viên, những ngày cuối tuần, dịp lễ, tại khu vực như phố đi bộ Hồ Gươm, Trịnh Công Sơn hay các công viên, trung tâm thương mại, siêu thị… chật kín người đến vui chơi, hóng mát, tập thể dục hoặc mua sắm, đi dạo. Thực trạng này phần nào cho thấy cuộc sống người dân đô thị đang ngày càng bị bó hẹp, thiếu hụt không gian công cộng, không gian sáng tạo phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, thư giãn… tại các khu dân cư, khu đô thị.
Trước nghịch lý thừa mà thiếu, ngay lúc này, việc ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích tạo dựng, quy hoạch, bổ sung quỹ đất, đầu tư... để nhân thêm nhiều không gian sáng tạo bổ ích, lành mạnh cho người dân là điều cần thiết hơn bao giờ hết.
Phương Bùi
(Còn nữa)
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Văn hóa 23/12/2024 11:33
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 2: Văn hóa như cái phễu, cần thời gian gạn đục khơi trong
Văn hóa 21/12/2024 13:40
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Một năm bội thu
Văn hóa 21/12/2024 10:20
"Con đường lịch sử": Bức tranh sử thi về 80 năm Quân đội anh hùng
Văn hóa 20/12/2024 16:54
Hội hoa xuân Ất Tỵ 2025 TP.HCM có chủ đề "Non sông gấm hoa, vui xuân an hòa”
Văn hóa 20/12/2024 15:49
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 1: Cốt lõi trong hôn nhân chính là hạnh phúc của con người
Văn hóa 20/12/2024 15:17
Điểm sáng của bức tranh Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thủ đô năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 20:42
Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 12:11
Múa rối nước: Giữ hồn dân tộc trong đời sống đương đại
Văn hóa 17/12/2024 20:05
Trưng bày chuyên đề "Gan vàng dạ sắt": Kết nối và truyền cảm hứng cho giới trẻ
Văn hóa 17/12/2024 09:40