Không để người bệnh “nằm chờ” thuốc…!
Bệnh viện sợ sai, ngại đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị y tế: Người bệnh gánh hậu quả Khẩn trương đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế |
Bệnh viện khó, bệnh nhân khổ...
Theo phản ánh của nhiều người bệnh và ghi nhận của phóng viên, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong danh mục BHYT thanh toán diễn ra tại nhiều bệnh viện. Trong khi chờ các cơ quan chức năng giải quyết, nhiều người bệnh đã phải bỏ tiền mua thuốc, vật tư y tế để chữa bệnh. Lo ngại tình trạng này kéo dài, nhiều bệnh nhân không khỏi băn khoăn, lo lắng, nhất là những bệnh nhân có bệnh mãn tính, chạy thận nhân tạo…
Bệnh nhân phải mua thêm găng tay y tế bên ngoài để phục vụ cho việc chạy thận. Ảnh: Minh Khuê |
Chia sẻ với phóng viên, bà Lương Thị H (quê Hải Dương), trú tại ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chạy thận 17 năm nay cho biết, thời gian qua, trước thông tin nhiều bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế khiến bà lo lắng. Theo bà H, đều đặn mỗi tuần 3 lần, bà đều phải vào viện chạy thận. Việc chạy thận có cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả, tuy nhiên, một vài tháng qua, bà và nhiều bệnh nhân phải mua thêm găng tay y tế cùng với băng dính y tế bên ngoài.
“Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã phải mua 3 hộp găng tay y tế và chuẩn bị mua hộp thứ tư để phục vụ trong quá trình điều trị bệnh. Găng tay này được các bác sĩ sử dụng mỗi lần thay quả lọc thận, hoặc cắm kim tiêm… nhằm đảm bảo vô trùng cho bệnh nhân. Trước đó, loại găng tay này do bệnh viện cung cấp, bệnh nhân không mất phí. Tuy nhiên, thời gian gần đây nghe các nhân viên y tế nói bệnh viện thiếu găng tay và bệnh nhân sẽ phải tự mua bên ngoài, mang vào mỗi lần chạy thận” - bà H cho biết.
Mỗi hộp găng tay như của bà H mua gồm có 50 chiếc, giá khoảng 90.000 - 100.000 đồng/hộp, mỗi buổi chạy thận sẽ dùng 2 đôi, một tuần chạy thận 3 lần… nên khá tốn kém cho bệnh nhân. Cũng theo bà H, ngoài thiếu găng tay, thời gian gần đây do bệnh viện thiếu băng dính y tế nên người bệnh cũng phải mua ngoài mang vào. “Mặc dù số tiền mua găng tay, hay cuộn băng dính không quá đắt. Tuy nhiên, với những bệnh nhân nghèo chạy thận ròng rã, lại không có lương hưu như chúng tôi là cả một vấn đề…”- bà H chia sẻ.
Đây chỉ là một trường hợp bệnh nhân điển hình trong rất nhiều người bệnh phải chịu cảnh thiếu vật tư y tế trong danh mục bảo hiểm thanh toán tại các bệnh viện công lập trên cả nước. Cũng theo phản ánh của người bệnh, tại một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT, ngoài việc chưa cung ứng kịp thời, đầy đủ vật tư y tế, hiện còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh nên bệnh nhân buộc phải ra ngoài mua…
Chia sẻ về vấn đề này tại Tọa đàm “Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vừa qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Thiếu thuốc, vật tư y tế là vấn đề hết sức nóng, không chỉ riêng của bệnh viện mà còn là của toàn ngành Y tế.
Phó Giáo sư Đào Xuân Cơ cũng cho biết, một vấn đề đang vướng mắc tại cơ sở y tế, các bệnh viện là liên quan đến giá. Cụ thể, giá trên Cổng thông tin của Bộ Y tế do các doanh nghiệp khai và chịu trách nhiệm, trong khi hiện nay chưa bộ, ngành nào chịu trách nhiệm kiểm soát, giám sát các mức giá này. Đây là điều e ngại cho các bệnh viện, người đứng đầu các cơ sở khi đánh giá về giá thuốc, thiết bị y tế. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề xuất cần có cơ quan liên ngành chịu trách nhiệm về giá, không để các doanh nghiệp tự công bố giá để tránh việc họ bắt tay thổi giá, tạo giá không hợp lý.
Cũng theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, do một số văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp và sát thực tế nên các cơ sở y tế rất khó khăn khi thực hiện. Vì vậy, Phó Giáo sư Đào Xuân Cơ đề xuất cần có các đoàn khảo sát, hỗ trợ các đơn vị, các Sở Y tế, các bệnh viện trong vấn đề này. Vì trách nhiệm của giám đốc bệnh viện, giám đốc các cơ sở y tế là phải đảm bảo thuốc, vật tư y tế để phục vụ người bệnh. Đấy là quy định và cũng là trách nhiệm nên rất cần các cơ quan quản lý Nhà nước, trực tiếp là Bộ Y tế, và các bộ liên ngành tạo điều kiện cho các nhà quản lý ở các cơ sở thuận lợi trong việc mua sắm.
Đồng quan điểm trên, thay mặt các bệnh viện tuyến Trung ương, phát biểu tham luận tại “Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”sáng 21/8, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức đã thẳng thắn đưa ra một số vấn đề các bệnh viện đang vướng liên quan tới đấu thầu thuốc, vật tư y tế, đồng thời kiến nghị giải quyết.
Trong đó, về đấu thầu mua sắm thuốc, hiện các bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn khi xây dựng giá dự toán. Nếu theo Thông tư 58 năm 2016 của Bộ Tài chính, sau khi phê duyệt giá dự toán mua sắm rồi mới lập kế hoạch đấu thầu thì các bệnh viện không thể làm được. Do đó, ông Nguyễn Tri Thức kiến nghị cho phép bệnh viện xây dựng dự toán bằng giá bình quân mua sắm năm trước liền kề, hoặc sử dụng giá bình quân của các báo giá được xác lập trong giai đoạn xây dựng mua sắm.
Đặc biệt, đối với các loại thuốc hiếm (như thuốc Protamin sulfat dùng trong phẫu thuật tim mạch) và thuốc nhập theo hạn ngạch hiện không có nguồn cung, Bộ Y tế nên đưa vào mua sắm tập trung hoặc cho phép chỉ định thầu rút gọn, hoặc lập kho dự trữ quốc gia điều phối cho các tỉnh thành.
Bên cạnh đó, với quy định mua sắm hiện hành, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị nên cho phép chọn mua thuốc, vật tư giá hợp lý, không chọn loại rẻ vì ảnh hưởng chất lượng. "Có bác sĩ ngoại khoa đến gặp tôi bức xúc vì trước đây dùng dao mổ tốt không vấn đề gì, nay mua dao rẻ thì phải rạch 3 lần mới qua da người bệnh", ông Nguyễn Tri Thức nói, đồng thời cho rằng các bệnh viện hạng một đến đặc biệt phải được phép lựa chọn nhà sản xuất có thương hiệu để mua sắm thiết bị y tế phù hợp với các bệnh chuyên sâu, bởi thương hiệu lớn mới có máy tốt phục vụ điều trị…
Chung tay gỡ ngay vướng mắc
Cũng tại Hội nghị trên, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng thẳng thắn nhìn nhận trong công tác của ngành Y tế vẫn còn bộc lộ tồn tại, hạn chế cần tập trung xử lý sớm, cụ thể: Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hệ thống thể chế còn nhiều bất cập, quy định cho phép việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư còn nhiều hạn chế.
Theo đó, báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Y tế, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Thời gian tới, ngành Y tế cần tập trung giải quyết những tồn tại trước mắt. Như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu; đẩy mạnh cấp phép thuốc, trang thiết bị y tế. Song song với đó là giải quyết các vấn đề mang tính lâu dài như hoàn thiện thể chế, chính sách; đổi mới tài chính y tế….
Phát biểu tại Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gợi mở nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập của ngành Y tế.
Đối với vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý dứt điểm tình trạng này tại các bệnh viện; đồng thời giao Bộ Y tế cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát và chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đầu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cán bộ thực thi công chức công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Các địa phương phải chỉ ra các vướng mắc cơ chế qua thực hiện trong thực tiễn, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý.
Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành, cơ quan cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách như mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên ngành Y tế… Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình về tỷ lệ bao phủ BHYT gắn với giảm chi tiền túi của người dân./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Cộng đồng 22/11/2024 23:24
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Văn hóa 22/11/2024 22:34
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Giáo dục 22/11/2024 19:28
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Giáo dục 22/11/2024 19:01
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Du lịch 22/11/2024 18:57
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
Văn hóa 22/11/2024 18:53
Hợp tác, liên kết du lịch giữa 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận
Du lịch 22/11/2024 16:59
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Xã hội 22/11/2024 15:51
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38
Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng
Y tế 22/11/2024 15:22