Hướng tới quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả cho người dân Thủ đô
Cần thiết sớm ban hành Nghị quyết
Ngày 4/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố ban hành danh mục khám, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán cho các cơ sở khám, chữa bệnh y học gia đình và danh mục cấp cứu ngoại viện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. |
Thông tin về dự thảo Nghị quyết, ông Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Để đảm bảo kịp thời triển khai thi hành Luật Thủ đô, thực hiện theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố, ngày 10/7/2024, Sở Y tế có công văn số 3158/SYT-NVY-KHTC báo cáo UBND Thành phố về việc đăng ký nội dung trình kỳ họp chuyên đề tháng 9/2024 (kỳ họp thứ mười tám) của HĐND Thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 về việc đề nghị xây dựng Nghị quyết “Danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ BHYT thanh toán trên địa bàn thành phố Hà Nội và danh mục cấp cứu ngoại viện trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, mô hình y học gia đình được coi là mô hình có thể giúp sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tải tại các bệnh viện, giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, chi phí BHYT, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT.
Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 16/2014/TT-BYT, sau đó là Thông tư 21/2019/TT-BYT để áp dụng thí điểm hoạt động y học gia đình. Tuy nhiên, hiện nay chưa có mô hình cụ thể để thực hiện, trong đó vướng mắc nhất là cơ chế xác định giá dịch vụ và thanh toán BHYT cho các dịch vụ bác sĩ gia đình, nguyên tắc phối hợp chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình với hệ thống phòng khám, chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 tại Khoản 2 Điều 81 quy định 6 nhiệm vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về y học gia đình, các nhiệm vụ là căn cứ để Bộ Y tế sẽ ban hành các danh mục kỹ thuật và giá dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Y tế chưa có quy định giá dịch vụ dành riêng cho khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Hưng, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong lĩnh vực y tế: “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh;… hệ thống bác sĩ gia đình, bảo đảm chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân”.
Về hệ thống cấp cứu ngoại viện, hiện đã được triển khai tại các cơ sở công lập và ngoài công lập hoạt động 24/24 giờ đảm nhiệm thường trực y tế cho các sự kiện chính trị của đất nước tại Thủ đô, cấp cứu, vận chuyển người bệnh, phục vụ gần 10 triệu dân thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Mục tiêu của cấp cứu ban đầu là can thiệp càng sớm càng tốt nhằm duy trì chức năng sống của bệnh nhân. Đó là giai đoạn quyết định sống chết của người bệnh. Do đó, việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, đặc biệt đối với các trường hợp nguy kịch, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
Thời gian qua, các hoạt động trên đang được duy trì tốt về chuyên môn cũng như ngân sách chi trả. Tuy nhiên, hoạt động trên cần được củng cố và phát triển nhiều hơn để phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 có hiệu lực từ 1/1/2024, khi đó coi hoạt động cấp cứu, vận chuyển người bệnh là hoạt động khám bệnh, chữa bệnh…
Đại biểu tham gia phản biện tại Hội nghị. |
“Căn cứ các chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và thực tiễn nêu trên, việc tham mưu ban hành Nghị quyết “Danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ BHYT thanh toán trên địa bàn thành phố Hà Nội và danh mục cấp cứu ngoại viện trên địa bàn thành phố Hà Nội” là rất cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay để làm cơ sở xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, giá dịch vụ, thực hiện việc sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ thanh toán một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ BHYT thanh toán, dịch vụ cấp cứu ngoại viện trên địa bàn Thành phố theo Khoản a và b Điều 26 của Luật Thủ đô", lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho hay.
Cần nghiên cứu, đánh giá tác động đối với an sinh xã hội
Theo dự thảo Nghị quyết, sẽ có 20 dịch vụ thuộc danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ BHYT thanh toán trên địa bàn thành phố Hà Nội và 22 dịch vụ thuộc danh mục cấp cứu ngoại viện trên địa bàn Thành phố chưa được Quỹ BHYT thanh toán, được đưa vào xem xét lần này.
Khi Nghị quyết được HĐND Thành phố ban hành, sẽ tạo cơ sở pháp lý để ban hành quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở ban hành giá dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước của thành phố Hà Nội cho 20 danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ BHYT thanh toán và 22 danh mục cấp cứu ngoại viện đúng quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện tình hình, làm cơ sở cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ tiến đến tự chủ toàn phần, việc tính đúng, tính đủ các cấu phần của giá dịch vụ rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay; là cơ sở xem xét thực hiện việc sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ thanh toán một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ BHYT thanh toán, dịch vụ cấp cứu ngoại viện trên địa bàn Thành phố theo Khoản a và b Điều 26 của Luật Thủ đô.
Phản biện tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị của Sở Y tế, đồng thời đề nghị sửa tên Nghị quyết sao cho ngắn gọn, dễ hiểu.
Một số đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị quyết giúp bệnh viện giảm tải, phù hợp với Luật Thủ đô năm 2024, hỗ trợ mô hình y học gia đình phát triển. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động Nghị quyết đối với an sinh xã hội; đánh giá hoạt động của trạm y tế xã, phường, thị trấn, rà soát lại mô hình y học gia đình để chi đúng giá trị, đối tượng. Một số đại biểu cho rằng, cần chú ý thêm đến năng lực khám, chữa bệnh y tế gia đình; nêu căn cứ để đưa ra các danh mục và đánh giá tình trạng nguồn nhân lực, hiện trạng của y học gia đình, cấp cứu ngoại viện hiện nay.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị bổ sung các dịch vụ tư vấn tâm lý, dịch vụ hỗ trợ dinh dưỡng tại nhà, dịch vụ sàng lọc bệnh mãn tính tại nhà, y học cổ truyền, tăng dịch vụ cấp cứu y tế… để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Khẳng định việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô luôn là mục tiêu hướng tới trong mọi chủ trương của Thành phố, trong đó có việc chăm sóc sức khỏe của mọi công dân, PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cho rằng, những nội dung nêu trong Nghị quyết phù hợp với Luật Thủ đô sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, trong đó có điều khoản (Điều 26 Luật Thủ đô) cho phép HĐND Thành phố thực hiện thẩm quyền này. Tuy nhiên, bà An cho rằng, nên có đánh giá tác động xã hội của Nghị quyết tới công tác an sinh xã hội của Thủ đô.
Cùng đó, bà An cũng đề nghị, nhân dịp này cần rà soát lại chất lượng và việc cấp phép cho các mô hình hoạt động (đặc biệt là các bác sĩ được phép hoạt động) theo mô hình y học gia đình để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đặc biệt, phải đẩy mạnh tuyên truyền về mô hình y tế gia đình cho người dân hiểu thì mới đạt được mục tiêu của Nghị quyết khi triển khai.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội tiếp thu các ý kiến phản biện tại Hội nghị. |
Phản biện vào dự thảo Nghị quyết, TS Nguyễn Văn Dung - Chủ tịch Hội Đông y thành phố Hà Nội cho rằng, hiện nay, tình trạng bệnh nhân vượt lên tuyến trên khám chữa bệnh thường bị quá tải, do đó, khi Nghị quyết này ban hành sẽ giảm tải được điều đó. Bên cạnh đó, sẽ khuyến khích mô hình y học gia đình phát triển; đáp ứng được yêu cầu của mỗi người dân, mong muốn khám chữa bệnh tại nhà, đỡ phải vào viện, người nhà phải đi theo...
Tuy nhiên, ông Dung đề nghị Sở Y tế cần có báo cáo đánh giá nguồn lực về y học gia đình, triển khai mô hình y học gia đình như thế nào để các đại biểu thấy được mô hình, mức độ, trang thiết bị cấp cứu ngoại viên trên địa bàn hiện như thế nào... sẽ thuyết phục hơn.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Sỹ Trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị quyết bổ sung và ghi rõ “các cơ sở khám, chữa bệnh y học gia đình trên địa bàn Thành phố đã được đăng ký theo đúng quy định” để đảm bảo không có tình trạng cơ sở chui, hoạt động không phép. Đồng thời, Sở Y tế phải rà soát các cơ sở y học gia đình trên địa bàn Thành phố đã được cấp phép để đảm bảo sức khỏe, an toàn của nhân dân khi đi khám bệnh.
Về các danh mục dịch vụ khám, chữa bệnh được quy định trong Nghị quyết, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cũng đề nghị, Sở Y tế tiếp tục nghiên cứu lấy ý kiến các đơn vị khác như: Hội Đông y, Hội Y học cổ truyền, các bác sĩ y học gia đình… để hoàn thiện hơn.
Về các danh mục cấp cứu ngoại viện, đề nghị Sở Y tế nghiên cứu các ý kiến của các chuyên gia, đối với các quãng đường quá xa không nên đưa vào danh mục bởi cấp cứu cần nhanh chóng, kịp thời để đảm bảo an toàn, tính mạng đối với người bệnh...
Được biết, dự thảo Nghị quyết dự kiến sẽ được trình HĐND Thành phố xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ mười tám (tháng 9/2024) của HĐND Thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nếu được thông qua, Nghị quyết sẽ góp phần quan trọng trong việc quản lý có hiệu quả, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên trên địa bàn Thành phố, giúp cho người bệnh phát hiện bệnh sớm, được chẩn đoán và điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh, giảm biến chứng cho người bệnh. Nghị quyết đi vào cuộc sống cũng hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe, mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong tình hình mới. Cùng đó, sẽ đảm bảo hoạt động cấp cứu, vận chuyển người bệnh được thực hiện với chất lượng chuyên môn tốt nhất, nhanh nhất, đáp ứng yêu cầu của người bệnh, người dân. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Bão Bebinca đang hoạt động ở Thái Bình Dương liệu có ảnh hưởng đến Việt Nam?
Tổng LĐLĐ Việt Nam hỗ trợ 1 tỷ đồng cho đoàn viên, người lao động Thủ đô bị ảnh hưởng bởi bão lũ
Sơn Tây mang Trung thu đến trẻ em vùng lũ
Genesis sẽ đua tại Le Mans với siêu xe hybrid Radical
Bảo đảm an toàn tiêm vắc xin sởi cho trẻ em
Thêm 18 người mất tích tại Làng Nủ được xác minh là còn sống
Đoàn viên Công đoàn huyện Gia Lâm chung tay khắc phục hậu quả bão lũ
Tin khác
Cán bộ, nhân dân quận Hai Bà Trưng “tổng lực” vệ sinh môi trường sau bão số 3
Nhịp sống Thủ đô 14/09/2024 17:56
“Đêm hội Trăng Rằm” năm 2024 đậm nét Tết Trung thu xưa
Nhịp sống Thủ đô 13/09/2024 21:24
Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội: Hỗ trợ người dân các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3
Nhịp sống Thủ đô 13/09/2024 15:04
Tăng cường chăm lo gia đình và con đoàn viên, người lao động dịp Tết Trung thu
Nhịp sống Thủ đô 13/09/2024 06:06
Người dân một số vùng bị ngập ở Hà Nội trở về nhà dọn dẹp, khắc phục hậu quả của mưa, lũ
Nhịp sống Thủ đô 12/09/2024 19:25
Quận Thanh Xuân phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Nhịp sống Thủ đô 12/09/2024 06:54
Văn phòng UBND thành phố Hà Nội phát động ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Nhịp sống Thủ đô 11/09/2024 14:42
Đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân vùng bãi sông Hồng khi nước dâng cao
Khắc phục bão số 3 & Khẩn trương ứng phó lũ, lụt 11/09/2024 05:41
Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn kiểm tra các tuyến đê tại huyện Thường Tín
Nhịp sống Thủ đô 10/09/2024 22:32
Hà Nội xây dựng bộ tiêu chí văn hóa có bản sắc riêng
Đề án Hà Nội 10/09/2024 10:52