Hoa đào ngàn dặm
Hương của Tết Hoa mai da diết nhớ hoa đào |
Phía trước là đỉnh núi, là nơi hiện hữu của một khu vườn mang cái tên sặc mùi cổ trang “Đào Nguyên” mà bất cứ ai đến cũng chỉ được đứng ở bên ngoài, check-in vài kiểu ảnh, chứ chưa từng được chủ nhân của khu vườn bí ẩn này đón tiếp.
“Ông ấy đến đây đã năm năm rồi, trồng vườn đào ấy ra hoa, nhưng chẳng ai dám bước chân vào cả, chỉ đứng ngoài nhìn thôi”, một thổ dân sống ở chân núi kể lại. “Cũng không biết mặt mũi ông ấy trông như thế nào nữa… có vẻ rất đáng sợ”.
Ảnh minh họa |
Cô vẫn tiếp tục leo, khoảng rừng màu hồng nhạt dần dần hiện ra rõ nét trong sương mù như một điểm nhấn nổi bật trong cái màu xám mênh mang của núi rừng, chẳng khác nào cô gái đánh má hồng lên khuôn mặt nhợt nhạt vì lạnh.
Khi mây mù được xua đi bởi chút nắng yếu ớt, cô đã leo lên đến “Đào Nguyên”. Như thể muốn khẳng định sự khác biệt với thế giới bên ngoài, một hàng rào kẽm với những chiếc gai nhọn hoắt được dựng lên bao bọc lấy vườn đào.
Cô tiến lại gần hàng rào sắt, rút trong túi xách ra một cái kìm cộng lực cỡ trung. Chỉ bằng vài nhát bấm vô cùng sắc gọn, một mảng tường rào kẽm gai đã đổ xuống, nhường một lối đi khá thênh thang so với thân hình nhỏ nhắn của cô.
Bước qua gianh giới ấy là mùi hoa đào nồng nàn trong nắng ban trưa quện cùng mùi của ánh nắng chan hòa. Cô nhẹ nhàng đạp bước trên mảnh đất xôm xốp êm dịu dưới chân, cố gắng không dẫm lên những cánh hoa đào vừa rụng xuống thắm đượm một tầng hồng.
“Yên lặng quá!”, cô nhủ thầm. Bỗng đâu cô nghe thấy tiếng chó sủa, cùng lúc một chú chó Alaska có bộ lông màu trắng xám nhảy xồ ra. Nó vừa sủa vừa ngước đôi mắt hình hạnh nhân với đuôi mắt hơi nghiêng lên nhìn sinh vật vừa xâm nhập vào vườn đào một cách đầy cảnh giác. Cô đứng sững lại khiến chú chó cũng đứng yên, nhưng không khỏi gầm gừ. Cô dơ cái kìm cộng lực lên một cách đầy đe dọa:
“Nào! Mi có tin là ta sẽ vặn răng mi chỉ trong nửa nốt nhạc bằng cái kìm cộng lực này không?”. Con chó khôn ngoan cảm thấy mối nguy hiểm liền lùi lại mấy bước. Cô cất cái kìm lại túi xách, khẽ mỉm cười cầu hòa với nó: “Giờ thì đưa ra đến chỗ chủ của mi đi”.
Như hiểu được yêu cầu của cô, chú chó ấm ức quay người bỏ chạy, cô định cất bước chạy theo nó. Nhưng một thân hình cao lớn đã hiện ra từ một khoảng không mờ tối trước mặt. Ông ta đứng chắn trước cô và con chó, trên tay là một cái thuổng dài: “Cút! ngay!”.
Vừa trông thấy người đàn ông ấy, cô lập tức biến sắc, đôi chân đang dợm bước đi bỗng như bị một lớp tuyết bao phủ, lạnh cứng…
Trong cơn gió đông và nắng, vài cánh đào rơi xiên qua vệt nắng, rơi xuống khoảng trống giữa cô và ông ta.
Năm năm về trước…
Cô là biên tập viên của tạp chí văn học Ánh Sáng, phụ trách chuyên trang “Chuyện kể của những nhà văn”. Nhiều năm trôi qua, những tác phẩm văn học đi qua đầu cô rồi trôi tuột đi sau khi chúng được xuất bản trên giấy. Nhiệm vụ của cô là tìm kiếm các nhà văn nổi tiếng, đặt bài của họ và đăng lên trang. Mỗi tháng tạp chí ra một số cho nên công việc của cô vừa nhàn hạ lại vừa đầy vẻ chau chuốt, nhưng đằng sau đó là một sự nhàm chán. Những câu chuyện kể đi qua cô cứ như cuộc diễu hành của hàng ngàn ngày đi qua trong đời, chẳng thể lóe lên một thứ cảm xúc nào mới lạ. Cho đến khi…
Một tác giả không tên tuổi với bút danh “Đào Nguyên” nào đó gửi một câu chuyện khá dài với tiêu đề “Hoa đào ngàn dặm” vào email của cô. Đương nhiên cô không động đến nó bởi trang văn học của cô chỉ đăng những tác phẩm của các tác giả đã có tên tuổi chứ không thể đăng tác phẩm của một tác giả “vô danh”. Phải đến nửa năm sau, cô mới vô tình lướt qua bức email trước khi dọn hộp thư.
Ngay từ những dòng đầu tiên của tác phẩm, con chữ, cảm xúc như những dòng thác đập xoáy vào óc cô, trải rộng xuống tim cô, lan ra tới mọi ngóc ngách của xúc cảm. Một câu chuyện mới bắt đầu nhưng thực sự là một cú đập cánh cho dòng cảm xúc trào dâng. Tác giả chia câu chuyện thành ba kỳ và ghi chú sẽ gửi kỳ tiếp theo nếu tác phẩm được đăng.
Ngay sáng sớm hôm sau, cô in tập bản thảo tác phẩm dang dở này đến trình Tổng Biên tập. Ông không cần xem qua tác phẩm mà nói với cô: “Không! chỉ những tác giả tên tuổi! vô danh thì dẹp cho tôi”. Cô đã mất cả buổi sáng để thuyết phục ông rằng đó là một tác phẩm đáng để đánh bật những cái tên “quen thuộc” trong làng văn, và “chúng ta tôn trọng cảm xúc của độc giả hơn là những cái tên cứng nhắc đặt dưới mỗi bài viết”. Cuối cùng ông đã đồng ý, với điều kiện cô phải kết thúc câu chuyện dài này trong vòng sáu kỳ báo, không hơn không kém!
Thế là, tác phẩm mang tên “Hoa đào ngàn dặm” của một tác giả chưa từng được biết đến được đăng lên văn đàn kỳ đầu tiên. Cô chụp lại trang văn học và gửi qua email cho tác giả và nhận được lời cảm ơn. “Tôi sẽ viết kỳ thứ tư sau khi cô đăng hết kỳ thứ ba”.
Như một cơn mưa xối xả giữa mùa hè, như những búp non bật mở tươi xanh trên sa mạc nóng, tâm hồn cô bắt đầu được tưới mát trở lại bởi những áng văn chương mang đầy cảm xúc chân thật từ “Hoa đào ngàn dặm”. Cô chờ đợi những kỳ tiếp theo, mỗi tháng một lần mà tác giả đều đặn gửi qua email. Dần dần, sếp của cô cũng phải thừa nhận rằng, dù đây không hẳn là một tiểu thuyết, cũng đồng thời phá vỡ tôn chỉ của trang văn học chỉ đăng tác phẩm ngắn của các tác giả nổi tiếng, nhưng nó rất đáng mong đợi.
Hơn một năm trôi qua, cảm xúc của nữ biên tập viên cứ thế bị những áng văn chương dẫn dắt, và không biết từ bao giờ, trong lòng cô dâng lên một nỗi mong chờ rất đỗi vô hình. Còn tác giả thì luôn từ chối nhận nhuận bút và báo biếu với lý do “chỉ cần được cô chiếu cố đăng lên tạp chí là được rồi, mọi đãi ngộ khác xin gửi tặng lại riêng cô”. Dù tác giả vô cùng bí ẩn, nhưng cô vẫn tưởng tượng ra một người đàn ông đứng tuổi, chững chạc và có cách diễn đạt già dặn, chính xác trong ngôn từ. Đó chính là “chiều sâu” trong văn chương và trong cả một tâm hồn mà cô đã ngầm đánh giá.
Vậy mà, mọi chuyện lại xảy ra ngoài dự kiến. Tác phẩm đi gần đến hồi kết, chỉ còn một kỳ cuối cùng thì Đào Nguyên đột ngột “mất tích”. Ông ta không gửi kỳ cuối, cũng không hồi âm email của cô, hoàn toàn rơi vào im lặng. Tổng biên tập nói với cô: “Cô muốn làm thế nào thì làm, phải moi ông ta ra, dù ông ta có độn thổ cũng phải đào lên cho tôi, không thì chuẩn bị xuống nhà bếp nấu cơm nửa năm”. Mỗi tháng tạp chí ra một kỳ, cô vật lộn đến hết hơi những ngày cuối cùng trước khi tạp chí đi nhà in bằng cách gửi email, đào bới cái tên Đào Nguyên trên mạng xã hội, google… nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ sự kết nối nào. Cô hoàn toàn tuyệt vọng. Cô bỗng nhiên cảm thấy căm giận Đào Nguyên, rồi lại tìm cách biện hộ cho ông ta bằng cách tự vẽ ra một sự cố tàn khốc nào đó như trên phim. Cô đành gửi cho Đào Nguyên một email nói rằng do sự vô trách nhiệm của ông ta, kỳ cuối cùng cô sẽ tự viết.
Như thể mạch nguồn cảm xúc đã được nuôi dưỡng từ rất lâu như lạch nước ngầm ẩn sâu trong núi đá, cô ngồi vào bàn phím và bắt đầu viết lên đoạn kết của câu chuyện. Một cái kết mà nhiều năm sau này, khi đọc lại, cô đã từng tin rằng đó là cảm xúc của Đào Nguyên và cô là người hiểu ông ta.
Từ khi Đào Nguyên mất tích, những trang văn học của cô lại trở nên nhạt nhẽo, hoặc ngay chính bản thân cô không còn hứng thú với nó. Bầu trời xanh và gió trong lành đã khu trú ở một nơi nào đó, chỉ còn lại trong cô những đợt gió cát mịt mù trên sa mạc nóng. Sự tẻ nhạt, chán chường hay chính là nỗi tương tư mơ hồ không bao giờ có lời giải đáp. Đào Nguyên! ông là ai?
Hai năm sau, cô rời khỏi tạp chí, mở một quán cà phê nhỏ trong một góc phố bé nhỏ. Cà phê mang phong cách trầm lắng sắc màu vintage, nhưng lại được cô trang trí bằng những cành đào nhỏ cắm trong những chiếc bình cũ để ở một vài góc quán, tạo nên một vẻ đẹp lệch lạc và đối lập. Riêng cô lại thấy nó vô cùng vừa mắt. Cô gom những tờ tạp chí cũ có tác phẩm “Hoa đào ngàn dặm” đặt trong cái giỏ ở góc quán cho khách đọc, trong đó có một kỳ cuối là do cô mạo danh Đào Nguyên viết ra.
Và cách đây mấy ngày, cô nghe một khách đến quán cà phê trò chuyện, rằng có một nơi gọi là Đào Nguyên trên đỉnh núi cách xa thành phố hàng trăm cây số, và những bí ẩn về nó khiến nhiều người tò mò, đồn thổi. Cô lặn lội đi và đến, trong khi chính bản thân cô còn không hiểu mình đang tìm kiếm điều gì ở đây. Cô hỏi thăm nhiều người về vườn đào bí ẩn trên đính núi và quyết định thành một kẻ “rình mò” trong nhiều ngày. Cả vùng đào rộng lớn này, không biết phải đi vòng bao xa mới tìm thấy lối vào? mà cô thì chẳng kiên nhẫn đến thế. Cô quyết định mua một cái kìm cộng lực để chinh phục hàng rào kẽm gai…
Kết quả là bây giờ cô ở đây, trước mặt một người đàn ông và một con chó. Bỏ qua chuyện con chó, thì người đang cầm cái thuổng dài đứng trước mặt cô đây chưa quá già để gọi là ông, cũng không còn trẻ để gọi là một anh chàng. Nhưng điều khiến cô sững sờ nhất, thì anh ta là một gương mặt “đại chúng” mà cô từng biết: Cố Lương - tác giả văn học đình đám trên văn đàn được giới trẻ thần tượng cách đây nhiều năm. Chỉ có điều, mấy năm trước Cô Lương xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông là một gã thư sinh, khuôn mặt đậm nét idol điển hình châu Á. Còn bây giờ, Cố Lương là một gã lâm phu chính hiệu.
Câu chuyện của năm năm về trước bỗng dưng tua nhanh trong óc cô. Năm năm trước, gia đình Cố Lương gặp một thảm kịch kinh hoàng. Một cuộc “đánh ghen” đẫm máu đã giết chết ba người, đó là cha mẹ Cố Lương và người tình của mẹ anh ta Truyền thông đã gặm nhấm vụ án trong suốt một thời gian dài, và theo đó, cái tên Cố Lương lại được gắn vào những quan điểm tự diễn biến của giới truyền thông. Thời điểm đó cô cũng từng đọc tin tức trên mạng, nhưng cũng chính là lúc tác phẩm của Đào Nguyên bị đứt quãng khiến cô không có tâm trạng quan tâm quá nhiều. Và Cố Lương, sau đó đã không còn xuất hiện trên truyền hình hay các buổi họp báo cho đến khi tin tức về anh ta chìm dần…
Nhưng rốt cuộc, Cố Lương và Đào Nguyên liệu có mối liên hệ nào không?
“Cút! Ra khỏi vườn nhà tôi”, đang mải theo dòng suy tưởng, cô giật mình đánh thót khi nghe người đàn ông quát. Cô nhìn vào mắt anh ta, không thấy bất cứ sự chào đón nào, thậm chí chỉ có sự phẫn nộ ngập tràn.
“Cố Lương! Anh chính là Đào Nguyên?”, cuối cùng, cô quyết định đánh luôn đòn phủ đầu. Người đàn ông kia bỗng sững lại trong giây lát, rồi tiếp tục phẫn nộ với cô: “Tôi không hiểu cô lảm nhảm cái quái gì, mau cút ra khỏi đây”. Cô không những không lui bước mà còn dấn lên vài bước, con chó nhỏ lại sủa gâu gâu khi có cảm giác chủ nhân sắp bị tấn công.
“Thôi được, nếu anh không nhận là Đào Nguyên, hẳn cũng không sao, nhưng ít nhất anh không từ chối mình là Cố Lương chứ?”. “Cả hai người mà cô nhắc tới, đều đã chết rồi!”, Cố Lương nói, ném cái thuổng sang một bên, giận dữ quay lưng bỏ đi. Con chó lập cập chạy theo, cô cũng vội đuổi theo anh ta. Cô và con chó lẽo đẽo theo anh ta, thật là một cảnh tượng đẹp đến nghẹn họng.
Đi khoảng mười phút xuyên qua rừng đào, một căn nhà hiện ra trong sương. “Tóm lại cô là ai, cô muốn gì?”. Cố Lương nói khi ngồi xuống cái ghế mây dưới mái hiên, rồi đưa tay chỉ cho cô cái ghế đối diện. “Tôi là biên tập viên của tạp chí văn học Ánh Sáng”, cô đáp lời anh ta.
Anh ta nhướng mắt lên nhìn cô, đôi mắt sâu thăm thẳm không thấy đáy, thoạt nhìn như thể trống rỗng, nhưng cô lại không nghĩ vậy. Cô lôi trong túi ra mười cuốn tạp chí, đặt trên cái bàn mây trước mặt anh ta: “Những tác phẩm của Đào Nguyên nào đó, chỉ còn thiếu kỳ cuối cùng. Tôi đã đợi suốt nhiều năm để được biết cái kết, nhưng anh ta đã cự tuyệt trong câm lặng. Cố Lương, anh thấy chúng có quen không?”.
Cố Lương đưa những ngón tay run run ra cầm lấy một cuốn tạp chí, những ngón tay rám nắng thon dài khiến cô bỗng có cảm giác hơi lay động. Những ngón tay này hẳn đã rất cô đơn, có thể đã lâu lắm rồi không được ủ ấm. Cô âm thầm nghĩ.
“Tôi đã viết kỳ cuối cùng, cái kết đẹp cho người con gái của rừng đào. Tôi không biết Đào Nguyên có đồng ý với cái kết đó không vì anh ta chơi trò mất tích suốt năm năm. Nhưng xem ra, cái kết không viên mãn như tôi tưởng tượng, vì… bây giờ… nhân vật chính không ở đây”, cô nói.
Cố Lương thở dài, hỏi cô: “Sao cô chắc chắn rằng cô ấy không ở đây?”. “Vì nơi này thực sự không có hơi ấm, đó là bức tranh của sự cô đơn, khép kín, đâu có là sự sợ hãi, cố chấp… ”, cô trả lời anh ta. Cố Lương nhìn vào mắt cô, khóe miệng anh ta mím lại thành một đường chỉ trễ nải mà ngạo nghễ. Cô bỗng nhiên thấy tim đập mạnh, hơi thắt lại. Cuối cùng là cô đang thiếu tỉnh táo hay sự thật chính là cô đang nói về một nhân vật có thật hiện hữu trong đời Cố Lương, một người con gái mà ngay chính bản thân anh ta phải thừa nhận một cách dấu diếm bằng một bút danh khác là Đào Nguyên? Hay rốt cuộc đó chỉ là một nhân vật trong tưởng tượng?
“Cô ấy đã không còn nữa!”, Cố Lương đột nhiên nói. Cô sửng sốt. “Xin lỗi… có phải vì thế mà anh không viết nữa?”. “Đúng vậy!”. “Cô ấy hẳn đã để lại trong anh một vết thương lòng rất sâu đậm”. “Phải! rất sâu đậm!”, anh ta khẳng định. “Cô ấy…”, cô không thể bật thốt lên những lời sau đó, nó giống như một cuộc chất vấn “rốt cuộc bao giờ anh mới quên được cô ấy, bao giờ mới thôi tự trói mình…”.
“Cô ấy, người con gái trong rừng đào mà cô biết… là mẹ tôi”, Cố Lương lại nói, bằng một thái độ dửng dưng như kể một câu chuyện chẳng liên quan đến mình, nhưng cô đã thấy lồng ngực anh vừa thoáng dội lên một cơn co thắt. “Câu chuyện là về bà ấy, một người phụ nữ bị giam cầm bởi cha tôi, bà đã tìm được một tình yêu đẹp, một góc trời của riêng mình với một người đàn ông khác… chỉ tiếc rằng, cuối cùng lại là một bi kịch”, Cố Lương tiếp tục nói, như một cơn mộng du.
Khuôn mặt anh, ánh mắt anh, giọng nói của anh như một dòng nước lạnh trôi qua những khe đá phát ra một thứ âm thanh róc rách vô hình, tạo cho cô một thứ cảm xúc đầy tín ngưỡng. Chỉ có điều, năm năm trước, cô lại tưởng tượng ra Đào Nguyênđang viết về câu chuyện của chính mình.
“Cố Lương…tôi…”, cô cảm thấy đáy mắt mình ấm nóng, sống mũi cay cay. “Không sao đâu! mọi chuyện đã qua rồi”, anh ngắt lời cô.
“Tại sao… anh lại kể cho tôi nghe câu chuyện này?”, cô bắt đầu cảm thấy mình hỏi ngớ ngẩn. Anh lạnh lùng nhìn cô, một lúc sau mới nói: “Tôi không biết, cô gái ạ! Giờ cô cút được chưa?”.
Cô nhún vai, bất đắc dĩ đứng dậy. Anh vẫn ngồi đấy nhìn cô rời đi. Trong những khoảnh khắc cuối cùng, hình bóng người đàn ông cô đơn ấy như một bức tranh đơn độc tạc vào rừng chiều, dẫu những cánh hoa đào có phủ đầy mặt đất, cũng không thể thay đổi bố cục sẵn có của nó, bố cục cô đơn.
Ngày hôm sau, cô trở lại khu vườn với cái kìm cộng lực. Hàng rào đã được sửa lại, kèm theo một tấm biển báo: “Hàng rào có điện, cấm vào”. Cô cầm cái kìm, khoét một lỗ tương tự cái hôm trước, vứt biển báo sang một bên, bước vào trong, tìm cái ghế hôm qua vừa ngồi, đợi anh về.
Nhiều ngày như thế, chú chó nhỏ giống Alaska chuyển từ sủa ầm ĩ sang vẫy đuôi mỗi khi thấy kẻ đột nhập. Có những hôm anh về muộn, cũng có hôm anh ngồi sẵn ở đó bên một cốc trà thơm mùi hoa đào. Thường thì cô và anh chẳng nói chuyện gì nhiều, chỉ là ngồi giữa cái lạnh để tự sưởi ấm mình.
Những ngày cuối năm, rừng đào càng thêm nở rực, sắc hồng dường như đã chiến thắng khoảng trời xám u ám, thỉnh thoảng bừng lên những sắc xuân.
Cũng đã đến lúc cô phải rời đi, cô để lại cho anh một vài lời nhắn trên tờ giấy lúc anh vắng nhà.
Vào những ngày cuối cùng của năm, cô rời cái quán cà phê nhỏ trong góc phố để đi mua một chút đồ tết, lúc trở về, cô thấy trước cửa quán xuất hiện một cây hoa đào. Màu sắc rực rỡ của nó làm cho cảnh sắc xung quanh như bị lu mờ đi, dù thực sự rất chói mắt, rất đối lập với phong cách của quán.
Anh mặc chiếc áo măng tô dài, đứng dựa lưng vào cây cột trước quán, mái tóc chấm vai được vén ra sau để lộ khuôn mặt như được chạm khắc với những đường nét quyến rũ. Cô sững sờ nhìn anh, trong lòng bật lên hai tiếng “Cố Lương”. Anh mỉm cười nhìn cô, môi anh mấp máy, cô nghĩ anh sẽ nói gì đó, nhưng rồi anh chỉ hỏi: “Lạnh không?”.
Chỉ là “lạnh không!” thôi mà cô cảm nhận được ở trong đó một trời gió ấm. Anh lại nói: “Có lẽ, mẹ anh rất thích phần kết của câu chuyện mà em viết”. Anh luôn làm cho cô ngạc nhiên, chiếm trọn cảm xúc của cô dù anh không xuất hiện hay anh thực sự đứng trước cô. “Đã đến lúc anh phải viết câu chuyện của chính mình rồi, phải không, Cố Lương?”, cô hỏi anh. Anh dơ tay khẽ vén sợi tóc xõa trên khuôn mặt xinh đẹp của cô, chớp mắt một cái giống như một lời thừa nhận. Cô âm thầm nghĩ đến một câu văn anh từng viết: “Dẫu hoa đào trải dài ngàn dặm, chỉ cần một đóa trong tim là đủ”.
Anh không thể đọc được suy nghĩ của cô, nhưng anh đọc được mùa xuân trong mắt cô, nơi có ánh nắng xiên qua rừng đào rực rỡ…
Bảo Thoa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Tin khác
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Văn hóa 23/12/2024 11:33
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 2: Văn hóa như cái phễu, cần thời gian gạn đục khơi trong
Văn hóa 21/12/2024 13:40
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Một năm bội thu
Văn hóa 21/12/2024 10:20
"Con đường lịch sử": Bức tranh sử thi về 80 năm Quân đội anh hùng
Văn hóa 20/12/2024 16:54
Hội hoa xuân Ất Tỵ 2025 TP.HCM có chủ đề "Non sông gấm hoa, vui xuân an hòa”
Văn hóa 20/12/2024 15:49
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 1: Cốt lõi trong hôn nhân chính là hạnh phúc của con người
Văn hóa 20/12/2024 15:17
Điểm sáng của bức tranh Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thủ đô năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 20:42
Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 12:11
Múa rối nước: Giữ hồn dân tộc trong đời sống đương đại
Văn hóa 17/12/2024 20:05
Trưng bày chuyên đề "Gan vàng dạ sắt": Kết nối và truyền cảm hứng cho giới trẻ
Văn hóa 17/12/2024 09:40