Hà Nội chung sức, đồng lòng, không để ai bị bỏ lại phía sau
Người Hà Nội quả cảm nơi tuyến đầu | |
Hướng về người lao động ngành Giao thông bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 | |
Sơn Tây lan tỏa phong trào hiến máu giữa đại dịch Covid-19 |
Không ít những câu chuyện, nghĩa cử đẹp được viết nên. Những yêu thương được vun bồi đã đong đầy, khiến những người yếu thế ấm lòng. Qua những khó khăn, những giá trị của con người nơi mảnh đất Kinh kỳ lại càng được tỏa sáng…
Kỳ 1: Những việc làm nhỏ mang ý nghĩa lớn
Rất nhiều câu chuyện đẹp về tình người đang lan tỏa mạnh mẽ giữa mùa dịch Covid-19 ở Hà Nội, để thấy rằng không ai bị lãng quên hay bị bỏ lại phía sau. Tương thân tương ái là một trong những phẩm chất đáng trân quý của những người sống ở Hà Nội. Những việc làm nhỏ góp thành nghĩa lớn. Sự sẻ chia mang tới niềm hạnh phúc cho cả người nhận và người trao.
Đa dạng cách sẻ chia
Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi theo chân đoàn khảo sát của Ban thường vụ Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội đi trao hỗ trợ cho người lao động trong đợt dịch Covid-19. Cái nắng gay gắt khiến các thành viên trong đoàn thấm mệt nhưng ai cũng vui khi được mắt thấy tai nghe những cảnh đời khó khăn được tiếp thêm niềm tin vào cuộc sống.
Ông Ngô Minh Hoàn – Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, dịch Covid-19 thời gian qua đã khiến người lao động hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong đó đặc biệt gánh chịu nhiều ảnh hưởng là công đoàn viên, người lao động ở các đơn vị vận tải taxi, đường sắt…
Nắm bắt tình hình khó khăn, Công đoàn ngành đã tổ chức rà soát những trường hợp bị ảnh hưởng trực tiếp, từ đó có hỗ trợ kịp thời. Tại các đơn vị trực thuộc Công đoàn ngành, nhiều hỗ trợ như tặng phát khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, hỗ trợ tiền, gạo… đã và đang được đồng bộ triển khai.
Những hành động “lá lành đùm lá rách” đang được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng khiến người lao động nghèo ấm lòng, có thêm niềm tin vào cuộc sống. |
Sau khi nhận quà và hỗ trợ, nắm chặt tay lãnh đạo Công ty và Phó Chủ tịch Công đoàn ngành, đoàn viên Nguyễn Văn Bảo - Công nhân gác chắn đường ngang, thuộc Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ I Hà Tây chia sẻ, sự quan tâm và động viên kịp thời của lãnh đạo đơn vị và Công đoàn ngành đã tiếp thêm niềm tin và động lực để cá nhân anh vươn lên trong cuộc sống.
Cũng vào cuộc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, bà Trần Thị Tố Tâm, Bí thư Đảng ủy phường Phúc Xá (quận Ba Đình) cho biết, Phúc Xá là phường khó khăn nhất của quận Ba Đình. Trên địa bàn phường có rất nhiều người lao động làm việc theo tính chất thời vụ, cuộc sống tạm bợ bấu víu ở khu vực xóm trọ gần chợ Long Biên.
Ở Thủ đô, dịch bệnh Covid-19 khiến nền kinh tế bị đình trệ, cuộc sống của hàng triệu người, đặc biệt là những hộ kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, những người lao động chân tay, những người sống dựa vào công việc mùa vụ... bị ảnh hưởng. Để tháo gỡ căn bản khó khăn, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, sớm rà soát, triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội mà Chính phủ đã phê duyệt cho người dân cả nước với số tiền lên tới 62.000 tỷ đồng một cách kịp thời, đúng đối tượng. Đồng thời, các sở, ban, ngành, nhanh chóng triển khai thêm các gói hỗ trợ riêng của Thành phố, với quyết tâm cao là bảo đảm không một người dân nào của Thủ đô bị bỏ lại phía sau. Cùng với những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, nhiều nguồn lực chăm lo, hỗ trợ, đã và đang tiếp thêm sức mạnh để người dân vượt qua đại dịch. Tinh thần tương thân tương ái còn được nhân rộng hơn khi những ngày qua, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp… đã đồng hành với Thành phố trong việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Tất thảy cùng hòa quyện như một bức tranh đẹp, đa sắc, toát lên niềm hạnh phúc từ sự sẻ chia. |
Trong những ngày chống dịch, nhóm lao động tự do kể trên là nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất, chính vì thế phường đã thực hiện các hoạt động xã hội hóa, trích quỹ vì người nghèo để có sự hỗ trợ kịp thời. Được biết, tại Phúc Xá, hàng trăm suất ăn miễn phí, hàng trăm suất quà gồm gạo, mỳ tôm và một số nhu yếu phẩm thiết yếu… đã được chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể trao tặng cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, những người dân di cư trên địa bàn.
Những nghĩa cử từ chính quyền các cấp, sự vào cuộc kịp thời của các đoàn thể xã hội đã lan tỏa, nhân rộng tình yêu thương trong cộng đồng. Minh chứng dễ thấy, tinh thần tương thân tương ái đã nảy mầm, đơm hoa ở nhiều cá nhân, từ đó hình thành nên những hình ảnh đẹp, đa sắc và đầy trân quý.
Tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), chúng tôi đã được chứng kiến hình ảnh anh Nguyễn Xuân Hiếu - chủ một xưởng sản xuất đồng phục về thời trang công sở tại thôn Tân Phúc tranh thủ chở 1.200 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn lên trao tặng cho xã để kịp thời phát cho người dân.
Số khẩu trang này do gia đình anh cùng gia đình anh chị Cường Phượng góp tiền, mua vải của Công ty vải dệt kim Đông Xuân rồi thuê công nhân may. Chất liệu vải kháng khuẩn nên người dân có thể giặt sạch và tái sử dụng khoảng 30 lần, vừa đảm bảo an toàn đồng thời lại giảm bớt việc người dân đeo khẩu trang y tế dùng 1 lần, giảm lượng rác thải ra môi trường. Từ đầu mùa dịch, gia đình anh đã tổ chức nhiều đợt trao tặng khẩu trang vải tương tự như vậy.
Cũng với nghĩa cử phát khẩu trang cho người nghèo, vợ chồng chị Lê Thị Thắm (xã Hải Bối, huyện Đông Anh) đã quyết định bỏ ra số tiền 200 triệu để may khẩu trang phát miễn phí. Việc làm ý nghĩa này đã khiến nhiều người vô cùng cảm kích. Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn cũng đang hiện hữu ở huyện Chương Mỹ. Tại đây, vợ chồng anh Nguyễn Huy Phong, ở thôn Cốc Thượng, xã Hoàng Diệu đã bỏ thời gian, công sức ra may hàng nghìn chiếc khẩu trang vải để tặng miễn phí cho người dân trên địa bàn, góp sức phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Đó là những điều tử tế, là những việc làm ấm áp tình người, đầy tính nhân văn trong bối cảnh toàn thành phố đang tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Huy động mọi nguồn lực
Thực tế cho thấy, ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xảy ra, ở Hà Nội trên quy mô rộng, các cấp, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã nhanh chóng vào cuộc. Có thể nói, cả hệ thống chính trị đều chung tay với các hoạt động ủng hộ thiết thực.
Không nói đâu xa như cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô ủng hộ một ngày lương, qua đó góp hàng chục tỷ đồng cho Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội.
Các quận, huyện ngay khi nhận được phát động của Mặt trận Tổ quốc các cấp, một khối lượng lớn vật tư, trang thiết bị y tế đã được chuyển miễn phí đến các cơ quan, đơn vị nơi tuyến đầu chống dịch và đến tận tay những người dân nghèo...
Tinh thần tương thân tương ái được nhân rộng, góp phần giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vượt qua khó khăn. |
Nhiều biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh như vệ sinh khử trùng, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng đã được các cấp hội phụ nữ, đoàn thanh niên... tích cực thực hiện.
Ngay đến những em thiếu nhi cũng mong muốn góp sức trong công cuộc chống dịch. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, ở thị xã Sơn Tây thời gian nghỉ học phòng, chống dịch bệnh của những em thiếu nhi đã trở nên ý nghĩa. Ngoài việc học online và giúp đỡ gia đình, các em đã gửi trên 1.500 tác phẩm tranh ca ngợi sự hi sinh thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh, kêu gọi mọi người nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, thường xuyên vệ sinh môi trường sống, đeo khẩu trang nơi công cộng...
Ngoài tham gia vẽ tranh, rất nhiều em học sinh đã tự nguyện mổ lợn tiết kiệm ủng hộ cho công tác phòng chống dịch. Điển hình như em Dương Tường Mai - lớp 3D Trường Tiểu học Trần Phú và anh trai là Dương Minh Vũ - lớp 9A Trường THCS Phùng Hưng đã gửi tặng 1.000 khẩu trang y tế loại 3 lớp cho lực lượng tuyến đầu chống dịch thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã Sơn Tây. Hai em Vũ Thành Sơn, lớp 5B và Vũ Nguyệt Minh, lớp 4D Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm ủng hộ 2.120.000 đồng để các bà, các cô trong phường làm tấm kính bảo hộ gửi tặng lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.
Chừng ấy dường như vẫn chưa đủ khi nói về nghĩa cử của con người nơi mảnh đất Kinh kỳ. Những giá trị nhân văn, những hoạt động thiện nguyện trong cộng đồng qua dòng chữ “Ai cần cứ đến lấy...”, “Nếu khó khăn hãy nhận một phần thực phẩm mỗi ngày/Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”; “Không sợ hết, xin chỉ lấy đủ dùng, cùng chia sẻ để vượt qua dịch bệnh”... xuất hiện ở nhiều nơi. Những “siêu thị 0 đồng”, “cây ATM gạo”, bữa ăn miễn phí... nối nhau xuất hiện ở Thủ đô đã khơi dậy ý thức chung tay vì cộng đồng.
Dịch bệnh Covid-19 là nỗi lo lắng không chỉ của riêng ai. Thế nhưng, trong gian khó nó cũng chính là phép thử của lòng tốt, của trách nhiệm, của tinh thần mỗi người vì cộng đồng.
(Còn nữa...)
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Cập nhật giá vàng, tỷ giá sáng 23/12: Vàng nhẫn diễn biến lạ, tỷ giá USD tăng "nóng"
Tin khác
Hoài niệm về Hà Nội xưa qua không gian nghệ thuật ga Long Biên
Tôi yêu Hà Nội 05/12/2024 11:07
Độc đáo di sản cổ tự 2.000 năm tuổi
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:14
Phở - Tinh hoa ẩm thực Hà thành trong kỷ nguyên số
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:06
“Đêm Trúc Bạch” - Trải nghiệm Hà Nội qua lăng kính thời bao cấp
Infographic 28/11/2024 22:32
Báo Lao động Thủ đô giành giải Ba cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường Hà Nội năm 2024
Tôi yêu Hà Nội 28/11/2024 10:57
Sông Đáy thuở xưa
Tôi yêu Hà Nội 26/11/2024 08:01
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Lan tỏa những hành động nhân ái từ cộng đồng
Tôi yêu Hà Nội 20/11/2024 16:19
Cầu nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư
Tôi yêu Hà Nội 17/11/2024 21:01