Cổng làng, biểu tượng văn hóa làng quê
Chuyện về chiếc cổng làng đẹp nhất Kinh kỳ | |
Độc đáo cổng làng Bưởi | |
Cổng làng Yên Thái, in đậm dấu xưa |
Cổng làng Gia Thượng, Long Biên, Hà Nội (Ảnh: Cao Tiến) |
Những làng quê vùng châu thổ Bắc bộ xưa kia, người dân sống quần tụ với nhau trong một không gian khép kín gọi là làng, chỉ để một hoặc hai lối ra vào và cổng làng được quy định là giới hạn giao lưu giữa làng này với làng kia. Cổng làng bắt đầu mở vào buổi sáng để dân làng đi làm, và khép lại vào mỗi buổi tối, sau khi người dân trong làng đã trở về nhà. Trải qua năm tháng, cổng làng không chỉ là nơi phân địa giới của làng, mà đã trở thành biểu tượng văn hóa của làng quê. Bên cạnh cây đa, giếng nước, sân đình, cổng làng mang một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần người Việt.
Cổng làng gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng. Dù to hay nhỏ, có thể xây bằng gạch hoặc bằng đá, chiếc cổng làng thể hiện cho một nếp làng bề thế, thể hiện cả cốt cách của ngôi làng, của những người dân trong làng. Ở đồng bằng Bắc bộ, hầu như ở đâu có làng thì ở đó có cổng làng. Các vùng nông thôn gắn liền với sản xuất lúa nước như Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Tây cũ… là những vùng có nhiều cổng làng được xây bề thế. Tất cả những cái hay cái đẹp, đôi khi là những điều răn dạy, nhắc nhở cũng được viết thành câu đối khắc trước cổng, cổng làng vì thế trở thành một phần của văn hóa làng.
Dù chưa đi vào trong làng, chưa đặt chân tới sân đình, đứng trước cổng làng, nhiều người cũng có thể cảm nhận được phần nào cốt cách của làng, tư chất của những người dân. Cũng vì thế mà cổng làng phải dễ được nhận biết ngay từ bên ngoài. Theo quan niệm truyền thống, bên cạnh cây đa, giếng nước, sân đình, cổng làng vốn có ý nghĩa như một sự chào đón của người địa phương dành cho khách thập phương. Nhiều người dân của làng dù đi đâu xa, bao nhiêu năm trở về vẫn có thể nhìn thấy cổng làng sừng sững đứng đó, vẫn cảm nhận được những gì thân quen ấm áp của quê nhà. Phía sau cánh cổng làng chính là sự kết nối cộng đồng gia tộc làng xã, là những nét chung về phong tục, tập quán, văn hoá riêng biệt, không hòa lẫn vào nhau.
Thông thường, kiến trúc của cổng làng không cầu kỳ, phô trương, mà chỉ nhằm khẳng định chỗ đứng của mình trong khoảng không gian làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ, trong đó giới hạn của nó chỉ mang tính chất tượng trưng. Mỗi một cổng làng Việt Nam đều có những nét kiến trúc riêng làm tâm điểm trong cái không gian của con đường làng, lũy tre xanh, cây đa, giếng nước và những cánh đồng lúa chín…
Cổng làng được dùng như một quy ước không gian hơn là một giới hạn địa lý của làng, nhưng tác dụng của nó lại như cửa của một ngôi nhà, làng không cổng cũng như nhà không có cửa. Nó như một dấu hiệu đánh dấu mốc trong và ngoài của không gian làng, đó là một phần của văn hóa làng. Kiểu đánh dấu này luôn tồn tại trong tâm thức người Việt. Cổng làng như một nghi thức trong cấu trúc môi trường làng. Có cổng thì ở sát rìa làng, có cổng thì ở tít đầu đường, chỗ giao với đường lớn với làng.
Cổng Làng Kim Sơn, xã Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội (Ảnh: Cao Tiến) |
Vẻ đẹp của cổng làng gắn với nền văn minh lúa nước, phần nhiều mang tính phác họa, gợi nên những ước vọng của cộng đồng từ đời này qua đời khác, nơi như có dáng đứng của cha, của mẹ mỗi lần đón, tiễn con, nơi mà người ta có thể tìm về sau những mỏi mệt của bộn bề công việc. Cổng làng có vị trí quan trọng trong đời sống thực và đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Bởi lẽ, dù đô thị hóa đến đâu, nhiều nhà cao tầng hay biệt thự, nét riêng của làng khó có thể mất đi được.
Ngày nay, khi cuộc sống đã thay đổi, kèm theo đó là quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở một số vùng quê, nhiều chiếc cổng làng đã bị phá bỏ để thay vào đó là những con đường rải nhựa, những nhà cửa đua nhau mọc san sát. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, dù đã phá bỏ hầu hết các công trình xưa thì những chiếc cổng làng vẫn còn được lưu giữ như một giá trị văn hóa, một biểu tượng của ngôi làng.
Trên con phố Gia Thượng (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội), mới được xây dựng, người đi đường dễ bắt gặp một chiếc cổng làng vẫn sừng sững trên vỉa hè. Không nhiều người biết được lịch sử của chiếc cổng, chỉ biết rằng nó đã tồn tại từ rất lâu rồi. Ông Nguyễn Ngọc Trúc (89 tuổi ở Gia Thượng, Long Biên) cho biết, từ khi về làm rể ở làng đến nay đã gần 70 năm, ngày ấy chiếc cổng làng đã có rồi. Dù không sinh ra ở làng nhưng ông cảm thấy gắn bó với chiếc cổng của ngôi làng. Ông nhớ lại, xưa kia hai bên cổng làng là những hàng tre cao vút, bên cạnh còn có một cái giếng nước là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho cả làng. Chỗ giếng nước đã bị lấp bây giờ chính là nơi con đường rộng thênh thang với tên gọi phố Gia Thượng. Dù vậy, chiếc cổng vẫn còn được giữ lại, như một phần của nét văn hóa của làng quê nơi đây được người dân gìn giữ.
Phía trước cổng làng Gia Thượng có đề “Gia Thượng thôn” bên trên, hai bên dưới còn có câu “Đại đạo chi hành”, có ý nhắn nhủ người làng cứ đường lớn mà đi. Bên phải “Trí tuệ Lạc Hồng khai tự mẫu”, “Tâm linh siêu việt phóng càn khôn”. Phía sau: “Nhân nghĩa ân tình tâm đức trọng”, “Tổ quốc vạn xuân hành đại đạo”, “Căn nguyên đạo pháp tấu hòa an”, “Hương thôn bách tính tạo anh hùng”. Đây đều là những điều nhắc nhở cũng như những truyền thống tốt đẹp của ngôi làng được chuyển hóa thành câu đối viết trên cổng để người làng dù có đi đâu cũng nhớ đến, từ đó cũng góp phần hình thành nên nhân cách của mỗi người./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Tin khác
Tạo điều kiện để trẻ em khiếm thị tiếp cận công nghệ
Cộng đồng 22/12/2024 06:53
Nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Cộng đồng 21/12/2024 11:47
Quận Thanh Xuân biểu dương cán bộ làm công tác dân số
Xã hội 21/12/2024 10:19
Ra mắt tính năng nhận diện “Ứng dụng chính thức của Chính phủ” trên Google Play
Xã hội 20/12/2024 12:24
Tập huấn kỹ năng truyền thông về sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho cộng tác viên dân số
Xã hội 20/12/2024 06:53
Tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong năm 2025
Cộng đồng 19/12/2024 23:11
Quận Thanh Xuân hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số
Xã hội 19/12/2024 20:52
Xuân đẹp nhất khi còn bên bố mẹ
Cộng đồng 19/12/2024 17:42
Độc đáo nghề làm hoa tre
Cộng đồng 19/12/2024 16:30
Phát động chiến dịch “Những mùa xuân nguyên vẹn”
Cộng đồng 19/12/2024 13:21