Chuyện về người trông coi ngôi mộ tập thể lớn nhất Việt Nam
Nơi biến hận thù thành bằng hữu | |
Bình Định: An táng 74 hài cốt liệt sĩ chôn trong khu mộ tập thể ở gò Vường Xoài |
Nơi ghi dấu những hồi ức kinh hoàng
Vào một buổi sáng mùa thu tháng 8, theo lời giới thiệu của bạn bè tôi tìm đến Khu tưởng niệm của hơn 2 triệu đồng bào chết vì bom, đạn của phát xít Nhật và nạn đói 1944-1945 (trước kia là nghĩa trang Hợp Thiện) - nơi được xem là ngôi mộ tập thể lớn nhất Việt Nam.
Khu tưởng niệm nằm trong ngách sâu hun hút của ngõ 559, đường Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng. Năm 2013, mộ tập thể và Khu tưởng niệm được tôn tạo, mở thêm một cổng từ phía đường Minh Khai. Đường vào bằng cổng này rộng rãi hơn nhưng lại được ít người biết đến, bởi cổng thông ra bãi đỗ xe của một hãng taxi rồi mới tới đường lớn.
Khu tưởng niệm các nạn nhân chết đói năm 1944-1945. |
Nơi an nghỉ của nạn nhân trong nạn đói năm Ất Dậu nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng. Người trông coi ngôi mộ tập thể và Khu tưởng niệm là ông Đặng Văn Tuyến (69 tuổi) gắn bó với nơi đây tròn 15 năm. Ông Tuyến kể, Khu tưởng niệm ngày trước là một khu đất rộng mênh mông, kéo dài từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động. Nay phố thị đổi thay, nghĩa trang Hợp Thiện thu hẹp lại chỉ còn 158 m2.
Nơi đây chẳng có gì ngoài tấm bia đá khắc bài tế của Giáo sư Vũ Khiêu với những lời ai oán: Có cơn gió bụi vừa tan/ Hai triệu sinh linh đã mất/ Khí oan tối cả mây trời/ Thây lạnh phơi đầy cỏ đất; bức tường đơn sơ đắp dòng chữ “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói 1944-1945”; bệ đặt bát hương, ngôi nhà thờ và bể chứa xương người lớn nhất Việt Nam.
Hàng chục nghìn sinh linh chết không gỗ ván, không bia mộ tìm được nơi mai táng trong một nấm mồ chung. Bể chứa ấy được ốp gạch hoa, bên trên bày hai hàng chậu cảnh. Phần nổi của bể chứa nằm trên mặt đất xếp đầy tiểu sành, còn phần chìm sâu dưới lòng đất sâu bao nhiêu, rộng bao nhiêu chính ông Tuyến không biết.
Thắp một nén nhang cho người đã khuất, ông Tuyến trầm ngâm, hơn nửa thế kỷ đã đi qua, nhưng những chứng tích đau thương còn sót lại nơi đây vẫn là nỗi ám ảnh trong tâm trí của nhiều người. Theo các bậc cao niên, độ ấy, người chết vì phát xít Nhật cũng nhiều, nhưng người chết đói thì nhiều vô kể.
Quy tập hài cốt của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944-1945. Ảnh Tư liệu |
Ông Tuyến kể, trong ký ức người Việt Nam, nạn đói năm Ất Dậu vẫn là một cơn ác mộng, nỗi nhức nhối khó quên. Thảm họa ấy bắt đầu từ tháng 10/1944 kéo dài đến giữa năm 1945. Nạn đói đã “càn quét” qua 32 tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, từ Quảng Trị trở ra. Trọng điểm là các tỉnh đồng bằng, nơi dân số tập trung đông, có nhiều ruộng, như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa…
Cái đói khiến cha bỏ con, chồng bỏ vợ, tình người đứt đoạn, đi xin ăn không được thì cướp giật. Ở các vùng quê, hàng nghìn hộ gia đình chết cả nhà, nhiều dòng họ chỉ một vài người sống sót. Tháng 3/1945, nạn đói lên đến đỉnh điểm khiến nhiều người khiếp sợ.
Cùng đường, hàng vạn người lũ lượt chạy đói đến các thành phố lớn. Có người bán cơ nghiệp, có người ôm con nhỏ tha hương đầu đường xó chợ… Người dân Hà Nội khi ấy đã phát động Ngày cứu đói, lập trại tế bần phát cháo. Người sống ngắc ngoải được đưa xuống trại Giáp Bát, khi ấy còn gọi là làng Tám, thuộc tổng Thịnh Liệt, Thanh Trì. Người đói lả, chết còng queo bên vệ đường thì đưa về đây chôn.
15 năm gắn bó với người đã khuất
Sinh năm 1952, lớn lên khi đất nước chiến tranh, năm 1970 ông Tuyến nhập ngũ ở chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Ông công tác trong đơn vị Tổng cục Kỹ thuật làm nhiệm vụ sửa chữa xe cơ giới. Sau giải phóng miền Nam đến năm 1981, ông Tuyến trở về quê hương rồi chuyển sang công tác ở đơn vị khác.
Hỏi về cơ duyên dẫn tới việc tự nguyện chăm nom ngôi mộ tập thể và Khu tưởng niệm, ông Tuyến chỉ cười và cho rằng đây là việc tâm linh xuất phát từ lòng cảm thương đồng bào của mình. Ông kể, từ năm 1976 ông đã biết tới ngôi mộ tập thể từ lời kể của cha chú, thế nhưng mãi tới năm 2005 sau khi đã nghỉ hưu ông mới chính thức gắn bó với nơi này. Từ đó tới nay, đều đặn mỗi sáng ông đều tới mở cửa, dọn dẹp khuôn viên Khu tưởng niệm, ngày rằm, mồng 1, lễ tết… nhang khói cho người đã khuất.
Lúc mới trông coi Khu tưởng niệm, nhiều người cho rằng ông “dở” thích làm việc không đâu. Có người còn bảo ông là cựu chiến binh, con cháu thành đạt sao phải nhọc công đi lo chuyện bao đồng. Ông Tuyến cười hiền: “Ai nói gì thì nói, tôi bỏ ngoài tai. Việc tôi làm là xuất phát từ cái tâm và cũng phải có cái tâm mới có thể làm được”.
Ông Tuyến với công việc thường ngày. |
15 năm làm công việc trông coi Khu tưởng niệm đặc biệt này, ông Tuyến đã đón hàng nghìn đoàn khách từ khắp nơi đến. Đó là các đoàn lãnh đạo ở Trung ương, địa phương, rồi các đoàn du lịch từ các nước đến, Việt kiều từ nước ngoài về tưởng nhớ lại những người thân đã khuất. Hay nhà ngoại cảm đến “hỏi chuyện” những vong linh xấu số…
Tuy nhiên, những vị khách đến từ đất nước Nhật Bản đã để lại cho ông nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Họ là những người từng tham chiến ở Việt Nam, nhà sử học, nhà nghiên cứu, sinh viên, khách du lịch… Có khách đến đây vì từng nghe về tội ác do chính cha ông họ gây ra, cũng có người đến vì tò mò. Nhưng dù là ai, đến đây vì lý do gì, thì tất thảy đều cúi đầu trước vong linh người đã khuất.
Lần tìm trong tủ một cuốn sách được in bằng chữ Nhật, ông Tuyến vui vẻ chia sẻ, đây là món quà đặc biệt của một vị khách người Nhật Bản gửi tặng ông. Vị khách này là một nhà nghiên cứu khoa học, sau một lần tới thăm khu nghĩa trang đã viết cuốn sách này và gửi tặng cho ông.
Ông Tuyến chia sẻ về món quà đặc biệt của nhà khoa học người Nhật. |
Ông Tuyến tâm sự, những cái cúi đầu thành kính, dòng lưu bút, những món quà đặc biệt như thế này cho thấy thế hệ trẻ Nhật Bản rất có lòng yêu chuộng hòa bình, tuy không phải những việc làm quá lớn lao nhưng cũng đủ khiến các vong linh ấm lòng.
Cùng với những cuộc viếng thăm của các vị khách Nhật Bản, hằng năm vào dịp rằm tháng 7, các tăng ni phật tử từ khắp nơi đến đây để cầu siêu cho các vong linh của nạn đói năm 1944-1945. Khi đến đây, ngoài việc chứng kiến nỗi đau thương mất mát của đồng bào, người dân và cả du khách thập phương như được nhắc nhở về một sự hy sinh của hàng triệu đồng bào cho nền độc lập của nước nhà.
Có thể thấy, ngôi mộ tập thể và Khu tưởng niệm hơn 2 triệu đồng bào chết vì bom, đạn của phát xít Nhật và nạn đói 1944-1945 là một chứng tích lịch sử đặc biệt tại Việt Nam, hiện thân của một thời kỳ lịch sử bi thương của dân tộc.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội: Lính cứu hỏa nhường mặt nạ dưỡng khí cho thai phụ trong đám cháy
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Trộm xe của bạn "cắm" lấy tiền trả nợ, chơi game
Quốc hội thông qua Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Tin khác
Đề xuất, khuyến nghị Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng phù hợp
Đời sống 22/11/2024 06:02
Yêu cầu các địa phương báo cáo thưởng Tết trước ngày 15/12
Đời sống 07/11/2024 16:30
Hà Nội: 30 nhà giáo tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024
Đời sống 30/10/2024 22:30
Đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp
Đời sống 23/10/2024 16:06
Trình Thủ tướng phương án nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày
Đời sống 23/10/2024 06:00
Giá điện, giá chung cư đều tăng: Người lao động càng thêm gánh nặng!
Lao động 12/10/2024 21:01
Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện
Đời sống 08/10/2024 06:17
Hàn Quốc ân hạn với lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước
Đời sống 05/10/2024 11:45
Hà Nội: Hộ gia đình nuôi 2 con học đại học, cao đẳng được hỗ trợ vay vốn chính sách
Đời sống 04/10/2024 15:49
Đề nghị bỏ đề xuất sinh viên làm thêm không quá 24 giờ mỗi tuần
Đời sống 25/09/2024 22:33