Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường chia sẻ kinh nghiệm ký mới Thỏa ước lao động tập thể đạt gần 400%
Hiệu quả từ giải pháp đúng, trúng, phù hợp
Theo đồng chí Nguyễn Phi Thường, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là nhiệm vụ quan trọng, mang tính sống còn của tổ chức Công đoàn; là nội dung thể hiện rõ nét nhất chất lượng hoạt động và uy tín của Công đoàn cơ sở đối với đoàn viên, người lao động (NLĐ). TƯLĐTT cũng là công cụ để Công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, NLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp; đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng và điều kiện nền kinh tế thị trường, có sự xuất hiện cạnh tranh của các tổ chức đại diện NLĐ khác.
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường chia sẻ kinh nghiệm về “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể của tổ chức Công đoàn” tại Hội nghị. |
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của thương lượng, ký kết TƯLĐTT đối với hoạt động của tổ chức Công đoàn; bám sát tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị và các chương trình, kế hoạch chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ngay từ đầu năm 2021, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội đã xây dựng chương trình công tác với 10 hoạt động trọng tâm, 10 nhiệm vụ trọng điểm; triển khai thực hiện 4 đề án thí điểm; 2 Nghị quyết chuyên đề; với nhiều giải pháp mang tính đổi mới, sáng tạo, thích ứng linh hoạt, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm; nhằm khắc phục được những tồn tại, hạn chế mang tính căn cốt của tổ chức Công đoàn.
Các đề án thí điểm qua 1 năm thực hiện đã phát huy hiệu quả tích cực, được ghi nhận, đánh giá cao, nhiều nội dung được nhân rộng, áp dụng. Đặc biệt là Đề án thí điểm: “Nâng cao hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT trong doanh nghiệp” giai đoạn 2021-2022, cùng với cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các cá nhân là cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở và cán bộ CĐCS trực tiếp tham gia hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT; với mức hỗ trợ (tùy vào thời hạn ký kết): TƯLĐTT đạt Loại A: hỗ trợ từ 6-8,5 triệu đồng; Loại B: hỗ trợ 5-6 triệu đồng; Loại C và D: khuyến khích động viên 500 ngàn đồng -1 triệu đồng/bản; vì vậy, TƯLĐTT trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm qua tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng.
Riêng đối với TƯLĐTT xếp loại A ở các doanh nghiệp có đông công nhân, từ 1.000 lao động trở lên, cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở trực tiếp tham gia hỗ trợ, hướng dẫn CĐCS thực hiện còn được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/bản. Nguồn kinh phí hỗ trợ này được trích từ 2 cấp, cấp LĐLĐ Thành phố chi hỗ trợ cho cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở; Công đoàn cấp trên cơ sở, chi hỗ trợ cho cán bộ CĐCS.
"Đến nay, các cấp Công đoàn Thành phố đã chi hỗ trợ 4 đợt cho hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT với tổng số tiền là 2,9 tỷ đồng (trong đó LĐLĐ Thành phố chi 1,5 tỷ đồng; cấp trên cơ sở chi 1,4 tỷ đồng). Đây thực sự là nguồn cổ vũ, động viên, tiếp thêm động lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn nỗ lực, cố gắng trong hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT; nhiều chủ tịch Công đoàn cấp trên cơ sở đã trực tiếp đến các doanh nghiệp để hỗ trợ CĐCS, gặp gỡ vận động chủ sử dụng lao động ký kết TƯLĐTT, từ đó đã mang lại hiệu ứng rất tích cực; số TƯLĐTT có đơn vị đã tăng gấp 6 lần so với năm 2020", Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Phi Thường thông tin.
Các bản TƯLĐTT ký kết đều được chấm điểm, đánh giá xếp loại chặt chẽ theo Hướng dẫn số 1580/HD-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam ở cả 3 cấp; cấp cơ sở, cấp trên cơ sở và cấp Thành phố, sau đó được Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động tổng hợp trình Hội đồng thẩm định của LĐLĐ Thành phố xem xét thông qua và ban hành quyết định cấp hỗ trợ kinh phí.
Đại biểu dự Hội nghị. |
Cũng theo đồng chí Nguyễn Phi Thường, xác định công tác cán bộ công đoàn vẫn là khâu yếu trong thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Vì vậy, cùng với cơ chế hỗ trợ kinh phí, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã tiếp tục triển khai, thực hiện Đề án thí điểm “Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch CĐCS khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước” giai đoạn 2021-2022. Tập trung vào công tác đào tạo nâng cao trình độ, bản lĩnh, kỹ năng thương lượng tập thể và đối thoại cho đội ngũ các Chủ tịch CĐCS khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước, doanh nghiệp Khu công nghiệp và chế xuất có đông công nhân; với nội dung phù hợp, phương pháp đào tạo tích cực, cầm tay chỉ việc; qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS nói chung và thương lượng, ký kết TƯLĐTT nói riêng.
Để phục vụ công tác tập huấn, hướng dẫn CĐCS, LĐLĐ Thành phố cũng đã xây dựng, phát hành “Bộ tài liệu hướng dẫn hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại doanh nghiệp” gồm các biểu mẫu, hướng dẫn theo quy trình rút gọn từ 7 bước xuống còn 3 bước; dễ hiểu, dễ thực hiện, kèm theo đó là ngân hàng các nội dung đề xuất thương lượng, để các CĐCS tham khảo, khi đề xuất với chủ sử dụng lao động.
Quán triệt nội dung Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới mạnh mẽ, thực chất, toàn diện hoạt động của tổ chức Công đoàn. LĐLĐ thành phố Hà Nội đã cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, hướng vào thực hiện những nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn như: Thương lượng, ký kết TƯLĐTT; phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; tài chính Công đoàn... Kèm theo đó là ban hành “Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại hoạt động Công đoàn cấp trên cơ sở” với những nội dung, tiêu chí chấm điểm cụ thể, mang tính định lượng cao. Kết quả đánh giá, xếp loại hoạt động công đoàn cấp trên cơ sở hàng năm được gửi tới các đồng chí Bí thư và Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy; qua đó đã có những tác động tích cực về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ Công đoàn, đặc biệt là người đứng đầu. |
Về công tác chỉ đạo, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố đã duy trì chế độ giao ban định kỳ 1 Quý/1lần về công tác TƯLĐTT đối với các Chủ tịch Công đoàn cấp trên cơ sở để rà soát, đánh giá kết quả thực hiện; công khai kết quả thương lượng, ký kết TƯLĐTT và danh sách những Bản TƯLĐTT sắp hết hạn từng đơn vị trên trang Web LĐLĐ Thành phố hằng tháng, để các cấp Công đoàn kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động lên kế hoạch thương lượng, ký kết lại. LĐLĐ Thành phố cũng đã thành lập “Tổ tư vấn, hỗ trợ thương lượng ký kết TƯLĐTT” gồm 15 đồng chí, do đồng chí Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động làm tổ trưởng, để hỗ trợ, hướng dẫn CĐCS về quy trình, cách thức tổ chức thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại doanh nghiệp.
“Có thể nói với giải pháp đúng, trúng, phù hợp; cùng với công tác chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hiệu quả; hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT của các cấp Công đoàn Thủ đô đã có bước tiến vượt bậc. Năm 2021, tuy doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, song đã có 1.200 bản TƯLĐTT được ký mới, cao nhất từ trước đến nay; đạt gần 400% chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao, tăng gấp 4 lần so với năm 2020. Đặc biệt chất lượng TƯLĐTT đã tăng lên rõ rệt, số TƯLĐTT xếp loại A, B đạt 43% (năm 2020 là 31%)”, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Nguyễn Phi Thường cho biết.
Cần sớm quy định thương lượng tập thể là hoạt động bắt buộc
Nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT của tổ chức Công đoàn, tại Hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đã đề xuất 5 giải pháp cụ thể.
Lãnh đạo LĐLĐ quận Long Biên đại diện NLĐ thương lượng với chủ sử dụng lao động tại doanh nghiệp các điều khoản có lợi hơn cho NLĐ. |
Một là, khi năng lực, vị thế của đội ngũ cán bộ CĐCS còn hạn chế thì hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT rất cần sự kết nối, tham gia, hỗ trợ trực tiếp, thường xuyên từ Công đoàn cấp trên cơ sở. Sự xuất hiện, tham gia của lãnh đạo Công đoàn cấp trên tại doanh nghiệp, đặc biệt là Chủ tịch Công đoàn cấp trên là tín hiệu thuận lợi giúp cho hoạt động thương lượng của CĐCS được tốt hơn.
Hai là, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần sớm ban hành cơ chế hỗ trợ, động viên bằng vật chất phù hợp, để tạo động lực, động viên đội ngũ cán bộ Công đoàn tích cực tham gia vào thúc đẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại doanh nghiệp.
Ba là, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan công đoàn các cấp với kết quả trong hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại đơn vị; thông qua công tác đánh giá, bố trí cán bộ, thi đua khen thưởng, phê bình, kỷ luật…
Bốn là, khi nguồn lực của tổ chức Công đoàn có giới hạn và dự báo sẽ khó khăn, rất cần có giải pháp căn cơ đó là: Dần dịch chuyển hình thức chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên trực tiếp từ nguồn ngân sách Công đoàn, do Công đoàn cấp trên tổ chức; thay bằng chăm lo, hỗ trợ NLĐ thông qua việc đẩy mạnh hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT để tạo thu nhập, đời sống, điều kiện phúc lợi tốt hơn cho công nhân.
Năm là, Nhà nước cũng cần sớm ban hành quy định thương lượng tập thể là hoạt động bắt buộc hàng năm tại doanh nghiệp; cùng với quy định các hoạt động thương lượng tại doanh nghiệp phải có sự tham dự của cán bộ Công đoàn cấp trên (thay vì thương lượng chỉ tiến hành khi có đề xuất từ CĐCS như hiện nay); vì TƯLĐTT là kết quả của thương lượng thành công; không có thương lượng sẽ không có TƯLĐTT.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Việt Nam vô địch tại giải Futsal nữ Đông Nam Á 2024
Ban Dân vận Trung ương làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Giá vé tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên từ 7.000 đồng - 20.000 đồng/lượt
Hà Nội: Phát hiện hơn 100 bộ hài cốt vô danh khi thi công hệ thống thoát nước đã được dự đoán trước
TP.HCM: Thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhằm chống lãng phí, thất thoát
Đích đến của Đề án 06 là người dân được hưởng thụ dịch vụ ở bất kỳ đâu, tạo công bằng xã hội
Công nghệ AI liệu có thể thay thế giáo viên giảng dạy?
Tin khác
Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Công đoàn Viên chức Việt Nam
Hoạt động 21/11/2024 16:45
Nâng cao hiệu quả công tác nữ công công đoàn
Hoạt động 21/11/2024 08:42
Tạo môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp
Hoạt động 21/11/2024 08:42
LĐLĐ quận Long Biên trao 100 triệu đồng hỗ trợ xây nhà ở cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi bão số 3
Hoạt động 20/11/2024 16:41
Thăm hỏi, tặng quà 18 giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Hoạt động 20/11/2024 16:23
Ba Đình: Chú trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở
Công đoàn 19/11/2024 22:13
Kiểm tra, giám sát chuyên đề công tác nữ công tại Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội
Hoạt động 19/11/2024 21:01
Nhiều kết quả nổi bật trong công tác chăm lo cho đoàn viên và người lao động
Hoạt động 19/11/2024 16:35
Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam thăm, chúc mừng các đơn vị nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Công đoàn 19/11/2024 15:53
Công đoàn Hà Tĩnh: Tập trung nâng cao đời sống văn hóa cho người lao động
Hoạt động 19/11/2024 09:44