Chỉ có biển ở lại…
Một mùa hè đặc biệt Phía bên kia ô cửa |
Trải nghiệm đầu đời trong ký ức thơ bé của tôi thì biển không phải bắt đầu với một mặt nước mênh mông, cũng không phải tiếng sóng vỗ rì rào bất tận tháng năm… mà chính xác là bãi cát trắng phau khi bàn chân non nớt đầu đời được đặt lên đấy. Cái cảm giác mềm, mịn và ấm áp của cát trắng đầy bao dung ôm ấp lấy bàn chân trước khi kịp chạm vào làn nước mát lạnh, luôn là một cảm giác rất mê hoặc với bàn chân thơ bé ít khi chịu mang dép vào cho gọn gàng lúc rời khỏi nhà.
Đặc điểm thứ hai để tôi nhớ về biển là gió. Cái gió mát mùa hè xua đi ít nhiều cơn nóng của mùa gió Lào ven tỉnh lẻ miền Trung, còn lại là ngọn gió thốc suốt mùa đông khiến cho cái lạnh bỗng chốc lạnh hơn ngoài phố. Và, thứ để luôn luôn nhận ra gió biển chính là vị mặn ở trong gió. Nghe có vẻ buồn cười, nhưng phần lớn ai sinh ra ở xứ biển, kiểu đều có một khứu giác khác hơn người ở những vùng đất khác, họ ngửi được mùi muối trong gió. Cái vị mặn không thể nếm bằng đầu lưỡi nhưng có thể nếm bằng cánh mũi, chính là một điều gì đó rất diệu kỳ mà chỉ có người miền biển mới có đặc ân ấy.
***
18 năm sinh ra và sống cạnh biển, cho đến ngày rời quê nhà để đi vào thành phố của phương Nam, tôi nghĩ mình mang biển đi theo trong tâm thức một cách rất bản năng.
Đôi khi, chen chân trong một dòng người kẹt xe giữa phố phường Sài Gòn, tôi lại nhớ cái cảm giác mình lặn sâu xuống đáy biển sau đó dần dần trồi người lên, mắt hướng về ánh bình minh đầu ngày lấp loáng ở phía trên mặt nước. Nước biển có cái lạnh muôn thuở của nước biển, song thứ ánh sáng dập dềnh tan ra trên bề mặt biển kia lại luôn là một tia hy vọng ấm áp. Giống như người đang bước đi trong đêm tối và nhìn thấy ánh sáng từ đằng xa. Hoặc như người vừa trải qua một cơn ác mộng rất dài chợt tỉnh giấc nhìn thấy tia sáng của ngày mới…
(Ảnh minh họa: Hà Phong) |
Ngày xưa, tôi và đám bạn của mình còn có một trò rất vui là lúc lặn xuống đáy biển gần bờ, chúng tôi vốc lên một nhúm cát rồi cho vào miệng rồi dùng tay để làm bàn chải. Chúng tôi tin rằng những hạt cát sạch ấy có sẵn muối ở bên trong, như một loại kem đánh răng của tự nhiên, sẽ giúp cho răng mình trắng sạch thơm tho. Một niềm tin trẻ thơ không cần biết đúng hay sai miễn mình tin là nó có thật.
Dĩ nhiên, ẩn giấu sau những bình yên, biển cũng có những ngày bão tố mà lắm lúc chỉ cần nghe tiếng rít của ngọn gió qua khe cửa, tôi cũng cảm giác được cơn nổi da gà của bản thân cùng nỗi sợ hãi không biết trận cuồng nộ này của thiên nhiên đến bao giờ mới chấm dứt. Phải ở trong những ngày mà cả nhà xúm lại trong một căn phòng nhỏ, thắp lên một ngọn nến ở giữa cùng nồi khoai lang để ăn cho qua bữa, mới nhận thức được sinh mệnh con người thật sự nhỏ nhoi. Rất nhiều trận bão từ biển đã đi qua năm tháng thơ ấu của tôi nhưng chưa năm nào nỗi sợ lại giống nhau.
Tôi nhớ lần đầu tiên mình biết bơi mà không ai chỉ dạy, với một niềm tin đơn giản mình là con xứ biển thì cứ xuống biển quẫy tay quẫy chân thế nào cũng sẽ nổi lên. Và, thật sự cũng đúng là như thế. Kỹ năng quan sát người khác bơi trong làn nước đã giúp tôi định hình cho mình cách không bị hoảng sợ khi ở trong biển. Rồi tự mình học cách đứng nước, rồi bơi ngửa, bơi kiểu chó, bơi sải…
Có lẽ biển ở trong tầm mắt mỗi ngày riết trở thành như một người thân, không việc gì phải sợ, quan trọng là mình ứng xử như thế nào để “mối quan hệ” ấy trở nên tốt đẹp hơn, dịu dàng hơn.
***
Lần nào sau một chuyến đi xa trở về, tôi cũng có một buổi sáng thật sớm thức dậy để ra biển trước khi mặt trời mọc. Khoảng thời gian giữa khoảnh khắc nền trời vẫn còn lấp lánh ánh sao cùng với mặt biển còn thẫm màu xanh hơi tối, tôi ngồi trên bãi cát trắng, háo hức trông chờ tia nắng đầu tiên hắt lên từ mặt biển… luôn là một phút giây diệu kỳ của thiên nhiên. Khoảnh khắc ấy thật ra cũng là một động lực sống mà sau rất nhiều biến cố thử thách của cuộc đời, tôi tin mình sẽ đi đến hồi hết, sẽ vượt thoát được giới hạn mình từng nghĩ là không thể, để thở phào nhẹ nhõm lúc ngoài đầu nhìn lại - vì mình, không ai khác chính bản thân mình, đã bước qua mọi thứ với nỗ lực mạnh mẽ từ bên trong.
(Ảnh minh họa: Hà Phong) |
Có một lần, tôi ngồi gần như suốt buổi sáng chỉ để xem người ta kéo lưới lên và gỡ những con cá bị mắc lưới ra bán cho thương lái ngay tại bờ. Những con cá tươi rói, mắt trong veo, vẩy ánh màu cầu vồng lấp lánh trong nắng sớm… thật sự nhìn tươi ngon không thể tả xiết. Hình ảnh ấy, về sau cũng giúp tôi lý giải được vì sao mình thích ăn cá biển hơn ăn thịt, chỉ bởi đơn giản sự “chật hẹp” trong đời sống của một con vật như trâu, bò, gà vịt… không thể nào so sánh với con cá bơi trong mênh mông của biển cả. Tôi vẫn nghĩ - phần nhiều - thứ gì ở trong sự rộng lớn hơn thì cảm giác cũng sẽ hạnh phúc hơn. Một con cá ở trong biển hay một con chim bay giữa trời chính là minh chứng cho điều ấy.
Đó cũng là lý do, tôi nghĩ đến một ngày mình chết đi, tôi mong sau khi mình được hỏa táng xong sẽ được một ai đó mang ra giữa biển, rải tro cốt của tôi xuống. Kiếp người với tôi là một sự khổ lụy. Vì bản chất ngay từ lúc sinh ra chúng ta là một tờ giấy trắng, rồi sau đó theo từng quãng thời gian, chúng ta viết lên đấy mọi hỉ nộ ái ố cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Trải qua bao nhiêu chuyện vui buồn, bao tiếng cười và nước mắt, bao hạnh phúc và phẫn uất… cuối cùng cũng đến lúc nằm im ngưng tiếng thở. Giữa điểm đầu và điểm cuối ấy là những cuộc tranh đấu dai dẳng để ngộ ra được bản chất con người càng sống đơn giản thì càng dễ hạnh phúc. Mà thứ hạnh phúc ấy, lại ở từ bên trong, không phụ thuộc vào bất cứ tác động ngoại lực nào. Nên sau khi rời khỏi cõi tạm này, tôi muốn được tự do. Và nếu không phải ở giữa trời thì trong biển cả ý niệm tự do ấy là dễ dàng nhất.
***
Con người ai cũng có một gia đình, một mái nhà, hoặc đa số là như thế. Song, với người lớn lên từ một vùng biển nào đấy thì ngoài ngôi nhà, biển cả cũng là một ngôi nhà khác nữa để họ muốn quay về.
Tôi vẫn nhớ những lần mình hoang mang với đời sống, đã một mình đứng trước biển, cho hai tay vào túi quần, rồi cứ thế ngước mặt nhìn ngắm sự bao la trước mặt mình bằng tất cả những gì cởi mở nhất có thể. Sự vị tha của biển cả khi dung nạp trăm suối nghìn sông trên cuộc đời này là một bài học mà không phải cứ biết, cứ hiểu là có thể thực hiện được. Trong gió biển có vị mặn và trong nước mắt của con người cũng thế. Muối cần nắng để hồi sinh từ nước biển. Sự trưởng thành của một con người cũng cần nung đốt bởi sự nghiệt ngã của đời sống mới thành hình.
Chúng ta, rốt cuộc cũng chỉ là một chấm nhỏ giữa biển người rộng lớn. Một chấm nhỏ giữa biển rộng sông dài. Một chấm nhỏ trong biển đời thống khổ…
Tôi từ biển mà ra đi. Biển ở trong tôi như một sự vô thức.
Nên nhiều đêm, trong giấc mơ của một kẻ tạm cư nơi thành thị, tôi vẫn nghe tiếng sóng vỗ rì rào trong lòng mình như một giai điệu bất tận của vụ trụ này từ thuở sơ khai.
***
Tôi biết hành trình của cuộc đời mình đến thời điểm này bị trói buộc bởi rất nhiều trách nhiệm. Mỗi bước chân đều là một sự dè dặt, vì sợ rằng, khi mình ngã xuống hố sâu sẽ không ai nâng đỡ mình dậy ngoài chính bản thân mình. Chúng ta, vì thế mà ai cũng có những giới hạn, để neo mình lại ở phía bên này đời sống, mà không thể thoát đi như một cánh chim chỉ cần ra khỏi cửa lồng là trời cao gió lộng…
Vì thế, tôi nghĩ ít nhất mình cũng có chút may mắn là nhìn thấy biển từ rất sớm. Để có thể nương tựa vào sự rộng lớn ấy rồi dần dần hiểu ra được sự nhỏ bé của mình. Mỗi một niềm vui lẫn nỗi buồn đều quý giá và xứng đáng cho mình bỏ công sức ra tận hưởng lẫn đau đáu…
Tất cả, rồi cũng sẽ qua. Không có thứ gì là mãi mãi…
Chỉ có biển ở lại. Vì nó là điểm cuối của mọi dòng chảy…
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Dư âm đẹp từ Giải bóng đá thường niên Tổng Công ty Vận tải Hà Nội năm 2024
Bắt giữ đối tượng "ngáo đá" cướp ô tô, dùng xẻng đánh người
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Tin khác
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Văn hóa 22/11/2024 22:34
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
Văn hóa 22/11/2024 18:53
Sân chơi thu hút nhân tài đổi mới, sáng tạo
Văn hóa 21/11/2024 07:02
Đại nhạc hội Hoa tháng Năm - Nơi những phép màu tỏa sáng
Văn hóa 20/11/2024 22:41
Khánh Hoà sẵn sàng đón lượng khách tăng cao dịp Tết Nguyên đán 2025
Du lịch 20/11/2024 17:37
Chuỗi sự kiện kỷ niệm Lịch sử và Tự do của Haiti tại Hà Nội
Văn hóa 19/11/2024 16:22
Tôn tạo di tích đình Đại Áng: Phát huy giá trị văn hoá quý báu của cha ông
Văn hóa 19/11/2024 10:12
Người thắp ngọn đèn tri thức trong tôi
Văn hóa 19/11/2024 09:46
Di sản - điểm tựa sáng tạo cho thế hệ trẻ
Văn hóa 19/11/2024 09:01
Trưng bày chuyên đề "Hoàng đế Lê Thái Tổ - Người khai sáng vương triều Hậu Lê"
Văn hóa 18/11/2024 15:51