Cảnh báo học sinh nhập viện vì áp lực mùa thi
Stress mùa thi: Nguyên nhân và giải pháp |
Áp lực tự thân
Gần đây, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một số bạn trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần vì áp lực học tập, nhất là vào thời điểm nhiều kỳ thi quan trọng sắp diễn ra. Theo bác sĩ Đỗ Thùy Dung, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, mới đây, một nam sinh 18 tuổi, sống ở Hà Nội được cha mẹ đưa đến khám trong tình trạng luôn có cảm giác lo lắng, chóng mặt.
Stress mùa thi khiến nhiều trẻ phải nhập viện điều trị. |
Gia đình cho biết, trước đây học sinh này cũng đã từng bị rối loạn cảm xúc nhưng đã điều trị thành công. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đang chuẩn bị thi tốt nghiệp nam sinh lại xuất hiện dấu hiệu hồi hộp trống ngực, căng thẳng, khó nhớ hay quên khi học, ngủ không sâu giấc, phải tới khám và điều trị tại viện.
Tương tự, một nam sinh khác 18 tuổi cũng ở Hà Nội đã nhập viện gần 1 tuần để điều trị stress, rối loạn cảm xúc. Theo phụ huynh của bệnh nhân, dù đang trong giai đoạn quan trọng, nước rút cho kỳ thi tốt nghiệp, nhưng con trai lại học "không vào".
Được biết, trước đây bệnh nhân là trẻ học khá giỏi. Nhưng từ lớp 11, trẻ đã có triệu chứng khó kiềm chế cảm xúc, trên tay chân có nhiều vết bầm tím do tự làm đau… và luôn áp lực "vì không biết học nhiều để làm gì", hay có thái độ chống đối và làm ngược ý cha mẹ. Gần đây nam sinh này không theo được guồng ôn thi nên càng lo lắng, căng thẳng và trốn học. Gia đình phải đưa con đi khám tại Viện Sức khoẻ tâm thần.
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ, bác sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Rối loạn stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vào thời điểm mùa thi chuyển cấp từ trung học lên phổ thông và đại học nhiều trẻ đã gặp các vấn đề về trầm cảm, stress. Tình trạng này gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17, là thời điểm các cháu học sinh thi chuyển cấp lên trung học phổ thông và đại học. Đặc biệt các bệnh nhân đến khám và điều trị trầm cảm, stress đến từ các lớp chuyên, lớp chọn nhiều hơn các lớp thông thường.
Trẻ bị stress thường hay bồn chồn, bốc đồng, giảm tập trung, dễ cáu gắt; thường biểu hiện khó tin tưởng người khác; khó kết nối với bạn bè; khó khăn trong kiểm soát hành vi như ăn vô độ, chán ăn, tự làm đau bản thân…Với trẻ được xác định có bệnh lý như rối loạn âu lo, sẽ được chỉ định dùng thuốc, điều trị tâm lý trị liệu, và các phương tiện hỗ trợ khác cải thiện các triệu chứng, bệnh lý của trẻ.
Theo bác sĩ Tâm, một nghiên cứu năm 2019 - 2020 tại Bệnh viện Nhi Trung ương với đối tượng là học sinh từ 10-19 tuổi, cho thấy: 55,6% số trẻ có dấu hiệu sang chấn tâm lý (áp lực học tập 20%, áp lực gia đình 20,5%, quan hệ bạn trong trường 8,9%)."Đáng chú ý là trầm cảm gặp nhiều hơn ở trẻ ngoan và học khá. Với những trẻ ngoan, có thành tích cao trong học tập thường có những áp lực tự thân hơn là những trẻ mải chơi. Những trẻ này thường căng thẳng và bị trầm cảm, stress, nhất là khi không đạt được kỳ vọng sẽ bị nặng hơn trẻ khác. Điều này cho thấy các áp lực từ việc học tập, áp lực từ gia đình, áp lực thành tích là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng stress ở lứa tuổi học đường"- bác sĩ Tâm phân tích.
Không nên đặt quá nhiều kỳ vọng lên trẻ
Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ cho biết phần lớn các em học sinh bị stress mãn tính, quá trình stress đã âm thầm diễn biến từ khoảng 3 - 5 năm trước và áp lực thi cử chỉ là "giọt nước tràn ly". Diễn biến tâm lý, sự thay đổi tính cách của học sinh trùng với lứa tuổi dậy thì nên nhiều bậc cha mẹ mặc nhiên chấp nhận sự thay đổi đó. Chỉ đến khi trẻ có những hành vi làm tổn thương bản thân hoặc quá bất thường, thì bố mẹ mới nhận diện và đưa trẻ đến viện, lúc đó trẻ đã ở giai đoạn trầm cảm, stress nặng.
Bác sĩ Dương Minh Tâm khuyến cáo với những trẻ có nhân cách yếu, lãng mạn, văn nghệ sĩ, nhân cách khép kín hoặc thiếu ý chí, thiếu nghị lực, nhút nhát, tự ti, mặc cảm, thiếu kìm chế, dễ bùng nổ, xung đột thường dễ bị stress hơn trẻ có nhân cách mạnh... gia đình nên xây dựng cho trẻ một môi trường thi đua, phấn đấu, tương trợ và cùng tiến. Điều này giúp trẻ chống đỡ với trầm cảm tốt hơn.
Theo bác sĩ Dương Minh Tâm, trầm cảm, stress mãn tính có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu nó không được xử lý. Stress mãn tính làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, dẫn đến một số bệnh về tinh thần và thể chất như trầm cảm và các bệnh tim mạch. Để ứng phó với tình trạng này, các gia đình có thể tham khảo nguyên tắc 5 chữ R gồm Recognition: Xác định nguyên nhân, nguồn gốc của stress, giáo dục và nâng cao nhận thức để vượt qua, thích ứng với stress; Relationships: Tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ, trấn an; Removal: Loại bỏ các yếu tố gây stress và các yếu tố kích thích; Relaxation: Thư giãn thông qua các kỹ thuật như thiền, xoa bóp, tập thở…; Re-engagement: Tái tương tác thông qua tái tiếp xúc có quản lý và giải mẫn cảm. |
Ngoài ra, tập luyện, hoạt động thể chất là một liều thuốc giảm căng thẳng cần thiết cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoài trời, dành thời gian trong thiên nhiên cũng là một cách hiệu quả để giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Theo bác sĩ Tâm, trầm cảm thường diễn biến âm thầm. Tuy nhiên, khi cha mẹ thấy con có dấu hiệu lạ như: Ngủ lâu hoặc ít ngủ, cáu giận, bực bội, không chịu vệ sinh tắm rửa, ăn uống thất thường; dễ khóc, cảm giác tuyệt vọng, tiêu cực, cảm giác tội lỗi, bất lực, tập trung kém, thiếu năng lượng, mệt mỏi... cần theo dõi sát sao và cho trẻ đi khám kịp thời.
Ngoài ra, trẻ có những hành vi bất thường, trái ngược với tính cách trước kia như trẻ trở nên hung hăng, chống đối hoặc tuân thủ quá mức, có sự rối loạn trong hành vi ăn uống như ăn quá ít hoặc quá nhiều, bị rối loạn giấc ngủ như ngủ quá nhiều hoặc quá ít, buồn chán, giảm kết nối với xã hội... Biện pháp điều trị bao gồm điều trị thuốc, liệu pháp tâm lý và giáo dục cho trẻ và gia đình. Tùy thuộc chẩn đoán và mức độ trầm cảm, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp về lựa chọn điều trị.
Bác sĩ cũng lưu ý, các bậc phụ huynh không nên đặt quá nhiều kỳ vọng hay áp lực lên con cái mà cần quan tâm nhiều hơn đến phương pháp học tập, sức khỏe của con. Cần có sự thỏa thuận, các nhận định đúng năng lực của con để đặt mục tiêu phù hợp theo hướng khuyến khích là chính.
Đồng quan điểm trên Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh – Phó Khoa Sức khoẻ Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Ở tuổi vị thành niên, song song với việc phát triển thể chất thì trẻ sẽ có những thay đổi rõ rệt về mặt tâm lý. Trong giai đoạn này, sự phát triển cái “tôi” ở trẻ sẽ khiến con có xu hướng cần cha mẹ tôn trọng những sở thích cá nhân và những quyết định của mình hơn. Cha mẹ cần tập cho con kỹ năng tự lập và chịu trách nhiệm, dần trao cho con quyền quyết định một số vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, cha mẹ cần luôn dõi theo con để kịp thời can thiệp, giúp đỡ con giải tỏa những lo âu, thay đổi những suy nghĩ lệch lạc của con.
Ngoài ra, cha mẹ không nên áp đặt thành tích học tập hoặc kỳ vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Thay vào đó nên biết nguyện vọng của con như thế nào, để hướng cho con đi đúng theo sở thích, niềm đam mê của con. Đừng cố áp đặt con theo mong muốn của cha mẹ…
Cũng theo các chuyên gia y tế, bên cạnh quan tâm đến tinh thần, cha mẹ cần chú ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để cho trẻ, đặc biệt là các sĩ tử có đủ sức khỏe vượt qua kỳ thi tốt nhất. Trong kỳ thi, cũng cần hỗ trợ thêm cho con các công tác chuẩn bị cho kỳ thi để trẻ yên tâm hơn, giảm bớt những lo lắng không đáng có.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Bắt giữ đối tượng "ngáo đá" cướp ô tô, dùng xẻng đánh người
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Tin khác
Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng
Y tế 22/11/2024 15:22
Nam bệnh nhân mất 1/2 lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
Y tế 22/11/2024 06:03
Thêm giải pháp nâng cao sức khỏe các nhóm yếu thế tại Việt Nam
Y tế 21/11/2024 14:15
Báo động xu hướng trẻ hóa đối tượng nhiễm HIV
Y tế 21/11/2024 07:03
“Chúng tôi đánh giá cao tinh thần học hỏi của đội ngũ FPT Long Châu!”
Y tế 20/11/2024 22:40
Chiến lược đào tạo giúp đội ngũ Long Châu tự tin chăm sóc sức khỏe hơn 20 triệu khách hàng
Y tế 20/11/2024 22:39
Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời các vấn đề liên quan đến thính giác ở trẻ em
Xã hội 20/11/2024 15:57
Mỗi ngày phát hiện 70 ca mắc bệnh sởi tại Đồng Nai
Y tế 19/11/2024 21:56
Hạnh phúc "nảy mầm" sau 7 năm hiếm muộn
Y tế 19/11/2024 15:10
Gia tăng tình trạng lây nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới
Y tế 18/11/2024 21:00