Cần đồng bộ hơn hệ thống tiêu, thoát nước Thủ đô
Tập trung duy tu, bảo trì hệ thống thoát nước trên địa bàn Thành phố Đến khi nào không còn cảnh úng ngập? Đảm bảo thoát nước trong mùa mưa bão |
Hệ thống thoát nước vẫn rời rạc
Về tổng thể, thành phố Hà Nội có 3 vùng tiêu thoát nước chính là vùng tiêu Tả Đáy, Hữu Đáy và Bắc Hà Nội. Trong đó, vùng Tả Đáy thoát nước bằng bơm cưỡng bức bao gồm các lưu vực thoát nước đô thị là lưu vực sông Tô Lịch, Đông Mỹ, Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Phú Xuyên và các thị trấn, diện tích khoảng 47.350ha.
Vùng Hữu Đáy thoát nước tiêu tự chảy kết hợp với bơm tiêu đô thị và thủy lợi bao gồm các lưu vực thoát nước đô thị là lưu vực Sơn Tây, Xuân Mai, Hòa Lạc, Quốc Oai, Phúc Thọ, Chúc Sơn và các thị trấn, diện tích khoảng 31.310ha.
Còn đối với vùng Bắc Hà Nội, kết hợp một phần thoát nước tự chảy với bơm tiêu đô thị và thủy lợi bao gồm các lưu vực thoát nước đô thị là lưu vực Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, diện tích khoảng 46.740ha.
Hệ thống thoát nước thiếu đầu tư đồng bộ, chậm tiến độ dẫn đến tình trạng manh mún, không vận hành đúng thiết kế... là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng úng ngập tại Thủ đô Hà Nội mỗi khi có mưa lớn. |
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến hệ thống thoát nước tại các quận nội thành, những nơi đã, đang và sẽ được Thành phố tập trung đầu tư xây dựng, đó là các khu vực lưu vực sông Tô Lịch, lưu vực sông Nhuệ và lưu vực Long Biên.
Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, đơn vị đang được Thành phố giao nhiệm vụ điều hành hệ thống thoát nước Thủ đô, hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội gồm 12 quận với diện tích khoảng 300km2.
Trong đó, hệ thống thoát nước chung theo danh mục được Thành phố phê duyệt bao gồm: 5.735,44km cống rãnh; 254,2km mương, sông, kênh; 40.407 ga thu; 110.025 ga thăm các loại; 125 hồ điều hòa; 10 trạm bơm thoát nước mưa chính; 5 nhà máy, trạm xử lý nước thải…
Hệ thống này phân chia thành các khu vực thoát nước chính như sau: Lưu vực Tô Lịch có diện tích khoảng 77,5km2 bao gồm toàn bộ khu vực trung tâm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận Tây Hồ, Thanh Xuân.
Trong khu vực này, hệ thống thoát nước cơ bản đã được hoàn thiện theo quy hoạch gồm Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở công suất 200.000m3/ngày đêm; các trạm xử lý nước thải Bảy Mẫu (13.300m3/ngày, đêm), Trúc Bạch (2.300m3/ngày, đêm), hồ Tây (15.000m3/ngày, đêm), Kim Liên (3.700m3/ngày, đêm)…
Về cơ bản, hệ thống trong khu vực đã giải quyết được tình trạng ngập úng với các trận mưa theo đúng công suất thiết kế. Đối với các trận mưa có cường độ lớn, diễn ra trong thời gian ngắn như trận mưa trong ngày 24/5 và chiều 29/5 vừa qua thì trên địa bàn vẫn còn 8 điểm úng ngập do có bất lợi về địa hình, xa nguồn xả.
Theo quy định, các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở phải được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình nhà ở và các công trình kiến trúc khác. Song không ít chủ đầu tư chỉ quan tâm xây dựng nhà ở để bán, lơ là việc xây dựng kết cấu hạ tầng, dẫn đến thiếu đồng bộ. Không khó để bắt gặp tình trạng cống thoát nước được xây dựng rất to nhưng lại cao hơn hạ tầng chung dẫn đến lãng phí, không hiệu quả. |
Lưu vực sông Nhuệ có diện tích khoảng 110km2 gồm: Khu vực quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông và một phần quận Tây Hồ, huyện Thanh Trì.
Đây là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Các trạm bơm đầu mối chưa được đầu tư đạt công suất quy hoạch; các hồ điều hòa lớn chưa được xây dựng; một số tuyến mương có chức năng tiêu thoát nước đô thị chưa được thực hiện duy tu, duy trì theo tiêu chí thoát nước đô thị.
Việc tiêu thoát nước hoàn toàn bằng hình thức tự chảy, phụ thuộc vào mực nước sông Nhuệ, thậm chí còn bị chảy ngược vào đô thị khi mực nước sông Nhuệ dâng cao.
Cuối cùng là lưu vực Long Biên. Lưu vực này có diện tích khoảng 62km2 cũng thoát nước chủ yếu bằng hình thức tự chảy qua mương Nam Quốc lộ 5, kênh Tầm Dâu ra sông Cầu Bây. Chỉ có một phần nhỏ được bơm cưỡng bức ra sông Đuống qua trạm bơm cầu Đông Trù với chỉ “vỏn vẹn” 2m3/giây tương đương 7200m3/ giờ.
Con số quá khiêm tốn cho cả lưu vực. “Bên cạnh những chủ đầu tư lơ là công tác thoát nước thì cũng có những chủ đầu tư rất chú trọng đến hệ thống thoát nước. Có những khu vực chúng tôi đi kiểm tra thì có hệ thống cống rất to, đơn cử như khu vực Geleximco Lê Trọng Tấn nhưng vì sao vẫn thường xuyên bị ngập? Nguyên nhân là do chưa được kết nối hạ tầng, chưa có nguồn tiêu, rồi có đoạn cống xây cao hơn cốt nền xả trong khu vực nên cống dù to cũng không có chỗ tiêu thoát”, lãnh đạo công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thừa nhận.
Cần khắc phục theo hướng đồng bộ
Để phục vụ mục tiêu thoát nước từ năm 2005 đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng vào các dự án thoát nước. Trong đó, đáng chú ý là 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỉ đồng. Cụ thể, dự án thoát nước Hà Nội có mức đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng, đã hoàn thành vào cuối năm 2016.
Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội được triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỉ đồng |
Hai dự án thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía tây Hà Nội gồm các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông. Một số huyện ngoại thành là dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội được triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỉ đồng và dự án xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỉ đồng.
Trong đó, trạm bơm tiêu Yên Nghĩa có công suất 120m3/giây, bơm nước từ lưu vực sông Nhuệ ra sông Đáy, giảm ngập úng cho quận Hà Đông, Thanh Xuân; Cụm công trình đầu mối Liên Mạc có công suất 170m3/giây (gần gấp đôi trạm bơm Yên Sở) bơm nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng, giảm ngập úng cho khu vực quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và phụ cận. Tuy nhiên, đến nay, cả hai dự án này vẫn đang triển khai chậm trễ, việc thoát nước ở khu vực các quận nêu trên vẫn là tự chảy.
Theo chủ đầu tư (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), kênh dẫn La Khê đi qua địa bàn 2 xã của huyện Hoài Đức và 6 phường của quận Hà Đông. Đến thời điểm này, huyện Hoài Đức đã bàn giao 100% mặt bằng để thi công. Quận Hà Đông mới bàn giao được 162.797,9m2 trên tổng số 307.358,7m2, còn thiếu 144.560,8m2, liên quan đến 593 tổ chức, hộ gia đình.
“Kênh La Khê là tuyến chính dẫn vào Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa. Để dự án hoàn thành trong năm 2022 đúng yêu cầu của Thành phố, Sở đề nghị quận Hà Đông tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao nhà thầu tổ chức thi công...”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ đề nghị.
Thừa nhận tiến độ bàn giao mặt bằng còn chậm so với yêu cầu, lãnh đạo các phường: Quang Trung, La Khê, Yết Kiêu... cho biết, nguyên nhân chủ yếu là cơ chế, chính sách về đất đai thay đổi liên tục.
Nhiều hộ có công trình nhưng không phải là người địa phương nên mất rất nhiều thời gian xác định địa chỉ; nhiều trường hợp đất bị thu hồi không có nguồn gốc rõ ràng, khó xác định ranh giới. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân bị thu hồi đất chưa nắm rõ chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác hỗ trợ, đền bù, giải phóng mặt bằng…
Bên cạnh nguyên nhân các dự án thoát nước chậm tiến độ, thiếu hiệu quả thì việc ao hồ bị lấp, cống rãnh bị nghẹt cũng khiến một số khu vực ngày càng ngập nặng. Quận Đống Đa vốn có nhiều ao hồ nhất (trên 30 hồ), nhưng chỉ trong 5 năm (2010-2015) đã có 4 hồ bị san lấp; một số quận không thay đổi hiện trạng ao, hồ thì diện tích mặt nước cũng bị thu hẹp đáng kể.
Cụ thể, quận Tây Hồ, nơi có diện tích mặt nước lớn nhất Thành phố (chiếm 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội) nhưng từ năm 2010-2017, diện tích mặt nước đã giảm hơn 28.000m2. Hồ Tây trước đây rộng hơn 500ha, nhưng sau khi kè (năm 2010) chỉ còn 460ha.
Mới đây nhất, dù chịu ảnh hưởng nhiều từ việc thiếu quy hoạch hệ thống thoát nước nhưng quận Long Biên cũng đã tiến hành việc lấp hồ Ba Đồ (hồ dân sinh) rộng hàng nghìn m2 với lý do “hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất”. Vụ việc chỉ tạm dừng khi vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân trong khu vực.
Nhìn nhận về thực trạng hệ thống thoát nước Thủ đô, kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho hay, đây là hệ quả của quá trình đô thị hóa trong bối cảnh tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Hệ thống thoát nước của thành phố Hà Nội kế thừa quy hoạch thoát nước của người Pháp trước năm 1954. Sau đó, Hà Nội mở rộng, do thiếu cả kinh nghiệm lẫn nguồn lực nên hệ thống thoát nước khá “tùy tiện”.
“Thập niên 90 - 2000, qua nguồn vốn vay ODA, Nhật Bản đã giúp Hà Nội quy hoạch lại hệ thống thoát nước thông qua Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 và 2. Tuy nhiên đến nay, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trong 10 năm qua đã khiến bản quy hoạch này lạc hậu hơn so với thực tế phát triển đô thị”, KTS Trần Huy Ánh cho hay.
Từ thực tế này, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, cần có quy hoạch tích hợp tổng thể từ xây dựng, đô thị hóa, giao thông, thoát nước, xử lý thải... Ngoài ra, nếu có thể, cần phát triển thêm những “vùng xốp” như công viên, hồ điều hòa... có diện tích lớn mang tính dự phòng nhằm ứng phó với những tình huống thiên tai.
Riêng đối với các “tồn tại cụ thể” có thể nghiên cứu thêm các giải pháp cục bộ chống ngập. Cần quy hoạch nhiều điểm trạm bơm thoát nước, giếng thu, hồ điều hòa, vùng bán ngập... giống như “ắc quy nước” có tác dụng giảm áp lực của mưa lượng lớn, nâng cao năng lực thoát nước cho nội thành và tận dụng nước mưa./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Giá xăng dầu hôm nay (5/11): Giá dầu thế giới tiếp đà tăng mạnh
Tỷ giá USD hôm nay (5/11): Đồng USD thị trường tự do quay đầu giảm
Giá vàng hôm nay (5/11): Vàng trong nước đồng loạt giảm mạnh
Tuyên truyền Luật Thủ đô năm 2024 đến người lao động ngành Xây dựng Hà Nội
Ngắm nhìn vẻ đẹp của Hà Nội với loạt tranh vẽ bằng bút bi
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 5/11: Sáng sớm có mưa rào, trời chuyển rét
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Tin khác
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 5/11: Sáng sớm có mưa rào, trời chuyển rét
Môi trường 05/11/2024 06:25
Hà Nội có thêm 14 dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh
Trật tự đô thị 04/11/2024 15:34
Cháy nhà 5 tầng lúc rạng sáng, giải cứu 2 người mắc kẹt
Phòng chống cháy nổ 04/11/2024 09:41
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 4/11: Trời chuyển rét, có mưa rào
Môi trường 04/11/2024 05:59
Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất 18-20 độ
Môi trường 03/11/2024 19:32
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 3/11: Sáng sớm có sương mù, ngày nắng
Môi trường 03/11/2024 06:09
Thời tiết miền Bắc chuyển rét, Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa lớn
Môi trường 02/11/2024 20:30
Phát huy hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”
Longform 02/11/2024 20:16
Quy định về phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở từ 16/12/2024
Phòng chống cháy nổ 02/11/2024 20:05
TP.HCM: Xảy ra 1.235 vụ tai nạn giao thông, làm 384 người chết trong 10 tháng năm 2024
Giao thông 02/11/2024 16:46