Multimedia
22/12/2024 18:31
Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc

22/12/2024 18:31

Tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, mô hình nông nghiệp sinh thái đang giúp gắn kết chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên, mang lại giải pháp phát triển bền vững cho khu vực miền núi. Nhờ áp dụng các kỹ thuật nông lâm kết hợp, canh tác hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, người dân không chỉ cải thiện năng suất cây trồng mà còn bảo vệ đất đai, giảm thiểu ô nhiễm và bảo tồn đa dạng sinh học.
Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc

Tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, mô hình nông nghiệp sinh thái đang giúp gắn kết chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên, mang lại giải pháp phát triển bền vững cho khu vực miền núi. Nhờ áp dụng các kỹ thuật nông lâm kết hợp, canh tác hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, người dân không chỉ cải thiện năng suất cây trồng mà còn bảo vệ đất đai, giảm thiểu ô nhiễm và bảo tồn đa dạng sinh học.

Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc

Ở độ cao 1.500 mét so với mực nước biển, cây cà phê arabica của người dân thôn Bản Nam (xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) ẩn hiện trên những sườn dốc. Cây cà phê bén rễ trên đất Chiềng Chung từ những năm 1990, cứ thế trải qua thời gian dài, cây cà phê là nguồn kinh tế chủ lực của người dân nơi đây.

Đến nương của anh Lò Văn Bun, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với thảm thực vật đa dạng. Trên những sườn đồi có độ dốc 65-70 độ là 3 tầng sinh thái, dưới mặt đất là tầng có, tầng thứ 2 là cây cà phê và tầng thứ 3 là cây che bóng.

Anh Bun chia sẻ, phương thức canh tác này anh được hướng dẫn bởi các chuyên gia của dự án Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái và hệ thống thực phẩm an toàn (ASSET) từ năm 2021. Trước khi có chuyên gia về hướng dẫn, gia đình anh Bun tiến hành sản xuất theo lối cổ truyền, năng suất của cây cà phê chỉ đạt 5-6 tấn/ha/năm.

Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc

Anh Hà Văn Thảo, phó Bản Nam cho biết, toàn bản hiện có 50 ha cà phê, khó khăn nhất đối với người dân bản là địa hình trồng cây cà phê chủ yếu là đồi núi cao và dốc. Vì vậy mùa mưa nước làm trôi đất màu, mùa khô thì thiếu nước. Qua thời gian dài, bà con quen với kiểu canh tác theo kinh nghiệm truyền thống, đến mùa làm cỏ thì rãy sạch cỏ và đem đốt. Mặc dù chăm chỉ dũi cỏ, xới đất, bón phân nhưng cây vẫn còi cọc, chậm lớn, năng suất không cao.

Kể từ khi có dự án ASSET, hơn 40 hộ trên tổng số 130 hộ (chiếm 45% diện tích cây trồng) đã bắt đầu thay đổi quy trình canh tác, áp dụng mô hình sinh thái nông – lâm kết hợp. Các cán bộ của dự án đã đến tận bản, đồng thời hướng dẫn bà con chăm sóc cây cà phê theo mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn. Thay vì đến mùa nhổ hết cỏ thì dự án hướng dẫn bà con chỉ cắt 5 – 7 cm cỏ còn lại để giữ ẩm cho đất. Bên cạnh những băng cỏ, cây họ đậu được trồng theo đường đồng mức xanh rì dưới thảm, bà con được chuyên gia tư vấn trồng cây che bóng cho cây cà phê. Theo đó, cây che bóng giúp chống sương muối, làm giảm cường độ ánh sáng, giúp cây cà phê phát triển bền vững, ít bị bệnh gỉ sắt hơn, làm tăng khả năng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, biến đổi khí hậu...

“Ban đầu chúng tôi cũng có sự lưỡng lự, tuy nhiên sau khi áp dụng đã thấy được hiệu quả rõ rệt”, anh Bun vui vẻ nói. Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn, năng suất tại nương cà phê của anh Bun đã tăng lên. Với 13.000 gốc cà phê, anh Bun thu hoạch được 12-15 tấn/ha/năm, giá thành cao hơn trước và cao hơn giá cà phê các vùng lân cận canh tác theo mô hình sử dụng phân vô cơ, khai thác cạn kiệt dinh dưỡng đất. Thương lái thu mua đánh giá cà phê Bản Nam là thương hiệu cà phê sinh thái, chất lượng sạch.

Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc

Phương pháp canh tác giúp giảm thiểu sự suy thoái đất, bảo vệ đa dạng sinh học và giảm ô nhiễm môi trường do hóa chất nông nghiệp này cũng được dự án ASSET thực hiện tại xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Với mô hình cây trồng xen phù hợp cho cây mắc ca, bước đầu đã giúp cải tạo đất, giảm xói mòn và cho tín hiệu khả quan.

Ông Quàng Văn Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quài Nưa cho hay, thực hiện chủ trương của tỉnh Điện Biên, người dân địa phương đã trồng cây mắc ca. Theo đề án phát triển, huyện phấn đấu trở thành vùng trồng cây mắc ca chủ lực của tỉnh. Đến nay, toàn xã Quài Nưa đã trồng được hơn 500 ha cây mắc ca, nhưng phần lớn diện tích chưa cho thu hoạch quả. Bên cạnh đó, hệ luỵ từ việc phá rừng để canh tác trong quá khứ đã dẫn đến những thách thức về môi trường, nguồn nước.

Gia đình chị Lò Thị Thủy, xã Quài Nưa là một trong số hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương được lựa chọn tham gia dự án ASSET với mô hình trồng xen cây mắc ca đã mang lại hiệu quả cao hơn so lối canh tác, sản xuất truyền thống.

Chị Thủy chia sẻ, nương mắc ca của gia đình chị mới trồng từ giữa năm 2023, với diện tích 16 ha, trồng trên 4.000 cây mắc ca. Vốn đầu tư trồng cây mắc ca lớn hơn các cây trồng khác và phải đầu tư dài hạn. Khi tham gia dự án, gia đình chị được dự án hỗ trợ các thí nghiệm trồng xen các loại cây che phủ đa dụng (cỏ MulatoII, Zuzi, Stylo, đậu nho nhe, cốt khí, đậu bướm) trong giai đoạn cây mắc ca chưa khép tán.

Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc

Với việc được hỗ trợ cây giống, kỹ thuật trồng xen cây trên cùng đơn vị diện tích đất giúp tăng khả năng che phủ, cải tạo đất; có thêm nguồn thức ăn bổ sung cho trâu, bò và đồng thời hỗ trợ sinh trưởng cho cây mắc ca. Mô hình trồng xen cây trồng trên cùng diện tích còn hạn chế xói mòn trên đất dốc rất hiệu quả.

Cán bộ dự án ASSET đã khuyến cáo bà con trồng các cây dược liệu, khoai, bầu bí, dưa mèo để tạo nguồn thu nhập trong ngắn hạn. Cùng với chị Thủy, riêng ở Bó Giáng đã có 21 thành viên tham gia mô hình sinh thái nông nghiệp này, với 37 ha cỏ sinh khối cao đã được trồng dưới tán cây mắc ca. Nhờ trồng được cỏ, nên nông dân đã thực hiện nuôi nhốt trâu bò, giờ nhiều nhà không còn thả rông như trước.

“Để bảo vệ đất, gia đình tôi đã thay đổi sang dùng phân bón hữu cơ. Để cải tạo đất và bổ sung thức ăn cho chăn nuôi, tôi được hướng dẫn trồng 8 loại cây. Những ô đất trồng xen cây nhằm cải tạo đất tôi thấy cây mắc ca phát triển tốt và đẹp hơn những ô khác”, chị Thủy chia sẻ.

Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc

Trên con đường theo đuổi chuyển đổi nông nghiệp sinh thái, tại Bản Nam (xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), cán bộ dự án ASSET không chỉ tư vấn việc canh tác cà phê, mà còn dạy kỹ thuật ủ phân và ủ cỏ. Theo đó, băng cỏ từ nương cà phê, mắc ca sẽ làm thức ăn cho gia súc, chất thải từ gia súc sẽ tiếp tục được “chế biến” và trở thành phân bón, chất dinh dưỡng cho cây trồng. Từ đó tạo nên một vòng tuần hoàn trong canh tác, nuôi trồng góp phần nâng cao thu nhập, hạn chế chi phí của người dân. Đồng thời ổn định bền vững trong chuỗi sản xuất và môi trường hướng tới nền kinh tế xanh.

Từ việc còn lạ lẫm với phương pháp mới, chị Tòng Thị Mai Phuơng (thôn Bản Nam) đã thành thạo được cách ủ chua cỏ bằng men vi sinh, bảo quản trong túi chống nước cỡ lớn để làm thức ăn cho bò và dê trong cả năm.

Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc

Háo hức thao tác với máy móc, thiết bị, kĩ thuật được dự án hỗ trợ, chị Tòng Thị Mai Phuơng kể lại, trước kia mùa đông cũng như hè, bà con thường chăn thả trâu bò tự nhiên ngoài đồi núi. Vào mùa đông, cỏ tự nhiên cạn kiệt dẫn đến thiếu thức ăn cho vật nuôi. Bây giờ, tranh thủ cỏ có sẵn, bà con thu hoạch, đưa về cho vào máy cắt thực hiện đúng quy trình, cỏ ủ có thể để đến được vài tháng.

“Cỏ sau khi lên men có mùi thơm nên vật nuôi rất thích ăn. Sau khi áp dụng, tôi thấy bò phát triển tốt, có sức đề kháng cao hơn. Nhờ nuôi nhốt, tỷ lệ trâu bò chết rét thấp, lại kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế rủi ro, rút ngắn được thời gian nuôi, tăng thu nhập”, chị Phương nói.

Đối với anh Bun, nhờ có cỏ trồng dưới tán cây cà phê và ủ bằng men vi sinh để làm thức ăn cho bò và dê, anh tiết kiệm được 90% chi phí thức ăn trong chăn nuôi. Từ nguồn thức ăn dồi dào này, anh đầu tư nuôi 10 con bò và 30 con dê, cùng đàn gà bản địa. Bên cạnh đó, với phân bò và phân dê được đem ủ với men vi sinh mà cán bộ dự án đem đến hỗ trợ, anh đã dùng ủ để bón cho cây cà phê, giảm được 80% chi phí phân bón, lại không ô nhiễm môi trường.

Cũng tận dụng phân gia súc để ủ thành phân bón theo dự án ASSET, ông Lò Văn Ngoai, bản Bó Giáng, xã Quài Nưa được hướng dẫn kỹ thuật xử lý chất thải trong chăn nuôi thông qua hoạt động thu gom phân chuồng, chế biến phân ủ từ phân chuồng. Trong đó, chú trọng hỗ trợ cải thiện chuồng trại chăn nuôi, thiết kế hố phân, mái lợp, men ủ, bạt ủ phân, máy ép phân (phân ép dạng viên). Cùng với đó, ông còn được hỗ trợ chuyển giao quy trình ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh. Phân sau khi ủ không còn mùi, khô, hoai mục, dễ dàng cho việc vận chuyển.

Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc

Vật tư phục vụ ủ phân và một máy ép phân. Máy có 2 cái sàng, sàng to dùng ép phân ủ, sàng nhỏ ép thức ăn chăn nuôi cho gia súc gia cầm. Với 2 con bò mỗi năm cho 5 tấn phân, phân đưa vào máy sấy khô và ép thành viên, nếu bán phân, ông Ngoai thu được 6 triệu đồng/năm.

TS Lê Thúy Hằng, cán bộ Viện NIAS, giảng viên của dự án ASSET cho biết, Sơn La và Điện Biên được chọn là các địa bàn triển khai thực hiện nông nghiệp sinh thái, Khởi đầu dự án chỉ có 4 thôn bản thí điểm, 4 thôn bản mở rộng, đến nay (năm 2024) đã có 42 thôn bản với 400 hộ nông dân tham gia mô hình cải tiến thức ăn chăn nuôi, thức ăn ủ chua và phân hữu cơ. Kỹ thuật ủ phân và ủ chua thức ăn đã được nghiên cứu, chuyển giao đầy đủ cho bà con. So với phương pháp truyền thống, ủ chua thức ăn là tiến bộ khoa học. Còn đối với ủ phân, hệ vi sinh vật trong men ủ được thực hiện theo kỹ thuật mới sẽ góp phần bảo vệ môi trường, sức khoẻ con người và phục hồi cho đất. Thông qua đó đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, giảm phát thải ra môi trường.

Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái và hệ thống thực phẩm an toàn (ASSET) do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Liên minh châu Âu (EU) tài trợ với tổng kinh phí 15 triệu Euro, được triển khai tại bốn nước: Cambodia, Laos, Myanmar và Việt Nam.

Trước những thách thức ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu, dự án ASSET đã và đang nỗ lực hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp sinh thái trong trồng trọt và chăn nuôi tại một số địa phương của 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên.

Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Phương, Đại học Tây Bắc, điều phối viên dự án ASSET tại tỉnh Sơn La, dẫn từ báo cáo của HLPE (FAO) năm 2019, nông nghiệp sinh thái không chỉ là một phương pháp sản xuất mà còn là một triết lý phát triển bền vững, tập trung vào việc kết nối chặt chẽ giữa đất đai, môi trường, và con người. 13 nguyên tắc được đề xuất trong báo cáo là kim chỉ nam cho những người làm nông nghiệp hướng đến sự cân bằng và bền vững.

Cụ thể: Tận dụng các nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; cải thiện khả năng tự cung cấp của hệ thống nông nghiệp; phục hồi dinh dưỡng trong đất; đối xử công bằng với vật nuôi; duy trì và phục hồi đa dạng sinh học; cộng sinh, hội sinh và hợp sinh giữa các cây trồng; đa dạng hóa nguồn thu nhập từ nông nghiệp; sáng tao kiến thức mới dựa trên kinh nghiệm và thực tế sản xuất của nông dân; tôn trọng truyền thống ẩm thực và văn hóa bản địa; lợi nhuận phân chia phù hợp; hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị; phát huy vai trò của người dân trong quản lý tài nguyên; phát triển có sự tham gia.

Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc

Chia sẻ về những nguyên tắc này, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Phương đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải tôn trọng các giá trị văn hoá bản địa. "Dự án không chỉ mang đến các giải pháp kỹ thuật mà còn tôn trọng tri thức bản địa của người dân. Việc kết hợp giữa kiến thức hiện đại và truyền thống đã tạo nên sự đồng thuận và nhiệt tình tham gia của cộng đồng. Những nỗ lực này đang góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững và thịnh vượng cho vùng Tây Bắc, đồng thời bảo vệ môi trường và duy trì các giá trị văn hóa truyền thống”.

Lấy ví dụ từ Bản Nam, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Phương cho hay, do đặc điểm của cây cà phê là cần cây che bóng để hạn chế sương muối, theo các nghiên cứu thì cây đậu chiều là cây che bóng phù hợp nhất nhưng khi thảo luận, người dân nói rằng không muốn do cây đậu chiều sẽ không mang lại thêm thu nhập.

“Dựa trên đề xuất của người dân thì chúng tôi tìm hiểu cây trám, vừa làm được che bóng và quả trám có nguồn lợi lớn, gắn bó với đồng bào người Thái nơi đây. Nên khi áp dụng vào ai cũng hào hứng, hy vọng rằng chỉ 3-4 năm nữa thôi, cây trám sẽ tiếp tục mang đến thu nhập cho người dân”, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Phương nói.

Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc

Bên cạnh đó, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Phương cũng cho rằng, nông nghiệp sinh thái mang cũng lại “lợi ích kép” cho nông dân. Đây không chỉ là một phương thức canh tác nhằm bảo vệ môi trường, mà còn là một chiến lược giúp nông dân nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống; vừa mang đến giá trị kinh tế và bao hàm các lợi ích về môi trường, xã hội và lâu dài đối với sự bền vững của hệ sinh thái. Nông dân có thể giảm chi phí sản xuất nhờ sử dụng tài nguyên địa phương, tận dụng "phế phụ phẩm" nông nghiệp, và áp dụng các kỹ thuật canh tác tiết kiệm. Đồng thời, họ gia tăng thu nhập thông qua các mô hình đa canh, xen canh hoặc các sản phẩm nông sản chất lượng cao, như cà phê hữu cơ hay hạt mắc ca.

Ngoài ra, người nông dân có thể xây dựng mối quan hệ cộng đồng bền vững hơn khi áp dụng các mô hình hợp tác xã hoặc cùng nhau phát triển các sản phẩm nông sản địa phương. Các mô hình này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho từng hộ gia đình mà còn nâng cao đời sống cho cả cộng đồng.

Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc

----------------------------

Nội dung: Phương Ngân - Thiết kế: P.Thắng