Bộ Tư pháp và Giáo hội Phật giáo Việt Nam góp ý kiến
Cần làm rõ hơn quản lý, thu chi tiền công đức Xung quanh dự thảo đề xuất quản lý thu, chi tiền công đức Bắt giữ 3 đối tượng chuyên trộm cắp tiền công đức |
Như Lao động Thủ đô đã thông tin, ngày 28/4/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 4269/BTC-HCSN về việc lấy ý kiến tham gia đóng góp của các Bộ, ngành Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào Dự thảo Thông tư (lần 2).
Trước đó, ngày 12/11/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Tài chính khẩn trương ban hành Thông tư theo đúng nhiệm vụ được giao tại Điều 19 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, đảm bảo minh bạch, phù hợp với chủ trương tôn trọng tự do tôn giáo, tín ngưỡng.
(Ảnh minh họa: Đền Ngọc Sơn - một trong những di tích Quốc gia đặc biệt) |
Nguyên tắc quyên, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức không thuộc thẩm quyền của Thông tư
Bộ Tư pháp cho rằng, việc ban hành Thông tư là cần thiết. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại tình hình quản lý thu, chi tài chính cho công tác lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trong 3 năm qua kể từ khi Nghị định 110/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến nay để làm cơ sở xây dựng Thông tư cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính cần rà soát tổng thể Dự thảo Thông tư với Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; Nghị định 110/2016/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đảm bảo tính hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, khả thi của Thông tư.
Bộ Tư pháp đề nghị bỏ Điều 2 Dự thảo Thông tư về nguyên tắc quyên, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ vì các nội dung cụ thể quy định tại Điều này không thuộc thẩm quyền của Thông tư.
Điều 5 Dự thảo Thông tư quy định về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội. Tuy nhiên, Dự thảo không quy định nguồn ngân sách nhà nước mà hoàn toàn là nguồn tài trợ, công đức nên việc can thiệp, “đóng khung” các nội dung chi như Điều 5 Dự thảo Thông tư cần cân nhắc kỹ. Trường hợp cần thiết, có thể bổ sung quy định mang tính mở.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu quy định rõ cơ chế cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, cơ sở quản lý di tích báo cáo, cung cấp thông tin về thu chi tài chính tại khoản 3 Điều 6 Dự thảo Thông tư vì quy định hiện nay tại Dự thảo Thông tư có thể bị lạm dụng, buộc báo cáo, cung cấp thông tin nhiều lần.
Theo Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản cần tuân thủ khoản 2 Điều 101 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, “trong quá trình soạn thảo Thông tư, Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản”. Đối với Thông tư có quy định liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thì Bộ trưởng thành lập hội đồng tư vấn thẩm định có sự tham gia của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học.
Quy định của Dự thảo Thông tư về quản lý thu chi tiền công đức có nhiều hạn chế, bất cập
Nhận thấy Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Dự thảo Thông tư nên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã gửi Văn bản góp ý Dự thảo Thông tư.
Văn bản này do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký ban hành.
Tại Văn bản góp ý, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, Dự thảo Thông tư về quản lý thu chi “tiền công đức” có nhiều hạn chế, bất cập. Dự thảo Thông tư sử dụng thuật ngữ “tiền công đức” trong khi thuật ngữ này chưa được định nghĩa, giải thích nội hàm trong chính Dự thảo Thông tư cũng như trong bất kì văn bản pháp luật nào của Nhà nước. Còn trong truyền thống văn hóa dân tộc, lịch sử và thực tiễn, thuật ngữ “tiền công đức” chỉ được sử dụng trong Phật giáo và một số tôn giáo, tín ngưỡng, mà không được sử dụng trong tất cả các tôn giáo tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hoạt động thu chi của các tôn giáo khác đối với “tiền lễ”, “tiền khấn”, “tiền dâng”... là những loại tiền cùng bản chất pháp lý với “tiền công đức” lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư. Việc Dự thảo Thông tư chỉ nhằm quản lý “tiền công đức” của Phật giáo và một số tôn giáo, tín ngưỡng là không bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật.
Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, “tiền công đức” là tiền do cá nhân, tổ chức cúng dường (tặng cho) tổ chức, cơ sở tôn giáo và nhà tu hành của Giáo hội để hoạt động tôn giáo, xây dựng cơ sở vật chất và nuôi dưỡng, bảo đảm sinh hoạt cho nhà tu hành. Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quyền được nhận “tiền công đức” là tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện cúng dường (tặng cho).
Các quy định của Dự thảo Thông tư rất mập mờ, đánh đồng giữa hai loại tiền có tính chất tâm linh (tiền công đức) và tính chất thế tục (tiền tài trợ), dẫn đến hậu quả khi Thông tư có hiệu lực pháp luật thì toàn bộ “tiền công đức” cho cơ sở tôn giáo đồng thời là di tích và toàn bộ “tiền công đức” cho cơ sở tôn giáo có hoạt động lễ hội đều do Nhà nước trực tiếp quản lý và định đoạt.
Vì vậy, Bộ Tài chính cần phân định rõ ràng, minh bạch “tiền công đức cho cơ sở tôn giáo, nhà tu hành” hoàn toàn khác với “tiền tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội”.
Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính hoàn thiện Dự thảo Thông tư theo hướng: “Hủy bỏ toàn bộ các quy định về quản lý thu chi “tiền công đức” hoặc bổ sung quy phạm định nghĩa “tiền công đức” và xác định rõ: Nhà nước không quản lý thu chi “tiền công đức” được cúng dường (tặng cho) tổ chức, cơ sở tôn giáo, nhà tu hành.
Đồng thời, đề nghị Bộ Tài Chính lấy ý kiến tất cả các tổ chức tôn giáo là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Thông tư theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Ngoài việc không tán thành quy định về quản lý thu chi tiền công đức thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam tán thành việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động thu chi “tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội” của Dự thảo Thông tư. Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích các nhà tu hành là thành viên Giáo hội và tín đồ Phật tử tự nguyện phát tâm, tài trợ kinh phí cho việc tổ chức lễ hội phù hợp với giáo lý Phật giáo, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị của di tích theo quy định của pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Liên thông kết quả khám để phục vụ người bệnh tốt hơn
Giúp người thu nhập thấp tiếp cận tài chính số
Phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn khối Giáo dục
Cần quyết liệt xử lý nạn “quái xế”
Bông mua tím
Sức khỏe người lao động là “vốn quý” của doanh nghiệp
Giữ gìn giá trị truyền thống từ phong trào xây dựng gia đình văn hóa
Tin khác
Bông mua tím
Văn hóa 05/11/2024 09:09
Giữ gìn giá trị truyền thống từ phong trào xây dựng gia đình văn hóa
Văn hóa 05/11/2024 09:05
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Văn hóa 04/11/2024 22:00
Xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài: Chỉ xây khi dự kiến thu đủ bù chi
Văn hóa 02/11/2024 20:28
Tạp chí điện tử Tiếp thị và Gia đình ra mắt bộ nhận diện mới
Văn hóa 02/11/2024 13:05
Sôi nổi Liên hoan nghệ thuật quần chúng "Hà Nội - Niềm tin và hy vọng" năm 2024
Văn hóa 01/11/2024 22:18
"Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi": Áng văn đẹp đẽ về tình yêu và nhân sinh giữa đại dịch
Văn hóa 31/10/2024 15:07
Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024: Hành trình kết nối "Dòng chảy di sản"
Văn hóa 30/10/2024 22:35
NSND Xuân Bắc được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn
Văn hóa 30/10/2024 19:46
Ấn tượng Chung kết cuộc thi nhảy hiện đại “Nhịp sống trẻ” Hà Nội năm 2024
Văn hóa 28/10/2024 20:38