Bệnh đường hô hấp gia tăng khi giao mùa
Bệnh lao ở trẻ em: Dễ nhầm lẫn với bệnh hô hấp Bí quyết tránh đau mỏi khi giao mùa Đề phòng bệnh hô hấp trong thời tiết sương mù dày đặc |
Gia tăng bệnh nhân nhập viện
Hiện Hà Nội và một số tỉnh ở miền Bắc đang bước vào những ngày mưa phùn, nồm ẩm. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, gây nhiều bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe. Thực tế tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội như: Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Da liễu Trung ương… có xu hướng gia tăng bệnh nhân, nhất là nhóm bệnh liên quan đến hệ hô hấp, bệnh da liễu.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thăm khám cho bệnh nhân. |
Chia sẻ với phóng viên, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông Phạm Chiến Thắng cho biết, gần đây, thời tiết thay đổi liên tục, nóng ẩm khiến lượng bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp tăng cao. Cụ thể, 1 - 2 tuần trở lại đây, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện tăng 20 - 30% so với ngày thường. Chủ yếu là các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, bệnh phổi mãn tính, hen phế quản, giãn phế quản…
Đơn cử như trường hợp nam bệnh nhân N.X.H (ở Hà Nội) phải vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thăm khám vì bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trở nặng. Theo ông H, bản thân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính từ năm 2007, nên mỗi khi thời tiết thay đổi, ông đều bị khó thở, người nóng ran rất khó chịu. Đợt này giao mùa, nồm ẩm, các triệu chứng trên của ông càng trầm trọng hơn. Vì vậy, ông H được người nhà đưa đi khám, dự phòng bệnh có nguy cơ trở nặng thêm.
Bên cạnh người cao tuổi, trẻ nhỏ cũng là đối tượng dễ mắc bệnh trong điều kiện thời tiết thay đổi nóng ẩm như hiện nay. Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, đơn vị này cũng tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện mắc các bệnh lý do thời tiết nồm ẩm gây ra như viêm mũi dị ứng, sốt phát ban, viêm đường hô hấp do vi rút…
Theo bác sĩ Thắng, với tình trạng bệnh nhân tăng, Bệnh viện đã tổ chức khám, sàng lọc. Với những trường hợp nặng sẽ buộc phải nhập viện điều trị, còn những trường hợp nhẹ, không cần thiết phải nhập viện thì sẽ được bác sĩ hướng dẫn theo dõi, điều trị tại nhà, tránh tình trạng quá tải, lây nhiễm chéo trong thời điểm nền nhiệt ẩm như hiện nay.
Tương tự, theo thống kê tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trung bình mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận và khám cho khoảng 2.000 bệnh nhân. Đáng lưu ý, trong những ngày này, số bệnh nhi đến khám tăng cao, khoảng 150 ca/ngày, trong đó có 30 ca nhập viện. Hầu hết bệnh nhi đến khám và nhập viện đều liên quan đến bệnh về đường hô hấp.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Chia sẻ với phóng viên về nguyên nhân khiến các bệnh đường hô hấp gia tăng trong thời tiết nồm ẩm, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Giang, Phó trưởng Khoa Hô hấp và Bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết: Nồm ẩm, độ ẩm tăng cao là điều kiện thuận lợi để vi rút, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng phát triển. Với những bệnh nhân bệnh phổi mãn tính với nền sức khỏe kém cộng với yếu tố môi trường như vậy, càng gia tăng nguy cơ bội nhiễm cũng như kích thích các đợt cấp bệnh phổi xuất hiện trở lại.
Đáng chú ý, cũng theo vị chuyên gia này, tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đang điều trị cho một số bệnh nhân có diễn biến phức tạp, diễn tiến bệnh nhanh, nặng hơn thời gian trước rất nhiều. Theo đó, buổi sáng bệnh nhân có thể bình thường, nhưng buổi chiều đã xuất hiện các cơn khó thở, nặng có thể suy hô hấp. Vì vậy, các bác sĩ luôn theo dõi sát sao bệnh nhân, tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn.
Đối với đối tượng là trẻ nhỏ mắc bệnh đường hô hấp, các chuyên gia lưu ý, cần phải theo dõi sát tình trạng của trẻ. Bởi nếu không điều trị sớm, viêm phổi tiến triển do vi rút có thể gây suy hô hấp rất nhanh. Bởi vậy để phòng bệnh trong mùa nồm ẩm, cách tốt nhất là cần có giải pháp để giữ gìn vệ sinh môi trường sống và nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Nên duy trì chế độ sinh hoạt khoa học như ngủ đúng giờ và đủ giấc; chú ý tập thể dục hằng ngày để tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nâng cao đề kháng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
Đặc biệt đối với người già và trẻ nhỏ, cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, cân bằng và đầy đủ các dưỡng chất, vi chất, vitamin cần thiết. Ăn chín, uống sôi để tránh mắc các bệnh về đường tiêu hóa; hạn chế tối đa việc ăn đồ tái, sống. Đồng thời, khi ra khỏi nhà, nên đeo khẩu trang để phòng bệnh. Mặc đủ quần áo để thích ứng với thời tiết bên ngoài. Luôn mang theo ô hoặc áo mưa khi ra ngoài để cơ thể không bị dính nước mưa, dẫn đến nhiễm lạnh.
Ngoài ra, cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời tiết nồm ẩm; không ăn đồ ăn ôi thiu, mốc để tránh nhiễm khuẩn; giữ cho bát đũa sạch sẽ, không bị ẩm mốc. Nên sử dụng máy hút ẩm để tạo độ khô ráo hoặc bật điều hòa ở chế độ khô để giảm bớt độ ẩm, duy trì độ ẩm không khí ở mức 40 - 60% là tốt nhất. Quần áo cần được sấy thật khô để tránh tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển. Mặt khác, sàn nhà, cửa kính là những nơi dễ đọng nước, gây ẩm ướt và trơn trượt, dễ gặp nguy hiểm khi di chuyển nên cần được lau thường xuyên bằng khăn khô. Hạn chế mở cửa để không khí ẩm nồm có thể vào nhà.
Ngoài các bệnh liên quan tới đường hô hấp, một số bệnh viện trên địa bàn Thành phố cũng ghi nhận xu hướng gia tăng bệnh nhân nấm da, viêm da dị ứng, mề đay… do thời tiết nồm ẩm. Điển hình, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương đã ghi nhận nhiều bệnh nhân nấm da, hay còn gọi là hắc lào, lang ben tăng lên. Bên cạnh đó, còn các mặt bệnh liên quan đến dị ứng, viêm da dị ứng do phấn hoa, kích ứng do côn trùng… cũng tăng lên theo thời tiết nồm ẩm. Ước lượng số bệnh nhân đến viện do những bệnh lý này tăng gấp rưỡi đến gấp đôi so với thông thường. |
Minh Khuê
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/11: Trời nhiều mây, trưa chiều giảm mây trời nắng
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Tin khác
Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng
Y tế 22/11/2024 15:22
Nam bệnh nhân mất 1/2 lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
Y tế 22/11/2024 06:03
Thêm giải pháp nâng cao sức khỏe các nhóm yếu thế tại Việt Nam
Y tế 21/11/2024 14:15
Báo động xu hướng trẻ hóa đối tượng nhiễm HIV
Y tế 21/11/2024 07:03
“Chúng tôi đánh giá cao tinh thần học hỏi của đội ngũ FPT Long Châu!”
Y tế 20/11/2024 22:40
Chiến lược đào tạo giúp đội ngũ Long Châu tự tin chăm sóc sức khỏe hơn 20 triệu khách hàng
Y tế 20/11/2024 22:39
Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời các vấn đề liên quan đến thính giác ở trẻ em
Xã hội 20/11/2024 15:57
Mỗi ngày phát hiện 70 ca mắc bệnh sởi tại Đồng Nai
Y tế 19/11/2024 21:56
Hạnh phúc "nảy mầm" sau 7 năm hiếm muộn
Y tế 19/11/2024 15:10
Gia tăng tình trạng lây nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới
Y tế 18/11/2024 21:00