“Bài toán” chưa có lời giải?
Di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư và cơ hội mở rộng không gian công cộng | |
Quận Long Biên đề xuất di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm | |
Lao động nghỉ hưu kiến nghị về chính sách hỗ trợ di dời |
Hà Nội cần thêm không gian công cộng, không gian xanh, không gian vui chơi giải trí trong các đô thị. |
“Nút thắt” trong việc di dời
Trên địa bàn Hà Nội hiện còn khá nhiều nhà máy công nghiệp trong các khu dân cư, gây sức ép lớn đến môi trường sống, trong khi không gian công cộng lại đang rất thiếu. Nhiều ý kiến cho rằng, việc di dời nhà máy khỏi nội đô sẽ ì ạch, chậm tiến độ đề ra nếu không có các giải pháp thúc đẩy. Nói cách khác, để doanh nghiệp tự giác bàn giao lại mặt bằng là rất khó khăn vì vậy thành phố cần xây dựng hành lang pháp lý quy định rõ ràng việc doanh nghiệp phải di dời khi đã được bố trí quỹ đất và nhận sự hỗ trợ dịch chuyển.
Thời gian qua, thành phố xảy ra không ít sự cố cháy nổ nghiêm trọng tại các nhà máy trong khu dân cư. Từ vụ cháy xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông tháng 8/2019 đến vụ cháy nhà máy hóa chất tại Cảng Đức Giang (quận Long Biên) cuối tháng 6/2020 một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe con người và môi trường của những nhà máy sản xuất có sử dụng hóa chất đang tồn tại trong khu dân cư Thủ đô.
Khảo sát của Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) được triển khai trong thời gian 2 tháng (từ tháng 5-6/2020) ở các quận nội thành Hà Nội cho thấy có tới gần 60% ý kiến người dân cho rằng không gian sống của họ đang bị ảnh hưởng bởi hoạt động của nhà máy, trong đó mức độ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí độc hại chiếm 80,52%. Cũng theo khảo sát thực địa của PPWG tại 39 nhà máy thuộc diện di dời nằm trong danh sách kèm theo công văn số QHKT/8/2011 của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội ở 2 quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân cho thấy, hiện mới có 21 trong số 39 nhà máy đã di dời và chuyển đổi mục đích sử dụng.
Cần phải khẳng định, Hà Nội đã có đầy đủ đồng bộ từ cơ chế chính sách đến hệ thống khung để thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô. Để việc di dời các nhà máy được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thành phố Hà Nội đã thực hiện quy hoạch nhiều khu cụm công nghiệp tại các quận ngoại thành. Cụ thể, phía Bắc quy hoạch khoảng 3.200 ha để phát triển công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí. Phía Tây quy hoạch 1.800 ha ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sinh học, cơ khí chính xác, công nghệ vật liệu mới. Tại các thị trấn trên địa bàn, quy hoạch khoảng 1.400 đến 1.500 ha để ưu tiên phát triển công nghiệp sinh thái, chế biến nông sản thực phẩm chất lượng cao….
Quy hoạch đã rõ, chủ trương di dời đã có. Tuy nhiên, để doanh nghiệp tự giác bàn giao lại mặt bằng là vấn đề khó khăn. Nhiều doanh nghiệp nằm trong diện di dời song cũng không biết chính xác đến thời điểm nào khu đất của mình sẽ bị thu hồi, trong khi muốn chuyển đi nơi mới lại thiếu nguồn lực. Ngoài ra, những khó khăn tạo nên “nút thắt” cho câu chuyện còn nằm ở chỗ nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa có phương án xã hội hóa, chưa xây dựng cơ chế chính sách về tài chính phù hợp để khuyến khích, khai thác quỹ đất sau di dời có hiệu quả.
Phải tính đến lợi ích lâu dài
Thực tế, sau khi được mở rộng từ năm 2008 diện mạo chung của Hà Nội đã có nhiều thay đổi và hiện đại hơn. Tuy nhiên, theo Kiến trúc sư Đinh Đăng Hải (Chuyên gia dự án thành phố Sống Tốt, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam) hiện nay, diện tích không gian công cộng ở Hà Nội rất hạn chế. Theo tính toán, trung bình người dân Hà Nội chỉ có 3m2 diện tích không gian công cộng/người, thậm chí người dân sinh sống ở quận Hoàn Kiếm chỉ có 30cm2/người. “Hà Nội còn một khoảng cách rất xa mới đạt chuẩn về không gian công cộng so với các thành phố trên thế giới” - Kiến trúc sư Đinh Đăng Hải bày tỏ quan điểm.
Vụ cháy xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông hồi tháng 8/2019 gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe con người và môi trường của những nhà máy sản xuất tại nội đô. |
Có chung góc nhìn trên, Phó Giáo sư Tiến sỹ Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng, thiết kế đô thị là lĩnh vực chủ yếu tập trung vào chất lượng môi trường không gian đô thị, phục vụ con người. Vì thế, không gian công cộng phải có khả năng tiếp cận dễ dàng, phục vụ cho đời sống của con người. Thế nhưng, khi so sánh về không gian xanh của Hà Nội với các thành phố trên thế giới hoặc tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị thì đều thấp hơn khá nhiều.
Vì thế, để tăng quỹ không gian đô thị xanh, đối với công viên, mặt nước, cây xanh sẵn có, Hà Nội cần phát huy tối đa, nâng cao khả năng phục vụ, lồng ghép các mục tiêu vào đó. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần sử dụng quỹ đất chuyển đổi từ những khu đất không sử dụng; ưu tiên cho cây xanh, mặt nước và không gian công cộng để nâng cao chất lượng cuộc sống về mặt thể chất cũng như tinh thần của cộng đồng.
Trở lại câu chuyện di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội đô, khảo sát thực địa của PPWG tại 39 nhà máy thuộc diện di dời nằm trong danh sách kèm theo công văn số QHKT/8/2011 của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội ở hai quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân cho thấy, trong số 21 nhà máy đã di dời khỏi khu vực nội thành Hà Nội có 19 nhà máy được chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây chung cư hoặc biệt thự liền kề.
Chỉ có 2 nhà máy được thay thế bằng mục đích sử dụng khác như đường trên cao và đại học tư nhân. Điều này đặt ra vấn đề cần thêm những giải pháp cân bằng và phù hợp cho việc sử dụng không gian sau khi di chuyển nhà máy. Nói cách khác, việc sử dụng đất đai được thu hồi sau khi di dời các nhà máy vào mục đích phát triển không gian công cộng cho người dân còn rất hạn chế, đồng thời chưa phù hợp với chủ trương chung đó là ưu tiên sử dụng quỹ đất tại một số khu vực nội thành Hà Nội sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị, không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành...
Bày tỏ quan điểm về khía cạnh này, Kiến trúc sư Đinh Đăng Hải cho rằng sở dĩ có tình trạng một số nhà máy bị chuyển đổi mục đích sử dụng không đúng như chủ trương ban đầu là nằm ở khâu giám sát chính sách. Không riêng Hà Nội, nhiều thành phố lớn trên thế giới đã sử dụng phương pháp tạo quỹ đất để phát triển khi di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành.
Để tăng quỹ không gian xanh tại Hà Nội, Phó Giáo sư Tiến sỹ Phạm Thúy Loan cho rằng, cần phát huy tối đa, nâng cao khả năng phục vụ, lồng ghép các mục tiêu vào không gian công cộng sẵn có. Bên cạnh đó, cần tận dụng quỹ đất chuyển đổi từ những khu đất không sử dụng nữa, đặc biệt là nhà máy đã được di dời để ưu tiên cho cây xanh, mặt nước và không gian công cộng.
Điều này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống về mặt thể chất cũng như tinh thần. “Đây là vấn đề liên quan đến quy chuẩn phát triển đô thị. Hiện nay quy hoạch không gian công cộng của Hà Nội chưa đạt chuẩn. Nhà nước, chính quyền phải có trách nhiệm đảm bảo chuẩn đó. Và nếu phát triển hơn có thể nâng chuẩn đó lên” - bà Loan chia sẻ./.
Ý KIẾN CHUYÊN GIA Di dời nhà máy phải đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả nơi đi và nơi đến Vốn dĩ các vùng ven đô, nông thôn rất thông thoáng, không khí trong lành. Các dòng sông quê trước đây người dân có thể thoải mái bơi lội, nhưng hiện tại đã có những dòng sông biến thành dòng sông chết vì ô nhiễm, xả thải. Như vậy, vấn đề di dời các nhà máy khỏi các khu vực dân cư trong nội đô để đưa về những vùng nông thôn vốn đang trong lành, thì khi nông thôn “tắc” chúng ta lại đưa các nhà máy đến đâu? Khi chuyển một nhà máy ở Hà Nội về một địa phương, phải có điều tra về dân cư địa phương. Theo đó, bao nhiêu người có thể tham gia chuỗi lao động, sản xuất của nhà máy đó? Bao nhiêu người sẽ hưởng lợi ích và bao nhiêu người chịu thua thiệt và được đền bù thế nào?... Nếu không giải quyết được đồng bộ, toàn diện vấn đề thì sẽ chỉ đạt được cái lợi ở nơi đi mà bỏ quên vấn đề ở nơi đến. Đây là vấn đề nếu không tháo gỡ thì các nhà máy đẩy về nông thôn, nông thôn lại tắc vậy lại đẩy về vùng nông thôn hẻo lánh hơn? Bài toán như vậy sẽ luẩn quẩn không lời giải. (Ông Lê Thanh Ý, Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam) Quan tâm đến câu chuyện hậu di dời các nhà máy Những nhà máy trong nội đô thường kèm các hệ lụy như gây tiếng ồn, xả hóa chất độc hại… đây là nguyên nhân cần phải sớm di dời. Khi đưa ra mục tiêu di dời các nhà máy ra khỏi đô thị các cơ quan chức năng đã định hướng và nhận thức rõ nét rằng chúng ta đang thiếu vườn hoa, thiếu công viên, thiếu sân chơi… nói cách khác, việc nhận thức thiếu không gian công cộng đã rõ. Tuy nhiên, cũng cần phải quan tâm đến câu chuyện lợi ích công sau khi di dời nhà máy. Có những Nhà máy sau di dời đã được xây dựng thành các Khu đô thị. Tôi là thế hệ biết rằng cha mẹ đã bỏ tiền ra mua công trái để xây dựng những công trình nhà máy công đó. Thế nhưng, sau khi di dời, diện tích đất công đó lại biến thành tư. Lợi ích công những thế hệ sau không được hưởng. Không gian công cộng đang thiếu song thay vì bù đắp chúng ta lại đang khiến thiếu hụt nhiều hơn, và vấn đề này cần phải được thẳng thắn nhìn nhận. (Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội) Cần chế tài mạnh Chủ trương của Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, thuộc chiến lược quy hoạch quốc gia, phù hợp với Luật Thủ đô. Tuy nhiên, tiến độ bàn giao - tiếp nhận ì ạch, chậm chạp là một sự lãng phí nguồn lực và bỏ lỡ cơ hội phát triển của Hà Nội, lãng phí tài sản Nhà nước. Vì vậy, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các chủ thể có liên quan. Theo tôi, để khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc di dời nhà máy, cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô cần phải có chế tài. Phải có một thời hạn nhất định để di dời, không di dời thì phải chịu chế tài, có thể dừng sản xuất. (Ông Nguyễn Ngọc Sinh - Chuyên viên tư vấn luật, Công ty Cổ phần Tư vấn DLS Việt Nam) Đinh Luyện lược ghi |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 21/12: Ngày nắng nhẹ, nhiệt độ thấp nhất 12 độ C
Môi trường 21/12/2024 08:41
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 19/12: Ngày nắng, nhiệt độ thấp nhất từ 13 độ C
Môi trường 19/12/2024 06:19
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 18/12: Sáng sớm trời lạnh, trưa chiều hửng nắng
Môi trường 18/12/2024 06:55
Để Thủ đô xanh bền vững
Môi trường 17/12/2024 08:08
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 17/12: Sáng sớm trời rét, ngày nắng
Môi trường 17/12/2024 06:25
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 16/12: Trời tiếp tục rét
Môi trường 16/12/2024 06:34
TP.HCM: Vớt và thu gom rác trên 18 tuyến sông, kênh, rạch
Môi trường 15/12/2024 18:17
Điểm sáng mô hình "Công viên hóa nghĩa trang"
Môi trường 15/12/2024 16:38
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 15/12: Rét đậm, nhiệt độ thấp nhất 13 độ C
Môi trường 15/12/2024 06:10
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 14/12: Trời rét, mưa nhỏ vài nơi
Môi trường 14/12/2024 06:01